HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Yên Định - Đơn vị vị anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Đăng lúc: 08:58:55 12/11/2014 (GMT+7)1604 lượt xem

Bài 3 Bứt phá trong phát triển kinh tế- xã hội Những mũi đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội được Yên Định xác định, đó là: Đẩy mạnh chương trình ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất - nhất là trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực - vấn đề “then chốt” trong xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

 Theo nguồn báo Thanh Hoá

 

 

    YÊN ĐỊNH - ĐƠN VỊ ANH HÙNG LAO ĐỘNG THỜI KỲ ĐỔI MỚI

       

            BÀI 3: BỨT PHÁ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

                                                                                                   

                                                                                          Việt Ba và Phạm ngọc

          Mặc dù xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trong 10 năm qua, nền kinh tế của Yên Định luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng được tăng cường, góp phần tạo ra bước phát triển bền vững.

        Tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm đạt 13,5%. Năm 2010, GDP bình quân đầu người đạt 14,67 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực đạt 150.000 tấn, chiếm 1/10 toàn tỉnh; 85% việc làm đất của nông dân được cơ giới hóa; tổng nguồn vốn đầu tư 10 năm đạt 2.543 tỷ đồng; 100% các tuyến đường liên xã được rải nhựa... là những con số ấn tượng về phát triển kinh tế của Yên Định.

          Chú trọng công tác quy hoạch, quản lý và bổ sung quy hoạch 

         Xuất phát từ thực tế địa phương, lãnh đạo huyện Yên Định qua các thời kỳ luôn trăn trở suy nghĩ để "tìm hướng", "mở đường" cho sự phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, trong đó, xác định công tác quy hoạch có ý nghĩa quan trọng. Cùng với xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội có quy hoạch phát triển ngành, vùng và từng lĩnh vực, như: quy hoạch đất đai, phát triển tiểu - thủ công nghiệp, phát triển đô thị... bảo đảm sát yêu cầu phát triển và có những nội dung đi trước, đón đầu.

        Thực tiễn bài học này được khẳng định như cánh cửa mở rộng để phát triển và đón các nguồn lực đầu tư, từng bước thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

         Chính vì thế, từ chỗ hệ thống kết cấu hạ tầng vừa yếu, vừa thiếu lại không đồng bộ, sau 10 năm (từ 2000 đến 2010) huyện đã huy động tới 2.543 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp chiếm tới 66%, vốn của tỉnh và Trung ương 34% nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đến nay, 100% các tuyến đường liên xã được rải nhựa. Toàn huyện đã hoàn thành chương trình bê tông hóa 650 km đường giao thông thôn, xóm. Một số công trình giao thông trọng điểm đang được thực hiện như: cầu Yên Hoành qua sông Mã; mở đường nối Quốc lộ 45 với Quốc lộ 217, nâng cấp Quốc lộ 45 đoạn qua thị trấn Quán Lào... Các công trình thủy lợi đã góp phần giải quyết cơ bản yêu cầu tưới tiêu, như: Kiên cố hóa 311 km kênh mương; hoàn thành 3 trạm bơm tiêu úng: Tường Vân, Yên Thôn, Cầu Khải; nâng cấp các tuyến đê và xây dựng kè sông Mã tại những nơi xung yếu; lưới điện được củng cố.

       Hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, thành công trong xây dựng và phát triển vùng lúa lai F1, đẩy mạnh kinh tế trang trại, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp... cũng chính là trên nền của công tác quy hoạch, quản lý và bổ sung quy hoạch, tạo nên những mũi đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Yên Định.

         Cơ chế chính sách là động lực phát triển

        Những mũi đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội được Yên Định xác định, đó là: Đẩy mạnh chương trình ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất - nhất là trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực - vấn đề "then chốt" trong xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

        Để đạt hiệu quả cao trong tổ chức thực hiện 3 khâu đột phá nói trên và phát triển đồng bộ ở các lĩnh vực khác, huyện đã ban hành các chủ trương và có cơ chế kích cầu, nhằm huy động tốt các nguồn lực cho quá trình phát triển. Bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các chủ trương, cơ chế của Trung ương, của tỉnh, huyện đã mạnh dạn đề xuất các cơ chế chính sách riêng, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Thực tiễn chỉ đạo đổi điền, dồn thửa lần 2, sản xuất lúa lai F1, phát triển kinh tế trang trại, làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các cơ chế hỗ trợ - như cơ chế kích cầu cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo cán bộ... là những minh chứng cho sự kết hợp, lồng ghép giữa cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh với những chính sách kích cầu của huyện, tạo ra động lực thúc đẩy quá trình huy động các nguồn lực từ nhân dân được tập trung và kịp thời hơn. Trong 10 năm qua (2000-2010), huyện đã ban hành 8 nhóm cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả cao các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2000, huyện đã sản xuất thí điểm thành công 4 ha lúa lai F1 ở Định Tường. Đến năm 2010, chương trình sản xuất giống lúa lai F1 đã mở rộng ra 4 xã Định Tường, Định Tân, Định Tiến, Định Hưng, với diện tích 440 ha, bằng 80% diện tích toàn tỉnh. Ngoài ra, mỗi năm các xã trong huyện còn sản xuất 100 ha ngô lai F1, từ 1.500 ha - 2.000 ha giống lúa nguyên chủng. Tháng 3-2006, Huyện ủy Yên Định ra nghị quyết chuyên đề "Vận động nông dân đổi điền, dồn thửa lần 2 tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp". Đến giữa năm 2007, kế hoạch đổi điền, dồn thửa lần 2 đã thành công, bình quân mỗi hộ nông dân chỉ còn 1,66 thửa ruộng, nhiều xã có trên 50% số hộ chỉ nhận 1 thửa ruộng. Cùng với đổi điền, dồn thửa lần 2 các xã đã quy hoạch lại các vùng sản xuất, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Trong đó, thực hiện tốt chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đẩy mạnh xã hội hóa trong huy động vốn và ngày công để tổ chức thực hiện, sự kích cầu của huyện đã khuyến khích nhân dân đóng góp tiền, ngày công, vật liệu, tạo ra các phong trào thi đua làm đường giao thông, cải tạo hệ thống kênh mương trong toàn huyện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tưới tiêu, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân.

          Chọn trọng tâm, trọng điểm và khâu đột phá

         Không "trống giong, cờ mở", nhưng trong 10 năm qua Yên Định là địa phương có những chương trình đột phá, đi đầu và tiêu biểu trên từng ngành, từng lĩnh vực, như: Duy trì và mở rộng sản xuất giống lúa lai F1, ngô lai F1; thực hiện đổi điền, dồn thửa lần 2 và phát triển mô hình kinh tế trang trại; tổ chức tốt phong trào làm đường giao thông nông thôn, tầng hóa trường học, xây dựng trạm y tế và nhà văn hóa thôn; triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả...

         Có được kết quả trên, là do huyện đã đánh giá đúng mức những khó khăn, thách thức, từ đó đề ra các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm và bước đi có tính đột phá để tạo bước phát triển mới của huyện thực sự toàn diện và bền vững hơn.

         Xác định sản xuất nông nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu, tuy nhiên trong một thời gian dài việc sản xuất nông nghiệp của huyện gặp nhiều khó khăn do ruộng đất manh mún, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn nhiều hạn chế; tình trạng ngập úng và khô hạn cục bộ gây nhiều thất thiệt cho sản xuất và đời sống nhân dân. Chính vì thế, huyện xác định phải lấy khoa học, công nghệ - kỹ thuật làm mũi tiến công chủ lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Nhận thức về vai trò của giống cây trồng và trình độ thâm canh lúa của nông dân được nâng lên. Hằng năm diện tích gieo cấy lúa bằng giống lai chiếm 65% - 70% ở vụ xuân và 35% - 40% ở vụ mùa; năng suất lúa tăng từ 10 tấn/ha năm 2000 lên 13,4 tấn/ha năm 2010. Sản lượng lương thực đạt 150.000 tấn, chiếm gần 1/10 tổng sản lượng lương thực của tỉnh. Một số cây công nghiệp, cây thực phẩm sản xuất đạt hiệu quả cao, được quan tâm mở rộng diện tích, như: Dâu tằm 106 ha, đậu tương 1.635 ha, mía 911 ha, dưa chuột, ớt, rau sạch... Với những kết quả đạt được về chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, nâng hệ số sử dụng đất lên 2,6 lần/năm..., đã nâng giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác từ 28 triệu đồng năm 2000 lên gần 80 triệu đồng năm 2010.

        Đến nay, toàn huyện đã có 594 trang trại, tăng 524 trang trại so với năm 2000, trong đó, có 416 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều hộ làm kinh tế trang trại đã vươn lên làm giàu, có thu nhập bình quân từ 100 - 160 triệu đồng/năm; đã có 48,5% số hộ nông dân đạt tiêu chuẩn gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

       Lựa chọn trọng tâm, xây dựng phong trào đã khó, giữ vững và phát triển rộng rãi phong trào còn khó hơn. Yên Định xác định: Mọi phong trào lấy cán bộ làm nòng cốt. Từ đó, huyện thường xuyên quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh - nhất là ở cơ sở. Chú trọng khâu then chốt là đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý hiện tại và nguồn kế cận có bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, có chuyên môn vững và kinh nghiệm thực tiễn công tác, từ đó tạo niềm tin trong nhân dân. Quan tâm công tác bồi dưỡng nguồn lực lao động, bảo đảm để lực lượng lao động có kiến thức, tay nghề để áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất ở địa phương. Tổ chức Đảng và đảng viên phải tiên phong, đi đầu, làm gương cho quần chúng noi theo; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân làm nòng cốt để động viên, thuyết phục đoàn viên, hội viên và toàn dân kiên trì vượt khó, tích cực tham gia các phong trào. Huyện cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời hỗ trợ cho nhân dân, tạo ra sự đồng thuận cao trong nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện.

        Những thành tựu mang tính đột phá trong phát triển kinh tế đã đạt được là động lực để Yên Định tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới.

Số lượt truy cập
Hôm nay:
2853
Hôm qua:
2230
Tuần này:
7711
Tháng này:
54085
Tất cả:
4.418.965