HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Báo cáo Đề dẫn Hội thảo khoa học “70 năm Thanh Hóa thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (11/6/1948 – 11/6/2018)

Đăng lúc: 14:31:39 04/06/2018 (GMT+7)1314 lượt xem

              Kính thưa các quý vị đại biểu!
Kính thưa các nhà khoa học!
Thưa toàn thể các đồng chí!
Cách đây tròn 70 năm, giữa những ngày tháng gian khổ, ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 13-CT/TW về đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc, động viên, khích lệ sức mạnh toàn dân tộc “nhằm mục đích giữ nước, thắng địch”. Để Chỉ thị nhanh đi vào đời sống “kháng chiến và kiến quốc”, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước phát triển rộng khắp trong cả nước; ở tất cả các ngành, các lĩnh vực và các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, khích lệ nhân dân cả nước vượt quan gian nan, thách thức và trở thành động lực to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Triết lý thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ chí Minh với mục tiêu cốt lõi là làm cho đất nước ta nhanh giành được độc lập; nhân dân ta được tự do; đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành; xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Lực lượng của phong trào thi đua yêu nước là toàn thể nhân dân “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái trai; bất kỳ giàu nghèo, lớn, nhỏ đều phải trở nên một người chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”. Phong trào thi đua yêu nước cần phát huy sức mạnh của toàn dân, khích lệ, động viên sự tham gia tích cực của nhân dân, trở thành phong trào hành động cách mạng của các thành phần, các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Vận dụng tư tưởng của Người, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định Nhân dân chính là lực lượng có sức mạnh to lớn trong công cuộc kháng chiến và kiến thiết đất nước. Thi đua yêu nước có trở thành phong trào cách mạng hay không, có mang lại lợi ích thiết thực cho cách mạng hay không, phụ thuộc vào quần chúng nhân dân, không có sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, không được nhân dân tự giác, tự nguyện; tận tâm, tận lực tham gia thì thi đua yêu nước không thể tồn tại và phát triển.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Kính thưa các nhà khoa học!
Thưa toàn thể các đồng chí!
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, thi đua yêu nước là khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân; làm cho tinh thần yêu nước được thực hiện tốt hơn trong sản xuất và chiến đấu; trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Vì vậy, nội dung thi đua phải thiết thực gắn với nhiệm vụ của từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng. Nhất là, thi đua tăng gia sản xuất, thi đua trong đấu tranh, thực hành tiết kiệm; thi đua khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cách thức thi đua phải phong phú, đa dạng; tiếp thu những sáng kiến từ nhân dân, tổng kết kinh nghiệm, rút ra kinh nghiệm; trao đổi và phổ biến kinh nghiệm; nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong thi đua yêu nước; từng bước nâng cao mức độ thi đua. Đồng thời, phải gắn liền thi đua với công tác khen thưởng. Khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua. Chính vì vậy, Người vừa khởi xướng phong trào thi đua yêu nước, vừa quan tâm đến công tác khen thưởng, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương người tốt, việc tốt.
Kính thưa các quý vị đại biểu, các nhà khoa học!
Thưa toàn thể các đồng chí!
Tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, vừa khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, vừa cải tạo bản thân con người; nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Thi đua làm cho mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn, với ý nghĩa “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Thưa toàn thể các đồng chí!
Hiện nay, nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và nghị quyết Đảng bộ các cấp, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Chính vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất chủ trương giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “70 năm Thanh Hóa thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Mính (11/6/1948 - 11/6/2018)”.
Sau thời gian tích cực chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 30 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu ở cơ quan Trung ương và địa phương. Đây là những công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, tâm huyết và trách nhiệm cao nhằm luận giải những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; thực tiễn của các phong trào thi đua; giải pháp nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua ở từng ngành, từng lĩnh vực; từng địa phương, cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay. Các bài tham luận đã được biên tập và in ấn làm tài liệu chính thức của Hội thảo. Những công trình khoa học được viết công phu, nghiêm túc này sẽ làm sâu sắc thêm về nội dung phong phú Hội thảo hôm nay.
Kính thưa Hội thảo!
Hội thảo là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học giao lưu, chia sẻ, trao đổi học thuật và đi đến thống nhất trong nhận thức và hành động trên nền tảng luận giải khoa học, toàn diện, sâu sắc cả lý luận và thực tiễn về thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Với tinh thần đó, tôi xin nêu lên một số vấn đề trọng tâm để Hội thảo chúng ta tập trung nghiên cứu, thảo luận làm rõ, đó là:
Thứ nhất, nghiên cứu, luận giải và làm sáng rõ những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước như: mục đích thi đua yêu nước; nội dung thi đua yêu nước; cách thức thực hiện thi đua yêu nước; kết quả của thi đua yêu nước.
Thứ hai, đánh giá trung thực, khách quan về thực trạng các phong trào thi đua ái quốc trong từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương, cơ sở; trao đổi, giới thiệu các mô hình, cách làm hay trong phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Thứ ba, Hội thảo thống nhất, lựa chọn, xác định các giải pháp cụ thể phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực; từng địa phương, cơ sở để khơi dậy, phát huy các thành phần, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020, tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.
Kính thưa các quý vị đại biểu, các nhà khoa học!
Thưa toàn thể các đồng chí!
Hội thảo khoa học “70 năm Thanh Hóa thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Mính (11/6/1948 - 11/6/2018)” diễn ra hôm nay được chuẩn bị chu đáo, tổ chức chặt chẽ, công phu và hứa hẹn những thành công tốt đẹp. Ban Tổ chức xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm tạo điều kiện tốt nhất của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các nhà khoa học ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, các trường đại học, cao đẳng; các đồng chí lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; huyện, thị, thành phố; cán bộ ngành tuyên giáo; cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Thanh Hóa. Thay mặt Ban Tổ chức tôi trịnh trọng tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học “70 năm Thanh Hóa thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (11/6/1948 - 11/6/2018)”.
Xin trận trọng cảm ơn và chúc Hội thảo thành công tốt đẹp./.
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1508
Hôm qua:
2925
Tuần này:
9291
Tháng này:
55665
Tất cả:
4.420.545