HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Góp phần tìm hiểu một số quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Đăng lúc: 09:00:41 28/11/2016 (GMT+7)1103 lượt xem

 
ThS. Phạm Thị Hoài Thu
Phó trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật
 
Trong những năm qua, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân được thực hiện theo Luật Tổ chức Quốc hội (năm 2001), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (năm 2003), Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (năm 2003), Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế Hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quy chế Hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Quy chế Hoạt động của Hội đồng nhân dân. Qua giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị cho hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và của địa phương, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử. Tuy nhiên, qua thực tiễn về việc thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các văn bản nêu trên đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần được bổ sung, hoàn thiện.
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đượcQuốc hội khóa XIII đã thông qua ngày 20/11/2015 bao gồm 05 chương và 91 điều.Với sự ra đời của Luật đã đảm bảo được sự thống nhất trong hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Trong bài viết này, chúng tôi xin trao đổi làm rõ một số điểm mới trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.
1. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân bổ sung các quy định tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội
 - Bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về hiệu quả hoạt động giám sát, đó là “giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước”. Đây là điều mới được bổ sung nhằm làm rõ tính chất giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Qua đó nhằm làm rõ mối liên hệ giữa hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; giữa Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc bảo đảm hiệu quả của hoạt động giám sát.
- Bổ sung quy định về chủ thể chịu sự giám sát của Quốc hội không chỉ bao gồm Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (như quy định về thẩm quyền giám sát của Quốc hội trong Luật Hoạt động giám sát Quốc hội 2003) mà bổ sung thêm thẩm quyền giám sát của Quốc hội đối với các hoạt động của Tổng kiểm toán Nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia.
- Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục để Quốc hội xem xét đối với kiến nghị giám sát của cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét đối với kiến nghị giám sát của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kiến nghị giám sát của các chủ thể này (Điều 20 và Điều 33). Đây là các quy định mới, tạo cơ chế để các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội được quyền đưa ra trình Quốc hội xem xét, quyết định đối với các vấn đề đã được các chủ thể này giám sát nhằm bảo đảm cho kiến nghị giám sát có tính hiệu quả và khả thi cao hơn trên thực tiễn.
- Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã quy định rõ thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện các yêu cầu, kiến nghị giám sát đối với từng hoạt động giám sát. Cụ thể là: thời hạn gửi và đăng tải văn bản trả lời chất vấn, gửi báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn (Điều 15); thời hạn xem xét, thực hiện kiến nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Điều 40)
2. Về hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã kế thừa các quy định còn hợp lý về giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, đồng thời bổ sung một số nội dung mới như sau:
- Bỏ quy định về chương trình giám sát hàng quý, chỉ quy định chương trình giám sát hằng năm.
- Bổ sung một số loại hoạt động giám sát gồm: xem xét báo cáo và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; giám sát việc bầu cử Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; xem xét kiến nghị giám sát của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định trình tự Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền xem xét việc trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (Điều 31, 33, 34).
- Bổ sung quy định về hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về việc thành lập Đoàn giám sát để giám sát chuyên đề, xác định rõ thành phần của Đoàn giám sát khi thực hiện giám sát chuyên đề, bổ sung quyền trưng cầu giám định về những vấn đề Đoàn giám sát thấy cần thiết.
 
 
3. Về hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội
Kế thừa các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: Bỏ quy định liên quan đến văn bản liên tịch vì Luật tổ chức Quốc hội mới không quy định về vấn đề này; thay hoạt động tổ chức đoàn giám sát bằng hoạt động giám sát chuyên đề cho thống nhất với các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bổ sung hình thức giám sát “kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm”, “tổ chức hoạt động giải trình”; Bổ sung thẩm quyền của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết về giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước (Điều 40).
4. Về hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội
 Luật bổ sung chủ thể chịu sự giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Tổng kiểm toán nhà nước cho phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014.
 Bổ sung quy định về việc giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và của đại biểu Quốc hội trong việc thi hành pháp luật ở địa phương để phù hợp với vị trí, tính chất giám sát của từng chủ thể. Cụ thể là:
- Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội. Căn cứ vào chương trình giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức Đoàn giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương.
- Đối với đại biểu Quốc hội: Căn cứ vào chương trình giám sát của mình, đại biểu Quốc hội tiến hành giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương. Đại biểu Quốc hội quyết định nội dung, kế hoạch giám sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội.
5. Về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân
Luật cơ bản giữ các quy định về chủ thể, phạm vi giám sát của Hội đồng nhân dân như quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; sửa đổi, bổ sung về hình thức giám sát, cụ thể hóa trình tự, thủ tục tiến hành giám sát. Cụ thể như sau:
- Đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Quy định về hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, việc tổ chức Đoàn giám sát để thực hiện giám sát chuyên đề (Điều 62). Ngoài ra quy định cụ thể và chi tiết hơn về các loại hình giám sát của Hội đồng nhân dân (báo cáo, chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm) cũng như quy định rõ hơn về trình tự, thủ tục giám sát.
- Đối với hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân.
Quy định rõ về các hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, trong đó có các hoạt động chưa được ghi nhận trong Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (năm 2003) như: xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân; giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri (các điều 60, 69 và 74);
Quy định việc thành lập Đoàn giám sát để thực hiện giám sát chuyên đề của Thường trực Hội đồng nhân dân, việc Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét báo cáo giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát (Điều 70-Điều 71); bổ sung quy định về trình tự Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét quyết định Uỷ ban nhân dân cùng cấp và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp (Điều 68).
6. Về hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân
Lần đầu tiên Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định về hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân. Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 không có mục riêng quy định về hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân mà lồng ghép nội dung này trong các quy định về quyền và trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã bổ sung một mục quy định các hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân, trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động giám sát cụ thể như chất vấn, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc thi hành pháp luật tại địa phương, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; đồng thời, quy định về việc Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc thi hành pháp luật trên địa bàn đại biểu ứng cử (các điều từ Điều 83 đến Điều 87).
Xuất phát từ vai trò quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được ban hành nhằm tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm sự thống nhất, khoa học trong xác định đối tượng, phạm vi, thẩm quyền, trình tự giám sát của từng chủ thể giám sát; bảo đảm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát; phát huy vai trò của giám sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Trên đây là một số điểm mới trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Rất mong sự quan tâm, trao đổi của các đồng nghiệp.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1711
Hôm qua:
1983
Tuần này:
12024
Tháng này:
43670
Tất cả:
4.408.550