NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU KINH TẾ TỈNH THANH HÓA HIỆN NAY

Đăng lúc: 14:02:04 25/09/2017 (GMT+7)4346 lượt xem

 
TS. Thịnh Văn Khoa
Phó Hiệu trưởng
 
Giai đoạn 2011-2015, kinh tế Thanh Hóa đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân là 11,4%. GRDP đạt 34.891 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2010, đứng thứ 8 cả nước và lớn nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ. GRDP bình quân đầu người đạt 1.530USD. Về thu hút vốn đầu tư, Thanh Hóa xếp thứ 6 cả nước với số vốn đăng ký là 12,8 tỷ USD.
Nhưng thực tế, thu nhập bình quân đầu người của Thanh Hóa vẫn thấp hơn bình quân chung cả nước chỉ bằng khoảng 70% bình quân cả nước, giá trị xuất khẩu xếp thứ 19, thu ngân sách xếp thứ 14, tỷ lệ lao động qua đào tạo xếp thứ 18 trong số 63 tỉnh, thành phố. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn vừa qua chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, chưa xứng với tiềm năng của một tỉnh có diện tích lớn và dân số đứng thứ ba cả nước. Mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại của tỉnh Thanh Hóa cơ bản theo mô hình tăng trưởng chiều rộng, dựa vào các lợi thế về tài nguyên, đất đai, khoáng sản, lao động giá rẻ, nguồn vốn đầu tư để tăng quy mô, mở rộng sản xuất. Việc phát triển theo chiều sâu, dựa vào công nghệ hiện đại, sử dụng ít tài nguyên, để tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị gia tăng còn hết sức hạn chế. Theo đó, tạo bức tranh chung về tăng trưởng kinh tế của tỉnh đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ mô hình tăng trưởng, thể hiện trên các mặt sau:
Thứ nhất, tăng trưởng nhanh nhưng hiệu quả thấp. Do quá nhấn mạnh số lượng dẫn đến tình trạng đánh đổi cho con số tăng trưởng quá nhanh nên những khoản chi phí kinh tế - xã hội phải bỏ ra quá cao; hiệu quả sử dụng các yếu tố về vốn, lao động, tài nguyên thông qua các chỉ số năng suất lao động, suất đầu tư tăng trưởng và hiệu quả sử dụng năng lượng còn thấp.
Thứ hai, tăng trưởng vẫn dựa vào gia công là chủ yếu, thể hiện ở chi phí trung gian (IC) của các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ còn cao và có xu hướng tăng. Các ngành, lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao chậm phát triển và chiếm tỷ lệ nhỏ. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 thấp hơn nhiều so với kế hoạch cho thấy dư địa do tăng trưởng theo chiều rộng đã giảm dần.
Thứ ba, tăng trưởng nhanh nhưng cấu trúc tăng trưởng thiếu bền vững. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa chủ yếu hiện nay vẫn phải dựa chủ yếu vào các yếu tố tăng trưởng theo chiều rộng, đặc biệt là thực trạng dốc sức “bơm” vốn đầu tư để có tăng trưởng dựa vào lợi thế nguồn lực đất đai và lao động rẻ. Đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) chưa cao.
Thứ tư, khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là đột phá cho tăng trưởng. Lực lượng doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; quy mô doanh nghiệp có vốn từ 50 tỷ đồng trở lên chỉ chiếm khoảng 3,7%, thấp hơn các tỉnh trong khu vực như: Nghệ An (4,6%), Ninh Bình (8,3%). Doanh nghiệp khoa học công nghệ hầu như không có; thị trường khoa học công nghệ không phát triển.
Thứ năm, sự lan tỏa của tăng trưởng kinh tế đến các đối tượng chịu ảnh hưởng không mạnh và khuynh hướng ảnh hưởng tiêu cực có phần gia tăng nhanh. Điều đáng nói ở đây là, thực tế tác động của tăng trưởng tới giảm nghèo đang có xu hướng giảm trong giai đoạn sau và bất bình đẳng lại tăng lên tương ứng.
Do vậy, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế của tỉnh Thanh Hóa là hết sức cần thiết. Mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo sự lan tỏa tích cực đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh. Đó là nhiệm vụ đã được đặt ra trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, trong Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Trên cơ sở Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 do Chính phủ ban hành, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, gồm những nội dung chủ yếu sau:
1. Về chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế
          - Chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay chủ yếu theo chiều rộng (dựa vào tài nguyên, lao động, vốn...) sang mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu để sau năm 2020 tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu.
          - Tiếp tục lựa chọn mô hình tăng trưởng với tốc độ cao trước năm 2020 và đạt mức tăng trưởng hợp lý sau năm 2020; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
          2. Về định hướng phát triển các ngành
          Ưu tiên phát triển mạnh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao; phát triển kinh tế biển, các vùng kinh tế động lực; phấn đấu đến năm 2020 có sản phẩm, lĩnh vực sản xuất đạt trình độ quốc gia và khu vực. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh có nền công nghiệp, dịch vụ hiện đại với tốc độ đô thị hóa cao và trở thành một trong những tỉnh có nền kinh tế nằm trong tốp đầu của cả nước.
          - Đối với nông, lâm, thủy sản, trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp kiểu mới để đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ nông nghiệp, làm đầu mối đón nhận và triển khai dịch vụ công ở cộng đồng, như khuyến nông, tín dụng, hỗ trợ marketing, quản lý chất lượng, kiểm soát bảo vệ thực vật, bảo vệ rừng, quản lý mặt nước...
          - Đối với công nghiệp - xây dựng, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ hiện đại, thay thế dần công nghệ cũ, lạc hậu; ưu tiên các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế so sánh; nâng cao chất lượng lao động, kỹ năng quản lý, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
          - Đối với dịch vụ, ưu tiên phát triển 6 loại hình dịch vụ là: du lịch, vận tải, thông tin và truyền thông, kinh doanh bất động sản, giáo dục, y tế.
          Để đạt được mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế ngành, cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:
          Một là, khẩn trương xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch: quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện các nội dung, định hướng tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu ngành, lĩnh vực sản xuất, bảo đảm phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và phát triển bền vững; quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất theo hướng sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo sự thống nhất và liên kết giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữa quy hoạch chi tiết và quy hoạch tổng thể theo hướng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tổng hợp, cân đối, phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả đất đai cho các ngành, lĩnh vực, địa phương; quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với các chỉ tiêu, tiến độ sử dụng đất được phân bổ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện lồng ghép, quản lý chặt chẽ yêu cầu bảo vệ môi trường vào các quy hoạch.
          Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy tái cơ cấu; thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
          Ba là, phát triển mở rộng mạng lưới các cơ sở giáo dục và dạy nghề phù hợp với quy hoạch điều chỉnh mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; mở rộng quy mô, đa dạng ngành nghề và loại hình đào tạo; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng theo ngành nghề và trình độ đào tạo; tránh tình trạng đào tạo tràn lan, gây dư thừa lao động qua đào tạo ở ngành này và thiếu hụt lao động qua đào tạo ở ngành khác. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; thực hiện tốt các chương trình đào tạo nghề cho lao động, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo, đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% lao động làm việc trong nền kinh tế.
          Bốn là, xác định phát triển khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng; là tiêu chí nâng cao sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; là một trong những khâu đột phá để tăng trưởng nhanh và bền vững. Theo đó, sẽ tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ bảo đảm tối thiểu 2% tổng chi ngân sách của tỉnh hàng năm.
          Năm là, trong quá trình xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, chương trình, dự án phục vụ tái cơ cấu và phát triển các ngành kinh tế cần phải đặc biệt coi trọng nội dung bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng các bãi rác hợp vệ sinh; tăng cường kiểm tra, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về phục hồi môi trường sau khai thác, chế biến khoáng sản. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực môi trường, thu gom, xử lý và tái chế chất thải. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường.
          Sáu là, tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế; trong đó chú trọng đến an ninh, an toàn trật tự tại các địa bàn kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghiệp; khu vực tập trung các doanh nghiệp FDI.
          Bảy là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng lấy doanh nghiệp và nhân dân làm đối tượng ưu tiên phục vụ, tạo những điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh. Chú trọng rà soát, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục và mẫu hóa tối đa các hồ sơ, giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho tổ chức, công dân.
          Tám là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Các cấp ủy Đảng phải xác định tái cơ cấu kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo; phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá, chỉ đạo các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
          Tóm lại, việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế tỉnh Thanh Hóa từ chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu để sau năm 2020 tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, là yêu cầu hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong đổi mới mô hình tăng trưởng phải gắn với tái cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu ngành và phải tiến hành đồng bộ các giải pháp./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2156
Hôm qua:
2270
Tuần này:
8369
Tháng này:
58526
Tất cả:
4.357.063