CHÀO MỪNG HỌC VIÊN KHOÁ 52 TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VỀ NHẬP HỌC VÀ DỰ LỄ KHAI GIẢNG, NĂM HỌC 2024 - 2025

 TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ
CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá được thành lập theo Quyết định số 853 - TC/UBTH ngày 28/7/1994 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá trên cơ sở hợp nhất Trường Đảng Hoàng Văn Thụ và Trường Hành chính - Pháp lý của tỉnh. Lịch sử phát triển của Nhà trường là sự kế thừa và phát triển của các Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trước đây gồm: Trường Trần Phú, Trường Đảng Hoàng Văn Thụ, Trường Hành chính - Pháp lý tỉnh, Trường Công đoàn Thanh Hoá. Năm 2009, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã đồng ý cho lấy ngày Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II (04/6/1949) làm Ngày truyền thống Nhà trường.
Trường có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, pháp luật, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, công tác đoàn thể cho cán bộ chủ chốt ở cơ sở trong tỉnh và tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở địa phương. Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể cán bộ, viên chức Nhà trường luôn đoàn kết, quán triệt chủ trương, Nghị quyết của Đảng; bám sát chức năng, nhiệm vụ, không ngừng đổi mới, phát triển và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điều đó được thể hiện trên tất cả các mặt hoạt động của Nhà trường trong các giai đoạn sau:
Giai đoạn từ năm 1949 đến năm 1954: Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc đã bước sang giai đoạn tích cực cầm cự, chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công nên đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ đông đảo, đáp ứng yêu cầu của hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến. Nhiệm vụ chính trị của Nhà trường là mở những lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày, bồi dưỡng cho cán bộ hiểu biết về cuộc kháng chiến, truyền đạt các Chỉ thị, Nghị quyết của tỉnh và tình hình nhiệm vụ đất nước, nâng cao tinh thần yêu nước, đạo đức cách mạng.
Giai đoạn từ 1954 đến năm 1975: Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương, Nhà trường bám sát vào chức năng, nhiệm vụ, nhanh chóng chuyển hướng đào tạo, bồi dưỡng sát với tình hình, nhiệm vụ của đất nước là thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy, Nhà trường vừa mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, trang bị kiến thức về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, cải thiện đời sống nhân dân,...vừa chuẩn bị đào tạo dài hạn cho các cán bộ cơ sở, nhằm trang bị về lý luận Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng, công tác Đảng và công tác vận động quần chúng sát với tình hình, nhiệm vụ của đất nước.
Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1985: Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, đặt ra cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ những nhiệm vụ mới. Nhất là yêu cầu nâng cao nhận thức lý luận để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn cả nước tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, Nhà trường vừa tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo Sơ cấp lý luận, vừa tiến hành đào tạo thí điểm chương trình Trung cấp lý luận chính trị theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương và từng bước vươn lên đảm nhiệm toàn bộ chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cơ sở, các ban, ngành, huyện, thị của địa phương (bằng hình thức đào tạo tập trung chính quy và đào tạo tại chức ở các huyện, thị) với số lượng lớn. Do đó, đã đáp ứng yêu cầu hoạt động thực tiễn của địa phương và tăng cường lực lượng cán bộ, giảng viên cho một số trường ở các tỉnh phía Nam.
Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1993: Quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới toàn diện đất nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và kinh nghiệm rút ra của những khoá học đào tạo trước, Nhà trường đã từng bước tổ chức đào tạo cán bộ cốt cán cơ sở vào nề nếp; thực hiện đào tạo theo chức danh, cương vị trách nhiệm được phân công, bao gồm các lớp: Quản đốc phân xưởng, Giám đốc xí nghiệp, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp.
Để thực hiện chức năng nhiệm vụ trên, Nhà trường luôn coi trọng việc đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo hướng gắn hoạt động giảng dạy, học tập với đời sống thực tiễn. Tập trung, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đưa cán bộ, giảng viên và học viên đi nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn ở các mô hình tiên tiến trong tỉnh, như: Yên Trường, Định Công (Yên Định), Xuân Thành, Đông Phương Hồng (Thọ Xuân).
Trong những năm 1989, 1990, 1991, tình hình kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, tình hình thế giới biến động phức tạp, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Song, vẫn kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà trường luôn, duy trì quy mô đào tạo, bồi dưỡng, góp phần ổn định tư tưởng và niềm tin của cán bộ, đảng viên, về vai trò lãnh đạo của Đảng, vào sự thành công của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Giai đoạn từ năm 1994 đến nay: Thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp lại các Trường Đảng, Trường Hành chính địa phương, ngày 25/6/1994 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá ra Thông báo số 87 - TB/TU về việc thành lập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở hợp nhất Trường Đảng Hoàng Văn Thụ và Trường Hành chính - Pháp lý tỉnh, ngày 28/7/1994 Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá ra Quyết định số 853 - TC/UBTH về việc thành lập Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ tỉnh. Ngày 05/9/1994 Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VII) ra Quyết định số 88 - QĐ/TW về việc thành lập Trường Chính trị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 02/11/1994 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá ra Thông báo số 96 - TB/TU về việc đổi tên Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ tỉnh thành Trường Chính trị tỉnh. Chủ trương mới của Đảng đã đặt dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước. Đặc biệt, trên cơ sở Quyết định số 184 - QĐ/TW ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo đề xuất của Nhà trường, ngày 28/7/2011 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Quyết định số 238 - QĐ/TU quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Nhà trường cho phù hợp với việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ mới.
Triển khai thực hiện các Quyết định của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Nhà trường đã, đang và sẽ thực hiện đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật để thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập.
70năm qua, với truyền thống đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, Nhà trường đã đào tạo được nhiều thế hệ học viên vừa “hồng” vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của từng thời kỳ lịch sử, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước.
Với những thành tích đã đạt được, nhất là những năm gần đây, Nhà trường đã được Hội đồng thi đua các cấp ghi nhận và có nhiều hình thức khen thưởng cao như: được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1998), hạng Nhì (năm 2000), hạng Nhất (năm 2009); được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước (năm 2011) và nhiều phần thưởng của các ngành, các cấp. Đặc biệt, năm 2014, Nhà trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế, phát huy truyền thống đoàn kết và những thành tích đã đạt được, Nhà trường tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tranh thủ các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm xây dựng Nhà trường trở thành Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ điển hình ở khu vực Bắc Trung Bộ và trong cả nước.
 
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA
 TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ
(Theo Quyết định số 2943 - QĐ/TU ngày 13 tháng 5 năm 2019
của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chức năng, nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh)
Vị trí, chức năng
1. Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh uỷ, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
2. Trường Chính trị tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.
 Nhiệm vụ
1. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương); trưởng, phó phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện và tương đương; trưởng, phó phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh trên; cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức về một số lĩnh vực khác.
2. Đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương.
3. Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch cán sự và tương đương, ngạch chuyên viên và tương đương, ngạch chuyên viên chính và tương đương.
4. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện.
5. Bồi dưỡng các chương trình khác do cấp có thẩm quyền giao.
6. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và các cơ quan liên quan hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
7. Tham gia tổng kết thực tiễn ở địa phương, cơ sở, tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy, học tập.
8. Đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng khác theo chỉ đạo của Tỉnh ủy
Số lượt truy cập
Hôm nay:
47
Hôm qua:
2428
Tuần này:
4752
Tháng này:
36973
Tất cả:
4.828.960