HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Một số kết quả và kinh nghiệm bước đầu rút ra từ việc tổ chức Hội thảo chuyên đề “Giải pháp xây dựng con người, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu trên địa bàn huyện Đông Sơn hiện nay”

Đăng lúc: 15:44:30 24/12/2016 (GMT+7)1809 lượt xem

ThS. Nguyễn Thị Hạnh - Trưởng Khoa Dân vận
ThS. Vũ Tất Thành - GVC Khoa Dân vận
 
 
Thực hiện kế hoạch đào tạo toàn khóa Lớp Trung cấp Lý luận chính trị-hành chính (LLCT-HC) tại chức huyện Đông Sơn khóa học 2016 - 2017, ngày 05/12/2016 tại Trung tâm BDCT huyện Đông Sơn,Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Huyện ủy Đông Sơn tổ chức Hội thảo chuyên đề “Giải pháp xây dựng Con người, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu trên địa bàn huyện Đông Sơn hiện nay” vớimục đích góp phần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện phương châm “học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”, từng bước nâng cao khả năng nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Đông Sơn, các ban, ngành, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị; các cơ quan, đơn vị, các địa phương trong huyện và 91/91 học viên Lớp Trung cấp LLCT-HC tại chức huyện Đông Sơn khóa học 2016 - 2017. Tại Hội thảo, sau khi nghe báo cáo đề dẫn của đồng chí Thịnh Văn Khoa - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, Hội thảo đã trao đổi, tham luận với nhiều ý kiến của đại diện các ban, ngành huyện và của các học viên trong lớp.
Thông qua các ý kiến tham luận, Hội thảo đã làm rõ mục đích, ý nghĩa của Đề án “Xây dựng con người, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện Đông Sơn” (ban hành kèm theo Quyết định số 303/QĐ-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2016 của UBND huyện Đông Sơn - Sau đây gọi chung là Đề án 303); quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy huyện; những kết quả bước đầu trong việc triển khai thực hiện Đề án 303. Đặc biệt, các báo cáo tham luận của học viên đã chỉ ra được những kết quả cụ thể, những khó khăn vướng mắc, những tồn tại hạn chế trong thực tiễn quá trình triển khai Đề án 303 ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương; từ đó đưa ra những giải pháp, kiến nghị, đề xuất nhằm bổ sung cho quá trình thực hiện Đề án 303 trong những năm tiếp theo.
Các ý kiến đều khẳng định về mục đích, ý nghĩa, tính đúng đắn cả về lý luận và thực tiễn của Đề án 303 mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện đã và đang tập trung triển khai; những ý kiến được nêu trong báo cáo tham luận của các thành viên tham dự hết sức đa dạng, phong phú, đầy đủ trên từng lĩnh vực, đối tượng và cụ thể cho mỗi tiêu chí; qua đó khái quát được bức tranh sinh động, thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong huyện; tinh thần hưởng ứng, không khí thi đua sôi nổi của từng cơ quan, địa phương, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện khi triển khai thực hiện Đề án 303; cùng những kết quả bước đầu quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động; các giải pháp và kinh nghiệm trong xây dựng cơ quan, đơn vị, công sở kiểu mẫu, thôn, khu phố, xã kiểu mẫu, công dân gương mẫu ... trên địa bàn huyện Đông Sơn.
Từ thực tiễn quá trình triển khai thực hiện Đề án 303, các ý kiến tham luận đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như: Một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức việc quán triệt, triển khai Đề án 303; kế hoạch tổ chức thực hiện ở một số đơn vị chưa cụ thể, sát thực, thiếu tính khả thi; công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình điển hình còn mang tính hình thức, việc theo dõi, đôn đốc, động viên, khuyến khích tạo ra không khí thi đua…ở một số đơn vị chưa được quan tâm và hiệu quả còn thấp.
Những khó khăn, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Về khách quan, là do một số tiêu chí về kiểu mẫu trong Quyết định 488/2014/QĐ-UBND, ngày 17/02/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Quy định các tiêu chí kiểu mẫu và trình tự, thủ tục xét, công nhận các danh hiệu kiểu mẫu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước giai đoạn 2014 - 2020 và trong Đề án 303của UBND  huyện Đông Sơn còn bất hợp lý và chưa phù hợp với thực tiễn. Về chủ quan, là do tính chủ động trong việc quán triệt và tổ chức thực hiện của một số cơ quan, đơn vị chưa cao, vẫn trông chờ vào cấp trên; tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, các tham luận thống nhất đề ra các giải pháp và kiến nghị, đề xuất sau:
- Về giải pháp: Trước hết, các cơ quan, đơn vị cần phải tiếp tục triển khai, quán triệt ý nghĩa, vai trò tầm quan trọng của Đề án “Xây dựng con người, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện Đông Sơn”; đồng thờithống nhất về cách làm và phải giữ nghiêm kỷ luật, tăng cường kỷ cương, pháp chế, nêu cao tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, cần phải kế thừa thành quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc... trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
- Về kiến nghị, đề xuất: Qua đánh giá kết quả một năm thực hiện Đề án 303, các ý kiến đã nêu lên một số bất cập, khó khăn trong quá trình xét, đánh giá, nhất là các tiêu chí; cụ thể là: Tiêu chí “Công dân gương mẫu” phải đạt các danh hiệu xuất sắc của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là khó thực hiện, đề nghị chỉ để ở mức “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; tiêu chí “Làng, thôn kiểu mẫu” tỷ lệ hộ nghèo đạt dưới 3%, đạt giấy khen của Hội Khuyến học tỉnh là quá cao so với thực tế hiện nay; do đó, đề nghị điều chỉnh tỷ lệ hộ nghèo đạt dưới 5% và đạt giấy khen của Hội Khuyến học huyện; tiêu chí “Cơ quan, đơn vị kiểu mẫu” đạt 95% trở lên cán bộ, công chức, viên chức… đạt công dân gương mẫu; đề nghị điều chỉnh tỷ lệ 75% trở lên. Đối với trình tự thủ tục để xét, công nhân các danh hiệu “Công dân gương mẫu” “Gia đình kiểu mẫu” đề nghị chỉ ban hành quyết định công nhận và có danh sách kèm theo; theo đó, các ý kiến đều thống nhất kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh sớm sửa đổi, bổ sung các tiêu chí và trình tự, thủ tục xét công nhận ... phù hợp với thực tế để triển khai thực hiện đồng bộ trong những năm tiếp theo đạt kết quả tốt hơn.
Qua ý kiến kết luận của Thường trực Huyện ủy Đông Sơn và từ kết quả thực tế của Hội thảo, chúng ta nhận thấy Hội thảo khoa học chuyên đề “Giải pháp xây dựng con người, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu trên địa bàn huyện Đông Sơn hiện nay” do Trường Chính trị tỉnh và Huyện ủy Đông Sơn phối hợp tổ chức đã hoàn thành yêu cầu đề ra và thành công tốt đẹp. Qua Hội thảo sẽ góp phần nâng cao nhận thức lí luận, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và định hướng giải pháp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng con người, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu” trên địa bàn huyện Đông Sơn trong những năm tiếp theo.
Từ quá trình tham mưu tổ chức Hội thảo khoa học cho Lớp Trung cấp LLCT-HC huyện Đông Sơn, chúng tôi xin phép được rút ra một số kinh nghiệm sau:
- Một là, sự lãnh chỉ đạo của Đảng ủy và sự quan tâm tạo điều kiện của Ban Giám hiệu Trường Chính trị trong việc lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp với quy mô của lớp học và yêu cầu của cơ quan phối hợp là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công của Hội thảo. Bởi vì, Hội thảo phải đáp ứng được hai yêu cầu: (1)Hướng tới một vấn đề thực tiễn của địa phương đã và đang đặt ra nhằm tìm cách giải quyết; (2)Là diễn đàn để tham luận, trao đổi, kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về những vấn đề thực tiễn có liên quan đó của địa phương. Tuy nhiên, “Xây dựng con người, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu” là một vấn đề mới và khó vì chưa có tiền lệ. Song khi đó (quí I/2016) Đông Sơn là một trong những đơn vị đầu tiên có Đề án triển khai về vấn đề này. Vì vậy, việc lựa chọn “Giải pháp xây dựng con người, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu trên địa bàn Huyện Đông Sơn hiện nay” làm chủ đề Hội thảo đã đáp ứng được cả hai yều cầu trên.
- Hai là, Chủ nhiệm lớp phải chủ động tham mưu, xin ý kiến Ban Giám hiệu trong quá trình tổ chức thực hiện (lựa chọn chủ đề; xây dựng kế hoạch, phương án Hội thảo; đặt bài tham luận; làm tốt công tác chuẩn bị ...); đồng thời phối hợp với khoa chuyên môn và đồng Chủ nhiệm lớp để xây dựng kế hoạch, phương án, xác định nội dung; xây dựng đề cương; thẩm định các bài viết tham luận ...góp phần nâng cao chất lượng Hội thảo.
- Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của khoa chuyên môn trong việc định hướng nội dung; xây dựng đề cương; chọn học viên viết bài và thẩm định bài viết tham luận; hướng dẫn học viên cách trình bày, trao đổi ... Đây là yếu tố rất quan trọng để thực hiện tốt mục tiêu của Hội thảo. Vì vậy ngay từ đầu, lãnh đạo Khoa Dân vận đã phối hợp với Chủ nhiệm và đồng Chủ nhiệm lớp trong việc đặt bài - “chọn mặt, gửi vàng”. Công việc này phải đảm bảo ba yêu cầu: (1)Tác giả tham luận phải là người tâm huyết, có trách nhiệm với địa phương trong việc “xây dựng cơ quan, đơn vị kiểu mẫu”; (2)Phải có trình độ, năng lực tự nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về chủ đề được đề cập; (3)Tham luận phải có tính đại diện.
- Bốn là, nêu cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm của các học viên trong lớp. Đây là thành phần đông đảo nhất, quyết định không khí của Hội thảo. Chỉ khi học viên tham gia đầy đủ với tinh thần, trách hiệm cao mới tạo ra chất lượng và không khí sôi nổi cho Hội thảo. Do đó, ngay từ đầu Chủ nhiệm Lớp phải quán triệt mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của chủ đề và nội dung Hội thảo để học viên lựa chọn nội dung phù hợp với vị trí việc làm của bản thân. Kết quả có 91/91 học viên tham gia viết bài; nhiều bài có chất lượng được Ban tổ chức chọn cùng với các bài của các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành, địa phương trong huyện đóng thành Kỷ yếu của Hội thảo.
- Năm là, tăng cường vai trò của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện trong việc phối hợp với Chủ nhiệm và đồng Chủ nhiệm lớp lựa chọn học viên tham luận, đôn đốc, nhắc nhở học viên làm tốt công tác chuẩn bị về nội dung, tích cực tham gia ý kiến trao đổi tại Hội thảo... ; bên cạnh đó, còn phải làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho Hội thảo, đây là khâu cuối trong công tác chuẩn bị, góp phần quan trọng cho thành công của Hội thảo. Trên thực tế Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Đông Sơn đã thông qua Chủ nhiệm và đồng Chủ nhiệm lớp làm tốt công tác phối hợp với khoa chuyên môn của Trường Chính trị tỉnh (Khoa Dân vận) trong công tác chuẩn bị tổ chức Hội thảo; ngoài ra các điều kiện vật chất cần thiết khác phục vụ Hội thảo, như: Hội trường, maket, tăng âm, loa, đài, micro, ánh sáng, nước uống... cũng đã được Trung tâm chuẩn bị khá chu đáo.
Có thể nói, về cơ bản Hội thảo “Giải pháp xây dựng con người, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu trên địa bàn huyện Đông Sơn hiện nay” tổ chức tại Lớp Trung cấp LLCT-HC tại chức huyện Đông Sơn khóa học 2016 - 2017 đã diễn ra đúng kế hoạch, đáp ứng mục đích, yêu cầu của Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh và Thường trực Huyện ủy Đông Sơn. Đây cũng là tiền đề quan trọng để chúng tôi tiếp tục học tập, tìm tòi, nghiên cứu những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh nhà; góp phần cùng với Nhà trường, các cơ quan, đơn vị, chiến sĩ lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc anh em trong toàn tỉnh xây dựng Thanh Hóa thành “tỉnh kiểu mẫu” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi lần đầu tiên Người về thăm Thanh Hóa./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
383
Hôm qua:
2230
Tuần này:
5241
Tháng này:
51615
Tất cả:
4.416.495