HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Trường Chính trị tỉnh tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020

Đăng lúc: 08:01:19 01/08/2015 (GMT+7)2525 lượt xem

 
                                  ThS. Lương Trọng Thành
                                     Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị
         
Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng là vấn đề có tính chiến lược, là yêu cầu cần thiết được đặt ra hiện nay trong công tác cán bộ. Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng là điều kiện cần để thực hiện các khâu khác của công tác cán bộ; ngược lại, các khâu khác là cơ sở, điều kiện, tạo nguồn, cung cấp đối tượng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Trường Chính trị được xác định là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong tỉnh, trong những năm qua, bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, Trường Chính trị đã chủ động trong tham mưu, phối hợp, quyết liệt, sáng tạo trong tổ chức đổi mới đồng bộ các khâu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo đó, chất lượng dạy và học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn được quan tâm phát triển toàn diện; qui mô đào tạo, bồi dưỡng tăng cả về số lượng và chất lượng. Kết quả, từ năm 2010 đến nay, hàng năm đã đào tạo, bồi dưỡng được trên 7000 học viên, riêng năm học 2013-2014 đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng với qui mô lớn nhất từ trước đến nay (100 lớp với trên 10.000 học viên). Đa số học viên sau đào tạo, bồi dưỡng đã vận dụng sáng tạo kiến thức vào thực tiễn công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn có những hạn chế nhất định: công tác tham mưu, phối hợp ở một số khâu trong đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự hiệu quả; việc chuyển nhận thức, động cơ, thái độ học tập từ thụ động sang chủ động của một bộ phận học viên còn chậm; kết cấu nội dung, chương trình đào tạo ở một số phần học vẫn còn nặng về lý thuyết; một bộ phận giảng viên còn thiếu kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm công tác…
Từ thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị, cùng với việc thực hiện những qui định của Trung ương, đặc biệt, mới đây, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã mở rộng đối tượng đào tạo trung cấp lý luận chính trị- hành chính của các trường chính trị tỉnh, chúng tôi nhận thấy có những vấn đề đặt ra đòi hỏi phải có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với các ban, ngành, địa phương trong tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng và gắn đào tạo, bồi dưỡng với qui hoạch, sử dụng cán bộ. Hơn nữa, từ thực trạng số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh:
- Đội ngũ công chức cấp tỉnh, huyện: tổng số là 4.153 người, trong đó, trình độ lý luận chính trị: cử nhân 172 người (= 4%), cao cấp 847 người (= 20,3%), trung cấp 854 người (= 20,5%) , sơ cấp 503 người (= 12,5%), còn lại 1.777 người (=42,7%); trình độ chuyên môn: tiến sĩ 20 người (=1,2%), thạc sĩ 499 người (= 12%), đại học 3.118 người (= 75%), cao đẳng 63 người (= 1,5%), trung cấp 293 người (= 7%), sơ cấp 139 người (= 3%), còn lại 21 người (= 1,3%).
- Đội ngũ viên chức cấp tỉnh, huyện: tổng số là 59.737 người, trong đó, trình độ lý luận chính trị: cao cấp 522 người (= 1%), trung cấp 10.173 người (= 17%), sơ cấp 49.042 người (= 82%); trình độ chuyên môn: tiến sĩ 114 người (= 0,8%), thạc sĩ 2.141 người (= 3,5%), đại học 34.167 người (= 57%), cao đẳng 9.800 người (= 16,4%), trung cấp 12.715 người (= 21%), còn lại 800 người (= 1,3%).
- Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã: tổng số là 13.610 người, trong đó, trình độ lý luận chính trị: cao cấp 190 người (= 1,5%), trung cấp 9.567 người (=  70,2%), sơ cấp 1.065 người (= 7,8%), chưa qua đào tạo 2.788 người (= 20,5%); trình độ chuyên môn: thạc sĩ 60 người (= 0,6%), đại học 4.900 người (= 36%), cao đẳng 765 người (= 5,6%), trung cấp 6.494 người (= 47,7%), sơ cấp 293 người (=2,1%), chưa qua đào tạo 1.098 người (= 8%).
Như vậy, xét về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh (tổng số 75.500 người), trong đó chưa qua đào tạo lý luận chính trị là 54.672 người (chiếm 72%). Đây là một bất cập lớn trong tình hình hiện nay.       
Trước yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020, từ thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, Trường Chính trị tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó xác định: đổi mới quản lý là then chốt, đổi mới kiểm tra, đánh giá là đột phá, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, dạy và học, lấy hiệu quả phục vụ và nâng cao chất lượng toàn diện, xây dựng nhà trường trở thành trung tâm kiểu mẫu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh. Theo đó, tập trung triển khai thực hiện tốt các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, tích cực, chủ động tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Đây là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết được đặt ra. Trên thực tế, mặc dù đã có những qui định của Trung ương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xong trong quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc cần phải được cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh: về công tác tuyển sinh, về cơ chế, chế độ học tập lý luận chính trị; về cơ chế phối hợp; chế độ, chính sách đối với học viên…Hiện nay Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã có văn bản cho phép các trường chính trị mở rộng đối tượng đào tạo trung cấp lý luận chính trị- hành chính là: cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó, nhà trường phải tham mưu thể chế để đảm bảo thực hiện thống nhất, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, gắn đào tạo, bồi dưỡng với nhu cầu sử dụng, khắc phục tình trạng lãng phí trong đào tạo, bồi dưỡng.
        Thứ hai, đổi mới đồng bộ công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Công tác đào tạo, bồi dưỡng là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, phải được thực hiện trên cơ sở qui hoạch và gắn liền với sử dụng cán bộ. Theo đó, nhà trường chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương trong tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh theo hướng “đúng về tiêu chuẩn, đủ về số lượng, rõ về nguồn qui hoạch”, thực hiện chiêu sinh học lý luận chính trị đúng đối tượng và phù hợp với qui mô đào tạo, cán bộ trẻ nhất thiết phải qua đào tạo tập trung. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện và ban hành mới hệ thống quy chế, quy định gắn với quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Đổi mới cách thức tổ chức các lớp đào tạo theo mô hình 2-2 (2 tuần học chuyên đề tại trường, 2 tuần nghiên cứu thực tế ở địa phương, cơ sở); các lớp bồi dưỡng theo mô hình 3-3-3 (3 mục tiêu: nâng cao nhận thức, niềm tin, thái độ; nâng cao kiến thức lãnh đạo, quản lý theo chức danh; hoàn thiện phương pháp lãnh đạo, quản lý. 3 nội dung: cập nhật kiến thức mới; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý; trao đổi kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, quản lý. 3 hoạt động: học các chuyên đề; tọa đàm, hội thảo; đi nghiên cứu thực tế).
Cải tiến nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm rõ hơn về lý luận, sát với đối tượng và phù hợp với thực tiễn; bổ sung các chuyên thực tiễn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, về công tác xây dựng Đảng; các chuyên đề kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, chú trọng đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy- học, trong đó, học viên giữ vị trí trung tâm, là chủ và làm chủ quá trình lĩnh hội tri thức; giảng viên là người hướng dẫn, tổ chức, quản lý quá trình học tập, chuyển mạnh dạy từ cái thầy có sang cái học viên cần, thực tiễn cần, nhân dân cần. Trong giảng dạy cần tăng cường phương pháp đối thoại, thảo luận nhóm và thực hành các bài tập tình huống; kết hợp kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quá trình dạy và học; cập nhật chủ trương, quan điểm, nghị quyết mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... trang bị và rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho học viên; quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nghe báo cáo chuyên đề...
Xác định đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá là khâu đột phá, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, nhà trường vừa nghiêm túc thực hiện qui chế quản lý đào tạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, vừa nghiên cứu, hoàn thiện  bộ qui chế, thực hiện đồng bộ các khâu trong thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Trong đó, chú trọng tổ chức cho học viên báo cáo chuyên đề, chuyên luận (gắn lý luận với thực tiễn) sau mỗi phần học; nâng cao chất lượng viết tiểu luận và báo cáo tiểu luận cuối khóa; khách quan, công tâm trong đánh giá, nhận xét kết quả học tập, rèn luyện của học viên, gửi về cơ quan, đơn vị nơi học viên công tác làm cơ sở cho việc  sử dụng có hiệu quả cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng.
Thứba,xây dựng đội ngũ giảng viên tâm huyết, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng trong tình hình mới.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng bồi dưỡng. Yêu cầu của việc xây dựng đội ngũ giảng viên nhà trường là: đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu, có tư duy lý luận sâu sắc và kỹ năng thực tiễn phong phú; giỏi về giáo dục chính trị và thực hành chính trị; có tố chất, am hiểu về lãnh đạo, quản lý, về nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, có kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã và đang tiếp tục định hướng tốt, tạo cơ chế và môi trường tốt cho  giảng viên rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Theo đó: chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn và kiến thức thực tiễn thông qua việc cử giảng viên đi học cao học, nghiên cứu sinh nhằm đảm bảo tính chuyên sâu về kiến thức chuyên môn, hướng tới hình thành nhóm giảng viên đầu đàn ở mỗi bộ môn giảng dạy của nhà trường; giao cho giảng viên đảm nhận các đề tài nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tổng kết những vấn đề thực tiễn, đảm nhận các công việc quản lý…Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức là các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành và các địa phương để tham gia giảng dạy một số chuyên đề.
Đổi mới công tác đánh giá chất lượng đội ngũ thông qua nhiều kênh thông tin: từ học viên, từ đồng nghiệp, từ tổ chức và tự đánh giá. Trong đó, tập trung đánh giá trên 3 mặt: thái độ, trách nhiệm; kiến thức; phương pháp giảng dạy và sự hài lòng của học viên.
Chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy và phối hợp triển khai có hiệu quả Đề án luân chuyển đội ngũ giảng viên của nhà trường về đảm nhận các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở để trải nghiệm thực tiễn, tích lũy kiến thức phục vụ cho công tác giảng dạy.
Thứ tư, xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, kiểu mẫu.
Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức cho học viên, nhà trường tiếp tục tạo môi trường, điều kiện tốt để học viên rèn luyện, phát triển toàn diện. Chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ, trong đó chú trọng phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý, phát triển văn hóa đọc, xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, nền nếp, thân thiện, kiểu mẫu. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên phải thực sự tiêu biểu và mẫu mực về tinh thần kiên định với chủ nghĩa Mac – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nói, viết và làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiêu biểu về tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám đổi mới vì sự phát triển của nhà trường; tiêu biểu về trách nhiệm với công việc về cách ứng xử, văn hóa để học viên học tập và noi theo. Tiếp tục quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, đồng thời đề xuất đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ phục vụ có hiệu quả công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu và sinh hoạt của giảng viên, học viên- thực sự là địa chỉ tin cậy, là trung tâm kiểu mẫu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh.
Với phương châm và mục tiêu hành động “lấy hiệu quả phục vụ, thành công của học viên, tín nhiệm của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa”, Trường Chính trị Thanh Hóa phấn đấu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh nhà góp phần xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2380
Hôm qua:
2925
Tuần này:
10163
Tháng này:
56537
Tất cả:
4.421.417