HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ THƯ VIỆN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Đăng lúc: 07:11:53 02/03/2016 (GMT+7)2932 lượt xem

 ThS. Tào Thị Thanh Mai
Phòng Nghiên cứu Khoa học - Thông tin - Tư liệu
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
 
Trong những năm qua, để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ mới, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Song song với việc xây dựng đội ngũ nhà giáo, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà trường cũng đã quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn hiện nay.
  Hiện nay, thư viện đang có một đội ngũ cán bộ trẻ (07 cán bộ, trong đó có 01 cán bộ quản lý trực tiếp; 06 cán bộ làm công tác phục vụ). Trình độ chuyên môn: 02 thạc sĩ, 04 đại học, 01 cao đẳng. Hàng năm, cán bộ thư viện được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng về thư viện, tham gia các chuyến tham quan thực tế để học hỏi nghiệp vụ và cách thức tổ chức hoạt động của các Trung tâm Thông tin - Thư viện lớn trong nước. Bên cạnh đó, cán bộ thư viện còn nhiệt tình tham gia viết bài đăng Website, Nội san của nhà trường; tích cực trong công việc chuyên môn như làm biên mục sách, viết thư mục, tổ chức giới thiệu sách đến từng lớp học bằng hình thức trực quan sinh động, tạo hiệu ứng tích cực với văn hóa đọc.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay, thì   đội ngũ cán bộ thư viện Trường Chính trị vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định như: thiếu tính chủ động trong công việc, chưa đạt hiệu quả cao trong các khâu chuyên môn nghiệp vụ, nhất là khâu phục vụ người dùng tin; trình độ ngoại ngữ của cán bộ chưa đáp ứng trong điều kiện hội nhập và phát triển với thế giới; một số cán bộ trình độ sử dụng máy tính còn hạn chế.
Những hạnchế như đã nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, song nguyên nhân chủ yếu và căn cốt vẫn là cán bộ thư viện làm việc còn theo kinh nghiệm, chậm đổi mới tư duy, cách làm.Ngoài ra, do cơ chế chính sách dành cho lĩnh vực thư viện nói chung và cán bộ thư viện nói riêng còn có những mặt hạn chế.
Để thực hiện tốt việc đáp ứng yêu cầu đào tạo bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đòi hỏi Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá tiếp tục coi trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, nâng cao tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ thư viện.
Lòng yêu nghề trong mỗi cán bộ thư viện là một nhân tố quan trọng tạo nên chất lượng hoạt động thông tin - thư viện. Giáo dục ý thức nghề, tình yêu nghề là việc làm quan trọng để phát huy tính chủ động sáng tạo của người làm công tác thư viện. Cán bộ thư viện Trường Chính trị phải luôn có ý thức trách nhiệm động viên, nuôi dưỡng thói quen và sự hứng thú đọc sách cho bạn đọc; có tinh thần cầu thị, sáng tạo, dám đổi mới vì sự phát triển của thư viện; tiêu biểu về trách nhiệm với công việc, về cách ứng xử, giao tiếp với bạn đọc thân thiện, niềm nở có văn hóa. Bên cạnh đó, từng cá nhân cán bộ thư viện phải nỗ lực không ngừng để cập nhật tri thức cho chính mình, để cải tiến chu trình, hình thức hoạt động của thư viện. Việc cập nhật tri thức này không chỉ dừng lại ở lĩnh vực khoa học thư viện mà còn là các kiến thức về phương pháp sư phạm, nội dung chương trình đào tạo của nhà trường. Việc học tại chỗ cũng cần được người cán bộ thư viện chú trọng, tức là học từ những người đi trước tại chỗ làm việc, kế thừa kiến thức và kỹ năng của những người đang làm một công việc cụ thể nào đó là cơ hội tốt để nâng cao năng lực làm việc.
          Thứ hai, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và tự đào tạo đội ngũ cán bộ thư viện.
 Tiếp tục cử cán bộ làm công tác thư viện đi tập huấn nghiệp vụ do Trường Đại học Văn hoá Hà Nội và Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức; tham gia các khoá đào tạo về xây dựng thư viện điện tử, thư viện số để học hỏi cách thức tổ chức hoạt động của thư viện hiện đại. Đặc biệt, cần tăng cường đào tạo nâng cao các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ thư viện trong quá trình phục vụ bạn đọc, bao gồm các kỹ năng:
- Kỹ năng tra cứu thông tin: Nguồn tài nguyên thông tin đa dạng, phong phú được cập nhật liên tục đòi hỏi cán bộ thư viện cần phải có kỹ năng tra cứu thông tin nhằm quản lý, khai thác, giới thiệu đến người dùng tin một cách kịp thời, hiệu quả nhất.
- Kỹ năng về công nghệ: Trong thời đại công nghệ số và Internet hiện nay cán bộ thư viện cần phải có kiến thức nhất định về công nghệ, sử dụng thành thạo các ứng dụng như Mail, Yahoo, Blog, Skype, Youtube, Facebook, web….để cập nhật thông tin nhanh chóng kịp thời, mặt khác giới thiệu quảng bá, giới thiệu nguồn tài nguyên thông tin đến bạn đọc một cách nhanh chóng và hiệu quả.
- Kỹ năng giao tiếp: Đây là kỹ năng quan trọng, tạo thuận lợi trong quá trình tiếp xúc giữa cán bộ với nhau, giữa cán bộ với người dùng tin. Kỹ năng này đặc biệt cần thiết cho những cán bộ trực tiếp làm việc, tiếp xúc với bạn đọc. Nó quyết định sự thành công, chất lượng trong công việc và là một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng của người dùng tin với cán bộ thư viện.
- Kỹ năng diễn thuyết, trình bày: Rèn luyện tốt kỹ năng diễn thuyết, trình bày sẽ góp phần hỗ cán bộ rất nhiều trong việc đào tạo người dùng tin, quảng bá hình ảnh thư viện Trường Chính trị Thanh Hoá tới hệ thống thư viện trường chính trị, cũng như các trung tâm thông tin - thư viện trong cả nước.
Thứ ba, thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ nhằm khuyến khích, động viên kịp thời đối với đội ngũ cán bộ thư viện nhà trường.
Đội ngũ cán bộ, giảng viên là then chốt, quyết định chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Vì thế, nhà trường rất chú trọng và phát huy các nguồn lực thực hiện phương châm 3 tốt: “Định hướng tốt, cơ chế tốt và môi trường tốt”. Chính vì vậy,  việc sử dụng chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ thư viện luôn được nhà trường quan tâm. Tuy nhiên, để tạo đòn bẩy thúc đẩy cán bộ thư viện gắn bó với công việc và gắn lợi ích của mình với hiệu quả của công việc mà mình thực hiện thì trong thời gian tới nhà trường cần có chính sách cụ thể như sau:
- Về công tác tuyển dụng: Tuyển dụng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để phát triển đội ngũ cán bộ thư viện. Hiện nay, hình thức thi tuyển là hình thức mà Trường Chính trị ưu tiên lựa chọn để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện. Cùng với hình thức tuyển dụng thì tiêu chí tuyển dụng cũng cần được quan tâm. Ngày nay, với sự phát triển của internet, thư viện chuyển từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, từ phục vụ kho đóng sang kho mở, từ phục vụ tại chỗ sang phục vụ từ xa, cho nên tiêu chí về người cán bộ thư viện có sự thay đổi, đó là không chỉ đơn thuần là người giỏi về chuyên môn, mà còn giỏi về ngoại ngữ, tin học. Việc tuyển dụng cán bộ thư viện cũng cần được tiến hành có quy trình hợp lý, bao gồm nhiều giai đoạn để xác định người lao động phù hợp với vị trí công tác. Tóm lại, để chất lượng tuyển dụng thực sự có chất lượng thì nhà trường cần phải có sự kết hợp giữa tiêu chí tuyển dụng và hình thức tuyển dụng.
- Chế độ đãi ngộ vật chất: Ngoài việc hưởng lương đúng với bằng cấp của họ theo quy định của Nhà nước, tất cả đội ngũ cán bộ thư viện cần được hưởng phụ cấp độc hại như cán bộ thư viện trong các loại hình thư viện khác. Tạo cơ hội cho cán bộ thư viện có thể tổ chức thêm các dịch vụ có thu như: Sao chụp tài liệu, phổ biến thông tin chọn lọc,...cho cán bộ, giảng viên và học viên trong Trường để tăng thêm thu nhập. Để phát huy tính tích cực của cán bộ thư viện cũng cần có chế độ khen thưởng thích hợp, động viên khích lệ thường xuyên và quan tâm đúng mức đến đội ngũ cán bộ thư viện.
- Có chính sách động viên tinh thần: nhà trường cần có các biện pháp phát huy những thế mạnh, những khả năng đặc biệt của cán bộ để phục vụ tốt cho công việc, quan tâm tới đời sống riêng tư của từng cán bộ để động viên tinh thần khiến họ yên tâm công tác.
Ngoài ra, nhà trường cần đánh giá đúng vị trí vai trò của thư viện để tạo điều kiện cho thư viện phát triển, để bố trí sắp xếp cán bộ thư viện cho phù hợp. Cần có sự đổi mới trong phương thức quản lý, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người lao động. Cần bố trí công việc cho cán bộ thư viện phù hợp với năng lực sở trường của họ. Nên có sự chuyên môn hoá trong công việc, hạn chế luân chuyển các vị trí để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Như vậy, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện trong giai đoạn hiện nay, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá phải thực hiện đồng bộ ba giải pháp nêu trên và coi công tác bồi dưỡng, đào tạo lại, đào tạo tiếp tục đội ngũ cán bộ thư viện là giải pháp then chốt. Với sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường, sự cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ thư viện, Trường Chính trị sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ thư viện có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn giỏi, tâm huyết với nghề, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ mới.
 
 
1. Đoàn Thị Thu (2014). Tăng cường kỹ năng thực hành trong đào tạo người làm thư viện để đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tạp chí Thư viện Việt Nam số 4(48) – 2014.
2. Trương Đại Lượng, Chu Vân Khánh (2010). Đào tạo cán bộ thư viện, thực trạng và giải pháp. Tạp chí Thư viện Việt Nam số 6(26) – 2010, tr.28-32.
3.Nguyễn Thị Hạnh (2011). Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thông tin - thư viện ở Việt Nam. Tạp chí Thư viện Việt Nam số 3(29) – 2011, tr.20-24.
4.Trần, Thị Quý (2008). Phát triển nguồn nhân lực thông tin thư viện của các trường Đại học ở Hà Nội, đáp ứng nhu cầu đổi mới đất nước. Báo cáo tại hội nghị các thư viện trường Đại học, Cao đẳng lần thứ nhất, ngày 09 tháng 10 năm 2008, tại Đà Nẵng.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1182
Hôm qua:
2230
Tuần này:
6040
Tháng này:
52414
Tất cả:
4.417.294