NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945-19/8/2024) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CÔNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945- 2/9/2024)!

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn đến năm 2025

Đăng lúc: 07:59:34 09/06/2024 (GMT+7)149 lượt xem

 Nhờ chú trọng công tác quản lý nguồn nhân lực nên chất lượng biểu diễn của Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn không ngừng được nâng lên, luôn là đơn vị dẫn đầu trong các đơn vị nghệ thuật của tỉnh. Sau khoảng thời gian thành lập, Nhà hát đã gặt hái được nhiều thành công trong hoạt động chuyên môn, tạo được uy tín trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên cả nước, được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh tin tưởng.
lan.jpg

Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn
 
Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng từng bước phát triển nhận thức, tư duy về phát triển nguồn nhân lực. Tại Đại hội XI, Đảng nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước”. Đại hội XII của Đảng cũng đưa ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, đòi hỏi cần phải: “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng thực hành”..
Đại hội XIII của Đảng chủ trương phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn với việc “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng…, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp". Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhấn mạnh, cần tăng cường, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, nghệ thuật.
Thấm nhuần đường lối, chủ trương của Đảng, trong xu thế hội nhập quốc tế, tìm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng đối với mỗi cơ quan, đơn vị; trong đó, có Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn (gọi tắt là Nhà hát).
Nhà hát được thành lập theo quyết định số 288/QĐ-CT ngày 23/01//2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở hợp nhất từ 3 đơn vị, gồm Nhà hát Lam Sơn, Đoàn Ca múa, Đoàn Kịch nói. Mới đây, năm 2022, Nhà hát tiếp nhận đơn vị thứ 4 là Đoàn nghệ thuật dân ca, dân vũ Thanh Hóa theo Quyết định số 2037/2015/QĐ - UBND ngày 13/6/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, Nhà hát có trụ sở làm việc, luyện tập và tổ chức biểu diễn tại địa chỉ Số 22 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa. Tổng số viên chức, hợp đồng lao động của Nhà hát là 84 người; trong đó, biên chế sự nghiệp được giao ổn định hàng năm là 69 người.
Trong những năm qua, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn luôn luôn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; các hoạt động ca múa nhạc, kịch nói, dân ca dân vũ khẳng định sự đóng góp không nhỏ của lực lượng diễn viên có năng lực chuyên môn cùng sự nỗ lực cố gắng của bộ phận kỹ thuật, phục vụ và quản lý. 
Nhờ chú trọng công tác quản lý nguồn nhân lực nên chất lượng biểu diễn của Nhà hát không ngừng được nâng lên, luôn là đơn vị dẫn đầu trong các đơn vị nghệ thuật của tỉnh. Sau khoảng thời gian thành lập, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác quản lý, dàn dựng và biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật, gây dựng được thương hiệu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên cả nước, được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh tin tưởng, giao cho Nhà hát xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật lớn phục vụ các nhiệm vụ chính trị trong các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, nghành, phục vụ nhân dân, phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Tuy nhiên, so sánh về cơ cấu tổ chức, bộ máy và biên chế của đơn vị với yêu cầu nhiệm vụ được giao hàng năm, đặc biệt là việc được giao thực hiện những nhiệm vụ, sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, của ngành thì số biên chế của đơn vị hiện còn thiếu nhiều trong khi phải tổ chức các chương trình nghệ thuật quy mô, hoành tráng, đáp ứng yêu cầu phục vụ. Thực tế, Nhà hát đã chủ động đề nghị các cơ quan quản lý cho phép được tuyển thêm số hợp đồng lao động là diễn viên đã tốt nghiệp các trường năng khiếu nghệ thuật ở Trung ương và địa phương. Số hợp đồng lao động được đơn vị chi trả tiền lương từ nguồn kinh phí tiết kiệm thu các hoạt động sự nghiệp hàng năm. Đơn vị đã sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, các vị trí việc làm được bố trí hợp đồng lao động đều là các vị trí còn thiếu, cần có nhu cầu sử dụng cần thiết.
Mặc dù công tác quản lý và sử dụng nguồn nhân lực đã được Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn đặc biệt quan tâm, nhưng để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Xuất phát từ thực trạng quản lý và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực tại Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn trong giai đoạn hiện nay, Khoá luận tốt nghiệp Trung cấp Lý luận chính trị K51 xin đưa ra những giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tăng cường nhận thức cho đội ngũ cán bộ, viên chức về sự cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Nhà hát. Trong các cuộc họp chi bộ, Cấp uỷ, Bí thư Chi bộ cần quán triệt cho đội ngũ diễn viên, nghệ sỹ, kỹ thuật viên của Nhà hát về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nâng cao chất lượng đội ngũ, nhân tố quyết định trong thực hiện nhiệm vụ mà tỉnh giao phó.  Đồng thời, trong họat động chuyên môn, cần thống nhất nhận thức về vị trí của diễn viên theo cấp bậc để động viên, khích lệ diễn viên, nghệ sỹ, kỹ thuật viên không ngừng nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng biểu diễn.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà hát. Theo đó, cần xây dựng vào nguồn quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực, được sự tín nhiệm của quần chúng, có tài năng khích lệ, truyền cảm hứng cho diễn viên, nghệ sỹ thăng hoa trên sân khấu; cử các cán bộ trong nguồn quy hoạch đi học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị; trang bị các kỹ năng cần thiết cho cán bộ trong nguồn quy hoạch, đáp ứng với công tác quản lý trong thời kỳ hội nhập, như: tin học, ngoại ngữ, quản lý kinh tế, thích ứng với sự thay đổi…
Thứ ba, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực Nhà hát. Hằng năm, Nhà hát xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về đạo diễn sân khấu, biên đạo, ca, múa, nhạc, kịch nói, kỹ thuật với các trường Trung ương và địa phương và đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ diễn viên, nghệ sỹ; đồng thời, tổ chức đánh giá chính xác đối tượng cán bộ, diễn viên cần đào tạo, bồi dưỡng, từ đó đưa ra kế hoạch, nội dung đào tạo cụ thể cho từng đối tượng. Bên cạnh đó, Hội đồng chuyên môn tiếp tục đề cao trách nhiệm, mở rộng cộng tác với các nghệ sỹ trong và ngoài tỉnh để vừa có tác phẩm mới, chất lượng, bổ sung cho các chương trình nghệ thuật, vừa học hỏi nâng cao trình độ chuyên nghiệp vụ.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng nguồn nhân lực. Công tác tuyển dụng diễn viên, nghệ sỹ trẻ cần được đưa vào nghị quyết Chi bộ; chủ động đề nghị, đề xuất với Sở Văn hoá, thể thao và du lịch về số lượng gắn với chất lượng cần tuyển dụng. Hội đồng tuyển dụng cần chủ động xây dựng các tiêu chí cụ thể về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp đối để tuyển chọn diễn viên có đủ tài, đủ đức. Phối hợp tốt với Sở Văn hoá, thể thao và du lịch công khai việc tuyển dụng diễn viên trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội.
Thứ năm, chăm lo chế độ, chính sách cho cán bộ, viên chức Nhà hát. Ban lãnh đạo Nhà hát cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong tổ chức các hình thức biểu diễn nghệ thuật; trong đó, chú trọng đầu tư kinh phí cho các chương trình đặc sắc để thu hút khán giả tới xem, từ đó có thể có thêm nguồn thu nhập cho Nhà hát để cán bộ, viên chức có động lực công tác. Tăng cường công tác kết nối với các cơ quan, đơn vị, những nơi có nhu cầu tổ chức các chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ các sự kiện để tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ, diễn viên, nhân viên.
Hy vọng rằng, những nghiên cứu bước đầu của đề tài “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn” sẽ góp phần nhỏ bé trong quá trình xây dựng, phát triển đội ngũ của Nhà hát để những sản phẩm văn hoá của cán bộ, diễn viên, nghệ sỹ và những người phục vụ trong Nhà hát sẽ không ngừng vươn cao, bay xa, chạm tới cảm xúc và trái tim của đồng bào Thanh Hoá nói riêng và tđồng bào cả nước cũng như nước ngoài nói chung.
(Bài viết được trích từ Khoá luận tốt nghiệp Trung cấp Lý luận chính trị khoá 51)
Học viên: Phạm Mạnh Hà
Lớp: TCLLCT A2-K51
Đơn vị: Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
153
Hôm qua:
1439
Tuần này:
13266
Tháng này:
14254
Tất cả:
4.734.021