HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 10:37:58 12/03/2018 (GMT+7)2974 lượt xem

 ThS. Trịnh Thị Phượng,ThS. Nguyễn Thị Phương
GV  Khoa LL Mác – Lê nin, TT Hồ Chí Minh
 
Giảng dạy lý luận chính trị là một bộ phận của công tác tổ chức cán bộ, có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang là mối quan tâm lớn của Đảng ta. Với mong muốn sớm đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng vào cuộc sống, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2006 “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Nghị quyết đã chỉ rõ 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, Nghị quyết đã nêu rõ một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là  “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Vì vậy, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay là phải đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị trong Đảng, đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng.
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa là một đơn vị đào tạo cán bộ cấp cơ sở của tỉnh, trong đó chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính là cơ bản. Mục tiêu của chương trình là nâng cao trình độ, năng lực tư duy lý luận, qua đó nhằm nâng cao giác ngộ chính trị và năng lực thực tiễn cho cán bộ. Trong những năm qua, nhà trường đã tiến hành đổi mới một cách đồng bộ các hoạt động đào tạo, nên đã tạo sự chuyển biến rõ nét về ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện của học viên. Nhưng trước yêu cầu mới và để góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đòi hỏi nhà trường cần đổi mới hơn nữa các hoạt động đào tạo nói chung và các phương pháp giảng dạy lý luận nói riêng. 
Để giác ngộ chính trị cho cán bộ, trước tiên cần phải chú ý bồi dưỡng thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng, điều đó không tách rời việc dạy và học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng. Hơn nữa, trong giảng dạy lý luận chính trị cần coi trọng tổng kết thực tiễn. Bởi vì,  có như vậy mới làm rõ giá trị đích thực của lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự sáng tạo vận dụng của Đảng ta qua từng thời kỳ cách mạng. Muốn làm được điều đấy thì cần  phải đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận trên nguyên tắc lý luận gắn với thực tiễn. Như trước đây Bác Hồ đã dạy, việc truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng, ý chí, phẩm chất cách mạng và năng lực hoạt động thực tiễn. Như vậy, việc giảng dạy  lý luận phải hướng tới việc vận dụng kiến thức ấy vào cuộc sống; lý luận cần bám sát tình hình từ thực tiễn. Chỉ có điều đó mới làm cho lý luận khoa học là vũ khí tinh thần để giúp con người xử trí mọi việc đối với người và đối với bản thân; là học để làm việc.
Hiện nay, các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính được mở khá nhiều, trong đó trình độ học viên cao và đa phần là cán bộ quản lý ở các đơn vị trong tỉnh, có kiến thức thực tiễn phong phú. Từ thực tế công tác giảng dạy và trướcyêu cầu đổi mới đồng bộ, toàn diện các hoạt động của nhà trường phải lấy nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là trung tâm; đổi mới công tác quản lý là then chốt; đổi mới đánh giá kết quả học tập của học viên là khâu đột phá; xây dựng môi trường kỷ cương thân thiện, kiểu mẫu là việc thường xuyên, cũng như nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, theo chúng tôi để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra giáo dục, rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy và đổi mới phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên.
Ban Giám hiệu thường xuyên theo dõi, kiểm tra, thanh tra, đánh giá chất lượng bài giảng của các khoa và giảng viên thông qua hoạt động thao giảng, dự giờ trên lớp; lấy phiếu đánh giá bài giảng đối với giảng viên đứng lớp và phiếu thăm dò ý kiến học viên về chất lượng giảng dạy của giảng viên. Trong đó, việc sử dụng phương tiện hiện đại và áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại được chú trọng.
Lãnh đạo các khoa, phòng coi việc dự giờ, theo dõi, đánh giá việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên là việc làm thường xuyên và có trách nhiệm báo cáo với Ban Giám hiệu nhà trường về kết quả tổ chức thực hiện. Thông qua các hoạt động chuyên môn tại các khoa, phòng như là từ khâu soạn giáo án, thông qua bài giảng, bắt buộc các giảng viên phải áp dụng một hoặc một số phương pháp giảng dạy hiện đại vào bài giảng để nâng cao chất lượng và trình độ nghiên cứu giảng dạy của giảng viên.
Bên cạnh đó, nhà trường cần đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, chú trọng các kỹ năng mềm để vừa tạo hứng thú, vừa nâng cao năng lực thực tiễn cho người học. Trong đó chú ý  tổ chức các cuộc thi, như thuyết trình ý tưởng hoặc các hoạt động khác, tạo không khí sôi nổi trong học tập. Mặt khác, cần phải đổi mới cách thức đánh giá, giảm áp lực thi, kiểm tra. Vì, lý luận chính trị vốn là môn học có nội dung tương đối khó và trừu tượng, để kích thích sự đam mê, tự giác nghiên cứu, tìm tòi cho người học cần phải đổi mới cách đánh giá theo hướng không quá áp lực thi cử.
Thứ hai, trong giảng dạy cần phải cập nhật thông tin từ thực tiễn, đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng học viên.
Trong giảng dạy cần phải kịp thời cập nhật và chắt lọc các thông tin từ thực tiễn chính xác, đầy đủ và có tính thời sự. Yêu cầu này nhằm mục đích là giảm sự nhàm chán và tăng sự hưng phấn, thích thú học tập lý luận cho người học. Việc cập nhật thông tin có thể bằng nhiều hình thức như tìm hiểu qua các mạng, thời sự, thông qua các buổi học nghị quyết, chuyên đề... cũng có thể khai thác thông tin từ chính học viên thông qua giao tiếp hỏi chuyện, những buổi thảo luận... Việc lựa chọn vấn đề thực tiễn để đưa vào giảng dạy phải có tính điển hình, nổi bật, có tính thời sự. Thực tiễn đưa ra phải được phân tích thấu đáo, chỉ rõ giá trị thực tiễn của lý luận để định hướng chính trị, để bài giảng có sức hấp dẫn, thu hút. Nhất là phần học những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Giảng dạy các môn lý luận chính trị phải coi trọng tìm hiểu thực tế  các cơ sở kinh tế, các nhân tố điển hình để người học tự đối chiếu kiến thức lý luận đã học với thực tiễn. Với sự đổi mới này sẽ tạo hứng thú, cảm xúc trong học tập cho người học, nhờ đó sẽ thu hút được tính tự giác nghiên cứu, vận dụng lý luận vào thực tiễn của người học.
Tăng cường các phương pháp dạy học tích cực, như thảo luận nhóm, nêu vấn đề và phương pháp đóng vai,... Việc áp dụng linh hoạt các phương pháp này là đặt người học vào vị trí trung tâm để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo; đồng thời bảo đảm dân chủ, giúp người học tự rèn luyện kỹ năng thực tiễn.
Thứ ba,tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, trang bị và nâng cao hiệu quả sử dụng các trang thiết bị, tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập theo hướng hiện đại hoá.
Phát động phong trào thi đua học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ hiểu biết và sử dụng các trang thiết bị (máy tính, máy chiếu), tài liệu phục vụ cho phương pháp giảng dạy hiện đại. Lãnh đạo nhà trường tiếp tục xây dựng kế hoạch cho các giảng viên trẻ của nhà trường đi dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho tất cả các giảng viên về phương pháp giảng dạy hiện đại, nhằm chuẩn hóa và nâng cao trình độ về phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên.
Có thể khẳng định, dạy tốt, học tốt lý luận chính trị trong Đảng là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, là hoạt động có vai trò to lớn để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và “tự chuyển hóa”, “tự chuyển biến” trong nội bộ hiện nay. Vì vậy, đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị là việc làm cấp thiết góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII./.
 
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1831
Hôm qua:
2925
Tuần này:
9614
Tháng này:
55988
Tất cả:
4.420.868