CHÀO MỪNG HỌC VIÊN KHOÁ 52 TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VỀ NHẬP HỌC VÀ DỰ LỄ KHAI GIẢNG, NĂM HỌC 2024 - 2025

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Lang Chánh.

Đăng lúc: 16:28:51 22/08/2024 (GMT+7)139 lượt xem

 Huyện Lang Chánh, với diện tích rừng phong phú và mật độ rừng dày đặc, đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng tiềm ẩn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm bảo vệ môi trường, ổn định kinh tế và an ninh khu vực. Tuy nhiên, hiệu quả tuyên truyền vẫn chưa đạt yêu cầu mong muốn, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng công tác này bằng các giải pháp đồng bộ và sáng tạo hơn để bảo vệ tài nguyên rừng bền vững.
tr.jpg

Diễu hành tuyên truyền về PCCCR
Lang Chánh là huyện miền núi cao nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Diện tích tự nhiên toàn huyện là 58.562,81 ha, trong đó: Diện tích có rừng: 50.567,71 ha (Rừng tự nhiên: 30.146,68 ha; rừng trồng đã thành rừng: 18.016,31 ha). Diện tích đất chưa có rừng5.604,02 ha; trong đó, diện tích rừng đã trồng nhưng chưa thành rừng là 2.359,72 ha, còn lại là diện tích khác với thảm thực bì chủ yếu là cỏ tranh, lau lách, cây bụi và các loại cây tiên phong phân bố giáp các khu dân cư và các khu nương rẫy cũ xen kẽ trong diện tích có rừng.
Với mật độ rừng dày đặc như vậy, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được chính quyền huyện Lang Chánh đặc biệt quan tâm, trong đó công tác PCCCR được coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu hiện nay. Nguy cơ cháy rừng tiềm ẩn ngay từ địa hình nhiều đồi núi, khí hậu nhiệt đới, và cả ý thức của người dân, các hoạt động canh tác nông - lâm nghiệp, bẫy đốt ong, có thể gây thiệt hại lớn về môi trường, kinh tế…
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCCR là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi và có vị trí quan trọng đặc biệt trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Qua công tác tuyên truyền đã nâng cao ý thức trách nhiệm, hiểu biết của người đứng đầu các cơ sở, cán bộ, công nhân viên, người lao động và Nhân dân trong toàn huyện về công tác PCCCR.
Nhìn chung, từ năm 2019 đến nay, công tác quản lý lâm nghiệp nói chung và công tác PCCCR nói riêng trên địa bàn huyện Lang Chánh đã đạt được kết quả toàn diện, năm sau tốt hơn năm trước, góp phần giữ vững an ninh rừng ổn định theo hướng bền vững, nhận thức của người dân về công tác PCCCR cũng như thu nhập từ nghề rừng không ngừng được nâng lên, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của huyện nhà.
tr1.png

Diễn tập PCCCR
Từ năm 2019 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ đạo huyện Lang Chánh ban hành 04 Chỉ thị, 42 Quyết định, 25 Công văn, 36 Kế hoạch, 09 Phương án, 25 Thông báo và 06 Công điện chỉ đạo công tác PCCCR.
Hạt Kiểm Lâm huyện Lang Chánh đã phối hợp xây dựng 105 kế hoạch phối hợp tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR và tổ chức thực hiện có hiệu quả tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Duy trì thực hiện Khu dân cư “3 không: Không sử dụng lửa bừa bãi trong sinh hoạt, sản xuất để xảy ra cháy rừng; không khai thác, phá rừng tự nhiên tái sinh để lấy gỗ, củi, lấy đất sản xuất; không mua bán, chuyển nhượng trái phép rừng và đất lâm nghiệp”.
Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm còn thường xuyên phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị như Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Huyện đoàn,... nhằm đa dạng hình thức tuyên truyền như tổ chức hội thi, sử dụng hệ thống loa truyền thanh, ký cam kết, tuyên truyền truyền miệng, thông qua hội nghị nhân dân hoặc các cuộc họp xã, thôn,...
tr3.png
Tuyên truyền về PCCCR đến bà con nhân dân các thôn, bản
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCCR tại địa phương còn tồn tại nhiều hạn chế; trong đó, có vấn đề chưa rà soát xác định cụ thể các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, chưa xác định được lô, khoảnh, diện tích, trạng thái, nguyên nhân cháy chủ yếu để thực hiện đồng bộ các giải pháp; chưa rà soát xác định cụ thể các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, chưa xác định được lô, khoảnh, diện tích, trạng thái, nguyên nhân cháy chủ yếu để thực hiện đồng bộ các giải pháp. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác PCCCR còn hạn chế.
Từ kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế nêu trên, có thể đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Lang Chánh trong giai đoạn hiện nay như sau:
Một là,cầnthống nhất và nâng cao nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị huyện Lang Chánh về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng. Xác định việc tuyên truyền PCCCR là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và chủ rừng địa bàn huyện chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của ngành kiểm lâm,
Hai là, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành đối với công tác phòng cháy chữa cháy rừng nhằm thống nhất chỉ đạo để đạt hiệu quả cao theo cơ chế đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan chuyên môn tham mưu nghiệp vụ. Cần thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, thiết lập hệ thống tổ chức thực hiện công tác PCCCR đồng bộ từ huyện đến xã, thôn và chủ rừng nhà nước, cần bổ sung Hiệu trưởng các trường học trên địa bàn xã tham gia BCĐ cấp xã, lãnh đạo Phòng giáo dục tham gia BCĐ cấp huyện; trong đó, Kiểm lâm là lực lượng nòng cốt hướng dẫn chỉ đạo đôn đốc, nhằm thống nhất tổ chức thực hiện công tác PCCCR một cách có hiệu quả.
Ba là, cần đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác PCCCR, đặc biệt, nội dung tuyên truyền không tách rời với việc nâng cao trình độ dân trí và cải thiện đời sống cho nhân dân, nội dung tuyên truyền cũng cần phù hợp với từng nhóm đối tượng để mang lại hiệu quả cao nhất. Nghiên cứu chọn lọc những nội dung cần thiết, phù hợp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân, chủ rừng đối với công tác PCCCR;
Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đối với người làm công tác tuyên truyền PCCCR thông qua tổ chức tập huấn nghiệp vụ. Nhanh chóng rà soát, bổ sung và biên tập bộ tài liệu đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về PCCCR hoàn chỉnh để sử dụng thống nhất trên địa bàn. Cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, cử cán bộ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin như xây dựng bản đồ phân vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng; dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; phát hiện sớm điểm cháy rừng; truyền tin, xử lý thông tin và chỉ huy chữa cháy rừng; huy động lực lượng và tổ chức chữa cháy rừng.
Năm là, quan tâm đầu tư mua sắm các thiết bị về PCCCR, thực hiện việc đặt bổ sung các biển báo, biển cấm, biển tuyên truyền về bảo vệ rừng và PCCCR, sửa chữa các biển báo, biển cấm, biển tuyên truyền về bảo vệ rừng và PCCCR đã hư hỏng qua quá trình sử dụng; ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trong đầu tư công trung hạn giai đoạn tới.
Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác PCCCR trên địa bàn là khâu đầu tiên có vai trò hết sức quan trọng, là cầu nối để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân; do đó, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn huyện phải thường xuyên nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác PCCCR trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ gây cháy rừng để những cánh rừng trên quê hương Lang Chánh luôn tốt tươi, mang lại màu xanh cho đời./.
Học viên: Lê Đông
Lớp: TCLLCT huyện Ngọc Lặc khóa học 2023-2024
Đơn vị công tác: Hạt kiểm lâm huyện Lang Chánh
GVCN: Trịnh Thị Yến – Khoa Nhà nước & Pháp luật
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
520
Hôm qua:
1694
Tuần này:
19175
Tháng này:
13415
Tất cả:
4.805.402