HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Một số giải pháp tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 10:10:39 09/05/2017 (GMT+7)1011 lượt xem

ThS. Nguyễn Thị Lan Hương
 P. Trưởng Khoa LL Mác – Lênin, TT Hồ Chí Minh
 
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình toàn diện, sâu sắc có tác động mọi mặt đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Thời gian qua ở tỉnh Thanh Hóa, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền của địa phương, sự vào cuộc, tham gia tích cực của các đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân, với nhiều cách làm cụ thể, sáng tạo, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh, thu hút toàn xã hội tham gia và đạt được những kết quả quan trọng.  
Có thể nói, quá trình xây dựng NTM ở Thanh Hóa  đã đạt được thành tựu khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản bảo đảm, tạo sự thuận lợi trong giao lưu buôn bán và phát triển sản xuất; Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề. Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với xây dựng NTM, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Trong quá trình thực hiện các địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt để huy động nguồn lực thực hiện Chương trình. Chỉ tính riêng năm 2016, toàn tỉnh đã huy động hơn 5.634 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó vốn trực tiếp cho chương trình đạt gần 2.000 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương gần 480 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 120 tỷ đồng, vốn ngân sách xã 1.096 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp bằng tiền gần 1.000 tỷ đồng cùng nhiều nguồn vốn khác như ngân sách huyện, vốn lồng ghép, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, ngày công, vật liệu. Từ nguồn vốn huy động được, các địa phương đã xây dựng gần 1.400 km đường giao thông nông thôn, gần 3.800 km đường giao thông nội đồng, hơn 350 km kênh mương, 119 trạm biến áp, gần 180 km đường điện hạ thế, 214 phòng học các loại, 135 trung tâm văn hoá – thể thao xã, 104 trạm y tế, 53 chợ nông thôn… Những thành tựu đó đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn của tỉnh, tạo cơ sở vững chắc tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân;  hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, học tập trong cộng đồng được khôi phục, duy trì và phát triển; y tế, giáo dục tiếp tục được chăm lo; môi trường nông thôn từng bước được cải thiện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1 huyện; 180 xã; 339 thôn, bản đạt chuẩn NTM; bình quân toàn tỉnh đạt 14,2 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân chung của cả nước.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM ở Thanh Hóa cũng còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết, đó là: công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của chính quyền các cấp, sự tham gia của đoàn thể chính trị xã hội trong xây dựng NTM ở một số địa phương hiệu quả chưa cao; vai trò của người đứng đầu còn hạn chế. Việc huy động các nguồn lực vẫn còn tư tưởng trông chờ nguồn vốn phân bổ của cấp trên. Việc lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao thu nhập cho nông dân chưa được các địa phương tập trung chú trọng. Một số xã tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản ở một số nới kéo dài nhưng chưa có phương án khả thi để cân đối nguồn trả nợ. Kết quả xây dựng NTM của một số địa phương chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Một số xã có biểu hiện bằng lòng, thoả mãn với những thành tích đã đạt được trong xây dựng NTM; đến nay vẫn còn 4 xã ở khu vực miền núi đạt dưới 5 tiêu chí/xã.  Những hạn chế nêu trên cũng chính là những khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến quá trình xây dựng NTM của tỉnh.
Để đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM của tỉnh phát triển mạnh mẽ, thực sự đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Theo chúng tôi, cần quán triệt và thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tham gia thực sự có hiệu quả trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Đưa nội dung  về kết quả xây dựng NTM vào nội dung sinh hoạt định kỳ; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở các xã, thôn, bản. Tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã theo hướng bố trí những cán bộ thực sự có trình độ, năng lực, am hiểu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân và cán bộ, đảng viên trong xây dựng NTM, tạo thống nhất trong chỉ đạo và đạt kết quả cao trong tổ chức thực hiện, theo phương châm lấy sự hài lòng của người dân trong thực hiện Chương trình làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình xây dựng NTM theo hướng đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và ý thức tự giác của cán bộ và nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong mọi tầng lớp dân cư; gắn việc hưởng ứng phong trào thi đua với biểu dương, khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến, xuất sắc trong xây dựng NTM.
Ba là, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.Các địa phương cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững. Đặc biệt, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung  các quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM, thực hiện đổi điền, dồn thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; tăng cường chuyển dịch cơ cấu cây trồng có giá trị theo hướng tập trung, quy mô lớn, gắn với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tạo ra chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.Xây dựng quy hoạch xây dựng NTM gắn với các vùng sản xuất theo chuỗi và phát triển liên vùng, phát triển các làng nghề, làm thật tốt chủ trương “mỗi làng một sản phẩm”.
 Bốn là,tăng cường nguồn lực cho Chương trình xây dựng NTM tương xứng với mục tiêu đề ra. Có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp.Đồng thời, tăng cường huy động nguồn lực từ Trung ương, từ ngoài tỉnh cho xây dựng NTM; nghiên cứu cơ chế phù hợp, theo quy định của pháp luật để huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa từ trong dân, các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là nhân tố quan trọng trong tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.
Năm là, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả việc thực hiện các Kế hoạch, Đề án về xây dựng NTM của các địa phương. Để thực hiện nhiệm vụ này, các địa phương cần bám sát quy hoạch, đề án, thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình, dự án khác đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh theo hướng tập trung, công khai, minh bạch về huy động và sử dụng nguồn lực, nhằm tạo sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân, phát huy cho được vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong việc tham gia xây dựng NTM.
Tóm lại, xây dựng thành công Chương trình NTM sẽ thực sự tạo ra bộ mặt mới cho nông thôn, nâng cao đời sống của một bộ phận lớn người dân. Để làm được điều đóvấn đề quan trọng là tìm những cách làm hay nhằm khơi dậy các nguồn lực trong nhân dân. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, sự linh hoạt bảo đảm phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, đơn vị. Có như vậy, quá trình xây dựng NTM mới thực sự trở thành động lực, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
94
Hôm qua:
1983
Tuần này:
10407
Tháng này:
42053
Tất cả:
4.406.933