NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Chuyến đi nghiên cứu thực tế tại xã Trí Nang, huyện Lang Chánh - Cảm xúc trong tôi

Đăng lúc: 08:55:51 16/06/2022 (GMT+7)624 lượt xem

 Thực hiện Kế hoạch đào tạo Trung cấp LLCT, trong các ngày 11-12/6/2022, lớp A5K49 đã tổ chức chuyến đi nghiên cứu thực tế (NCTT) tại xã Trí Nang, huyện Lang Chánh.
a51.png
Tập thể lớp Trung cấp LLCT A5 trước giờ lên đường đi NCTT
Đoàn NCTT gồm 38 học viên lớp A5K49, do TS. Lê Văn Phong, Trưởng khoa Xây dựng Đảng làm Trưởng đoàn; cùng sự tham gia của cô giáo Nguyễn Thị Kiều Trang và thầy giáo chủ nhiệm Bùi Đình Thành.
Để chuyến đi diễn ra tốt đẹp, tập thể lớp A5K49 đã làm tốt công tác chuẩn bị từ việc lên phương án, kế hoạch, công tác hậu cần; liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương; đặc biệt là phân nhóm, tìm hiểu thông tin liên quan đến nội dung chương trình nghiên cứu thực tế, chuẩn bị nội dung cần trao đổi, thảo luận để được lãnh đạo địa phương chia sẻ, làm sâu sắc vấn đề đoàn quan tâm.
a52.png
Đoàn NCTT nghe báo cáo tại UBND xã Trí Nang
Chuyến đi NCTT trong hai ngày không chỉ giúp mỗi thành viên Đoàn NCTT học hỏi được nhiều bài học thực tiễn mà còn để lại những kỷ niệm đẹp, những cảm xúc ấm áp về tâm tình người Lang Chánh.
Xuất phát từ Trường Chính trị tỉnh lúc 6 giờ 30 sáng, hành trình di chuyển về miền sơn cước Lang Chánh tuy xa nhưng những câu chuyện hài hước, những lời ca, tiếng hát của các thầy cô và học viên đã rút ngắn khoảng cách và dường như bệnh say xe của nhiều thành viên đã tan biến.
Theo lịch trình, Đoàn đã đến làm việc tại UBND xã Trí Nang, huyện Lang Chánh; được nghe lãnh đạo UBND xã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội địa phương, về kết quả xây dựng nông thôn mới và các mặt công tác khác trên địa bàn xã.
Trí Nang là xã miền núi đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xã Trí Nang đã từng bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nông dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới. Năm 2019 xã Trí Nang được công nhận xã là Nông thôn mới, trong đó có 1/5 thôn được công nhận NTM kiểu mẫu. Hiện nay xã chủ yếu có 3 dân tộc sinh sống (dân tộc Thái chiếm 54,3% dân số; dân tộc Mường chiếm 35,0% dân số và dân tộc Kinh chiếm 10.5% dân số).  Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định rõ: phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm xây dựng xã Trí Nang đến năm 2025 đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao.
 Sau khi nghe báo cáo, các học viên và lãnh đạo địa phương đã tiếp tục trao đổi, thảo luận và làm sâu sắc thêm một số vấn đề như: định hướng tầm nhìn phát triển du lịch sinh thái của xã trong thời gian tới; sự phối hợp của các ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao hiện nay; chia sẻ những cách làm hay của địa phương để huy động nguồn lực kinh tế, tài chính trong xây dựng thành công nông thôn mới.
Tại buổi làm việc, Đoàn NCTT đã trao tặng quà lưu niệm cho UBND xã Trí Nang; đặc biệt, Đoàn đã tặng quà cho một số gia đình chính sách trên địa bàn xã để bày tỏ sự tri ân với những gia đình có công với cách mạng.
a53.jpg
Đoàn NCTT tặngquà cho gia đình chính sách xã Trí Nang
Chiều 11/6 Đoàn tham quan Khu du lịch sinh thái bản Năng Cát và có những trải nghiệm tuyệt vời trên dòng Thác Ma Haođược bình chọn làTop 7 thác nước đẹp ảo diệu ở Việt Nam. Thác Ma Hao không chỉ mang một vẻ đẹp tự nhiên, hoang dã mà còn gắn với lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của nghĩa quân Lê Lợi. Để tưởng nhớ vua Lê Lợi và nghĩa quân, chính quyền địa phương và bà con nhân dân đã lập miếu thờ nghĩa quân tại khu Thác Ma Hao. Với những giá trị lịch sử và kiến tạo thiên nhiên độc đáo của Thác Ma Haoxã Trí Nang, ngày 25/12/2007, tỉnh Thanh Hóa đã công nhận Thác Ma Hao là di tích danh thắng cấp tỉnh.
a54.png
Thác Ma Hao bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh
Tối 11/6, Đoànđược hòa mình vào hoạt động giao lưu văn hóa,văn nghệ cùng đồng bào địa phương. Những bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc văn hoá và con người nơi đây làm cho du khách và chủ nhà trở nên gần gũi với nhau như từ lâu lắm rồi. Những ánh mắt, nụ cười, cái nắm tay thắm thiết cùng nhau, say sưa bên ngọn lửa hồng và chum rượu cần làm cho khoảng cách giữa người miền xuôi, miền ngược được rút ngắn lại. Cuộc vui đã tan mà lòng người vẫn lưu luyến chẳng muốn rời…
a55.png
Đoàn NCTT giao lưu văn hoá cùng bà con xã Trí Nang
Ngày hôm sau, Đoàn có cơ hội đi tìm hiểu thêm về những nét văn hóa, phong tục đặc sắc của đồng bào Thái ở bản Năng Cát. Nơi đây, người dân sinh sống trong những ngôi nhà sàn gỗ, một không gian kiến trúc ở các bản làng vùng cao tỉnh Thanh Hóa. Họ đã sinh sống ở đây suốt hàng trăm năm qua gắn với nhiều giá trị lịch sử văn hóa dân tộc.
a57.jpg
Nhà sànbản Năng Cát
Tiếp đó, Đoàn đi tham quanmô hình nuôi cá Tầm, loại cá đặc biệt được nuôi tại bản Năng Cát. Cá được nuôi trong các bể riêng biệt, mỗi bể nuôi một thế hệ cá khác nhau. Ở đây có gần 500m đường ống dẫn nước từ trong rừng tự nhiên về để đảm bảo điều kiện sinh sống của cá. Nếu muốn tham quan toàn bộ quy mô và tìm hiểu một số đặc tính sinh sản, phát triển của cá Tầm cũng như các công đoạn chăm sóc, thì phải dành cả nửa ngày, thậm chí cả ngày mới có thể tham quan hết được. Đây là dự án khoa học cấp tỉnh của Sở Khoa học và Công nghệ. Dự án được triển khai, đầu tư xây dựng từ tháng 10/2009, đến nay mô hình ngày càng phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với giá bán 250.000 – 300.000đồng/1kg cá Tầm, mỗi năm đem về doanh thu gần 2 tỷ đồng, trừ chi phí thì lợi nhuận từ 300 – 400 triệu đồng mỗi năm.
a58.jpg
Đoàn NCTT tham quan mô hình nuôi cá Tầm tại bản Năng Cát
Trên đường trở về, Đoàn có dịp tham quan Chùa Mèo hay còn gọi là Miêu Tự, được xây dựng từ thế kỷ XIII. Không chỉ được mệnh danh là một trong ba ngôi chùa lớn nhất xứ Thanh thời bấy giờ, Chùa Mèo còn gắn liền với nhiều sự kiện đấu tranh chống giặc ngoại xâm vào thời Lê; đồng thời, là công trình kiến trúc nghệ thuật thể hiện bề dày văn hoá, lịch sử của địa phương.
a59.jpg
Chùa Mèo - Chốn thiêng yên bình nơi miền tây xứ Thanh
Khép lại hành trình, Đoàn NCTT về trường với dư âm tốt đẹp về những điều tuyệt vời trên mảnh đất Lang Chánh. Dù thời gian không nhiều nhưng mỗi thành viên Đoàn NCTT đã được làm việc, trao đổi, tiếp thu những kinh nghiệm quý giá và cónhiều trải nghiệm thú vị. Đó là những bài học thiết thực cho mỗichúng tôi khi trở về làm việc tại địa phương.
Với riêng tôi, chuyến đi vô cùng quý giá, là hành trang tuyệt vời, bởi lẽ:
Thứ nhất, chuyến đi đã thể hiện rõ nét sự kết nối giữa các học viên trong lớp với nhau, giữa thầy cô và học viên, giữa Nhà trường với địa phương.
Thứ hai, học viên đã có những trải nghiệm đầy ý nghĩa khi đến với mảnh đất và con người xã Trí Nang, phần nào hiểu được cuộc sống nơi đây.
Thứ ba, học viên thu hoạch được những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý, tác phong làm việc của cán bộ, công chức ở địa phương.
Thứ tư, chuyến đi NCTT của lớp A5K49 đã thực hiện tốt phương châm: “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn với thực tiễn” qua việc học tập, trao đổi và tiếp thu kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Và thật tuyệt vời, hành trình nghiên cứu thực tế của lớp A5 K49 đã nhận được sự quan tâm lớn của lãnh đạo và Nhân dân huyện Lang Chánh. Chúng tôi xúc động khi được các đồng chí cán bộ Trung tâm Văn hoá, thể thao và du lịch  huyện đồng hành để xây dựng bản tin và phát sóng trên kênh Truyền hình huyện Lang Chánh.
 Chúng tôi hy vọng, sẽ có dịp A5 lại được cùng nhau trở về Lang Chánh, vùng đất xinh đẹp để lại thương nhớ trong lòng tôi./.
Học viên: Hà Thị Uyên
Lớp TC LLCT A5 K49
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
3796
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12614
Tháng này:
62771
Tất cả:
4.361.308