HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2 tháng 9 (1945 - 2018), nhìn lại con đường Cách mạng XHCN ở Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 08:20:08 01/09/2018 (GMT+7)944 lượt xem

                                                                                
TS.Lê Văn Phong
Phòng Nghiên cứu KH -TT- TL
 
Vào những năm 80 của thế kỷ XX, hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc và toàn diện nên công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Cuộc khủng hoảng ở các nước xã hội chủ nghĩa đã bị các thế lực thù địch phê phán và tăng cường chống phá từ nhiều hướng. Sự dao động về lập trường chính trị, niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân các nước chủ nghĩa xã hội; đặc biệt, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu (1991), đã tác động to lớn đến đời sống chính trị của nhân dân các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, một bộ phận đảng viên dao động về lập trường chính trị, không giữ vững niêm tin, kiên định vào con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa mà nhân dân đã lựa chọn dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Trước hoàn cảnh khó khăn, phức tạp đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh chính trị, kiên định niềm tin vào con đường xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đã lựa chọn. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991) khẳng định: Đảng và nhân dân ta quyết tâm không gì lay chuyển nổi đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta lựa chọn. Đó là con đường duy nhất đúng đắn. Năm 1991, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: lấy Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng (trước năm 1991 Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động)
Thực tiễn con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam từ năm 1930, đến những năm cuối của thế kỷ XX ,với những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, đã buộc chúng ta phải xem xét, nhìn nhận lại một cách nghiêm túc để một lần nữa khẳng định sự lựa chọn con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa của toàn dân tộc Việt Nam là con đường duy nhất đúng đắn. Vì thế, việc Nhìn lại con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc nhân kỷ niệm 73 năm Quốc khánh (1945 - 2018).
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX lịch sử dân tộc Việt Nam đã khảo nghiệm qua các khuynh hướng cứu nước như: khuynh hướng phong kiến, tiêu biểu là phong trào Cần Vương yêu nước; khuynh hướng tư sản gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh được thực hiện qua các phong trào Đông du, Đông kinh nghĩa thục, Duy tân… Các phong trào cứu nước nổ ra oanh liệt, tác động mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân, nhưng tựu chung lại đều bị thất bại. Sự thất bại của các con đường cứu nước đẩy cách mạng Việt Nam rời vào cuộc khủng hoảng về đường lối cách mạng. Lịch sử cách mạng đòi hỏi cần phải tìm ra con đường cách mạng đúng đắn, khoa học và phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập dân tộc.
Trước yêu cầu, đòi hỏi của lịch sử cách mạng, Nguyễn Ái Quốc với hành trang là ý chí, khát vọng cứu nước, cứu dân khỏi cảnh lầm than, đã ra đi tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân vào năm 1911. Người khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành”.
 Sau khi khảo sát các con đường cứu nước của các bậc tiền bối, Nguyễn Ái Quốc quyết tâm sang Pháp để hiểu về những cụm từ “tự do, bình đẳng, bác ái”. Cái nơi sinh ra “tự do, bình đẳng, bác ái”, nơi sinh ra “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền”  lại là nơi đẻ ra ách đô hộ thực dân. Ở Pháp, Người nhận thấy nhân dân lao động cũng bị giai cấp tư sản bóc lột như ở Việt Nam. Người tích cực quan sát cuộc sống những người lao động ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ, Nguyễn Ái Quốc rút ra một nhận xét: đâu đâu trên thế giới cũng chỉ có hai loại người là thiểu số đi áp bức bóc lột, còn đa số quần chúng lao động là những người bị áp bức bóc lột.
Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước gửi đến hội nghị Vécxai bản “Yêu sách của nhân dân Annam”, đòi quyền lợi cho các dân tộc ở Đông Dương. Tuy không được thực dân chấp nhận, nhưng bản yêu sách đã gây ra tiếng vang lớn trong dư luận. Cũng từ đây Người rút ra một bài học quan trọng: Sự nghiệp giải phóng dân tộc mình phải dựa vào chính sức mạnh của mình, chứ không phải dựa vào các lực lượng bên ngoài.
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận được bản Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Sau khi nghiên cứu kỹ luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy một con đường cứu nước phù hợp cho dân tộc Việt Nam. Muốn cứu nước, muốn giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân Việt Nam, không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Cũng chính sự thừa nhận con đường cách mạng vô sản, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Đảng xã hội Pháp gia nhập Quốc tế cộng sản.
Sau khi trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc tích cực tìm hiểu, nghiên cứu, học tập, và ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước cũng như các thuộc địa khác. Những nỗ lực phi thường khi hoạt động trên đất Pháp, ở Liên Xô, ở Trung Quốc…qua các tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường cách mệnh”, tuần báo “Thanh niên”, mở lớp đào tạo cán bộ…, là quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc, là quá trình xây dựng lý luận cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam, quá trình chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân 1930. Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cách mạng và là sự lựa chọn dứt khoát của dân tộc Việt Nam đối với con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa, dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã  làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 vĩ đại, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Thực hiện thành công 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 – 1975) đánh bại sự xâm lược của thực dân, đế quốc, bảo vệ thành công những giá trị của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đưa lại. Từ năm 1975, cả nước được độc lập và bước vào cuộc cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn quốc. Nhất là, hơn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử về kinh tế, xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc; kiện định ngọn cờ độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức, nhất là bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn; những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp chưa được chú trọng và phát huy; sự suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước.
Con đường phía trước của đất nước vẫn còn những khó khăn, thách thức, nhưng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam vẫn kiên định, tin tưởng vững chắc vào con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa đã được dân tộc Việt Nam lựa chọn, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Mình. Đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn dứt khoát từ năm 1930.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
87
Hôm qua:
2418
Tuần này:
4434
Tháng này:
36080
Tất cả:
4.400.960