HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Nữ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa tích cực học tập, lao động sáng tạo, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Đăng lúc: 08:53:57 08/03/2017 (GMT+7)1481 lượt xem

ThS. Đinh Thị Bình
Khoa Lý luận Mác – Lênin, TT Hồ Chí Minh
 
Trường Chính trị Thanh Hóa đã trải qua 68 năm xây dựng và trưởng thành. 68 năm hoạt động, Nhà trường đã đạt được nhiều thành tích đáng trân trọng. Phần thưởng cao quý nhất mà Đảng và Nhà nước ghi nhận thành tích của Nhà trường trong dịp Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập trường là Huân Chương độc lập hạng 3 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên Nhà trường, trong đó vai trò của nữ giảng viên cũng được đánh giá rất cao.
Trong sự phát triển toàn diện, Trường Chính trị Thanh Hóa đặc biệt coi trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ. Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn Nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi cho tập thể nữ giảng viên trong việc học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, trình độ và năng lực của đội ngũ giảng viên nữ ngày càng được nâng cao, trong tổng số 54 nữ cán bộ, giảng viên có 03 giảng viên nữ đang nghiên cứu sinh; có 29 giảng viên nữ có trình độ thạc sĩ; có 03 giảng viên nữ đang học chương trình Cao học. Bên cạnh đótỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng, 01 chị giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng; 04 chị giữ chức vụ Trưởng các khoa, phòng; 12 chị giữ chức vụ phó trưởng các khoa, phòng. Dù ở cương vị nào, nữ giảng viên Trường Chính trị cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, tạo nên những thành tích chung của Nhà trường. Trong cương vị công tác của mình, các chị đã có những ý kiến tham mưu cho lãnh đạo Nhà trường, góp phần vào việc xây dựng Trường Chính trị Thanh Hóa ngày càng vững mạnh, trở thành một trong những trường dẫn đầu cả nước về chất lượng.
 Bên cạnh việc tích cực học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, nữ giảng viên còn chú trọng bồi dưỡng thêm kiến thức tin học, Anh văn,kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử. ... đây là những nghiệp vụ, kỹ năng không thể thiếu được trong thời kỳ hội nhập. Điều đó khẳng định sự trưởng thành về số lượng, chất lượng của cán bộ nữ Nhà trường.
Trong công tác giảng dạy, tất cả nữ giảng viên Nhà trường luôn chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, hiệu quả phù hợp với từng đối tượng học viên. Ở tất cả các loại hình lớp, hệ đào tạo, các nữ giảng viên đã sử dụng phương tiện hiện đại trong giảng dạy; áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực với mục đích lấy “người học làm trung tâm”, phát huy khả năng sáng tạo của học viên, vận dụng lý luận vào giải quyết những vấn đề thực tiễn ở địa phương, ngành, lĩnh vực công tác. Do vậy, giờ giảng của nhiều chị em đã thực sự thu hút sự chú ý của học viên và được đồng nghiệp cũng như học viên đánh giá rất cao.
Để nâng cao được chất lượng giờ giảng, hàng năm, trong hoạt động thi giảng viên giỏi, nữ giáo viên Nhà trường luôn tích cực tham gia và luôn đạt kết quả cao. Trong đợt thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc và giảng viên dạy giỏi cấp Học viện do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, nhà trường đã cử  08 chị tham gia dự cuộc thi và cả 08 chị đã đạt kết quả xuất sắc, góp phần vào thành tích chung của Nhà trường, đưa vị thế Trường Chính trị Thanh Hóa lên những tốp đầu trong hệ thống các Trường Chính trị tỉnh, thành phố.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, nữ giảng viên Nhà trường đã tích cực tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, nghiên cứu thức tế, tổng kết thực tiễn; chủ động viết bài cho các Hội thảo, cho Nội san, cho Website của Nhà trường. Không chỉ vậy, nhiều chị em còn chủ động viết bài đăng ở các Tạp chí, báo Trung ương với tinh thần trách nhiệm cao. Các đề tài nghiên cứu đã đi sâu vào những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong đời sống xã hội ở địa phương, đề xuất các giải pháp có tính khả thi. Quá trình nghiên cứu khoa học sẽ giúp cho chị em mở rộng kiến thức thực tiễn, có những tư liệu cụ thể để minh họa vào bài giảng một cách phong phú và sinh động hơn.
 Không chỉ năng động, giỏi giang trong công tác chuyên môn, nữ  giảng viên Trường Chính trị Thanh Hóa còn khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nếu như trong công tác giảng dạy, họ là lực lượng nòng cốt triển khai thành công các nhiệm vụ chính trị, gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua của ngành giáo dục, thì trong gia đình, họ lại là những người mẹ tận tụy, trách nhiệm chăm sóc gia đình, nuôi dạy các con chăm ngoan, học giỏi. Bởi vì từ ngàn xưa, sự phát triển và trưởng thành của con cái cả về thể chất lẫn nhân cách hầu như ảnh hưởng của người mẹ “Cha sinh không tày mẹ dưỡng”, hay “Đức hiền tại mẹ”. Do đó, một người phụ nữ không thể được coi là thành đạt nếu thiếu vắng một gia đình hạnh phúc. Cho dù ở ngoài xã hội, chị em có giữ cương vị công tác nào đi chăng nữa, nhưng khi trở về với mái ấm gia đình, chị em lại tất bật với cuộc sống đời thường, vẫn làm tròn thiên chức của người vợ và người mẹ để xây dựng gia đình “hoà thuận, ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ”. Như trên đã trình bày, do đặc thù công việc, các chị em giảng viên thường xuyên phải đi giảng dạy xa nhà. Vì vậy, trước mỗi chuyến công tác, có những chị phải tất bật chuẩn bị thức ăn, các vật dụng cần thiết cho gia đình, có chị còn phải chuẩn bị sẵn từng suất thức ăn cho mỗi bữa ăn của gia đình và để sẵn trong tủ lạnh. Qua đó có thể thấy được sự chăm sóc đầy yêu thương, tận tụy, trách nhiệm của chị em để vun đắp cho tổ ấm hạnh phúc gia đình mình. Điều này thật đáng quí biết bao!
Để ghi nhận những cống hiến, những thành tích ấy, trong những năm qua, nữ giảng viên Trường Chính trị Thanh Hóa đã đón nhận nhiều danh hiệu cao quý mà các cấp, ban ngành đã trao tặng như: 02 chị là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 02 chị được nhận Bằng khen Chính phủ; 20 chị được nhận Bằng khen của UBND tỉnh; 30 Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... Đây chính là những động lực để chị em giảng viên có thêm động lực để tiếp tích cực học tập, lao động sáng tạo, say mê cống hiến cho sự phát triển chung của Nhà trường.
 Có thể nói, trong thời đại mới hội nhập và phát triển mong rằng phụ nữ Việt Nam nói chung, nữ giáo viên Trường Chính trị Thanh Hóa nói riêng có điều kiện phấn đấu hơn nữa để thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy những phẩm chất tốt đẹp vốn có của người phụ nữ Việt Nam, phải luôn luôn xứng đáng với tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Đảng, Bác Hồ phong tặng. Điều đó được thể hiện cụ thể đối với nữ giảng viên Nhà trường, đó là phải nỗ lực học tập không ngừng để nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt phải nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực dự báo, kiểm tra và phát hiện vấn đề, năng lực xây dựng hoặc tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện và nhất là phải tự giác rèn luyện phong cách khoa học và dân chủ. Trong công việc, chị em cần phải chủ động hoàn thành mục tiêu và kế hoạch được giao; không ngừng sáng tạo, có trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp và các bộ phận khác để đạt được hiệu quả công việc cao nhất. Có thể nói, với sự kiên trì, chịu khó, với bản tính cẩn thận và cách làm việc khoa học - sẽ là tài sản vô giá giúp chị em phụ nữ thành công trong công tác. Mong rằng, với bàn tay, khối óc và nhiệt tâm của nữ giảng viên Trường Chính Trị Thanh Hóa từng ngày góp phần vào sự lớn mạnh của Nhà trường, vì sự nghiệp trồng người và phát triển đất nước./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2054
Hôm qua:
1983
Tuần này:
12367
Tháng này:
44013
Tất cả:
4.408.893