CHÀO MỪNG HỌC VIÊN KHOÁ 52 TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VỀ NHẬP HỌC VÀ DỰ LỄ KHAI GIẢNG, NĂM HỌC 2024 - 2025

Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc

Đăng lúc: 08:27:27 15/08/2024 (GMT+7)109 lượt xem

 Trong quá trình sinh sống, lao động, sản xuất, người Mường đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo, thể hiện trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, tục ngữ, lễ hội, tri thức dân gian… Tuy nhiên, trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân mà các nét văn hóa này dần bị mai một; do đó, việc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các các giải pháp khả thi nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Mường trên địa bàn xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc là hết sức cần thiết, cần được quan tâm.
x2.jpg

Trò chơi dân gian của người dân tộc Mường trong dịp lễ hội
Xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc có diện tích đồi núi chiếm 2/3 tổng diện tích toàn xã, đây cũng là nơi con kênh Cửa Đạt chảy qua. Xã có tổng số 1.409 hộ dân với 5.036 nhân khẩu với hai dân tộc anh em Mường và Kinh sinh sống chan hòa đoàn kết; trong đó, dân tộc Mường có 3.594 nhân khẩu, chiếm 71,3%, còn lại là dân tộc Kinh.
Đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Cao Thịnh sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, cây trồng chủ yếu là lúa nước và dứa gai. Những năm gần đây, cây dứa gai mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân trên địa bàn xã, giúp người dân xóa nghèo bền vững. Nhìn chung, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn xã ổn định và ngày một đi lên, không có hộ nghèo và còn rất ít hộ cận nghèo.
Đời sống văn hóa của người dân nơi đây cũng vô cùng phong phú và đa dạng với nhiều phong tục, tập quán truyền thống độc đáo, một số nét sinh hoạt cộng đồng và các món ăn mang đậm bản sắc dân tộc Mường vẫn được gìn giữ, phát huy và trao truyền qua nhiều thế hệ.
Cấp uỷ Đảng, chính quyền xã Cao Thịnh luôn xác định, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn xã là mục tiêu, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, tạo động lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì vậy, việc lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện thường xuyên và quyết liệt, có chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với địa phương, đơn vị và định hướng phát triển của xã.
Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về tầm quan trọng của các giá trị văn hóa truyền thống; vai trò, ý nghĩa của việc lưu giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Các hoạt động tuyên truyền được tổ chức dưới nhiều hình thức, như: tổ chức học tập các nghị quyết của Trung ương; lồng ghép vào trong các cuộc họp sơ kết, tổng kết tại các thôn, làng trên địa bàn xã.
Xã luôn khuyến khích và phát huy vai trò của các nghệ nhân, trưởng thôn (làng), người có uy tín trong cộng đồng để trao truyền, bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mường tại xã, làm nền tảng để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; thường xuyên mở các buổi truyền dạy biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, đan lát
Các tổ chức đoàn thể như Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân xã cũng thường xuyên phối hợp để tổ chức các chương trình giao lưu hát Xường, hát ru Mường… Bên cạnh đó, còn triển khai đưa các loại hình văn hóa dân gian Mường vào các trường học, nhất là bậc học mầm non.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực bảo tồn văn hóa, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Mường vẫn mai một theo thời gian. Đặc biệt, nguy cơ thế hệ trẻ người dân tộc Mường không biết nói, viết chữ Mường rất lớn.Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Mường tại địa phương, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của xã, trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
x3.jpg
Nghệ nhân dệt vải thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mường
Một là, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thị xã đến cơ sở triển khai cần tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Di sản văn hóa, các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, của thị xã về công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hóa.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cho Nhân dân địa phương. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế hợp tác, chung tay giữa cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, trong đó cần chú ý đến lợi ích của cộng đồng, giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng cư dân trong toàn bộ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Ba là, tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch bảo tồn và phát huy hệ thống di sản văn hóa, trong đó, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di săn văn hoá dân tộc Mường trên địa bàn xã Cao Thịnh phù hợp với tình tình thực tế.
Bốn là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cần có chính sách đầu tư tôn tạo những ngôi nhà sàn người Mường nếu đã cũ và xuống cấp, đầu tư xây dựng mới các ngôi nhà sàn dành cho sinh hoạt chung sinh hoạt cộng đồng của cả thôn, làng; bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống như: đầu tư nguồn vốn để khôi phục một số làng nghề đan lát, dệt thổ cẩm, trồng dâu nuôi tằm dệt vải sại của người Mường,...
Năm là, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Tập trung vào việc phát huy vai trò, uy tín của các già làng, trưởng thôn nhằm khơi dậy bản sắc đặc trưng, nét đẹp văn hóa dân tộc Mường. Trong các dịp lễ, Tết, nhất là ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, tại các khu dân cư cần có kế hoạch tổ chức các lễ hội mang đậm nét văn hóa dân tộc Mường.
Sáu là, xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý di sản và cơ chế, chính sách khuyến khích cho các nghệ nhân và người dân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá nhằm nâng cao trình độ về chuyên môn, cập nhật tiếp thu kiến thức mới áp dụng vào việc quản lý di sản văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường ở xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa nói riêng, trên cả nước nói chung trong thời kỳ đổi mới hiện nay nhằm hướng tới xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một nhiệm vụ to lớn, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội. Cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi từ các cấp chính quyền, cộng đồng cư dân và ý thức của mỗi cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy những giá trị di sản, để những giá trị của văn hoá người Mường trên địa bàn xã trường tồn, phát triển mãi với thời gian.
Học viên: Bùi Thị Xuân
Lớp: TCLLCT huyện Ngọc Lặc, khoá học 2023 - 2024
Đơn vị công tác: UBND xã Cao Thịnh
Chủ nhiệm lớp: Trịnh Thị Yến - GV Khoa Nhà nước &-Pháp luật
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
117
Hôm qua:
2756
Tuần này:
2873
Tháng này:
33726
Tất cả:
4.753.493