NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Nhất thể hoá chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn - Từ thực tiễn Đảng bộ xã Điền Hạ, huyện Bá Thước

Đăng lúc: 08:10:46 21/05/2022 (GMT+7)1720 lượt xem

  Bùi Thị Tuyến
Học viên lớp TCLLCT A4, khóa 49
 
Bá Thước là một huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 120 km về phía Bắc Tây bắc, có diện tích tự nhiên 7.522,02 ha; gồm 21 xã, thị trấn.Thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản theo Nghị định số 34 của Chính phủ, Nghị quyết số 232 của HĐND tỉnh Thanh Hóa và công văn số 677-CV/HU ngày 17/01/2020 của Huyện ủy Bá Thước, Đảng ủy và Chính quyền nhân dân trên địa bàn huyện đã nhanh chóng triển khai thực hiện chủ trương; trong đó có xã Điền Hạ, đến giữa năm 2020 trên địa bàn xã đã đạt tỷ lệ 100% thôn thực hiện xong chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Với 9 thôn, 14 chi bộ đảng, 256 đảng viên, xã Điền Hạ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác này.Theo đó, những bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã phát huy được sự năng động, sáng tạo cũng như vai trò lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn dân cư.
Picture1.png
Ông Trương Văn Phúc
(đứng giữa mặc áo sơ mi trắng bên trong)
Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Sèo, xã Điền Hạ, huyện Bá Thước.
Việc nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã giúp cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, giảm được đối tượng hưởng phụ cấp ở cơ sở; qua đó góp phần tiết kiệm được ngân sách Nhà nước, tăng thu nhập cho người thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ, tạo điều kiện để cán bộ yên tâm công tác, gắn trách nhiệm của cá nhân với nhiệm vụ được giao; đồng thời, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện bảo đảm trực tiếp và toàn diện. Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn sẽ sâu sát thực tế, nắm chắc tình hình chính trị tư tưởng, việc chấp hành chính sách pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân... Từ đó, có sự chỉ đạo, điều hành phù hợp, đảm bảo tính khả thi cao.
Tuy nhiên ngoài những mặt tích cực về việc nhất thể hóa chức danh, vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế.  Trước đây bí thư chi bộ phải là đảng viên và trưởng thôn có thể không cần phải là đảng viên; việc nhất thể hóa hai chức danh trên để một người đảm nhận thì bắt buộc người đó phải là đảng viên, dẫn đến có thể sẽ hạn chế trong một số công việc nhất định, có người làm tốt công tác Đảng nhưng công tác điều hành, thực hiện chưa chắc đã làm được, có người “miệng nói, tay làm” nhưng lại hạn chế năng lực trong công tác Đảng. Bên cạnh đó,  tâm lý “một người hai việc” không thể bằng mỗi người một việc cũng ảnh hưởng nhiều tới công tác vận động quần chúng. Ngoài ra, việc một người cùng lúc đảm nhận cả hai nhiệm vụ chủ chốt ở thôn đã xảy ra tình trạng độc đoán, dẫn đến hiệu quả công việc có lúc chưa cao.
Thực tế cho thấy, ở đa số thôn thường theo phương châm: dân tin, Đảng mới cử; vì vậy, những thôn này sẽ bầu trưởng thôn trước, sau đó cấp ủy mới giới thiệu để bầu chức danh trong chi bộ. Tuy nhiên, quá trình bầu trưởng thôn còn tình trạng bầu vì cả nể, còn mạng nặng yếu tố dòng tộc, cục bộ nên chưa thực sự lựa chọn được người có năng lực, có tâm huyết với nhân dân. Bên cạnh đó, ở nhiều thôn, đảng viên trẻ không mặn mà với chức danh này do phụ cấp còn quá thấp nhưng áp lực công việc nhiều; đảng viên lớn tuổi, có uy tín thì lại hạn chế về trình độ, cùng một lúc đảm đương hai chức danh sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ được giao; thêm vào đó là còn thiếu phương tiện, máy tính để làm việc. (Chính quyền xã và Nhân dân các thôn đang cố gắng phối hợp để cấp cho mỗi thôn một bộ máy tính, tạo thuận lợi cho công việc, giảm bớt thời gian đi lại và tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc).
Điền Hạ, một xã miền núi thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30A của Chính phủ, có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, chủ yếu có ba dân tộc sinh sống là Thái, Mường, Kinh. Trong 09 thôn của xã có đến 05 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 của Chính phủ. Ở những thôn này, tập tục canh tác của người dân còn lạc hậu, hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế nên gặp khó khăn cho công tác dân vận cũng như chỉ đạo người dân. Trên thực tế, hầu hết những việc gì xảy ra với dân hay chưa thỏa mãn lòng dân thì người dân đều tìm đến người đứng đầu thôn là Bí thư, Trưởng thôn mà không tìm người trực tiếp phụ trách; do đó, làm quá tải công việc cho Bí thư, Trưởng thôn. Cùng với đó là đặc điểm địa bàn chia cắt, địa hình đi lại khó khăn nên Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn gặp nhiều bất lợi trong việc đảm bảo thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.
Để khắc phục những mặt còn hạn chế, khó khăn trên cần có những giải pháp phù hơp như sau:
Thứ nhất: Các cấp uỷ Đảng cần quan tâm bồi dưỡng các Bí thư chi bộ trẻ, kế cận, nhiệt huyết với công việc; chú trọng công tác phát triển đảng viên trong đội ngũ trưởng thôn và những quần chúng trẻ có năng lực, trình độ, trách nhiệm, đang sinh sống, làm việc tại địa bàn. Theo đó, cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, trong đó chú trọng các nội dung như: tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND; nhiệm vụ, quyền hạn và phương pháp hoạt động của bí thư, trưởng thôn; những nội dung hoạt động cụ thể của bí thư, trưởng thôn; xây dựng hương ước thôn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững ở thôn… Bên cạnh đó, Đảng uỷ, Chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích và tháo gỡ những rào cản về các yếu tố dòng tộc, cục bộ, đố kỵ...
Thứ hai, có cơ chế, quan tâm hơn nữa để tạo động lực cho bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn để họ có thể toàn tâm, toàn ý với việc chung. Mặc dù hiện nay đã có sự quan tâm hơn về chính sách phụ cấp cho bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, song so với khối công việc đảm nhận và mức phụ cấp hiện tại là 2.905.000 nghìn đồng/ tháng thì khó có thể đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của cả gia đình; trong khi người đảm nhiệm hai chức danh này là người lao động chính trong gia đình.
Thứ ba, tăng cường biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa trình độ dân trí của nhân dân. Théo đó, cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hoặc xây dựng tủ sách tại nhà văn hóa thôn để Nhân dân có thể đến trao đổi, học tập, mở rộng thêm kiến thức… Khi trình độ dân trí cao, hiểu được các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì người đứng đầu thôn, bản là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn sẽ đỡ vất vả hơn trong công tác dân vận cũng như xử lý các công việc.
Thứ tư, ngoài chú trọng đào tạo về trình độ cho cán bộ thôn, cần quan tâm hơn nữa về ứng dụng công nghệ thông tin ở thôn, bản. Trong thời đại công nghệ 4.0, đa số 9 thôn trong toàn xã Điền Hạ đã phủ mạng lưới Internet, do đó, nhu cầu mỗi thôn có một máy tính để làm việc là rất cần thiết. Việc ứng dụng công nghệ thông tin không những thuận lợi trong công việc, mà còn tạo tính năng động, linh hoạt cho cán bộ thôn; cùng với đó, có thể học tập được nhiều mô hình phát triển kinh tế và có nhiều sáng tạo, đội phá khi ứng dụng vào thực tiễn của địa phương, giúp cho chất lượng đời sống của người dân được nâng cao hơn.
Hy vọng rằng, những giải pháp trên đây sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác nhất thể hoá bí thư kiêm trưởng thôn ở xã Điền Hạ, huyện Bá Thước. Vượt qua những khó khăn, vất vả, với nhiệt huyết và sự nỗ lực, quyết tâm trong công tác cũng như hoàn thiện bản thân, nhất định các đồng chí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn ở xã Điền Hạ sẽ tiếp tục hoàn thành trọng trách quan trọng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, góp phần vào thắng lợi chung của tỉnh Thanh Hoá./.
-------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. NQ số 232-NQ/HĐND của HĐND tỉnh Thanh Hóa.
2. CV số 677-CV/HU của Huyện ủy Bá Thước.
3. CV số 39-CV/ĐU của Đảng ủy xã Điền Hạ.
4. Số 72 - BC/ĐU của Đảng uỷ xã Điền Hạ: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021, phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
3340
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12158
Tháng này:
62315
Tất cả:
4.360.852