HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 09:00:09 14/06/2018 (GMT+7)12068 lượt xem

  Học viên: Phạm Bá Thịnh
 Lớp: Chuyên viên chính
Đơn vị công tác: Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
 
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ để có đủ sức mạnh hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của Đảng, Người chỉ rõ:“Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”(2). Cụ thể hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng:“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”(3). Do đó, trong xây dựng Đảng, công tác cán bộ là một trong những công tác quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định tới toàn bộ công tác xây dựng lực lượng cách mạng. Chính nhờ chú trọng huấn luyện và xây dựng lực lượng cán bộ tốt, Đảng ta đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lãnh đạo thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.
Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn hiện nay.
Với tầm nhìn và trí tuệ vĩ đại, Người đã đề ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cốt lõi của người cán bộ cách mạng xây dựng xã hội mới. Trong suốt quãng đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm tới vấn đề phẩm chất đạo đức của người cán bộ. Để làm tròn nhiệm vụ của mình mỗi cán bộ đảng viên phải vừa có đức, vừa có tài, vừa có năng lực vừa có phẩm chất. Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập trong các tác phẩm của mình: cán bộ phải suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng. Người cán bộ phải đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và lên trước hết, phải kiên quyết “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, phải trung thành, tận tụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, “phải hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”(4), “việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ, cũng gắng sức làm, việc gì có hại cho dân, dù nhỏ, cũng hết sức tránh”(5). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là “cái gốc” của một chiến sĩ cách mạng. Đức là gốc, luôn làm cho tài năng phát triển; người thực sự có đức bao giờ cũng khiêm tốn, chịu khó học tập, phấn đấu nâng cao tài năng của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng giao cho. Mỗi người đảng viên phải có những phẩm chất và đạo đức cách mạng cao quý: trung với Đảng, hiếu với dân, vượt qua mọi thử thách, suốt đời vì dân, vì cách mạng mà phục vụ. Người cán bộ ngoài ra còn phải có một đời tư trong sáng, phải là một tấm gương sáng trong cuộc sống, vừa hoàn thành tốt công việc chung của Đảng giao phó, vừa phải là một thành viên tốt của gia đỉnh, là công dân tốt ở khu dân cư và ngoài xã hội, gương mẫu, chan hoà, gần gũi với nhân dân. Điểm nổi bật nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở chỗ toàn bộ cuộc đời của Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Sức mạnh của đạo đức đã lan tỏa, thẩm thấu trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, trở thành giá trị cốt lõi, vĩnh hằng của văn hóa trong các thế hệ các dân tộc ở trên đất nước Việt Nam.
Đồng thời, cán bộ phải có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân. Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước muốn hiện thực hóa trong cuộc sống, ngoài yêu cầu về việc đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định đó phải đúng đắn, còn có việc phải tổ chức lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ra sức thực hiện thắng lợi, nghĩa là cán bộ phải “chuyên”, phải có “tài”, có năng lực, trí tuệ, chuyên môn để lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Để đủ sức gánh vác nhiệm vụ đó, người cán bộ, đảng viên phải luôn luôn học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, phải kiên trì học tập suốt đời.
Đối với Đông Sơn, một huyện nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, huyện có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa, là nơi phát tích của người Việt cổ với nền Văn hóa Đông Sơn; Đông Sơn tự hào là vùng đất giàu truyền thống cách mạng; là nơi thành lập Chi bộ Hàm Hạ - Chi bộ đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh; vinh dự được đón Bác Hồ trong lần đầu tiên Người về thăm tỉnh Thanh.Những năm qua, huyện Đông Sơn đã luôn vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn để xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong thời kỳ đổi mới.
Hiện nay, huyện Đông sơn đã và đang phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng… mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra, đặc biệt huyện đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện vững mạnh toàn diện theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thực hiện tốt vấn đề này, thời gian qua huyện Đông Sơn đã tập trung vào những vào những nội dung sau:
Thứ nhất, xây dựng môi trường thuận lợi cho cán bộ công tác; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở đến huyện
Để làm tốt nội dung này, huyện đã xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế phối hợp; tăng cường xây dựng mối đoàn kết: trên nguyên tắc dân chủ, đúng nguyên tắc và phải có trật tự; nâng cao năng lực, sức chiến đấu thông qua công tác cán bộ; thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ... đây là 1 trong 3 khâu đột phá của Đông Sơn trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Trên cơ sở Chỉ thị số 36 - CT/TW  ngày 30 - 5 - 2014 của Bộ Chính trị;Kết luận số 60 - KL/TU ngày 2 - 5 - 2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc thực hiện chủ trương bố trí chức danh bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy, phó bí thư, chủ tịch UBND không phải là người địa phương.Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kết luận số 29 - KL/HU về việc bố trí chức danh bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy, phó bí thư, Chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND các xã, thị trấn không phải là người địa phương với quan điểm tạo sự đột phá mạnh trong khâu cán bộ.
Việc tổ chức thực hiện luân chuyển cán bộ theo phương châm không làm tràn lan, chọn điểm và đối tượng để thực hiện, sau đó rút kinh nghiệm mới tiến hành đồng loạt. Với phương châm đó, từ cuối năm 2015, đầu năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiến hành chọn một số địa phương và một số cán bộ chủ chốt ở những xã có vấn đề nổi cộm, không có sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ để làm trước, làm điểm.
Đến tháng 9 năm 2016, Đông Sơn đã hoàn thành việc điều động, luân chuyển cán bộ; 100% xã, thị trấn có cán bộ lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương. Trong đó, có nhiều đơn vị thực hiện cả 3 chức danh chủ chốt là bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy, phó bí thư, chủ tịch UBND xã; có 2 đơn vị là thị trấn Rừng Thông và Đông Phú thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND.
Đặc biệt, điểm mới trong công tác điều động cán bộ là việc phát hiện và mạnh dạn đưa công chức xã, thị trấn trẻ, được đào tạo chính quy, có năng lực để bổ nhiệm chức danh phó chủ tịch UBND xã nhằm tạo nguồn cán bộ chủ chốt cho khóa tới.
Kết quả từ năm 2010 đến nay, tổng số cán bộ được điều động, luân chuyển là 108 đồng chí, trong đó cán bộ quản lý, công chức cấp huyện 59 đồng chí; cán bộ quản lý, công chức cấp xã 49 đồng chí. (Sau điều động, luân chuyển, đã bố trí, bổ nhiệm chức vụ cao hơn 24 đồng chí; chức vụ tương đương 82 đồng chí; phân công chức vụ thấp hơn 2 đồng chí; đối với khối trường học: điều động 28 đồng chí cán bộ quản lý...)
Thứ hai, quan tâm công tác cán bộ
Để lựa chọn cán bộ, huyện Đông Sơn đã đánh giá toàn diện các khâu từ khâu Tuyển dụng  -  Sử dụng - Quy hoạch - Đào tạo, bồi dưỡng - Đề bạt, bổ nhiệm - Kiểm tra và đánh giá cán bộ.
- Đối với việc tuyển dụng: yêu cầu cán bộ cấp xã phải có bằng đại học, riêng Bí thư đoàn xã phải đại học chính quy và trung cấp lý luận chính trị.
- Đối với công tác quy hoạch cán bộ: theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước, xem đây là quy định bắt buộc, là cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ phải theo quy hoạch đảm bảo đúng, đủ, rõ đối tượng, sát với vị trí việc làm.
 - Đới với đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm chú trọng và thực hiện nghiêm túc.
Trên cơ sở quy hoạch, các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: đây là khâu quan trọng, được thực hiện công khai, dân chủ, công bằng, đảm bảo tiêu chuẩn và đúng quy trình. Huyện luôn quan tâm tổ chức mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về lý luận chính trị, về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, các công chức chuyên môn.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay tổ chức được 115 lớp tập huấn, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, huyện đã cử đi đào tạo nâng cao trình độ: về trình độ chuyên môn đến nay đã bổ sung thêm 68 đồng chí tốt nghiệp đại học, 08 thạc sỹ, 01nghiên cứu sinh; về trình độ lý luận chính trị: có 138 đồng chí có bằng trung cấp lý luận chính trị - hành chính, 06 đồng chí tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị.
- Một trong những điểm nhấn trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính là huyện đặc biệt coi trọng đào tạo học hỏi kinh nghiệm trong thực tế công việc: thông qua đồng nghiệp và sự chỉ bảo của lãnh đạo địa phương, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ. Để làm tốt việc này, Đông Sơn coi trọng các vấn đề sau:
Một là, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu, “Nói đi đôi với làm”.Để hiện thực hóa, huyệnĐông Sơn đã ban hành các quy định cụ thể như: Quyết định 381 - QĐ/HU ngày 13/11/2016 về quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ; Quyết định 384 - QĐ/HU ngày 17/11/2017 về đánh giá, xếp loại đối với lãnh đạo chủ chốt các phòng, đơn vị thuộc UBND huyện và các xã, thị trấn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Quyết định 254 - QĐ/HU ngày 11/01/2017 về quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Chẳng hạn: nếu người đứng đầu lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong năm không hoàn thành nhiệm vụ, giải quyết công việc chậm trễ, nhũng nhiễu, không hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu thì sẽ bị thông báo nhắc nhở, khuyến khích từ chức hoặc miễn nhiệm chức vụ, điều chuyển, bố trí công tác khác; người đứng đầu lãnh đạo cơ quan, đơn vị 2 năm liên tiếp hoặc 2 năm trong nhiệm kỳ 5 năm hoạt động cầm chừng, không có chuyển biến tiến bộ so với năm trước hoặc thực hiện nhiệm vụ được giao chậm tiến độ từ 02 lần trở lên thì điều chuyển, bố trí công tác khác; những lãnh đạo quản lý mà uy tín giảm sút, không còn đủ điều kiện; đơn vị 2 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ, mất đoàn kết thì miễn nhiệm.
Đây cũng là một động lực để cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu nỗ lực, vươn lên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
 
Hai là, phát huy vai trò của người lãnh đạo, của người đứng đầu trong việc kèm cặp, đào tạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cán bộ dưới quyền.
Thực tế cho thấy, môi trường trong thực tiễn công tác là môi trường rèn luyện cán bộ trưởng thành. Vì vậy, phát huy vai trò của người lãnh đạo, người đứng đầu trong việc định hướng, hướng dẫn, gợi mở cho cán bộ nhanh tiếp cận, biết việc, thạo việc.
 
- Đối với việc sử dụng cán bộ:
Huyện Đông Sơn đã xác định rõ, xây dựng Đề án vị trí việc làm cụ thể, sắp xếp hợp lý trên nguyên tắc: xác định rõ tất cả các nhiệm vụ của từng tổ chức, đơn vị (liệt kê cho bằng hết, không bỏ sót); xác định tổ chức đó cần bao nhiêu người (mỗi một việc phải có một người đảm nhiệm, một người phải đảm nhiệm nhiều việc, bố trí cán bộ có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo “đúng người, đúng việc”. Trên cơ sở đó, cán bộ phát huy được năng lực, sở trường của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ nguyên tắc đó phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, không bỏ sót, không trùng lắp, chồng chéo.
-  Tăng cường công tác luân chuyển cán bộ:
Đối với cán bộ, công chức chuyên môn không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Thực hiện theo Nghị định số 158/2007 - NĐ/CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ. Một số đơn vị trong tỉnh chỉ thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác trên một số lĩnh vực, một số vị trí có nhạy cảm (như kế toán, địa chính, tư pháp, cán bộ chính sách). Ở Đông Sơn thực hiện việc chuyển đổi này trên tất cả các chức danh công tác chuyên môn ở các lĩnh vực (cả đến chức danh trưởng công an, quân sự, công chức văn phòng...); nhất là ở một số đơn vị không có sự phát triển thì càng quan tâm hơn.
Từ sau Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015 – 2020 đến nay, toàn huyện đã điều động chuyển đổi 71 công chức, từ địa phương này sang địa phương khác; tập trung vào các chức danh: địa chính xây dựng, kế toán, chính sách xã hội, công an... Phần đa cán bộ được điều động, luân chuyển đều phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng, đã khẳng định được bản lĩnh chính trị, năng lực công tác của mình ở đơn vị mới.
Qua việc điều động, luân chuyển cán bộ đã tạo nên bước chuyển biến và ổn định ở tất cả các địa phương, một số địa phương có sự bứt phá, một số lĩnh vực có sự chuyển biến rõ rệt.
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại; công tác thi đua khen thưởng hằng năm.
Mọi chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định được ban hành; công việc được giao thì phải được kiểm tra, đánh giá cụ thể về tất cả các mặt như: tiến độ, thời gian hoàn thành, chất lượng công việc...; việc đánh giá phải thực hiện đảm bảo đúng hướng dẫn, thang điểm cụ thể; đánh giá khách quan, vô tư. Bên cạnh đó, công tác thi đua khen thưởng kịp thời, đảm bảo đúng, khách quan, công bằng cũng là một động lực quan trọng trong thúc đẩy cán bộ nỗ lực phấn đấu, thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cũng phê bình, nhắc nhở, chấn chỉnh những cán bộ chưa tích cực, nhất là những cán bộ vi phạm thì phải được xử lý nghiêm theo quy định.
Thứ ba, phát huy vai trò, ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức
Để cán bộ, công chức, viên chức huyện Đông Sơn tự rèn luyện, tự nghiên cứu, tự học tập và phải ý thức sâu sắc được vấn đề này. Huyện đã ban hành một số văn bản cụ thể, như: Nghị quyết số 09 - NQ/HU ngày 23/01/2017 của BCH Đảng bộ huyện về phát huy những giá trị truyền thống lịch sử  - văn hóa; xây dựng con người Đông Sơn “năng động, sáng tạo – thân thiện”, đáp ứng yêu cầu thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập; Quyết định số 339 - QĐ/HU ngày 03/8/2017 của BTV Huyện ủy quy định về 5 chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức huyện Đông Sơn; Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa”; “xây dựng con người cơ quan, đơn vị kiểu mẫu”; đánh giá chỉ số cải cách hành chính; hằng tháng đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân.
Qua đó, đánh giá lề lối, tác phong, thái độ, trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ; làm thước đo để chấn chỉnh cán bộ công chức một cách kịp thời.
          Có thể khẳng định, xuất phát từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa hiện nay,mỗi tổ chức, cán bộ đảng viên cần nghiên cứu, suy ngẫm những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ để vận dụng vào thực tiễn địa phương, đơn vị mình, khắc phục những mặt hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ hiện nay.
          Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và sử dụng cán bộ là những tư tưởng tiến bộ đầy tính khoa học và nhân văn, mãi mãi là chìa khoá, là kim chỉ nam cho chúng ta học tập, kế thừa và phát huy trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Các thế hệ cán bộ, công chức, đảng viên vừa thấm thía những bài học vô giá của Người, vừa nguyện hết lòng phấn đấu, hi sinh cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mãi giữ vững niềm tin và tình cảm dành cho lãnh tụ kính yêu./.
 
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2004, tập 5, tr.269.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 267.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2004, tập 5, tr.269.
(4) Bác Hồ viết Tài liệu tuyệt đối bí mật, Nxb: Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.49.
(5) Sđd. T4, tr56 – 57 .
Số lượt truy cập
Hôm nay:
331
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10509
Tháng này:
56883
Tất cả:
4.421.763