HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Trao đổi về việc tổ chức đi nghiên cứu thực tế cho học viên các lớp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính tập trung ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá hiện nay

Đăng lúc: 12:31:43 28/04/2017 (GMT+7)5996 lượt xem

 
                             Hoàng Ngọc Bình, Phòng N/C KH- TT- TL
                             Phạm Bá Thịnh, Khoa LL Mác- Lênin,TT Hồ Chí Minh
                      
           Xuất phát từ mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị, có kiến thức, phương pháp, kỹ năng công tác, việc thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn” là một yêu cầu cần thiết trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nói riêng hiện nay.
Nhận thức được ý nghĩa và vai trò quan trọng đó, trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng đổi mới nội dung chương trình đào tạo, cách thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn cho học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị – hành chính tập trung tại trường.
 
 
 nb1.png
Đồng chí Lê Công Quyền, Phó Hiệu trưởng cùng các học viên thăm mô hình kinh tế tại xã Ái Thượng (huyện Bá Thước) trong một chuyến tham gia đoàn nghiên cứu thực tế lớp A11 K44 Trung cấp LLCT- HC
 
Hoạt động tổ chức đi nghiên cứu thực tế tại địa phương, đơn vị của các lớp Trung cấp LLCT- HC đã có từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hoạt động này được chú trọng nhiều hơn từ năm học 2015- 2016 và cho đến nay. Một trong điểm nổi bật là việc đổi mới cách thức tổ chức đi nghiên cứu thực tế cho học viên với chủ đề về cộng đồng, vì biển đảo quê hương. Theo đó, các lớp từ A1 đến A12 K43 Trung cấp LLCT – HC có 13 chuyến đi thực tế với chương trình: nghe báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương như xã Thành Sơn (Bá Thước), xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa), xã Phú Lệ (Quan Hóa), xã Bát Mọt (Thường Xuân), xã Na Mèo (Quan Sơn), xã Hải Châu (Tĩnh Gia) Khu kinh tế Nghi Sơn, xã Xuân Lam (Thọ Xuân), xã Ngọc Trạo (Thạch Thành)… kết hợp hoạt động tri ân, “về nguồn”, chia khó với học sinh nghèo các huyện miền núi trong tỉnh (tặng quà, khám bệnh. Tổng kinh phí các lớp đã tặng quà cho các cháu học sinh nghèo các trường tiểu học, mầm non các xã nghèo miền núi là 150.000.000 đồng); thăm và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ ở các Đồn biên phòng Na Mèo, Đồn biên phòng Bát Mọt và cán bộ, chiến sĩ Đảo Mê. Với các lớp K44, Trung cấp LLCT- HC tính đến thời gian này đã có nhiều lớp tổ chức đi thực tế: A1 đi thực tế 2 lần (xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia và xã Nga An, huyện Nga Sơn); A2 (xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa);  A4 và A5 đồng tổ chức (xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa); A7 (xã Quảng Lĩnh, huyện Quảng Xương); A8 (xã Thành Minh, huyện Thạch Thành); A10 (xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương); A11 (xã Ái Thượng, huyện Bá Thước)…cách thức tổ chức và các hoạt động cũng theo mô – tip của khóa trước, chưa có có sự cải tiến khác biệt.
 
 
 
        
 nb2.png
Đoàn nghiên cứu thực tế lớp A8 K44 Trung cấp LLCT – HC tặng quà cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn xã Thành Minh (huyện Thạch Thành)
 
Bên cạnh hoạt động tổ chức nghiên cứu thực tế tại địa phương, Nhà trường còn tổ chức các hình thức khác sinh động phong phú, đa dạng, sinh động, có chiều sâu. Tiêu biểu như hoạt động “Ngày Thứ Bảy kết nối”, tổ chức tọa đàm, tổng kết thực tiễn các chuyên đề gắn “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ…”, “Nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ…”, “Giải pháp xây dựng cơ quan, đơn vị kiểu mẫu…”, “Phương pháp học tập các môn học trong Chương trình Trung cấp LLCT - HC”; rèn luyện kỹ năng báo cáo thực tế phần học, hoạt động vì cộng đồng. Việc sân khấu hóa, game show hóa (Rung chuông vàng) các hội thi thuyết trình ý tưởng, hoặc tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đã tạo không khí vui tươi, đoàn kết, đem lại cảm xúc khác biệt trong “quan niệm” học tập, nghiên cứu lý luận chính trị. Cùng với những hoạt động đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm và đánh giá cao việc tổ chức đi nghiên cứu thực tế cho các lớp Trung cấp lý luận – hành chính học tập trung đến địa phương, đơn vị như là một điểm nhấn trong việc đổi mới Chương trình đào tạo, bám sát phương châm “ học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn”.    

 
 nb3.png
          Tập thể lớp A4 và A5 K44 Trung cấp LLCT – HC dâng hương tại Khu di tích lịch sử hang Co Phường trong một chuyến đi nghiên cứu thực tế tại xã Phú Lệ (Quan Hóa)
 
 
Để có được những kết quả trên, trong thời gian qua đã có sự thống nhất chỉ đạo tổ chức, thực hiện nghiên cứu thực tế ở các lớp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính của Đảng ủy, Ban Giám hiệu; đồng thời, đã có sự phối hợp của Nhà trường với địa phương, đơn vị thực tế; đã có sự tham gia phối hợp của các khoa, phòng chuyên môn. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức các hoạt động nghiên cứu thực tế cho học viên còn có những vấn đề bất cập đang đặt ra: công tác phối hợp giữa các khoa, phòng, Chủ nhiệm lớp chưa thật sự đồng bộ; nội dung nghiên cứu thực tế của một số lớp chưa cân đối với thời gian đi, nên hiệu quả chưa cao; cách thức tổ chức nghiên cứu thực tế chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của học viên. 
  Là những người thường đồng hành, trải nghiệm với các lớp Trung cấp LLCT – HC tập trung trong nhiều chuyến đi thực tế, chúng tôi nhận thấy để việc tổ chức, thực hiện hoạt động này có hiệu quả hơn, đạt được mục tiêu, thì cần phải quan tâm ở một số khía cạnh sau:
         Thứ nhất, cần đổi mới nội dung và cách thức tổ chức
         Sự đổi mới về nội dung chính là xác định mục tiêu cụ thể chuyến đi nghiên cứu thực tế của mỗi lớp. Điều này phụ thuộc vào địa bàn đi thực tế theo địa lý, văn hóa vùng miền (miền núi, biên giới, hải đảo, vùng ngang ven biển, vùng đồng…); xác định mục tiêu nghiên cứu thực tế là vô cùng quan trọng như: tìm hiểu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương; mô hình kinh tế trọng điểm địa phương; Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới; công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị, điều hành quản lý ở các Khu kinh tế, các đơn vị quốc phòng…
Ban Giám hiệu có sự phân công giảng viên ở các  phòng chức năng, khoa chuyên môn (nhất là giảng viên trẻ) đi cùng để học tập và nghiên cứu cùng học viên. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên hơn của Nhà trường với địa phương, đơn vị nơi đến nghiên cứu thực tế, để mỗi địa chỉ cần đến sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn thu được những kết quả tốt nhất.
Các lớp khi đi nghiên cứu thực tế phải tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và hỗ trợ việc của các địa phương, không có sự hỗ trợ đó khó lòng mà thực hiện được mục tiêu nhiệm vụ nghiên cứu thực tế của học viên và cán bộ, giảng viên đi cùng. Do đó, trước khi đến các địa phương, chúng ta phải làm tốt công tác liên hệ, trao đổi trước nội dung mà mình cần nghiên cứu để địa phương có thể chuẩn bị tốt hơn về nội dung tìm hiểu
Các lớp nên tổ chức đi nghiên cứu độc lập, nên tránh việc đi ghép các lớp thành một đoàn để việc quản lý và việc đón tiếp nơi ở địa phương tốt hơn. Việc đi nghiên cứu thực tế phải xác định cụ thể đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu, tránh đi chệch mục tiêu. Học viên ở các lớp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính tập trung là cán bộ cấp cơ sở, nên nghiên cứu thực tế chỉ nên ở phạm vi địa phương là các xã, phường; khu công nghiệp - kinh tế; an ninh - quốc phòng trong tỉnh và nên kết hợp công tác giáo dục tư tưởng, đạo lý truyền thống, khơi gợi niềm tự hào lịch sử. Tuyệt đối không lạm dụng chuyến đi nghiên cứu thực tế thành chuyến “du lịch” tập thể; nếu kết hợp được tham quan các địa danh văn hóa – lịch sử cũng tránh phải di chuyển quá xa, giảm thiểu tối đa chi phí phát sinh lãng phí gây tốn kém.
           Nhà trường có đánh giá, tổng kết cuối năm về việc tổ chức của các lớp đi nghiên cứu thực tế. Trong đó có hoạt động tuyên dương, khen thưởng dành cho tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
 Thứ hai,tăng cường trách nhiệm của các bộ phận trong tổ chức nghiên cứu thực tế cho học viên
 Giáo viên chủ nhiệm phải là người chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu cho Ban Giám hiệu về nội dung, mục tiêu của chuyến thực tế, đồng thời là người chủ động kết nối với các khoa chuyên môn và phòng chức năng. Hãy xem việc gắn trách nhiệm tổ chức và cùng đi nghiên cứu với lớp chủ nhiệm như là một điều kiện hoàn thành công tác chủ nhiệm. Muốn vậy, Nhà trường nên có cơ chế khuyến khích giáo viên chủ nhiệm như: cộng thêm giờ nghĩa vụ, biểu dương, bình xét thi đua… Mặt khác, bản thân mỗi giảng viên tham gia cùng đoàn nghiên cứu cần phải đúc rút được những kiến thức thực tế, thực tiễn ở địa phương để vận dụng vào bài giảng sinh động, sát thực hơn.   
Các khoa, phòng liên quan, trong đó Phòng Đào tạo cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát trước, trong và sau những đợt đi nghiên cứu thực tế của học viên  như: kế hoạch, nội dung, thời gian, địa điểm, thành phần, …; lắng nghe, tiếp nhận phản hồi từ địa phương, đơn vị nơi học viên đến nghiên cứu; Các khoa chuyên môn phân công  định hướng nội dung, xây dựng chủ đề cho lớp đi nghiên cứu thực tế; chấm bài thu hoạch thực tế của học viên, có chấm điểm và tính vào điểm phần học các môn. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ khẳng định và nâng cao được vai trò của hoạt động nghiên cứu thực tế, đề cao tính thực tiễn trong giảng dạy và học tập.
Và còn một vấn đề không thể coi là nhỏ của một chuyến đi nghiên cứu thực tế đó là vấn đề y tế, an toàn thực phẩm. Các lớp đi nghiên cứu thực tế phải chuẩn bị điều kiện y tế đảm bảo, nơi ăn ở sinh sinh hoạt phải đặt an toàn lên hàng đầu, vì thế các lớp có thể đề xuất với Nhà trường cử cán bộ y tế đi cùng. Thiết nghĩ, với sự chuẩn bị cẩn trọng như thế sẽ đảm bảo thành công cho một chuyến đi nghiên cứu thực tế.
Thứ ba, nâng cao ý thức, nhận thức học viên sau những chuyến đi nghiên cứu thực tế.
          Vấn đề nâng cao ý thức, nhận thức học viên sau là mục tiêu xuyên suốt Chương trình nội dung khóa học, việc tổ chức đi nghiên cứu thực tế là một hoạt động như thế. Hoạt động này đòi  hỏi học viên phải có tinh thần tự giác để tích luỹ kiến thức thực tế, thực tiễn phục vụ cho việc học tập và công tác theo phương châm “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn”. Qua đó, chọn lọc và tích luỹ kiến thức vận dụng vào học tập, nghiên cứu và công tác ở địa phương cho phù hợp. Bên cạnh đó, học viên phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc kết nối giữa địa phương với nhà trường, nhất là các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tạo dựng được với địa phương về hình ảnh Nhà trường là “địa  chỉ đỏ” trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh.
         Từ những trải nghiệm đi nghiên cứu thực tế cùng học viên tại cơ sở, chúng tôi mong muốn trao đổi để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế, góp phần vào việc đổi mới nội dung Chương trình đào tạo Trung cấp LLCT- HC của Nhà trường. Vấn đề này hoàn toàn phù hợp với định hướng chỉ đạo đổi mới nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn theo Thông báo số 02/TB – TrCT, ngày 04/01/2016 “Kết luận của Hiệu trưởng về bổ sung một số định hướng biện pháp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học 2015 – 2016 và những năm tiếp theo”./.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2222
Hôm qua:
2925
Tuần này:
10005
Tháng này:
56379
Tất cả:
4.421.259