NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Tọa đàm “Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”

Đăng lúc: 15:51:23 29/06/2015 (GMT+7)1961 lượt xem

 DSC02392.jpgDSC02393.jpg

Chiều ngày 25/6/2015, Trường Chính trị tỉnh đã diễn ra buổi Tọa đàm với chủ đề “Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Tham dự buổi tọa đàm có các đồng chí: Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng; Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng; đại diện lãnh đạo các phòng của Sở Nội vụ; lãnh đạo các khoa, phòng của Nhà trường và 183 học viên hai lớp Chuyên viên khóa 36 và Chuyên viên chính khóa 5 năm 2015. 
Nhằm mục đích đổi mới, nâng cao chất lượng bồi dưỡng Chuyên viên, Chuyên viên chính, thực hành tốt phương châm: “gắn lý luận với thực tiễn, gắn lý thuyết với thực hành”, Trường Chính trị tỉnh tổ chức Tọa đàm “Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” cho học viên hai lớp Chuyên viên K36 và Chuyên viên chính K5. Thông qua diễn đàn này, học viên được tham gia trao đổi, thảo luận, làm sáng tỏ, sâu sắc hơn những vấn đề thực tiễn đang đặt ra và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay.
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đã tập trung trao đổi các vấn đề về: công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH; công tác xúc tiến thương mại và đầu tư hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; nâng cao năng lực và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Mở đầu buổi tọa đàm, đồng chí Lê Minh Nghĩa, Trưởng phòng Tổng hợp, Sở Kế hoạch & Đầu tư đã trao đổi vai trò, thực trạng và những vấn đề đang đặt ra đối với việc cải thiện môi trường đầu tư ở tỉnh Thanh Hóa bao gồm: vấn đề đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH cho khu vực miền núi; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là những ngành công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh; vấn đề cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI…
Bàn về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm Qui hoạch Kiến trúc 1 và đồng chí Hoàng Văn Thượng, Phó Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch & Đầu tư, học viên lớp Chuyên viên chính K5 đã khẳng định, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của địa phương. Thực tiễn cho thấy rằng, hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại là tiền đề, điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH giai đoạn 2016 – 2020, các đồng chí đã đề xuất nhóm 4 giải pháp chính như: Tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch điều chỉnh tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng; Thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp để huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; Xây dựng kế hoạch chi tiết, huy động tối đa các nguồn vốn cho nhà đầu tư phát triển để đạt mục tiêu tăng trưởng. Bên cạnh đó, để có thể tiếp tục thu hút được các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đồng chí Trịnh Hà Hoàng Linh, Chuyên viên Sở Kế hoạch & Đầu tư, học viên lớp Chuyên viên K36 đã đề xuất 4 giải pháp gồm: Một là, tập trung tháo gỡ những rào cản để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn tư nhân nước ngoài (các dự án FDI); Hai là, tỉnh cần chuyển vai trò từ tham gia đầu tư trực tiếp sang duy trì một môi trường đầu tư hấp dẫn, ổn định với hệ thống luật pháp và các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ điều chỉnh các quan hệ đầu tư theo các hình thức PPP; Ba là, cần mở rộng các kênh đầu tư mới trong xã hội, phải có các cơ chế chính sách đột phá nhằm huy động được khối tư nhân tham gia tích cực hơn trong phát triển kết cấu hạ tầng; Bốn là, tỉnh cũng cần tăng cường quan hệ với các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn ODA để đầu tư kết cấu hạ tầng cho tỉnh.
Đối với công tác xúc tiến thương mại và đầu tư hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng chí Lê Văn Biện, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, học viên lớp Chuyên viên chính K5 đã đề xuất các giải pháp cụ thể như: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt tại các khu, cụm công nghiệp, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận mặtu bằng, kêu gọi đầu tư hạ tầng vào các khu công nghiệp trọng điểm; Khuyến khích, hỗ trợ đổi mới và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật; Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung vào các lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp; Tạo môi trường kinh doanh công khai minh bạch, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận công bằng các thông tin và văn bản pháp luật cần thiết; Các cấp, các ngành theo dõi, nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 
Trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và giải quyết sinh kế cho người dân, đồng chí Phạm Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, học viên lớp Chuyên viên chính K5, đã chia sẻ những kinh nghiệm của huyện trong công tác giải phóng mặt bằng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, từ đó, đồng chí khẳng định, để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đội ngũ cán bộ, công chức cần nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và công tác quản lý quy hoạch; đảm bảo công khai, minh bạch trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần đảm bảo quyền lợi của người dân, hài hòa với lợi ích chung.
Cũng bàn về vấn đề nâng cao năng lực và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Hằng, cán bộ Sở Nội vụ, học viên lớp Chuyên viên K36 đã đề xuất các giải pháp gồm: Đổi mới quy trình, chế độ tuyển dụng công chức; Tạo ra cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong nền hành chính, nhất là trong khâu nâng ngạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý; Đổi mới công tác đánh giá công chức; Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Cải cách tiền lương và các chế độ chính sách đãi ngộ cán bộ công chức; Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức về ý thức trách nhiệm, tận tâm, tận tụy với công việc.
Từ những ý kiến tham gia trao đổi, thảo luận tại buổi tọa đàm, các đồng chí học viên đã cùng nhau làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn và đưa ra được các giải pháp thiết thực nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Nhà trường đã ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham luận và ý nghĩa của buổi tọa đàm. Đồng chí tin tưởng, thông qua buổi tọa đàm, các đồng chí học viên sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực thực thi công vụ, hết lòng phục vụ nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
4158
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12976
Tháng này:
63133
Tất cả:
4.361.670