HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Cảm xúc qua chuyến đi nghiên cứu thực tế về Thạch Tượng

Đăng lúc: 13:39:39 19/05/2022 (GMT+7)1767 lượt xem

 Lê Thị Thanh
Học viên lớp TCLLCT A7 khoá 49
 
Chẳng phải ngẫu nhiên mà ông bà ta thường nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” hay “Đi nhiều, hiểu rộng”, bởi, những kiến thức, những giá trị trải nghiệm quý giá nhất trong cuộc đời không ở đâu xa, mà nằm ngay trong chính những chuyến hành trình đây đó của chúng ta.
Đối với tôi, một học viên của ngôi trường Đảng, chuyến đi nghiên cứu thực tế về xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành và khám phá vẻ đẹp của miền sơn cước xứ Thanh trong hai ngày vừa qua của lớp Trung cấp lý luận chính trị A7 khoá 49, mãi là những kỉ niệm đẹp, không thể nào quên. Đó là hình thức học tập thực sự bổ ích, giúp chúng tôi không chỉ hiểu rõ hơn về ngành nghề của mình mà còn trang bị thêm cho chúng tôi những kĩ năng về giao tiếp, về văn hoá ứng xử; đặc biệt, chúng tôi có cơ hội hiểu rõ hơn về các nghiệp vụ qua thực tế. Điều khiến tôi nhớ mãi về chuyến đi là hình ảnh đội ngũ chính quyền địa phương Thạch Tượng, những con người mến khách, chu đáo, nhiệt tình trong công tác. Chính những hình ảnh đẹp đẽ này đã lý giải cho chúng tôi vì sao mảnh đất này đã, đang vươn mình đổi thay để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
 
h1x.png
Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về Thạch Tượng, tôi suy tư nhận ra rằng, dù cùng chung một mảnh đất quê hương Thanh Hóa nhưng vùng đất này còn gặprất nhiều khó khăn. Với diện tích gần 4 nghìn ha nhưng Thạch Tượng chỉ có hơn 4 nghìn người sinh sống. Đất rộng, người thưa, hệ thống cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, xã Thạch Tượng cũng chỉ mới thoát khỏi vùng 135 vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, điều đó cũng không làm nhụt ý chí của tập thể lãnh đạo địa phương nơi đây. Tôi nhận ra, họ không chỉ rất dễ gần, thân thiện, hiếu khách và là những người cán bộ không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, mà các kĩ năng mềm cũng thể hiện rất tốt. Trên cơ sở nghe báo cáo tình hình chính trị kinh tế của địa phương trong những năm qua, tôi nhận thấy địa phương cũng đã không ngừng đổi mới sáng tạo trong việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh của địa phương. Bên cạnh đó, địa phương đặc biệt chú trọng đến thành phần kinh tế tư nhân, khuyến khích, tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển; đồng thời cũng đề xuất các phương án kêu gọi đầu tư vào xã để góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây và từ đó phát triển địa phương một cách toàn diện trên các mặt của đời sống xã hội.
Tôi hiểu rằng, nếu chỉ có kiến thức chuyên môn thôi vẫn chưa đủ để có thể tự tin làm việc ngoài xã hội, mà cần phải có thêm các kĩ năng mềm, kèm theo sự linh hoạt, năng động trong công việc cũng như trong cuộc sống vì đó là điều kiện thiết yếu giúp người cán bộ có thể thành công trong tương lai. Không những vậy, trong chuyến đi, mỗi học viên chúng tôi còn học tập được tinh thần không ngại khó, ngại khổ và tinh thần vượt khó trên mảnh đất Thạch Tượng. Bằng tất cả tấm lòng, tập thể lớp chúng tôi đã trao tặng địa phương xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành một bức tranh trống đồng mang bản sắc văn hóa Việt để làm kỷ niệm; đồng thời, với tinh thần tương thân tương ái, chúng tôi cũng đã trao tặng 8 suất quà hỗ trợ các tôi học sinh nghèo biết vượt khó trên địa bàn xã. Đáp lại ân tình của lớp, địa phương Thạch Tượng đã gửi trao cho tập thể lớp những tình cảm trân trọng hết sức cảm động.
h2.png
Thác Mây, Thạch Thành
 
Nhà thơ Chế Lan Viên từng nói “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Quả thật vậy, dù chỉ đến và làm việc trong thời gian một ngày tại xã Thạch Tượng, nhưng tình cảm chân thành và sự hiếu khách của lãnh đạo địa phương và con người nơi đây đã để lại trong tôi những cảm xúc khó tả; những cái bắt tay chào tạm biệt giữ lạimãitấmlòng ấm áp của chúng tôidành cho Thạch Tượng thân yêu.
Điều thú vị nữa trong chuyến đi nghiên cứu thực tế của lớp A7 là chúng tôi có cơ hội được hoà mình với thiên nhiên, với những cảnh đẹp của miền sơn cước xứ Thanh. Thác Mây ở xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành mà bấy lâu tôi được ngắm trên báo, ảnh hiện lên như một bức tranh sống động. Chúng tôi đến Pù Luông vào lúc chiều tà, khi sương khói mây mờ giăng trên đỉnh núi. Những con đường miền núi quanh co, uốn lượn, những ngọn núi chập trùng, những hàng cây xanh hai bên đường… tất cả tạo nên khung cảnh nên thơ mà lần đầu tôi được chiêm ngắm; phút chốc tôi tạm quên đi những ồn ào, lo toan của cuộc sống phố thị để đắm mình vào thiên nhiên tươi đẹp. Tôi liên tục thốt lên: Đất nước mình đẹp quá! Tình yêu với Tổ quốc, đất nước, non sông, gấm vóc Việt Nam, với xứ Thanh quê hương trở nên hết sức thiêng liêng trong lòng tôi. Chúng tôi hoà chung niềm vui khi bên nhau trong những tấm hình ghi lại những khoảnh khắc tươi đẹp được hoà mình với thiên nhiên yên bình. Chúng tôi như xích lại gần nhau hơn, như anh chị em ruột thịt khi được chia sẻ niềm vui, những trải nghiệm mới rất thực tế mà lại gần gũi với những bài học lý luận trên lớp. Quãng đường tuy khá xa, tiết trời oi nóng của ngày đầu Hạ cũng không thể lấy đi những tiếng cười giòn tan của chúng tôi, không thể ngăn cản sự náo nhiệt, vui nhộn của các trò chơi do chính các thành viên đoàn nghiên cứu thực tế tổ chức. Những lời ca, tiếng hát của chúng tôi như truyền thêm sức trẻ tới những nơi chúng tôi đến… Những trải nghiệm tuyệt vời cùng những người con thôn, bản với bản sắc văn hoá dân tộc đặc sắc đã trở thành những bài học thú vị, đáng quý đối với tôi. Tôi tự nhủ rằng, mình cần trân quý hơn cuộc sống này, cần nỗ lực học tập và làm việc để lập kế hoạch cá nhân thường xuyên khám phá những vùng đất mới, để có thêm những trải nghiệm thú vị, để tâm hồn mình được tươi trẻ, phong phú hơn.
h3.png
Pù- luông, Bá Thước
 
Vì cuộc đời là những chuyến đi”, chuyến đi nghiên cứu thực tế thực sự ý nghĩa đối với mỗi chúng tôi. Nhờ chương trình hấp dẫn thực hiện theo kế hoạch, nhờ sự hướng dẫn tận tình trong từng vấn đề nghiên cứu mà các thầy cô trao, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, việc “gắn lý luận với thực tiễn” là con đường đúng đắn, là phương châm mà chúng tôi phải luôn chủ động có ý thức thực hiện, để nắm vững hơn những bài học mà thầy cô truyền đạt trên lớp, từ đó vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác của mỗi cá nhân.
Qua chuyến đi, mỗi học viên lớp A7 có mong muốn được Nhà trường tạo thêm nhiều cơ hội để học viên được tiếp xúc nhiều hơn với thực tiễn, được đi nghiên cứu nhiều vấn đề mới, những vấn đề khó mà các địa phương, cơ sở đã làm được, qua đó được học hỏi, chia sẻ với nhau. Những kỉ niệm đẹp của chuyến đi này chúng tôi sẽ cất riêng vào một vị trí nhất định trong lòng, để mỗi khi nhớ lại, chúng tôi sẽ mỉm cười tự hào “mình cũng từng có một chuyến đi thực tế vui đến vậy”.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
223
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10401
Tháng này:
56775
Tất cả:
4.421.655