NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Thăm quan và học hỏi kinh nghiệm tại mô hình nông thôn mới xã Minh Dân, huyện Triệu Sơn và xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa

Đăng lúc: 09:00:43 12/11/2014 (GMT+7)1735 lượt xem

Ngày 4/10/2013, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức chuyến đi nghiên cứu thực tế về mô hình nông thôn mới tại xã Minh Dân, huyện Triệu Sơn (dành cho lớp bồi dưỡng Chủ tịch UBND cấp xã) và xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (dành cho lớp bồi dưỡng Phó Bí thư Đảng ủy cấp xã).

 Thực hiện chương trình, kế hoạch bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho chức danh Phó Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND cấp xã thuộc các đơn vị: Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, TX Bỉm Sơn và TP Thanh Hóa. Ngày 4/10/2013, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức chuyến đi nghiên cứu thực tế về mô hình nông thôn mới tại xã Minh Dân, huyện Triệu Sơn (dành cho lớp bồi dưỡng Chủ tịch UBND cấp xã) và xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (dành cho lớp bồi dưỡng Phó Bí thư Đảng ủy cấp xã). Cùng đi với đoàn có đồng chí Lưu Huy Huyền, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đồng chí Nguyễn Văn Ninh, Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

Minh Dân là 1 trong 11 xã điểm được tỉnh Thanh Hóa chọn làm mô hình xây dựng nông thôn mới. Sau 2 năm thực hiện chương trình, xã Minh Dân đã có nhiều khởi sắc trên tất cả các mặt. Về thăm Minh Dân hôm nay, chúng tôi rất vui mừng khi được tận mắt chứng kiến các công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi khang trang, những ngôi nhà, khuôn viên, tường rào của người dân được chỉnh trang sạch, đẹp, góp phần làm cho thôn, xóm văn minh, giàu đẹp.

Tiếp đoàn tại Hội trường Trung tâm văn hóa xã, các đồng chí lãnh đạo xã phấn khởi, cho biết: Được tỉnh Thanh Hóa lựa chọn là 1 trong 11 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh. Sau hơn 2 năm xây dựng, với những bứt phá ngoạn mục, Minh Dân đã cán đích với 18/19 tiêu chí (tiêu chí chợ không thực hiện), trở thành 1 trong 3 xã cán đích xây dựng NTM tiêu biểu của Thanh Hóa. Kết quả đạt được hôm nay là nhờ luồng gió mới từ phong trào XDNTM được phát động, cuộc cách mạng “đổi điền, dồn thửa” nhanh chóng được thực hiện quyết liệt nhằm quy hoạch lại đất sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô, khoa học để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng trang trại, tăng giá trị sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ bước đầu phát triển, đời sống nhân dân nhìn chung được cải thiện.

Trao đổi với đoàn, đồng chí Lê Hữu Bình, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Minh Dân nhấn mạnh, một trong những nội dung quan trọng, mang tính ổn định bền vững trong xây dựng nông thôn mới là tập trung xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, ý thức được điều đó, trong những năm qua, thông qua việc chuyển đổi các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các bộ giống cây trồng, vật nuôi vào có hiệu quả, năng suất, chất lượng cao vào canh tác, cấp ủy chính quyền xã Minh Dân đã tập trung chỉ đạo xây dựng 04 mô hình phát triển sản xuất (mô hình trồng nấm, sản xuất rau màu vụ đông, mô hình cơ giới hóa đồng bộ, mô hình cây dược liệu…với quy mô diện tích lên tới 50 ha). Vì vậy, năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi hàng năm đều tăng: năng suất lúa tăng từ 120 tạ/ha năm 2010 lên 126 tạ/ha năm 2012, sản lượng lương thực có hạt đạt bình quân 2.706 tấn năm 2012. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm đạt bình quân 109 triệu đồng/ha/năm; năm 2012 thu nhập bình quân đầu người đạt 22,3 triệu đồng, từ đó tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực trong việc tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Chiều cùng ngày, đoàn thực tế của lớp Bồi dưỡng Phó Bí thư Đảng ủy cấp xã vùng ven biển do đồng chí Lưu Huy Huyền, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị dẫn đầu đã đến thăm mô hình nông thôn mới xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa. Thiệu Trung cũng như Minh Dân là 1 trong 3 xã của xứ Thanh vinh dự được chọn chỉ đạo điểm hoàn thành 19 tiêu chí NTM vào năm 2012.

Trên lộ trình xây dựng nông thôn mới, với xuất phát điểm là một xã khó khăn, ngành nghề chưa phát triển, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, bình quân đạt 14,5 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo 9,6%; tỉ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp gần 39%... Đối chiếu với Bộ tiêu chí quốc gia NTM, xã mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đạt 35-45%. Sau 2 năm xây dựng, với sự đồng lòng chung sức của Đảng bộ và nhân dân Thiệu Trung, sự trách nhiệm, gương mẫu, tâm huyết, tận tụy của đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã, Thiệu Trung đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn,thách thức cán đích 19/19 tiêu chí vào cuối năm 2012. Toàn xã đã bê tông hóa được hơn 52 km đường giao thông, kênh mương nội đồng; xây dựng thành công một số mô hình phát triển sản xuất như: trồng nấm, thâm canh mía, mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại, cơ giới hóa đồng bộ; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt gần 75 triệu đồng/ha; đặc biệt với làng nghề đúc đồng truyền thống đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân Thiệu Trung. Năm 2012 thu nhập bình quân đầu người gần 23 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,39%... Các tiêu chí về y tế, văn hóa, giáo dục, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, hệ thống chính trị xã hội đều đạt bền vững đúng với quy định.

Qua thực tế mô hình NTM tại các xã Minh Dân (Triệu Sơn), Thiệu Trung (Thiệu Hóa), các đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã vùng ven biển đều tâm huyết và rút ra  những kinh nghiệm trong công tác dân vận, huy động và bồi dưỡng sức dân để thực hiện thành công chương trình XDNTM, đó là:

Một là, Đảng ủy và chính quyền phải chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, cần phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị; thực hiện tốt quy chế dân chủ; làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã.

Hai là, Xây dựng đề án sát đúng, phù hợp với điều kiện của địa phương. Lựa chọn các tiêu chí để thực hiện trong từng thời điểm, từng thời kỳ, phù hợp với điều kiện của đơn vị. Những tiêu chí mà dân cần và dân bức xúc làm trước, từ đó tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền.

Ba là, Thường xuyên giao ban, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc; lấy tinh thần thi đua, cạnh tranh làm phương châm chủ đạo trong xây dựng nông thôn mới; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết thi đua khen thưởng.

Bốn là,  Có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển kinh tế, xã hội, trong đó ưu tiên phát triển nông nghiệp, tham gia bảo hiểm nông nghiệp, tập huấn và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là quan tâm phát triển kinh tế, y tế, giáo dục được đầu tư đảm bảo an sinh xã hội để nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời chú trọng xây dựng đời sống văn hóa mới ở từng khu dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa - xã hội.

Có thể nói, chuyến đi thực tế là cơ hội tốt để lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm quý báu, những cách làm hay, những bài học bổ ích trong công tác dân vận, bồi dưỡng và huy động sức dân tại các xã điểm tỉnh Thanh Hóa. Tin tưởng rằng, sau chuyến đi và sau khi hoàn thành chương trình bồi tại Trường Chính trị, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền cơ sở sẽ nhận thức sâu sắc hơn về chủ trương và phương thức thực hiện XDNTM; đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với nhiệm vụ XDNTM, góp phần quan trọng thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Số lượt truy cập
Hôm nay:
2428
Hôm qua:
2270
Tuần này:
8641
Tháng này:
58798
Tất cả:
4.357.335