NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 -  7/5/2024)!

Học lý luận chính trị theo tấm gương “tự học” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 07:35:01 16/05/2024 (GMT+7)171 lượt xem

 Khắc ghi những bài học về tinh thần tự học của Người, trong thế giới tràn ngập thông tin và kho tàng kiến thức về lý luận chính trị, học viên trường Đảng nói chung, học viên lớp TCLLCT A7-K51 nói riêng phải biết chắt lọc và có phương pháp tự học hiệu quả để làm giàu trí tuệ và hoàn thiện nhân cách, trở thành người cán bộ trong thời đại mới có tri thức, văn hóa, mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
z5443306185268_f5780a2c61ba3afcabec10f9a957628c.jpg
Lớp TCLLCT A7-K51 tham gia Hội thi Học viên học giỏi lý luận chính trị
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học. Người đã để lại tấm gương cao đẹp về tinh thần tự học và học tập suốt đời cho thế hệ mai sau. Chúng ta mãi mãi khắc ghi lời dạy của Người: “Bác thường nghe nói có đồng chí 40 tuổi đã cho mình là già nên ít chịu khó học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.
Tìm hiểu con đường tự học của Hồ Chí Minh không những góp phần làm sáng tỏ thêm tư tưởng của Người mà còn có giá trị rất lớn đối với việc học tập, nghiên cứu. Nhiều lần Bác căn dặn đội ngũ cán bộ, đảng viên khắc phục tình trạng kém lý luận, khinh lý luận và cũng đừng rơi vào lý luận suông. Những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến lý luận chính trị thật gần gũi bởi chính Bác là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học, tự nghiên cứu và vận dụng lý luận chính trị để hậu thế noi theo.
Là những cán bộ, đảng viên thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh, khi được học tập lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá, học viên thường ấn tượng với những bài học bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần tự học của Bác. Trong lý lịch tự khai tại Đảng Cộng sản Pháp cũng như tại một số đại hội, hội nghị của Quốc tế Cộng sản, Bác thường khiêm tốn ghi ở phần trình độ học vấn là: Tự học. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 1961, Hồ Chủ tịch đã tâm sự: “Về văn hoá tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu”. Người đã miệt mài học tập cả cuộc đời, nói đúng hơn là không ngừng tự học.  Khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm (ngày 9 tháng 12 năm 1961), Hồ Chủ tịch đã tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Và với Bác, nguyên lý và phương thức học là: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”.
2.jpg
TS. Lương Trọng Thành - TUV, Hiệu trưởng Nhà trường trao cờ thi đua
Tập thể lớp kiểu mẫu cho lớp TCLLCT A7-K51
 
Đối với học viên trường Đảng, học lý luận chính trị nhằm mục đích củng cố, trau dồi đạo đức cách mạng: “Có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm tốt công tác Đảng giao phó cho mình”. Do đó, ngoài những bài giảng trên lớp, mỗi học viên cần tăng cường tự học về những nội dung qua các chuyên đề trong chương trình đào tạo, từ đó sẽ chủ động tự nghiên cứu về lý luận, về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước thông qua hệ thống văn bản quản lý.
Cùng với học viên các lớp Trung cấp Lý luận chính trị khoá 51 Trường Chính trị tỉnh, học viên lớp A7 luôn nêu cao tinh thần tự học, trong đó chú trọng đọc giáo trình trước khi đến lớp. Mặc dù mới qua hai tháng học tập, rèn luyện tại Trường nhưng lớpA7 đã được Nhà trường khen tặng danh hiệu Tập thể lớp kiểu mẫu khi đạt các tiêu chí, trong đó phát huy tốt tinh thần học tập và tham gia các hoạt động như Hội  thi học viên học giỏi lý luận chính trị và Ngày Sách và văn hoá đọc Việt Nam. Nhờ rèn luyện tinh thần tự học, tự nghiên cứu, học viên lớp A7 đã viết hơn 10 bài được đăng Website nhà trường; từ đó, tạo thành phong trào tự giác trong tổ chức các hoạt động bổ trợ nhằm nâng cao chất lượng học tập. Hoạt động giới thiệu sách là biện pháp hiệu quả, giúp tăng cường thói quen tự học, rèn luyện thói quen đọc sách cho học viên A7. Đây là hoạt động bổ ích, phát huy trí tuệ của của tập thể trong kết nối, phân công nhiệm vụ cho từng tổ, từng cá nhân phải tự nghiên cứu nội dung cần trao đổi, chia sẻ về sách tại diễn đàn.
Thực tế thời gian qua, thông qua việc học tập trên lớp, có thể nhận thấy, đa số học viên A7 có tinh thần chủ động, tự giác trong việc tự học, tự nghiên cứu. Tuy nhiên, thời gian tự học của học viên không thường xuyên do học viên vừa học, vừa làm nên chỉ tập trung vào thời gian thi, kiểm tra. Bên cạnh đó, khả năng sưu tầm tư liệu, tài liệu phục vụ cho việc học còn hạn chế; tinh thần phát biểu xây dựng bài của một số học viên còn thấp.  
3.png
Hoạt động nhân Ngày Sách và văn hoá đọc Việt Nam
năm 2024 của lớp TCLLCT A7-K51
 
Trong thời gian tới của khoá học, để xây dựng, phát huy hơn nữa tinh thần tự học theo tấm gương của Bác, giúp nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị đối với học viên lớp A7, cần cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, mỗi học viên phải xác định được động cơ, mục đích học tập. Học viên cần nhận thấy rõ việc học tập, nâng cao trình độ lý luận là quyền lợi và trách nhiệm của mình; coi đó là nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ suốt cuộc đời, không bao giờ là đủ. Kiên quyết đấu tranh, khắc phục triệt để cách nhìn nhận học lý luận chính trị không vì mục đích tự hoàn thiện mình, mà vì lý do thăng tiến, lấy bằng cấp, để đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn. Bác dạy rằng: “Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận hoặc tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này mang ra mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ không đúng đắn đều phải đưa ra tẩy trừ cho sạch”. Chỉ có nghiên cứu, học tập lý luận chính trị thực chất, với động cơ tích cực, trong sáng mới giúp mỗi học viên có tư duy khoa học, có phương pháp làm việc biện chứng; từ đó sẽ trang bị kỹ năng, phương pháp trau dồi kiến thức để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn.
Hai là, mỗi học viên cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tự học theo lời dạy của Bác: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào.  Hoạt động tự học của học viên lớp A7K51 có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với bản thân người học mà còn có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên nói riêng và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường nói chung; do đó, rất cần sự tận tâm, nhiệt huyết và chu toàn trong vai trò hướng dẫn của người giảng viên.
Ba là, đẩy mạnh tự học trong thực tiễn và gắn kết chặt chẽ giữa “học đi đôi với hành”. Quá trình tự học của Hồ Chí Minh bao giờ cũng gắn liền với quá trình lao động và hoạt động cách mạng. Xuyên suốt, nhất quán trong phương pháp, phương châm học tập lý luận chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành: “Lý luận phải liên hệ với thực tế, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin’; "Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn trở thành thực tiễn mù quáng".
Đối với giáo viên, Bác dạy: “Các chú dạy cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác-Lênin chắc có nhiều người thuộc, nhưng các chú có làm cho họ hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là thế nào không?”. Và “Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sỹ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản, chứ không phải biến các đồng chí thành những người lý luận suông mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí tốt hơn”.
Đối với người học, Người căn dặn: “Học lý luận không phải để nói mép, nhưng biết lý luận mà không thực hành là lý luận suông. Học để áp dụng vào việc làm. Làm mà không có lý luận thì không khác nào đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi chuyện trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng”.
Khắc ghi những bài học về tinh thần tự học của Người, trong thế giới tràn ngập thông tin và kho tàng kiến thức về lý luận chính trị, mỗi học viên trường Đảng nói chung, học viên lớp TCLLCT A7-K51 nói riêng phải biết chắt lọc và có phương pháp tự học hiệu quả để làm giàu trí tuệ và hoàn thiện nhân cách, trở thành người cán bộ trong thời đại mới có tri thức, văn hóa, mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước./.
Học viên: Trịnh Hùng Vĩnh (Ban QLDA đầu tư xây dựng  huyện Vĩnh Lộc)
Lê Thị Bình (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ Thuật - Công Thương)
Lớp: TCLLCT A7 - K51
-------------------------------
NGUỒN THAM KHẢO
-         https://truongchinhtri.baria-vungtau.gov.vn/     
-         https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=1&mabb=223946
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1222
Hôm qua:
1481
Tuần này:
10211
Tháng này:
51847
Tất cả:
4.630.863