NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ...

Đăng lúc: 09:12:07 12/11/2014 (GMT+7)4904 lượt xem

Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị khu vực Bắc Trung Bộ” (Do PGS,TS Trương Thị Thông, PGĐHVCTQG Hồ Chí Minh đọc tại hội thảo)

 bac trung bo bac trung bo 1

 

Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học "Đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị khu vực Bắc Trung Bộ"

(Do PGS,TS Trương Thị Thông, PGĐHVCTQG Hồ Chí Minh đọc tại hội thảo)

 

Thưa các đồng chí tham dự Hội thảo!

     Công tác quản lý là một hoạt động quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị. Nhận thức được vị trí, vai trò của hoạt động quản lý trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hôm nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học về vấn đề này theo cụm khu vực Bắc Trung Bộ. Thay mặt Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tôi nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các đồng chí thay mặt cho các trường chính trị của khu vực Bắc Trung Bộ đã về dự Hội thảo.

     Mục đích của Hội thảo là đánh giá, tổng kết thực tiễn công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; rút kinh nghiệm góp phần đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị khu vực Bắc Trung bộ. Hội thảo là diễn đàn khoa học để các trường chính trị trong khu vực trao đổi kinh nghiệm trong quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Thưa các đồng chí!

     Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị cho hệ thống chính trị ở cơ sở rất được Đảng và Nhà nước quan tâm. Điều đó thể hiện qua các văn bản mang tính chính trị, pháp lý như:

     - Thông báo Kết luận số 181-TB/TW ngày 03-9-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

     - Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 03-9-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Quyết định: "Trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác".

      Thông báo Kết luận số 181-TB/TW  và Quyết định số 184-QĐ/TW  cho thấy trường chính trị có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương. Đội ngũ cán bộ, công chức do trường chính trị đào tạo, bồi dưỡng không chỉ là nguồn nhân lực của xã hội, mà là nguồn nhân lực đặc biệt - nguồn nhân lực công.

      Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám (khóa XI) mới đây về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đã nêu lên nhiều phương châm giáo dục, trong đó có "quản lý tốt". Cùng với "dạy" và "học", "quản lý" đã được xác định có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục và đào tạo. Việc đổi mới công tác quản lý trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị là hướng đi đúng đắn và phù hợp với định hướng của Đảng. Các trường chính trị cần bám sát định hướng này.

        Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định một trong ba khâu đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu xác định đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt.

     Cùng với các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của trường chính trị, Nhà nước đã ban hành pháp luật để điều chỉnh hoạt động giáo dục và đào tạo, nhất là Luật Giáo dục (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Luật Giáo đục đại học (năm 2012) và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể các luật này.

Thưa các đồng chí!

     Công tác quản lý là một khâu quan trọng trong chu trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các trường chính trị, có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo. Trường nào được quản lý tốt rõ ràng sẽ có chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tốt hơn. Những năm qua, công tác quản lý ở các trường chính trị đã đạt được những thành tựu đáng kể.

    Trên cơ sở các quy định của Đảng và Nhà nước, căn cứ bộ quy chế, quy định quản lý đào tạo ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành do Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) ban hành; căn cứ tình hình thực tế, điều kiện cụ thể và kinh nghiệm quản lý, các trường đã chủ động xây dựng, cụ thể hoá thành quy chế, quy định, những biện pháp cụ thể để quản lý có hiệu quả hơn các khâu của quá trình đào tạo như tự nghiên cứu, nghe giảng trên lớp, thảo luận, kiểm tra, viết tiểu luận của học viên, v.v..

     Điều đáng lưu ý là, trên cơ sở quy chế, quy định chung, các trường đã chủ động xây dựng các nội dung, quy định cụ thể trong việc tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế sau các phần học theo quy định của chương trình. Để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học, gắn lý luận với thực tiễn địa phương, trong tổ chức đào tạo, các trường đã coi trọng các bài tập tình huống, gắn lý luận với xử lý những tình huống trong thực tế lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, v.v.. Công tác quản lý dạy và học của các trường có những chuyển biến rõ rệt, ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các địa phương.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý ở các trường chính trị cũng còn những hạn chế nhất định. Một số khâu của quá trình đào tạo, bồi dưỡng ở một số trường chưa thật chặt chẽ, nhất là khâu tự nghiên cứu ở các lớp tại chức; số lượng học viên các lớp bồi dưỡng, nhìn chung còn đông; số lượng giảng viên các trường (nhất là giảng viên có trình độ và kinh nghiệm) còn thiếu so với quy định, số lớp đông; việc tổ chức, quản lý, kiểm tra quá trình soạn, giảng, đánh giá chất lượng bài giảng của giáo viên chưa thật chặt chẽ, thường xuyên; việc bổ sung kiến thức mới, số liệu thực tế vào giáo án, bài giảng chưa kịp thời, v.v..

Thưa các đồng chí!

     Để Hội thảo có kết quả, tôi xin nêu một số gợi ý thảo luận tại Hội thảo:

Thứ nhất, những nội dung và phương pháp mới trong quản lý giáo dục, đào tạo là gì? quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là gì?

Thứ hai, trong quá trình đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong các trường chính trị nói riêng hiện nay, công tác quản lý có vị trí và tầm quan trọng như thế nào?

     Thứ ba, nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị hiện nay cần đổi mới công tác quản lý như thế nào? Những chủ thể, nội dung, những mắt khâu, bước đột phá, tính quá trình của việc đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị hiện nay là gì? Từ đó, cần xác định những quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp (về nhận thức, thể chế, nguồn lực) của việc  đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị hiện nay.

     Thứ tư, từ thực tiễn hoạt động của các trường, từ các báo cáo điển hình của các trường tại Hội thảo có thể nêu những bài học kinh nghiệm, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị như thế nào?

      Thứ năm, làm thế nào nâng cao chất lượng và hiệu quả của sự phối hợp giữa Học viện với các trường chính trị, giữa Ban Giám hiệu nhà trường với các khoa, phòng, giữa các cơ quan ban ngành của Trung ương và địa phương với nhà trường trong công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị?

    Có thể nói, công tác quản lý của các trường chính trị còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi sự quan tâm của các trường. Tôi mong rằng, với buổi Hội thảo này, chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp thiết thực nhằm đổi mới công tác quản lý, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các trường chính trị.

     Là trường chính trị đầu tiên trong cả nước đăng cai Hội thảo khoa học về đổi mới nghiên cứu công tác quản lý trong hoạt động động đào tạo, bồi dưỡng, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã khắc phục không ít khó khăn về nhiều mặt, nhưng với bề dày kinh nghiệm của nhà trường, cùng với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy,  sự phối hợp, tạo điều kiện của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, sự nỗ lực của Ban Giám hiệu và tập thể nhà trường, sự góp sức của các trường chính trị khu vực Bắc Trung Bộ, tôi tin rằng Hội thảo của chúng ta sẽ đạt được các yêu cầu đề ra. Sự thành công đó sẽ cung cấp những tài liệu bổ ích, những kinh nghiệm quý báu cho các trường chính trị tham khảo trong hoạt động quản lý.

     Thay mặt Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tôi xin chúc các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các đại biểu các trường chính trị khu vực Bắc Trung Bộ và toàn thể, các đồng chí về dự Hội thảo sức khỏe và thành công.

     Chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

     Xin trân trọng cảm ơn!

Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1437
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11615
Tháng này:
57989
Tất cả:
4.422.869