HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Cảm nhận về chuyến đi nghiên cứu thực tế tại Côn Đảo và một số Trường Chính trị khu vực phía Nam

Đăng lúc: 07:41:09 20/07/2017 (GMT+7)5225 lượt xem

 
 
ThS. Trịnh Hoàng Minh
Khoa Nhà nước và pháp luật
Với mục tiêu hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ và trên tinh thần cầu thị, học hỏi kinh nghiệm của các Trường Chính trị về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của các địa phương trên cả nước, Trường Chính trị Thanh Hóa đã thành lập Đoàn nghiên cứu thực tế ở một số Trường Chính trị trong khu vực phía Nam và tham quan một số địa danh lịch sử đánh dấu sự anh dũng, kiên trung của quân và dân ta trong suốt thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Chuyến đi thực tế trong thời gian 10 ngày, tuy khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đọng lại cho bản thân mỗi thành viên trong đoàn những cảm nhận sâu sắc về giá trị lịch sử cũng như được học hỏi, trải nghiệm và tiếp thu nhiều điều ý nghĩa ở những nơi mà đoàn đến học tập và nghiên cứu.
New Picture 2.png
 
Điểm đến đầu tiên với ý nghĩa  uống nước nhớ nguồn, để tưởng nhớ đến các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, Đoàn đã đến dâng hương tại Nghĩa trang Trường sơn, nơi đây không chỉ là nơi an nghỉ của 10.263 Anh hùng liệt sĩ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta.
 mb1.png
Điểm đến thứ hai của Đoàn là Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại khu vực núi Cấm, một vùng đất thiêng tại xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tượng đài được lấy nguyên mẫu hình tượng mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ làm biểu tượng cho gần 50 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng của cả nước.
Tại đây đoàn đã được nghe về sự hy sinh mất mát to lớn của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mẹ Thứ có chín người con ruột, một cháu ngoại, một con rể đã cầm súng chiến đấu hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Với sự mất mát to lớn của mẹ Thứ và của gần 50 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng của cả nước, đã mang lại cảm xúc mãnh liệt, thiêng liêng cho mỗi thành viên trong đoàn khi đặt chân đến đây.
mb2.png
Điểm đến thứ ba trong hành trình hướng về kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ, đoàn đã đến thăm Côn Đảo, nơi mà trong hơn 100 năm, khoảng 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã bị giam cầm, hy sinh tại "địa ngục trần gian" Côn Đảo, nơi cả thế giới bàng hoàng khi sự thật được phơi bày.
 Tại Côn Đảo, đoàn đã thắp hương tại Nghĩa trang Hàng Dương nơi an nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng và những người con yêu nước, trong đó có Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, anh hùng Võ Thị Sáu, chí sĩ Nguyễn An Ninh ... Ngoài ra, đoàn được đi thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo, nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng, những con người yêu nước trong suốt thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tại đây, đoàn được nghe thuyết minh về lịch sử Côn Đảo, về Nghĩa trang Hàng Dương, về người anh hùng Võ Thị Sáu và về hệ thống nhà tù Côn Đảo…
 Qua đó, thấy được tội ác tột cùng của bọn ngoại xâm và sự anh dũng, kiên trung, sẵn sàng hy sinh tất cả, chấp nhận mọi hình thức tra tấn dã man để giữ được lòng trung với nước, với cách mạng của các chiến sĩ và những người con yêu nước. Có thể nói, đây là một bài học về giá trị lịch sử, một trải nghiệm không thể nào quên đối với mỗi thành viên trong đoàn khi đến Côn Đảo.
Bên cạnh hành trình về các điểm di tích lịch sử, hướng về kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ, Đoàn thực tế đã đến làm việc một số Trường Chính trị ở khu vực phía Nam đó là Trường Chính trị tỉnh Quảng Nam, Trường Chính trị tỉnh Bình Định, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh Long An và Trường Chính trị tỉnh Bến Tre.
 mb3.png
Tại các Trường Chính trị, Đoàn đã được tiếp đón nồng hậu và trọng thị, được các trường trao đổi những kinh nghiệm, những cách làm hay trên các mặt như: công tác tham mưu, phối hợp với các sở ban, ngành trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; về chương trình đào tạo, bồi dưỡng; Cơ chế chính sách; nghiên cứu khoa học; xây dựng đội ngũ và xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng…
Với các nội dung nêu trên, các Trường Chính trị đã trao đổi, chia sẻ cách làm của đơn vị mình như:
- Tham mưu cho tỉnh việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất nhà trường ở Quảng Nam;
- Đẩy mạnh công tác tư tưởng hướng tới xây dựng môi trường giàu tính đảng ở trường Bình Định;
- Nhiều điểm khác ở Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh như: cơ cấu tổ chức đặc thù của Học viện; xây dựng tốt quy chế đi nghiên cứu thực tế ở địa phương; xây dựng các chương trình riêng về hoàn thiện Trung cấp LLCT, kỹ năng cho doanh nhân khởi nghiệp; kinh nghiệm tiếp cận và làm đề tài khoa học cấp nhà nước của Học viện; tham mưu, đề xuất cho tỉnh, thành phố về việc bổ nhiệm cán bộ là phải có thêm văn bằng 2 về chuyên môn pháp luật và quản lý hành chính nhà nước; sử dụng phần mềm riêng quản lý đào tạo Trung cấp LLCT…
- Chú trọng nâng cao chất lượng giảng viên, thực hiện chính sách đưa giảng viên đi cơ sở để nâng cao kiến thức thực tiễn; tham mưu, đề xuất với tỉnh đưa tất cả các lớp về trường học tập trung ở Long An…
Có thể nói, qua làm việc, trao đổi đoàn nghiên cứu thực tế được học tập nhiều mô hình, cách làm hay của các Trường Chính trị. Bên cạnh đó, cũng thấy được sự khó khăn nhất định của một số trường trong việc nghiên cứu khoa học, về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất… Tất cả điều đó, là cơ sở, là động lực để mỗi thành viên trong Đoàn cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trong xây dựng Nhà trường ngày càng phát triển./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2287
Hôm qua:
1983
Tuần này:
12600
Tháng này:
44246
Tất cả:
4.409.126