HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam “văn hay võ giỏi”, “vô địch”, “bách chiến bách thắng”

Đăng lúc: 14:15:32 21/12/2017 (GMT+7)1463 lượt xem

 Giảng viên: Phạm Bá Thịnh – Nguyễn Thị Duyên
Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
          Tư tưởng về quân đội nhân dân là một nội dung quan trọng trong di sản tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được hình thành và phát triển trong quá trình Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện quân đội ta, góp phần to lớn làm nên thắng lợi của nhân dân trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tư tưởng của Người là sự thể hiện sâu sắc và sáng tạo các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân trong điều kiện cách mạng Việt Nam; là sự chỉ dẫn đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong hoàn cảnh lịch sử mới.
          Trong các bài nói và viết về quân đội nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết đến việc giáo dục, rèn luyện và huấn luyện quân đội, nhằm xây dựng quân đội ta không những trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, trung thành với lý tưởng cách mạng mà còn phải luôn luôn vững mạnh, thực sự là một “quân đội vô địch”, “bách chiến bách thắng”. Những cụm từ “văn hay võ giỏi”, “quân đội vô địch”, “bách chiến bách thắng” mà Người sử dụng tuy có sự biểu đạt khác nhau, nhưng đều có nội hàm thống nhất phản ánh sức mạnh của quân đội và yêu cầu về xây dựng quân đội ta thực sự mạnh, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó.
          Cụm từ “văn hay võ giỏi” được Hồ Chí Minh dùng để nói về quân đội mạnh là một tư tưởng độc đáo, phản ánh toàn diện: sức mạnh chính trị - tinh thần, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội và trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của quân đội trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Ý nghĩa của cụm từ “văn hay võ giỏi”, cũng như các cụm từ “quân đội vô địch”, “bách chiến bách thắng”, theo tư tưởng Hồ Chí Minh có nội hàm rộng lớn, bao gồm toàn bộ các nội dung cấu thành sức mạnh chiến đấu của quân đội ta, mà công tác giáo dục, huấn luyện cần phải hướng tới bồi đắp thường xuyên, liên tục.
          Để có thể xây dựng quân đội ta thực sự là quân đội “văn hay võ giỏi”, “quân đội vô địch”, “bách chiến bách thắng”, yêu cầu cơ bản đầu tiên là phải tăng cường bản chất giai cấp công nhân, giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho quân đội, đó là vấn đề quan trọng hàng đầu trong giáo dục, huấn luyện quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc tăng cường bản chất giai cấp công nhân, giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội sẽ làm cho quân đội luôn vững vàng trong mọi tình huống, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đáp ứng mọi yêu cầu trong quá trình phát triển của cách mạng.
          Trong công tác giáo dục chính trị, Người thường chú ý khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, lòng căm thù giặc trong mỗi quân nhân; giáo dục truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Đây là điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân ngày 27/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:“Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại… Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời sau[1].
Quá trình xây dựng quân đội, phẩm chất trung - hiếu được Hồ Chí Minh đề cập song hành, gắn với việc thực hiện mục tiêu, lý tưởng chiến đấu. Quân đội nhân dân Việt Nam do Hồ Chí Minh và Đảng ta tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta. Quân đội là công cụ bạo lực cách mạng sắc bén của Đảng trong cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, do đó vấn đề tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân là phẩm chất quan trọng hàng đầu của quân đội ta. Còn “hiếu với dân” là “vì nhân dân chiến đấu, vì nhân dân phục vụ”, vì tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, đó vừa là mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, vừa là phương châm hành động của tất cả cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong các giai đoạn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Bởi“Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau[2].
          Khi mới ra đời và trong những năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân đội ta còn có khó khăn về nhiều mặt. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến, bên cạnh việc tăng cường bản chất giai cấp công nhân, giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến vấn đề giáo dục, huấn luyện bộ đội về chiến thuật và cách đánh.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một loạt bài về binh pháp Tôn Tử làm cơ sở cho công tác giáo dục, huấn luyện và trang bị cho bộ đội ta những tri thức cần thiết về phép dùng binh, cách đánh, chiến thuật quân sự. Người chỉ rõ “Vẫn biết dụng binh là việc nhân nghĩa, muốn cứu dân, cứu nước. Nhưng muốn thắng quân địch phải bày mưu kế làm sao cho lừa được quân địch vào cạm bẫy, nên không thể không dùng chiến thuật giả dối được[3]. Về thế trận, “Thế trận như tính chất của nước. Nước lúc nào cũng chảy xuống chỗ trũng chứ không thể chảy ngược lên cao được. Dụng binh bao giờ cũng đánh chỗ yếu mà tránh chỗ mạnh của quân địch[4]. Tư tưởng trên vừa cho thấy tính nhân văn trong tư tưởng về quân sự của Người, vừa chỉ rõ những nguyên tắc rất cơ bản về chiến thuật, cách đánh cần phải giáo dục, huấn luyện cho bộ đội.
           Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm cho tất cả cán bộ, chiến sĩ quân đội thật sự thành thạo kỹ thuật và làm chủ được vũ khí trang bị. Đây là một yêu cầu mà mọi quân nhân phải được huấn luyện chu đáo và đạt đến trình độ thành thạo. Sự vững vàng về chính trị tư tưởng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao, cùng với phương thức tác chiến đúng đắn, cách đánh hay, phù hợp, có hiệu quả và sự thành thạo về chiến thuật, về sử dụng vũ khí trang bị của mọi quân nhân sẽ tạo nên sức mạnh chiến thắng cho quân đội, làm cho quân đội ta trở thành “quân đội vô địch”, “bách chiến bách thắng”.
          Quân đội là một tổ chức quân sự và kỷ luật là sức mạnh của tổ chức quân sự này. Không thể có quân đội bách chiến bách thắng, nếu như kỷ luật của quân đội đó bị buông lỏng, binh lính chấp hành kỷ luật và mệnh lệnh chiến đấu không nghiêm. Do đó, Hồ Chí Minh thường xuyên giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ, tăng cường kỷ luật quân đội. Người chỉ rõ “Quân đội mạnh nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Vì vậy, kỷ luật phải nghiêm minh. Trong kỷ luật phải chú ý hai điểm: thưởng, phạt[5].
          Trong quá trình xây dựng quân đội, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chú ý đến công tác cán bộ, từ cán bộ chính trị, cán bộ chỉ huy đến cán bộ kỹ thuật, hậu cần; từ cán bộ cấp cao nhất của quân đội đến cán bộ ở đơn vị cơ sở, phân đội. Tất cả cán bộ đều phải trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, thực sự là tấm gương mẫu mực, sáng trong về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trước bộ đội, thực sự gắn bó và yêu thương chiến sĩ, có khả năng và trình độ hoàn thành mọi trọng trách, nhiệm vụ của mình trong lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong thời chiến cũng như trong thời bình. Trong Thư gửi Quân đội quốc gia Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ hai (2-9-1947), Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ chỉ huy: “Các cấp chỉ huy cần phải:
                   a.Biết rõ bộ đội, chăm nom bộ đội
                   b.Mỗi một cái mệnh lệnh đưa ra thì cần phải mau chóng và chuyển khắp đến từng đội viên và phải thi hành triệt để.
                   c.Mỗi người chỉ huy về quân sự cũng như về chính trị, phải làm kiểu mẫu. Phải giữ đúng đạo đức của quân nhân[6].
          Những điều căn dặn của Người là yêu cầu cơ bản và toàn diện đối với đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ chỉ huy của quân đội ta nói riêng. Giáo dục, huấn luyện cán bộ không chỉ về chính trị tư tưởng, chiến thuật mà điều quan trọng là phải huấn luyện và trang bị cho họ những tri thức cần thiết và toàn diện…để cán bộ có thể thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy bộ đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chiến đấu, công tác và sản xuất theo yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng.
          Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội nhân dân “văn hay võ giỏi”, “vô địch”, “bách chiến bách thắng” là một trong những vấn đề cơ bản về quân đội nhân dân của Người. Nét đặc sắc đó phản ánh sâu sắc sự trung thành và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, đồng thời làm cho những nguyên lý đó trở nên dễ hiểu, sống động và phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
          Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng và Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện cùng với nhân dân ta làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ XX; và ngày nay, thực sự là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Việc nghiên cứu, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội nhân dân phải là công việc liên tục, thường xuyên để xây dựng quân đội ta thực sự là quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, quân đội của dân, do dân và vì dân, thực sự là “quân đội vô địch” như giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Bộ đội cụ Hồ” như nhân dân tôn vinh./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.44
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.435
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.286
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.363
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.483
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.235
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1638
Hôm qua:
2230
Tuần này:
6496
Tháng này:
52870
Tất cả:
4.417.750