HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh

Đăng lúc: 16:29:07 11/11/2014 (GMT+7)862 lượt xem

Vận dụng sáng tạo và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng.

 PGS.TS Nguyễn Viết Thông

 

Sinh thời, mỗi khi cách mạng chuyển giai đoạn, bắt đầu triển khai thực hiện nhiệm vụ mới, Hồ Chí Minh bao giờ cũng chủ trương trước hết phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong điều kiện Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng phải tiến hành thường xuyên hơn. Hồ Chí Minh đã có một nhận định mang tính triết lý và thực tiễn sâu sắc, có giá trị phổ quát trong vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người quý mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (2).

Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng Đảng kiểu mới, ngay từ những năm tháng chuẩn bị các tiền đề, điều kiện về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy” (1).

Sinh thời, mỗi khi cách mạng chuyển giai đoạn, bắt đầu triển khai thực hiện nhiệm vụ mới, Hồ Chí Minh bao giờ cũng chủ trương trước hết phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong điều kiện Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng phải tiến hành thường xuyên hơn. Hồ Chí Minh đã có một nhận định mang tính triết lý và thực tiễn sâu sắc, có giá trị phổ quát trong vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người quý mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã tiên liệu những công việc phải làm sau khi chiến tranh kết thúc. Trong Di chúc để lại cho muôn đời sau, Người căn dặn: “Việc phải làm trước hết là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta nhất định thắng lợi” (3).

Vận dụng sáng tạo và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng. Trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Các kỳ đại hội Đảng, vấn đề xây dựng Đảng luôn là nội dung trọng tâm của các văn kiện. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa luôn coi trọng đến công tác xây dựng Đảng, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đã tổ chức nhiều cuộc vận động lớn, nổi bật là “Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,v.v..

Trải qua hơn 80 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, với bản lĩnh chính trị của một đảng cách mạng chân chính, dày dạn kinh nghiệm, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với Việt Nam” (4).

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Một là, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao

Năng lực lãnh đạo thể hiện ở việc hoạch định đường lối chính sách; năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện; tổng kết lý luận-thực tiễn, tạo thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng; lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Sức mạnh chiến đấu của Đảng được nâng cao thể hiện ở chỗ làm cho từng cán bộ, đảng viên, từng tổ chức và cấp ủy đảng phải có ý chí vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thường xuyên rèn luyện phẩm chất, đạo đức, không nể nang, né tránh “dĩ hòa vi quý”; kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái ở ngay trong bản thân mỗi đảng viên, ở trong tổ chức đảng, cơ quan, dũng cảm đấu tranh chống các tư tưởng, quan điểm và hành động sai trái, thù địch.

Hai là, phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn nhấn mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ tránh nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.

Ba là, vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố

Đảng Cộng sản Việt Nam đã nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra. Đường lối, chủ trương của Đảng xuất phát từ thực tế Việt Nam, tôn trọng quy luật khách quan. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng phòng và chống các nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên. Cho nên, mặc dù cách mạng Việt Nam luôn phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức, các thế lực thù địch thường xuyên chống phá điên cuồng, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đã vững vàng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đảng lãnh đạo bằng năng lực, trí tuệ và đạo đức chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính. Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định trong thực tế. Nhân dân Việt Nam tin tưởng ở Đảng, thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, yêu mến Đảng, gọi Đảng là “Đảng ta”.

Bốn là, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đảng đã có bước trưởng thành, tiến bộ về nhiều mặt

Nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ được thể chế hóa thành các quy chế, quy định. Đã triển khai đồng bộ các khâu: quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ có những chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ được bổ sung về số lượng, chú trọng nâng cao chất lượng. Trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực lãnh đạo, tổ chức, điều hành công việc… ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng.

Năm là, đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng

Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng việc đổi mới, tăng cường công tác quản lý, phát triển đảng viên, bảo đảm chất lượng đảng viên theo yêu cầu của Điều lệ Đảng. Xây dựng các tiêu chí, yêu cầu về tư tưởng chính trị, trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng mới; phát huy tính tiên phong gương mẫu, chủ động, sáng tạo của đội ngũ đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thành tựu của hơn 25 năm đổi mới là thành quả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ: “Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ” (5). Nổi lên là ba hạn chế, yếu kém sau:

Một là, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện ở chỗ: phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, dao động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức sai, quan điểm lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng.

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi, háo danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc…

Trong những biểu hiện đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đang đương chức, hoặc thôi chức.

Hai là, đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản.

Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp Trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.

Ba là, nguyên tắc và phương thức lãnh đạo của Đảng chậm được cụ thể hóa, chưa phát huy được sức mạnh và hiệu quả trong thực tế.

Tình trạng không rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Từ những thành tựu, hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra kinh nghiệm phải “đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thật sự phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, có sức chiến đấu cao, thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ; phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân” (6).

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ cần tiếp tục thực hiện tốt tám nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra, coi đó là những nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, đồng thời tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách, đó là:

Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

Để thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách nêu trên, Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo triển khai sâu rộng trong toàn Đảng bốn nhóm giải pháp:

Thứ nhất, nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên. Đây được xem là nhóm giải pháp có ý nghĩa đột phá. Nhóm giải pháp này đề cao trách nhiệm và vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, của cấp trên, trước hết là tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cá nhân Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương Đảng.

Thứ hai, nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng. Cốt lõi của nhóm giải pháp này là đổi mới, hoàn thiện các quy định, quy trình về công tác cán bộ nhằm mục đích lựa chọn được những người thực sự có đức, có tài, nhất là xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược.

Thứ ba, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. Cốt lõi của nhóm giải pháp này là rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, công tác quản lý kinh tế, cải cách hành chính, cải cách tiền lương… để bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để phòng, chống tiêu cực, xây dựng, bảo vệ cán bộ.

Thứ tư, nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Cốt lõi của nhóm giải pháp này là bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, bản lĩnh, phẩm chất chính trị của cán bộ, đảng viên; đấu tranh làm thất bại âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Thực hiện tốt ba nhiệm vụ cấp bách nêu trên chắc chắn sẽ tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém, xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự là đạo đức, văn minh, đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, t.2, tr.67-68.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.557-558.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 503.

(4) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.CTQG, H, 2011, tr.63-64.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 BCHTW khóa XI, Nxb. CTQG, H, 2012, tr.21-22.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.181-182.

 

Tạp chí Tuyên giáo

Số lượt truy cập
Hôm nay:
2423
Hôm qua:
2230
Tuần này:
7281
Tháng này:
53655
Tất cả:
4.418.535