NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Những vấn đề đặt ra cho học viên khi thực hiện các mô hình “3 tăng, 3 giảm’, “3 trước, 3 sâu, 3 sau, 3 sáng tạo”

Đăng lúc: 15:00:10 10/06/2022 (GMT+7)556 lượt xem

 Học tập là quá trình lâu dài nên bản thân học viên cần chủ động có phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Bên cạnh đó, rất cần những giảng viên có năng lực tạo động lực học tập cho học viên thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học.
cbecf905208ee0d0b99f.jpg
Học viên Lê Chí Vinh - Lớp A2 TCLLCT K49
phát biểu tham luận tại Hội thảo
 
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Nhà trường đã thực hiện nhiều mô hình đổi mới phương pháp dạy - học lý luận chính trị, như các mô hình “3 tăng, 3 giảm”“3 trước, 3 sâu, 3 sau, 3 sáng tạo”. Đây là những mô hình dạy-học rất ý nghĩa, lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực của người học; qua đó học viên chủ động liên hệ với thực tiễn công tác để hiểu và giải quyết tốt hơn về những vấn đề đang đặt ra ở cơ sở.
Trong thực tế quá trình học tập tại Nhà trường, tập thể lớp TCLLCT A2K49 xin trao đổi một số vấn đề đặt ra cho học viên khi thực hiện các mô hình dạy-học này.
Thứ nhất, các yếu tố chủ quan.
Một là, thời gian tự học, tự nghiên cứu trước, tìm hiểu trước, đặt câu hỏi trước của học viên không thường xuyên, chỉ tập trung vào lúc thi, kiểm tra do đặc điểm “vừa học, vừa làm”, thêm vào đó là công việc gia đình và các mối quan hệ xã hội. Ngoài ra, học viên thiếu kỹ năng, kiến thức để tự nghiên cứu trước, liên hệ trước do khả năng sưu tầm tư liệu, tài liệu phục vụ cho việc học còn hạn chế.
Hai là, tinh thần phát biểu xây dựng bài của một số học viên còn nhiều hạn chế; còn tình trạng ngại học, ngại đặt câu hỏi cho giảng viên hoặc khi giảng viên đặt câu hỏi thi nhận được rất ít phản hồi từ phía học viên.
Ba là, ý thức học tập của nhiều học viên chưa cao. Thực tế, lớp học vẫn còn tồn tại tình trạng đi học không đúng giờ, đi muộn về sớm; còn hiện tượng nói chuyện riêng, lướt web; không ghi chép bài; ý thức chuẩn bị bài chưa nghiêm túc.
Bốn là, học viên lớp học đa số có tuổi đời còn trẻ, trình độ không đồng đều. Phần lớn học viên còn thiếu kỹ năng trong tự học, tự đọc, tự nghiên cứu giáo trình; phụ thuộc nhiều vào các thiết bị thông minh, tra cứu các nguồn thông tin trên các website không chính thống, dẫn đến hình thành thói quen học tập thiếu khoa học và sáng tạo.
Năm là, sự tương tác của học viên với giảng viên còn chưa nhiều do học viên chưa nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của một số nội dung trong chương trình dẫn đến chủ quan, thiếu toàn diện, chỉ đặt sự chú trọng vào những kiến thức có liên quan trực tiếp với thực tiễn công tác của cá nhân.
Thứ hai, các yếu tố khách quan.
Một là,phương pháp giảng dạy của giảng viên. Với đặc điểm học viên đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau từ cấp tỉnh đến cấp cở sở, trong thời gian qua, Nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng nâng cao tính chủ động, tích cực của người học. Tuy nhiên, một số bài giảng được giảng viên thiết kế chung, chưa tích hợp những nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành; tính ứng dụng của bài giảng chưa cao; phương pháp giảng dạy chưa phát huy tính tích cực của học viên, từ đó chưa gây được hứng thú cho người học.
Hai là,phương pháp kiểm tra, đánh giá. Để nâng cao tính tích cực học tập của học viên, Nhà trường đã đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, Nhà trường chưa có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá việc học tập theo mô hình mới, vì vậy chưa nâng cao được ý thức, tính chủ động của học viên.
Một số giải pháp khắc phục khó khăn khi thực hiện mô hình
Thứ nhất, học viên cần xác định đúng đắn mục đích, động cơ học tập để tìm được nhiều điều thú vị qua các bài học. Theo đó, để tạo được hứng thú cho người học, giảng viên cần lựa chọn nội dung mới lạ, thú vị, bất ngờ; đặc biệt, trong các buổi thảo luận, giảng viên cần thiết kế bài giảng theo một chuỗi tình huống và hướng dẫn học viên tự giải quyết vấn đề, lồng ghép bồi dưỡng phương pháp và kỹ năng tự học cho học viên, tạo điều kiện để học viên bộc lộ khả năng tự học như: phân tích, tổng hợp, khái quát, tìm tòi tài liệu.
Thứ hai, xây dựng thời gian và kế hoạch học tập khoa học. Để việc học tập theo mô hình đổi mới đạt hiệu quả thì kế hoạch phải cụ thể, rõ ràng, có tính định hướng cao. Theo đó, kế hoạch cụ thể cho từng môn học, phần học phải chọn đúng trọng tâm, vấn đề cốt lõi, tránh việc dàn trải, thiếu tập trung; tiếp đó, phải sắp xếp các phần việc một cách logic về cả nội dung lẫn thời gian, cần hoàn thành dứt điểm từng môn, từng phần học theo kế hoạch đã được vạch sẵn. Điều đó sẽ giúp việc tự học diễn ra trôi chảy, thuận lợi.
Thứ ba, tự bản thân học viên kiểm tra, đánh giá nội dung kiến thức. Đây là giai đoạn có tính chất quyết định và chiếm nhiều thời gian nhất. Khối lượng kiến thức và các kỹ năng được hình thành nhanh hay chậm, nắm bắt vấn đề nông hay sâu tuỳ thuộc vào nội lực của bản thân; bao gồm các hoạt động: tiếp cận, lựa chọn và xử lý thông tin, vận dụng các thông tin để giải quyết các vấn đề có liên quan trong quá trình học như thảo luận, kiểm tra, thi, viết tiểu luận cuối khoá.
Thứ tư, đánh giá kết quả học tập. Việc nhìn nhận kết quả học tập của học viên được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như bản thân tự đánh giá thông qua các hoạt động như: việc tổng kết bài của giảng viên; rút kinh nghiệm tổ chức lớp học; tổ chức thi, kiểm tra cuối mỗi học phần. Việc Nhà trường thực hiện 02 lần nhận xét đánh giá trong một khóa đào tạo gửi về địa phương, đơn vị; tôn vinh học viên, khen thưởng tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu; công tác giao ban, chào cờ đầu kỳ học là những hoạt động thiết thực để mỗi học viên tự đánh giá mình, từ đó có hướng khắc phục và phát huy.
Năm là, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập của giảng viên và học viên cần được nâng cấp, đảm bảo cấu trúc của phòng học, máy móc, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, hệ thống internet, thư viện, phòng nghỉ giảng viên, kí túc xá đủ điều kiện đáp ứng nâng cao được chất lượng giảng dạy, học tập.
Học tập là quá trình lâu dài nên bản thân học viên cần chủ động có phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Bên cạnh đó, rất cần những giảng viên có năng lực tạo động lực học tập cho học viên thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học. Ngoài ra, Nhà trường cần tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho các lớp để tổ chức các hoạt động ngoại khoá và nghiên cứu thực tiễn trong và ngoài tỉnh nhằm phát triển thêm các kỹ năng. Đồng thời, Ban Giám hiệu nhà trường cần mời những cán bộ có năng lực ở các sở, ban ngành trong tỉnh thực hiện báo cáo một số chuyên đề; nhờ đó hoạt động đào tạo của Nhà trường sẽ có chiều sâu.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả của các mô hình dạy - học này, rất cần sự nỗ lực của tập thể Nhà trường và sự chủ động, sáng tạo của mỗi học viên, từ đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay./.
 Lê Chí Vinh - Học viên lớp TCLLCT A2K49
Số lượt truy cập
Hôm nay:
3652
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12470
Tháng này:
62627
Tất cả:
4.361.164