NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 -  7/5/2024)!

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi văn hoá công vụ của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá

Đăng lúc: 10:56:57 15/05/2024 (GMT+7)190 lượt xem

 Để tổ chức triển khai Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 06/4/2020 về việc triển khai Đề án Văn hóa công vụ; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 01/01/2021 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan, hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh và nhiều văn bản có liên quan khác. Trên cơ sở đó, các phường, xã, thị trấn đã ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Đề án văn hóa; rà soát, sửa đổi hoặc ban hành quy chế làm việc, quy định rõ nguyên tắc làm việc, chế độ trách nhiệm, quan hệ công tác, cách thức và quy trình giải quyết công việc.
bc1.jpg
Hội nghị tập huấn của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã
 
Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, hành động quyết liệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng - an ninh, trong đó chính quyền các cấp của tỉnh luôn quan tâm và chú trọng đến việc xây dựng và phát triển văn hóa công vụ, nhất là đối với cán bộ, công chức cấp xã.
Cấp xã là cấp cuối cùng trong hệ thống chính quyền; do đó, cán bộ, công chức cấp xã giữ vai trò quan trọng mang tính quyết định đến việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của cả hệ thống chính quyền nói chung và cấp xã nói riêng. Là cấp gần dân nhất, trực tiếp đưa chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống; thường xuyên tiếp xúc và làm việc với công dân; vì vậy, việc xây dựng văn hóa công vụ có ý nghĩa, vai trò quan trọng giúp gắn kết mối liên hệ mật thiết giữa cán bộ, công chức với người dân; đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu quả hoạt động của cấp xã, phường, thị trấn.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 27 đơn vị hành chính cấp huyện (02 thành phố, 02 thị xã và 23 huyện); 558 xã, phường, thị trấn (60 phường, 31 thị trấn và 467 xã); 3.487 thôn, tổ dân phố. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 11.047 người. Trong đó, số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên chiếm 92%; số cán bộ, công chức còn lại chiếm 8% với đa số trình độ từ trung cấp trở lên. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tỉnh thực hiện đúng theo Chính phủ quy định và của Ban Tổ chức Trung ương giao năm 2024.
Để tổ chức triển khai Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 06/4/2020 về việc triển khai Đề án Văn hóa công vụ; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 01/01/2021 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan, hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh và nhiều văn bản có liên quan khác. Trên cơ sở đó, các phường, xã, thị trấn đã ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Đề án văn hóa; rà soát, sửa đổi hoặc ban hành quy chế làm việc, quy định rõ nguyên tắc làm việc, chế độ trách nhiệm, quan hệ công tác, cách thức và quy trình giải quyết công việc.
Thời gian qua, về cơ bản, hầu hết cán bộ, công chức có ý thức tổ chức kỷ luật; hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; sử dụng thời gian làm việc hiệu quả; chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; chấp hành quyết định phân công công tác của cấp trên.Tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức cấp xã trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan đã tăng cường công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức; nghiêm cấm lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
So với trước đây, hiện nay, tác phong làm việc, giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức đã có nhiều thay đổi. Trong giao tiếp với người dân cũng như quan hệ với đồng nghiệp, đa số cán bộ, công chức luôn giữ tinh thần, thái độ thân thiện, lịch sự. Hiện nay các xã, phường, thị, trấn đều đã bố trí hòm thư góp ý tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả. Một số cơ quan, tổ chức còn thường xuyên mở lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, công chức nhằm nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử trong thực thi công vụ, đặc biệt là các công chức trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cho công dân. Qua đó đã  từng nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, mang lại sự hài lòng cho người dân. Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức,  luôn tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên.
Cán bộ, công chức cấp xã không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống; thẳng thắn, chân thành; tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ; tuân thủ chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; không mê tín dị đoan và có những hành vi phản cảm khi tham gia lễ hội.
Trong thi hành công vụ, cán bộ, công chức đều mặc trang phục lịch sự, gọn gàng; đi giày hoặc dép có quai hậu, phù hợp tính chất công việc. Một số UBND cấp xã đã quy định và thực hiện nghiêm túc việc mặc đồng phục trong giờ làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, tạo nên sự lịch sự, trang trọng, góp phần xây dựng tinh thần làm việc nghiêm túc chuyên nghiệp đối với đội ngũ cán bộ, công chức tiếp dân, thực hiện thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã còn chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng văn hóa công vụ; công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hóa công vụ tại cấp xã chưa được thực hiện thường xuyên nên tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức còn thiếu chuyên nghiệp; bộc lộ yếu kém trong giao tiếp, ứng xử, điều này ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của cán bộ, công chức trước người dân địa phương và xã hội. Bên cạnh đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính tuy bước đầu được tăng cường nhưng thực tế có lúc, có nơi còn lỏng lẻo, tuỳ tiện, chưa chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên. Theo báo cáo số 234/BC-SNV ngày 22/3/2024 của Sở Nội vụ, trong Quý I/2024 đã phát hiện và kỷ luật 18 cán bộ, công chức cấp xã vi phạm trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính (trong đó: 14 khiển trách; 03 cảnh cáo; 01 Hạ bậc lương). Trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương từng nơi, từng lúc còn hạn chế.
 Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về văn hóa công vụ chưa thành nề nếp. Hiện nay chưa có hình thức xử lý, biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với những cán bộ, công chức vi phạm văn hóa công vụ; nhiều hành vi vi phạm quy định văn hóa công vụ chưa được xử lý nghiêm, kịp thời; chưa có các hình thức khuyến khích, chế độ khen thưởng thỏa đáng đối với những cán bộ, công chức có thành tích trong việc xây dựng và triển khai thực hiện văn hóa công vụ. Do đó, để nâng cao hiệu quả thực thi văn hoá công vụ của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, cần thực hiện một số giải pháp sau:
 
Một là, tập trung công tác tuyên truyền các nội dung văn hóa công sở cho cán bộ, công chức và người dân địa phương. Chú trọng tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống; hình thành nhân cách, rèn luyện thái độ, hành vi ứng xử của cán bộ, công chức theo chuẩn mực quy định. Thúc đẩy tính tự giác và tinh thần nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan. Ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hai là, xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức về giao tiếp, ứng xử công vụ. Để nâng cao kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn cần tổ chức bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp thường xuyên và có hiệu quả cho cán bộ, công chức cấp xã. Việc bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng giao tiếp là cơ sở quan trọng nhất tạo sự chuyển biến trong hành vi ứng xử của cán bộ, công chức, đặc biệt đối với những bộ phận liên quan trực tiếp tới tiếp công dân, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.
Ba là, đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện văn hóa công vụ. Người đứng đầu xã, phường, thị trấn phải thật sự là tấm gương mẫu mực về văn hóa và đạo đức công vụ, giữ vững chuẩn mực trong đạo đức lối sống, giao tiếp, ứng xử... Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu không chỉ để cho cán bộ, công chức noi theo mà còn góp phần tôn vinh những giá trị tốt đẹp của văn hóa công vụ, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, tăng cường niềm tin yêu của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn.
Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ thực thi công vụ thông qua việc hoàn thiện vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức cấp xã. Hiện nay, 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức cấp xã làm cơ sở cho việc thực hiện công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển một cách minh bạch, rõ ràng.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, kết hợp với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Cán bộ, công chức phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan. Đồng thời cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trên tất cả các lĩnh vực công tác của địa phương để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng như tuyên dương những tập thể, cá nhân có thành tích điển hình để nhân rộng, khen thưởng, động viên kịp thời.
Sáu làxây dựng môi trường văn hóa công sở và tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật để thực hiện, xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng và thực hiện văn hóa công sở tại UBND cấp xã trên địa bàn. Để có được môi trường thực hiện văn hóa. Về cơ sở vật chất, trước mắt cần tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp trụ sở làm việc của UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy của nhà nước. Để tạo dựng cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện hoạt động của UBND cấp xã, đồng thời tạo dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi của công sở với nhân dân.
Văn hóa công vụ là biểu hiện hình ảnh của mỗi một nền hành chính hiện đại, văn minh mang tính phục vụ cao đối với nhân dân và toàn xã hội. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển văn hóa công vụ đối với cán bộ, công chức cấp xã là vô cùng quan trọng, góp phần hình thành thái độ, phong cách ứng xử chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức hướng đến xây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, liêm chính và phục vụ nhân dân ở tỉnh ta.
 
Học viên: Cao Thị Oanh
Lớp: TCLLCT A1 - K51
Đơn vị công tác: Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hoá
 
----------------------------------
TÀI  LIỆU THAM KHẢO
1.  Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 “Về việc phê duyệt đề án văn hóa công vụ” của Thủ tướng Chính phủ;
2. Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 06/4/2020 về “Triển khai thực hiện Đề án công vụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” của UBND tỉnh Thanh Hóa;
3. Báo cáo số 234/BC-SNV ngày 22/3/2024 của Sở Nội vụ về báo cáo kết quả thực hiện, kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa Quý I năm 2024.
4.  Báo cáo số 274/BC-UBND ngày 04/12/2023 Kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
5. Báo cáo số 631/SNV-CCVC ngày 02/4/2023 Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Đề án văn hóa công vụ của tỉnh Thanh Hóa
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
564
Hôm qua:
1481
Tuần này:
9553
Tháng này:
51189
Tất cả:
4.630.205