HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Học tập phong cách Hồ Chí Minh vào việc rèn luyện tác phong làm việc khoa học của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 08:58:55 23/11/2018 (GMT+7)944 lượt xem

                                                    ThS. Lê Ái Bình, ThS. Lê Hải Yến
                                                        Khoa Xây dựng Đảng
                                                                                    
         Rèn luyện tác phong làm việc khoa học là một trong những yếu tố hết sức quan trọngtrong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và đối với mỗi giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Thực tiễn cho thấy, có những cán bộ, đảng viên có kiến thức chuyên môn, năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm; có kỹ năng, nghiệp vụ nhưng tác phong làm việc không hợp lý, không khoa học cũng sẽ tác động rất lớn đến hiệu quả công việc và chất lượng thực hiện nhiệm vụ không cao. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc sinh thời, Người thường xuyên quan tâm đến tác phong  làm việc của cán bộ, đảng viên. Người luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải xây dựng tác phong khoa học, “cách làm việc có khoa học” và chính Người cũng là tấm gương sáng về tác phong làm việc khoa học cho toàn Ðảng, toàn dân ta học tập và noi theo.
 Tác phong làm việc khoa học là một biểu hiện đặc sắc trong phong cách làm việc của Người, nó thể hiện ở cách thức, lề lối tiến hành và giải quyết công việc.Tác phong làm việc khoa học của Chủ tịch Hồ Chí minh thể hiện cụ thể đó là:
(1) Đi sâu, đi sát, điều tra nghiên cứu, nắm người, nắm việc, nắm tình hình cụ thể.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu làm việc là phải “chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ”[1]; khi “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy”[2]. Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận rồi mới quyết định và thực hiện đến nơi, đến chốn. Đặc biệt, đối với những vấn đề mới, phức tạp có ảnh hưởng lớn tới tổ chức đảng, đơn vị, bộ đội và nhân dân, cần phải làm thử, làm điểm trước khi quyết định. Tuyệt đối không ra quyết định khi chưa có thông tin đầy đủ, chưa có phương án tính toán hiệu quả. Tránh chủ quan duy ý chí, che giấu khuyết điểm để chạy theo thành tích.  
         (2) Làm việc có mục đích rõ ràng; chương trình, kế hoạch đặt ra phải sát hợp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về làm việc theo mục đích rõ ràng. Đồng thời, Người cũng nhắc nhở cán bộ, đảng viên, làm bất cứ việc gì, dù to hay nhỏ, trước hết phải xác định được phương hướng, mục đích thật rõ ràng, cụ thể và sát hợp. Bởi theo Người, "Hăng hái không chưa đủ, phải có kế hoạch, có phương hướng. Trước khi làm một việc gì phải cẩn thận suy xét việc đó thành công thì ảnh hưởng thế nào, thất bại thì ảnh hưởng thế nào"[3]. Phương hướng, mục đích là dự kiến về kết quả đặt ra để hướng tới, để làm việc, phấn đấu trong công việc. Nhưng Người cũng nhấn mạnh: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”[4], nên khi làm việc phải xác định phương hướng, mục đích rõ ràng.
Khi đã xác định rõ phương hướng, mục đích thì phải vạch ra chương trình, kế hoạch làm việc thật rõ ràng, cụ thể để thực hiện đạt kết quả. Muốn có kế hoạch khoa học thì người cán bộ phải “Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy”[5]. Hết sức tránh chuyện vạch ra chương trình công tác thì quá rộng rãi mà kém thiết thực và căn bệnh “đánh trống bỏ dùi”, gây lãng phí tiền của, nhân lực và thời gian của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình cách làm việc của nhiều người là bỏ nhiều công sức vào việc vạch ra chương trình, kế hoạch thật to tát, nhưng lại ít tìm cách để thực hiện cho đúng. Người viết: "Chương trình công tác thì quá rộng rãi mà kém thiết thực. Ðặt ra kế hoạch và chương trình không xét rõ năng lực của những người thi hành kế hoạch và chương trình đó. Thành thử việc gì cũng muốn làm mà việc gì làm cũng không triệt để"[6].
(3) Phải biết quý trọng thời gian, biết giờ nào làm việc ấy và có năng lực giải quyết công việc một cách tốt nhất trong một thời gian ngắn nhất.
Người từng nói: “Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải. Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được... Muốn tiết kiệm thời giờ, thì việc gì ta cũng phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Không nên chậm rãi. Không nên “nay lần mai lữa[7]. Người cán bộ phải biết tiết kiệm thời gian của mình nhưng cũng phải biết tiết kiệm thời gian cho người khác. Cách tốt nhất là tập trung giải quyết dứt điểm từng công việc; không ôm đồm, làm quá nhiều việc, nhiều việc không dứt điểm, không hiệu quả.
(4) Giải quyết công việc phải trên cơ sở dữ liệu khách quan, dựa trên nền tảng thực tế để lựa chọn ra phương án khả thi nhất và phương án ấy phải đặt trong tổng thể chiến lược lâu dài. Không được rơi vào “Bệnh cận thị - không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ”[8]. Người cán bộ không được vì cái lợi nhỏ trước mắt mà làm tổn hại đến lợi ích to lớn, lâu dài. Tầm nhìn - đó chính là phẩm chất của người có tư duy khoa học và có cách làm việc khoa học.
(5)  Phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và thường xuyên rút kinh nghiệm.
Trong phong cách làm việc của Bác, Bác luôn chú trọng đến công tác kiểm tra và Bác cũng luôn nhắc nhở điều này với cán bộ, đảng viên. Như đã nêu là Bác đã từng nói: "Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn "pha". Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm"[9]. Bên cạnh đó Bác cũng phê phán: “Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy[10].
Trong công tác lãnh đạo của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng vấn đề tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm từng việc, từng chủ trương. Người từng nói: “Sau mỗi một việc cần phải rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm riêng từng cán bộ, từng địa phương. Kinh nghiệm chung tất cả các cán bộ và các địa phương. Kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công. Rồi tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm ấy cho khắp tất cả cán bộ, tất cả địa phương. Mỗi cán bộ, mỗi địa phương sẽ học những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới”[11].
Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có tác phong làm việc khoa học không phải ở tầm cao không thể vươn tới mà luôn rất gần gũi đối với chúng ta. Vì vậy, tùy vào từng vị trí công tác của mình, mỗi người đều có thể học tập và rèn luyện theo phong cách làm việc của Người. Đối với mỗi giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa rèn luyện tác phong làm việc khoa học theo phong cách Hồ Chí Minh cần tập trung vào những nội dung chủ yếu đó là:
 Trước hết, ngay từ đầu năm học, từng giảng viên phải đọc, nghiên cứu, nắm chắc phương hướng nhiệm vụ năm học của Nhà trường và kế hoạch của khoa mình để từ đó xác định nhiệm vụ và xây dựng chương trình, kế hoạch cho cá nhân. Kế hoạch cá  nhân phải xây dựng rất cụ thể rõ ràng xác định rõ từng việc; mục tiêu đặt ra; nội dung, cách thức thực hiện cũng như thời gian thực hiện cho từng việc.
Điều này hết sức cần thiết bởi vì đối với giảng viên, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, còn phải thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn và các nhiệm vụ khác. Đặc biệt, hiện nay, quy mô đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường ngày càng tăng, yêu cầu công việc đặt ra đối với giảng viên ngày càng nhiều, nếu làm việc không có kế hoạch thì rất dễ dẫn đến tình trạng hoàn thành được nhiệm vụ này thì nhiệm vụ khác lại hạn chế.
Trong xây dựng kế hoạch cá  nhân phải  rất cụ thể rõ ràng xác định rõ từng việc; mục tiêu đặt ra; nội dung, cách thức thực hiện cũng như thời gian thực hiện cho từng việc. Trong đó, các công việc cũng cần được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, việc gì làm trước, việc gì làm sau và phải hoàn thành từng việc đúng theo tiến độ mà kế hoạch đã đặt ra. Trong kế hoạch phải xác định rõ số lượng và dự kiến công trình nghiên cứu khoa học, những nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, bài đăng nội san hoặc báo, tạp chí. Đồng thời cũng phải xác định thời gian phân bổ cho từng việc. Trong giảng dạy, để thực hiện bài giảng có hiệu quả cũng đòi hỏi phải soạn bài, xây dựng kế hoạch, phương án giảng dạy của từng bài cụ thể, trong đó xác định rõ mục tiêu, dung lượng kiến thức, phương pháp và dự kiến thời gian cho từng nội dung để có sự chủ động trong triển khai giảng dạy trên lớp.
 Thứ hai, phải luôn đi sâu, đi sát, điều tra nghiên cứu, nắm người, nắm việc.
Điều này thể hiện ở việc trước khi lên lớp, giáo viên phải tìm hiểu nắm chắc một số thông tin cơ bản  về người học để lựa chọn nội dung, phương pháp phù hợp. Bởi vì,  đối tượng người học ở trường hiện nay rất đa dạng. Do vậy, khi được phân công giảng dạy tại một lớp nào đó, trước khi lên lớp, giảng viên cần tìm hiểu và nắm đối tượng học viên của lớp học; nghiên cứu, tìm hiểu thêm về công việc, những vấn đề thực tiễn, những thông tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, của ngành hoặc địa phương – nơi họ đang công tác để có sự liên hệ, vận dụng kịp thời vào bài giảng. Để từ đó giảng viên chủ động trong xác định dung lượng kiến thức và dự kiến phương pháp sẽ sử dụng khi lên lớp.
Sâu sát học viên còn đòi hỏi trong giờ giảng, giáo viên cần phải quan sát, bao quát lớp học để nắm tình hình cụ thể việc tiếp nhận kiến thức của học viên để từ đó có sự điều chỉnh kịp thời những phương pháp giảng viên thực hiện mà chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút học viên tập trung bài giảng, hoặc có thể kịp thời giải đáp, làm rõ những vấn đề thuộc nội dung kiến thức học viên đang cần tìm hiểu sâu hơn.
Trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn thì việc đi sâu, đi sát, điều tra nghiên cứu, nắm người, nắm việc cũng là một yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi giảng viên. Bởi không sâu sát, điều tra nghiên cứu thì không thể có những thông tin, dữ liệu chính xác cho những sản phẩm nghiên cứu.
Thứ ba, mỗi giảng viên phải luôn biết quý trọng thời gian, biết giờ nào làm việc ấy và có năng lực giải quyết công việc một cách tốt nhất trong một thời gian ngắn nhất.
Đối với Nhà trường hiện nay, do quy mô đào tạo, bồi dưỡng ngày càng tăng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế ngày càng nhiều nên yêu cầu và áp lực công việc đối với giảng viên ngày càng lớn, trong khi đó phần lớn giảng viên lại là nữ, đang độ tuổi nuôi con nhỏ. Vì vậy, để thực tốt nhiệm vụ của mình, mỗi giảng viên phải biết sắp xếp thời gian hợp lý, khoa học. Chẳng hạn, khi về các huyện giảng dạy, mỗi giảng viên nên chủ động thu thập các tài liệu, báo cáo tổng kết, chương trình, đề án của các địa phương có nội dung liên quan đến bài giảng, hoặc đề tài mình đang nghiên cứu để có cơ sở dữ liệu vừa phục vụ cho việc viết bài, vừa giúp giảng viên có thêm tư liệu, thông tin vận dụng vào bài giảng. Tức là phải một công đôi, ba việc.
Ngoài ra, mỗi người cũng phải biết sắp xếp thời gian hợp lý để cân bằng giữa công việc gia đình và công việc của cơ quan.
Thứ tư,  phải thường xuyên rút kinh nghiệm trong từng công việc.
Đây cũng là một trong những yêu cầu và cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của mỗi giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, trong thực hiện giảng dạy, sau mỗi bài giảng, giảng viên phải nhìn nhận lại và tự rút ra kinh nghiệm để thực hiện bài giảng lần sau được hiệu quả hơn.  
Kết thúc năm học cũng phải tự đánh giá lại và rút kinh nghiệm xem trong quá trình thực hiện kế hoạch cá nhân có điểm nào chưa đạt yêu cầu và nguyên nhân. Để từ đó có biện pháp khắc phục khi xây dựng và thực hiện kế hoạch cá nhân ở năm tiếp theo.
Tóm lại, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “ …đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[12]. Rèn luyện đạo đức cũng như tác phong của mỗi người không thể trong ngày một ngày hai, mà cần phải rèn luyện thường xuyên. Thực tiễn luôn thay đổi, đặt ra những yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng nếu không tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong của bản thân, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của thời cuộc. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có giảng viên Trường Chính trị phải học tập, rèn luyện không ngừng, học không chỉ là nghĩa vụ để chuẩn hóa cán bộ theo yêu cầu của Đảng mà còn phải là nhu cầu tự thân, học tập thường xuyên, học tập suốt đời để vừa có phẩm chất tốt, có năng lực chuyên môn vững mà còn phải có tác phong làm việc thực sự khoa học để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường trong thời kỳ mới.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t6, tr.249
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t5, tr.279
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t4, tr.122
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t5, tr.463
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t5, tr.332
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t5, tr.463
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t6, tr.123
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t5, tr.297
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t5, tr.637
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t5, tr.636
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t6, tr.238
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t11, tr.612
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2352
Hôm qua:
1983
Tuần này:
12665
Tháng này:
44311
Tất cả:
4.409.191