HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Cảm nhận về sự thành công của Hội thảo “Đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo...

Đăng lúc: 09:13:48 12/11/2014 (GMT+7)1280 lượt xem

Cảm nhận về sự thành công của Hội thảo “Đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị khu vực Bắc Trung Bộ” Th.S Lê Đình Tư Phòng N/C KH-TT-TL Ngày 7/4/2014, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị khu vực Bắc Trung Bộ”. Sau một ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc và cầu thị cao, Hội thảo đã thành công và để lại dư âm tốt đẹp.

 tu2tu3

 

Cảm nhận về sự thành công của Hội thảo "Đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị khu vực Bắc Trung Bộ"

 Th.S Lê Đình Tư

Phòng N/C KH-TT-TL

 

         Ngày 7/4/2014, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học "Đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị khu vực Bắc Trung Bộ". Sau một ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc và cầu thị cao, Hội thảo đã thành công và để lại dư âm tốt đẹp.

         Là một giảng viên trẻ, lần đầu tiên được tham dự Hội thảo mang tầm khu vực với chủ đề "Đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị khu vực Bắc Trung Bộ", tôi thực sự vui mừng và cảm nhận được ý nghĩa, sự thành công cũng như sức lan tỏa của Hội thảo.

         Xuất phát từ ý tưởng gắn kết các trường chính trị Bắc Trung Bộ, từ  sự cầu thị cần giao lưu, học hỏi với  phương châm khu vực mạnh là cả nước mạnh, đây là lần đầu tiên các trường chính trị Bắc Trung Bộ (Nghệ An; Trần Phú (Hà Tĩnh); Quảng Bình; Lê Duẩn (Quảng Trị); Nguyễn Chí Thanh (Thừa Thiên Huế) có dịp giao lưu trên lĩnh vực khoa học mà khoa học về quản lý - một lĩnh vực quan trọng, cần thiết cho sự đổi mới - khâu quyết định cho sự thành công của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.

         Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, công phu của tập thể Nhà trường, ngày 7/4/2014, Hội thảo được tổ chức. Trong không khí ấm áp, vui tươi của buổi sáng ban mai đầu hạ, với  cái nắng nhẹ và làn gió mát, dòng người qua lại trên con đường thẳng tắp vào Trường hai bên là hàng hồng kỳ đỏ thắm, tung bay phấp phới, tạo cảm giác vừa trang nghiêm, vừa phấn chấn, báo hiệu sự thành công của Hội thảo mang tầm khu vực. Bước chân vào sân trường với cờ, hoa, khẩu hiệu, chúng tôi cảm nhận rõ hơn lúc nào hết sự trọng thị, hiếu khách của đơn vị sở tại, sự mong mỏi, cầu thị của các đoàn đại biểu, sự tin tưởng của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh chọn nơi đây làm  điểm tề tựu và tổ chức Hội thảo khu vực đầu tiên.

         Đúng 8h00 Hội thảo được khai mạc, đồng chí Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Nhà trường đọc diễn văn khai mạc. Bài diễn văn đã khơi dậy giá trị truyền thống của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, nhân lên niềm tự hào của tất cả quý vị đại biểu được tề tựu về đây. Đồng chí Hiệu trưởng nhấn mạnh, nối tiếp truyền thống đó, ngày nay trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ đã và đang nỗ lực phấn đấu thi đua lao động sản xuất làm sáng nên dải đất đầy tiềm năng, xứng đáng là khu vực có vị thế  quan trọng về địa chính trị, địa kinh tế - văn hóa và an ninh, quốc phòng trong cả nước. Trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, đặc biệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và  hội nhập quốc tế" đòi hỏi các trường chính trị Bắc Trung Bộ nói riêng và các trường chính trị trên cả nước nói chung phải tiếp tục đổi mới đồng bộ mọi mặt hoạt động của Nhà trường, trong đó, đổi mới công tác quản lý là khâu then chốt đóng vai trò quyết định đến việc nâng cao chất lượng  đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chính vì vậy, Hội thảo được tổ chức là một hoạt động  lớn, có ý nghĩa thiết thực.

        Cũng tại Hội thảo, đồng  chí Đỗ Trọng Hưng, đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đánh giá cao kết quả công tác chuẩn bị của Nhà trường và thông tin cho Hội thảo những kết quả nổi bật của tỉnh Thanh Hóa trong những năm gần đây.

Sau diễn văn khai mạc và bài phát biểu của đại diện lãnh đạo Nhà trường và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chúng tôi được nghe PGS,TS. Trương Thị Thông, Phó GĐ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đọc báo cáo đề dẫn. Nghe báo cáo, chúng tôi phấn khởi, tự hào khi những nỗ lực của thầy và trò Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa những năm qua đã được ghi nhận, biểu dương. Báo cáo nêu rõ, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa là đơn vị đi đầu trong cả nước đăng cai tổ chức Hội thảo cấp khu vực với công tác chuẩn bị công phu, chu đáo, nội dung Hội thảo đảm bảo chất lượng. Đồng chí nhấn mạnh, Trường Chính trị Thanh Hóa đã có nhiều sáng kiến đổi mới trong tham mưu, trong tổ chức quản lý đào tạo, bồi dưỡng. Đây chính là những kinh nghiệm cần thiết để các trường bạn học tập, noi theo.

         Tham luận tại Hội thảo có 6 ý kiến được trình bày. Các tham luận đã tiếp cận đến các nội dung của công tác quản lý ở các trường chính trị hiện nay: đánh giá, tổng kết thực tiễn công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng ở các trường chính  trị. Các tham luận đã chỉ ra những bất cập hiện nay trong công tác quản  lý, về nội dung chương trình, về đội ngũ giảng viên và các điều kiện bảo đảm thực hiện khác... Với tinh thần trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, các tham luận vừa tạo không khí nghiêm túc, thân mật, vừa làm cho thế hệ trẻ chúng tôi nhận thức được nhiều ý nghĩa. Với chúng tôi, những giảng viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, giảng dạy, những chia sẻ  của quý đại biểu thực sự là những bài học quý giá giúp giảng viên trẻ Trường Chính trị tỉnh trưởng thành hơn. Trong sự cảm nhận của tôi - một giảng viên trẻ, tôi nhận rõ sự thành công của Hội thảo trên ba phương diện:

Thứ nhất, về nội dung Hội thảo: với 17 bài tham luận và 6 ý kiến thảo luận, trao đổi tại Hội thảo đã làm sáng rõ thêm về:

- Vai trò công tác quản lý nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

-  Giải pháp trong đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, quản lý học viên, quản lý giảng viên.

- Giải pháp tăng cường công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc phối hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

- Những giải pháp trong xây dựng đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

-Ý kiến trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng và những kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

      Thứ hai, về phương thức tổ chức Hội  thảo: Hội thảo được tổ chức khoa học (có khai mạc, đề dẫn, có phần thảo, phần luận, có cơ sở lý luận thực tiễn, có chia sẻ kinh nghiệm, có đặt vấn đề và gợi mở vấn đề...). Trong khuôn khổ Hội thảo có giao lưu nên vừa khoa học mà không cứng nhắc, đem lại ấn tượng tốt cho đại biểu tham dự. Phương pháp tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh gặp gỡ đã tạo nên sự hiếu khách, trọng thị của đơn vị chủ nhà. Phương pháp tổ chức đón tiếp cũng tạo nên sự chân thành, tin cậy.

       Thứ ba,thái độ mà các đoàn cảm nhận là sự tin cậy, cầu thị, chân thành. Nhà trường đã làm hết sức có  thể, tất cả vì một Hội thảo thành công với dư âm tốt đẹp.

       Để đạt được sự thành công trên phải nhờ vào sự hội tụ của nhiều yếu tố, cả khách quan, chủ quan, cả từ phía ta và phía bạn. Đối với Nhà trường, sự nhiệt huyết, nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên, người lao động là yếu tố then chốt. Tất cả mọi người đã hòa thành một dàn ca đồng bộ, xướng lên một âm thanh đồng điệu, dịu êm, thánh thót vào lòng người, tạo nên những lời ngợi ca: Thanh Hóa thật tuyệt, Tỉnh ủy Thanh Hóa thật sự trách nhiệm, quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp đào tạo cán bộ tỉnh nhà. Trường chính trị Thanh Hóa thật tuyệt đã có nhiều thành tựu to lớn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đặc biệt đã đăng cai tổ chức thành công Hội thảo hôm nay. Rồi đó đây, những lời to nhỏ: "Khi nào ta bằng Thanh Hóa?". Cảm giác so sánh thật thực, vừa làm cho Trường chúng ta thật tự hào, vừa hiểu sự mong muốn của các Trường bạn, sự mong muốn vươn lên, vượt lên để phát triển. Dẫu rằng trong mỗi giảng viên trẻ chúng tôi đều thầm nhủ với nhau rằng, phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, góp phần xây dựng Nhà trường vững mạnh hơn, phát triển lên tầm cao mới.

        Thành quả nào cũng xuất phát từ sự nỗ lực. Thành quả đổi mới là kết quả của một hành trình đầy gian nan, kiên trì và quyết liệt. Điều đó, thực tiễn đó cũng thắp sáng niềm tin: sự nghiệp dù khó đến mấy nếu chúng ta quyết tâm và có phương pháp sẽ làm được và làm thành công. Sự kỳ diệu của Hội thảo đã làm cho cán bộ, giảng viên, nhân viên Nhà trường - những thành viên cùng trong một mái nhà thêm hiểu và tin nhau hơn. Ta tin bạn, bạn tin ta, chúng ta cùng hát lên bài ca, tiếp bước vì sự phát triển của sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên" trong giai đoạn hiện nay.

        Được tham dự, bản thân nhận thấy đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm về sự thành công trong việc tổ chức Hội thảo của Trường Chính trị Thanh Hóa:

Một là, biết chủ động tham mưu, đề xuất, biết phối hợp để tranh thủ nguồn lực, sự giúp đỡ của các ban, ngành cấp tỉnh (các ban Tỉnh ủy, Vụ các trường chính trị, các trường chính trị Bắc Trung Bộ và các trường bạn).

Hai là, biết tổ chức, điều hành, chọn trọng tâm, trọng điểm các chủ đề mà các trường đang quan tâm, biết chọn điểm nhấn (dù nhỏ) trong công tác tổ chức và phục vụ tạo nên sự thân thiện, đầm ấm và hiếu khách.

Ba là, biết phân công, giao nhiệm vụ, rõ người, rõ việc, đặc biệt công tác tiếp đón các đoàn đã tạo dấu ấn tình cảm tốt đẹp.

Bốn là, biết phát huy dân chủ, khơi dậy sự sáng tạo, sức mạnh của toàn trường từ Giám hiệu đến các khoa, phòng; từ giảng viên đến cán bộ hành chính đều hết lòng, tận tâm, tận lực vì sự thành công của Hội thảo.

Năm là, biết rút kinh nghiệm, tổng kết, đánh giá, động viên, khen thưởng, khích lệ kịp thời, tiếp tục tạo sự phấn chấn thi đua lao động trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, người lao động trong toàn trường.

     Khép lại Hội thảo Bắc Trung Bộ, đồng thời mở ra một cơ hội mới, niềm tin mới cho chúng ta tin tưởng chắc chắn hơn về sự thành công tiếp theo của sự nghiệp đổi mới Nhà trường. Làn gió đổi mới đang tràn về. Lần đổi mới này sẽ đồng bộ hơn, hệ thống nhất quán hơn, kiên trì, quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn, có kiến thức, phương  pháp hoàn hảo hơn. Chúng ta biết rằng là khó khăn, thách thức, song được Đảng tin yêu, nhân dân và Học viện hy vọng, tập thể Nhà trường nói chung, thế hệ trẻ nói riêng cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, nỗ lưc, đoàn kết, nhất trí, quyết tâm phấn đấu xây dựng Nhà trường sớm đạt Trường kiểu mẫu, góp phần xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020.

Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
119
Hôm qua:
2418
Tuần này:
4466
Tháng này:
36112
Tất cả:
4.400.992