NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Tết Độc lập - ôn lại truyền thống bất khuất, kiên cường của phụ nữ Việt Nam

Đăng lúc: 08:22:15 01/09/2018 (GMT+7)894 lượt xem

Mai Thị Viện
Phó trưởng Khoa Dân vận
 
Từ thời các vua Hùng đến nay, phụ nữ Việt Nam đã có những cống hiến to lớn góp phần vào thắng lợi của công cuộc dựng nước và giữ nước.
Mở đầu truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” là hai vị nữ tướng anh hùng dân tộc bà Trưng Trắc và em bà là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán giành lại tự chủ cho đất nước. Cuộc khởi nghĩa do hai bà lãnh đạo (năm 40 đầu công nguyên) đã lôi cuốn một lực lượng quần chúng đông đảo chưa từng thấy, chỉ trong một thời gian 65 thành giải phóng, mở ra một trang sử vẻ vang cho dân tộc.
Sau Hai Bà Trưng, là cuộc khởi nghĩa của bà Triệu Thị Trinh một lần nữa khẳng định ý chí tự chủ, tinh thần độc lập dân tộc với câu nói đầy khí phách của bà “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quyết sạch bở cỏi để cứu dân ra khỏi vòng chìm đắm, chứ đâu có chịu cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người”[1]. Tài làm tướng chỉ huy chiến đấu ở trận tiền của bà khiến quân giặc Ngô phải khiếp sợ gọi bà là Bà Vương (tức Vua bà). Từ đó, nhân dân ta tự hào truyền tụng hình ảnh kiên cường của nữ tướng cưỡi voi đánh giặc trong lời hát ru:
“ Con ơi, con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng”.
          Thời Trần, những người phụ nữ sống ven sông Bặch Đằng, đem hết thóc gạo là lương ăn cho quân sĩ và mách cho Trần Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn giờ nước thủy triều lên xuống của dòng sông quê hương, giúp nhà Trần lập nên chiến công trên sông Bạch Đằng lẫy lừng.
          Trong phong trào nông dân khởi nghĩa thế kỷ thứ XVIII, đô đốc Bùi Thị Xuân, một nữ tướng lĩnh trụ cột của Nguyễn Huệ – Quang Trung chỉ huy một đạo quân riêng gồm 5 nghìn người đã nhiều phen làm quân thù thất bại thảm hại, nhất là trận Trấn Ninh nổi tiếng.
          Thế kỷ thứ XIX, để chống lại triều đại phong kiến nhà Nguyễn, Bà Ba Cai Vàng (tên thật là Yến Phi) chỉ huy cuộc nổi dậy của nông dân đánh chiếm Lạng Giang (Bắc Giang), Văn Giang (Hưng Yên) và Bắc Ninh. Đến nay trong nhân dân vẫn còn tuyền tụng mãi bài vè:
“ Khen thay trí lự đàn bà
Bắc Ninh tài tướng bà Ba Cai Vàng”.
          Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, cấu kết với phong kiến thống trị nhân dân ta, các thế hệ phụ nữ cùng với dân tộc phát huy truyền thống đánh giặc cứu nước. Bà Tư So với phong trào Cần Vương, bà Ba Cẩm trong cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám đã dũng cảm cùng nghĩa quân chiến đấu kiên cường chống thực dân phong kiến. Các bà Ấu Triệu, Đinh Phu nhân… tích cực hoạt động phong trào Đông kinh nghĩa thục, Đông du…với ý định dùng những phương thức hoạt động bí mật hoặc nửa công khai để giải phóng cho dân tộc và giới mình. Cũng có phụ nữ như cô Giang, cô Bắc…gia nhập Việt Nam quốc dân Đảng nhằm đánh đuổi thực dân Pháp. Phong trào nào cũng có phụ nữ tham gia, tuy nhiên các phong trào đó đều thất bại vị không có đường lối và phương hướng giải phóng dân tộc đúng đắn.
          Tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, đồng chí Nguyễn Ái Quốc vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam, Người chỉ rõ: “Cách mệnh là sự nghiệp của cả dân chúng chứ không phải của một hay hai cá nhân nào”[2]; “Phụ nữ chiếm số đông trong lực lượng nhân dân, lại chịu nhiều đau khổ, nên có tinh thần đấu trang cách mạng. Phụ nữ là lực lượng to lớn của cách mạng, nếu phụ nữ không tham gia, thì cách mạng không thể thành công”[3]. Người đã tổ chức ra “Thanh niên cách mệnh đồng chí Hội” – tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản. Từ năm 1927 tổ chức này đã thu hút những hội viên nữ như các bà Hoàng Thị Ấi, Nguyễn Thị Minh Khai, Thái Thị Bôi, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Xân...
Những năm 1925 - 1930 và 1930 - 1945 số chị em phụ nữ thoát ly tham gia cách mạng ngày càng nhiều. Có chị đã đóng giả trai, đóng vai “đi lấy lẽ”, “bỏ nhà đi theo trai”…để xuất dương đi hoạt động cách mạng.
Phong trào đấu tranh chống thực dân phong kiến có sự tham gia của phụ nữ diễn ra khắp nơi trên cả nước. Ở Mỹ Tho năm 1927 tỉnh bộ “Thanh niên cách mệnh đồng chí Hội” đã lập ra gánh hát “Đồng nữ” do cô giáo Trần Ngọc Diện (cô Ba Diện) phụ trách. Gánh hát tập hợp 30 thiếu nữ từ 13 đển 17 tuổi, gồm con em các gia đình yêu nước, diễn tuồng lưu động qua nhiều tỉnh với nội dung tiến bộ vừa để tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng, vừa để gây dựng tài chính cho Hội. Nhiều người trong gánh hát sau trở thành đảng viên Đảng cộng sản.
Trong cuộc biểu tình lớn ngày 12/9/1930 của huyện Nam Đàn và huyện Hưng Nguyên người đứng lên diễn thuyết trước hàng vạn quần chúng là một phụ nữ. Ngày 13/10/1930 chị Mai Thị Thục lãnh đạo hơn 4000 nông dân huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, trong đó có rất đông phụ nữ biểu tình ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh…
Với tinh thần kiên trinh bất khuất và những khả năng được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, nhiều chị đã trưởng thành. Chị Tôn Thị Quế (tỉnh ủy viên tỉnh Nghệ An), chị Nguyễn Thị Thập và chị Nguyễn Thị Lựu tham gia xứ ủy Nam Kỳ, chị Nguyễn Thị Nhỏ (phó bí thư tỉnh ủy Chợ Lớn (cũ), chị Nguyễn Thị Hiếu (tỉnh ủy viên Hà Nam), chị Trần Thị Hiệp (tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Ngãi), chị Nguyễn Thị Minh Khai (bí thư thành ủy Sài Gòn)…
Trên khắp cả ba miền Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ đâu đâu cũng có phụ nữ tham gia đấu tranh cách mạng. Thực dân Pháp thua đau liên tiếp khủng bố ác liệt phong trào cách mạng. Những lúc phong trào cách mạng gặp khó khăn thì phụ nữ là những cơ sở đáng tin cậy của Đảng, nuôi giấu và bảo vệ các chiến sĩ cách mạng.
Trong đấu tranh, có những chị bị bắt, bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc vẫn vững chí bền gan một lòng theo cách mạng. Chị Nguyễn Thị Phúc ở Hà Nam trước mỗi đòn tra tấn của giặc lại hô to “đả đảo”. Chị Nựu ở nhà tù Vinh, dù chân tay đã lạnh cứng, vẫn cố dồn chút hơn tài dặn đồng chí, chị em “đừng khóc”. Chị Nguyễn Thị Nghĩa trước mọi thủ đoạn điên cuồng thâm độc của kẻ thù đã giả câm suốt một thời gian dài và chỉ mở miệng để nói lời cuối cùng dặn dòn các đồng chí mình “đứng vững” trước lúc hy sinh. Tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh trong tù của những nữ đảng viên là bà Hoàng Thị Ái vững vàng chịu đựng mọi cực hình, chết đi sống lại vẫn một lòng bảo vệ bí mật của Đảng. Ngay trong nhà tù chị Ái tiếp tục tổ chức chị em đoàn kết đấu tranh cách mạng. Chị Nguyễn Thị Minh Khai (xứ ủy viên Nam Kỳ- bí thư thành ủy Sài Gòn) bị địch bắt tra tấn dã man, trước giờ vình biệt đồng bào chị không cho quân thù bịt mắt và hướng về phí đồng bào hô to “Đảng Cộng sản muôn năm! Cách mạng thành công muôn năm!”.
Ngày 03/9/1945, Nhật đảo chính Pháp và độc quyền Đông Dương, Đảng ta ra bản chỉ thị lịch sử “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, Đoàn phụ nữ cứu quốc đã phát triển mạnh, thu hút các tầng lớp phụ nữ công nhân, nông dân, tiểu thương, công chức, học sinh…nhất tề đứng lên cùng toàn thể nhân dân Việt Nam tổng khởi nghĩa dành chính quyền.
Cách mạng tháng 8/1945 thành công đã thực sự giải phóng cho phụ nữ thoát khỏi ách nô lệ của người dân mất nước; đồng thời cũng giải phóng cho phụ nữ thoát khỏi những tục lệ phong kiến hàng ngàn năm trói buộc kìm hãm phụ nữ. Từ ngày 02/9/1945 đến nay, phụ nữ Việt Nam được bình đẳng với nam giới, được tự do tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, quân sự, ngoại giao.
Ngày Tết Độc lập, thế hệ con cháu tự hào khi ôn lại truyền thống đấu trang kiên cường của các các bà các mẹ; hiểu sâu sắc hơn danh hiệu “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ kính yêu đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam./.
 


[1] . Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, Nxb phụ nữ, HN năm 1980.
[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sdd.
[3] . Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, Nxb phụ nữ, HN năm 1980.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1592
Hôm qua:
2270
Tuần này:
7805
Tháng này:
57962
Tất cả:
4.356.499