THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ, NHIỆM KỲ 2025 - 2030!

Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa phát huy dân chủ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 16:15:02 10/07/2025 (GMT+7)12 lượt xem

 Phát huy dân chủ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong xây dựng Đảng. Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục kiên trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược, bảo đảm dân chủ thực chất, hiệu quả, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phấn đấu trở thành trường kiểu mẫu trước năm 2030.
xa.jpg

Đại hội Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá, nhiệm kỳ 2020 – 2025
 
Dân chủ - cội nguồn sức mạnh trong tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vai trò của dân chủ, coi dân chủ là nhân tố động lực của sự phát triển; thực hành dân chủ là chìa khoá vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Người khẳng định, bản chất của dân chủ tức là dân là chủ và dân làm chủ, nghĩa là địa vị của nhân dân là người chủ đối với xã hội, đất nước và nhân dân là chủ thể của quyền lực: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” [1], “chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là dân làm chủ” [2]. Người luôn quan tâm đến việc mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội… Vì vậy, có thể hiểu, phát huy dân chủ trong tổ chức đảng thực chất cũng là phát huy quyền làm chủ của mỗi đảng viên trong mọi hoạt động của tổ chức đảng, là sự bình đẳng của tất cả đảng viên trước Điều lệ và nghị quyết của Đảng.
Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta luôn xác định: Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực” [3]. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [4]. Theo đó cần “phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới” [5].
Thực tiễn phát huy dân chủ trong Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
Nhận thực rõ tầm quan trọng của việc phát huy dân chủ trong chi bộ, trên cơ sở tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta, những năm qua, Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh luôn quán triệt và thực hiện tốt việc phát huy dân chủ trong toàn bộ hoạt động của Đảng bộ. Việc phát huy dân chủ trong Đảng bộ được thể hiện ở những mặt cơ bản sau:
Thứ nhất,dân chủ trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ. Nhận thức tầm quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng, Đảng bộ tập trung lãnh đạo, thường xuyên chăm lo bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. quán triệt và triển khai thực hiện Chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025  về “Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng”, không ngừng đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao chất lượng, trong đó, coi trọng việc sơ kết, tổng kết thực tiễn. Theo đó, Đảng bộ thường xuyên lãnh đạo tất cả các đảng viên học tập, quán triệt nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc (khóa XIII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (khóa XIX), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh (khóa XX) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ trường (khóa VIII), nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thường xuyên tổ chức cho cán bộ, đảng viên tham gia các hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, kế hoạch của Trung ương Đảng và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, học tập các chuyên đề về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và xem đây vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng của chi bộ, vừa là quyền lợi và nghĩa vụ của các đảng viên, đồng thời là quyền dân chủ của đảng viên. Đây là yếu tố quan trọng giúp đảng viên trong Đảng bộ nâng cao nhận thức chính trị, đảm bảo “4 kiên định”, đấu tranh kiên quyết với những luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào nội dung các bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng, thiết thực đưa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước nhanh chóng đi vào thực tiễn.
Thứ hai, phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Đảng bộ lãnh đạo các chi bộ trực thuộc thường xuyên duy trì các buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ và sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề. Tại các buổi sinh hoạt chi bộ, các chi bộ luôn quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau” [6]; mất dân chủ trong Đảng sẽ dẫn đến tình trạng mất đoàn kết và làm nảy sinh các thói xấu, như “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”,… Vì vậy, các chi bộ luôn thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Mọi nghị quyết hay kết luận của cuộc họp tại các chi bộ đều được các đảng viên trong chi bộ thảo luận, tranh luận thẳng thắn, góp ý và biểu quyết thông qua. Quyền bảo lưu ý kiến của đảng viên trong chi bộ được thực hiện theo đúng quy định. Trong quá trình điều hành cuộc họp, các bí thư chi bộ thể hiện rõ sự bình đẳng giữa các đảng viên, quan tâm lắng nghe ý kiến của các đảng viên trong chi bộ, kể cả các ý kiến trái chiều.
Bên cạnh đó, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về tính dân chủ trong việc thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình - “vũ khí sắc bén nhất” giúp Đảng ngày càng mạnh. Trong sinh hoạt của các chi bộ, việc tự phê bình và phê bình của đảng viên được thực hiện nghiêm túc gắn với kế hoạch đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII và Kết luận số 21-Kl/TW của Ban Chấp hành Trung ương 4 khoá XIII. Việc thực hiện tự phê bình được thực hiện từ trên xuống dưới, lãnh đạo các chi bộ thực hiện tự phê bình trước tập thể chi bộ. Công tác phân loại, đánh giá và xếp loại các chi bộ và đảng viên được tiến hành nghiêm túc, dân chủ, công khai, đảm bảo thực chất. Sinh hoạt của các chi bộ luôn đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Trong nhiệm kỳ 2020 -2025, các chi bộ luôn hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, không có đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ ba, dân chủ trong cách lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường và các khoa, phòng.Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo đúng trước hết là “quyết định mọi điều cho đúng”, “tổ chức thi hành cho đúng”, “kiểm soát cho đúng”. Theo đó, trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là đối với những việc mới, việc khó, Ban Thường vụ Đảng uỷ, các chi uỷ tổ chức họp bàn để thống nhất ý kiến trước khi đem ra cuộc họp Đảng uỷ, họp chi bộ để xin ý kiến của các đảng viên trong các chi bộ. Đối với việc giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng, Đảng uỷ lãnh đạo các chi bộ phát huy dân chủ, động viên đảng viên đăng ký viết chuyên đề và giảng dạy các chuyên đề mới thuộc các chương trình bồi dưỡng, như: lớp bồi dưỡng nguồn cấp uỷ cấp huyện, bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng, bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính, bồi dưỡng bí thư, phó bí thư đảng uỷ cấp xã, chủ tịch, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã… Nhờ vậy, hiện nay, về cơ bản các đảng viên, giảng viên trong các khoa, phòng đều tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng. Đối với việc nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn, các chi bộ cũng đã phát huy dân chủ trong việc khuyến khích đảng viên đăng ký làm chủ nhiệm đề tài cấp khoa, cấp trường và cấp tỉnh. Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2025 đã tổ chức nghiên cứu, nghiệm thu thành công 06 đề tài khoa học cấp tỉnh, hiện đang triển khai 05 đề tài khoa học cấp tỉnh; nghiên cứu, nghiệm thu thành công 22 đề tài khoa học cấp trường. Phối hợp với các Học viện, các trường chính trị Khu vực Bắc Trung Bộ, các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh, các huyện thị, các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh... tổ chức thành công: 02 hội thảo, tọa đàm khoa học cấp bộ, cấp khu vực; 12 hội thảo, tọa đàm khoa học cấp tỉnh; 25 hội thảo, tọa đàm khoa học cấp trường; 15 tọa đàm khoa học ở các lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp huyện; 42 hội thảo, tọa đàm khoa học cấp khoa gắn với các lớp Trung cấp lý luận chính trị. Lãnh đạo thực hiện 08 nhiệm vụ tổng kết thực tiễn cấp tỉnh; 03 nhiệm vụ tổng kết thực tiễn cấp trường.
Một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát huy dân chủ trong Đảng bộ nhà trường còn một số hạn chế sau: việc phát huy dân chủ trong đảng bộ đôi khi còn chưa gắn liền với kỷ luật, kỷ cương, đặc biệt là kỷ luật phát ngôn theo quy định; nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về dân chủ còn phiến diện, nhất là thực hành dân chủ trong các chi bộ, cho rằng dân chủ trong chi bộ thì đảng viên được tự do phát ngôn, được sử dụng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm của riêng mình. Việc nghiên cứu các văn bản của nhà trường như: Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá, Quy chế làm việc của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá, Quy chế chi tiêu nội bộ…; một số văn bản của đảng uỷ nhà trường, của cấp uỷ cấp trên ở một số cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc dẫn đến việc tham gia đóng góp ý kiến còn hạn chế, hoặc nếu có ý kiến thì chưa đảm bảo tính sâu sắc, tính toàn diện.
xa2.png

Đại hội Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá, nhiệm kỳ 2020- 2025
Các nhiệm vụ, giải pháp phát huy dân chủ trong tình hình mới
Để tiếp tục phát huy dân chủ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ một cách nghiêm túc, thiết thực, tự giác của các đảng viên trong các chi bộ. Thực hiện nghiêm quy chế làm việc của Đảng uỷ, quy chế làm việc các chi bộ trực thuộc. Không ngừng mở rộng dân chủ trong sinh hoạt của Đảng uỷ, chi uỷ và chi bộ đi đôi với việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, nhất là kỷ luật phát ngôn theo quy định. Thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của Đảng uỷ và các chi bộ cho phù hợp với thực tiễn để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ.
Hai là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yếu tố then chốt quyết định kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì vậy, chi uỷ, chi bộ cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có nề nếp chế độ sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng; Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khoá X “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới”; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Hướng dẫn số 171-HD/ĐU, ngày 25/01/2024 của Đảng uỷ Trường Chính trị về “Thực hiện mô hình “Chi bộ bốn tốt” tại Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh”. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, hiệu quả, hấp dẫn, đặc biệt chú trọng việc tổ chức sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề và đưa hoạt động này trở thành thường xuyên, đi vào chiều sâu. Đầu năm, Đảng uỷ cần lãnh đạo các chi bộ xây dựng kế hoạch sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Trong sinh hoạt chi bộ, cần phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng đi đôi với đề cao trách nhiệm đóng góp ý kiến của tất cả các đảng viên, không phân biệt, đối xử đối với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.
Ba là, thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Mỗi đảng viên cần nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của công tác tự phê bình và phê bình đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đối với việc tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng. Trong thực hiện tự phê bình và phê bình, mỗi đảng viên cần phát huy tinh thần trách nhiệm, có thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, không nể nang, không né tránh, đảm bảo tính dân chủ, công khai, khách quan, tránh tình trạng “việc gì cũng không phê bình trước mặt mà để nói sau lưng” [7], làm cho tự phê bình và phê bình thực sự là vũ khí sắc bén giúp cho Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng uỷ nhà trường đối với việc phát huy dân chủ tại các chi bộ trực thuộc. Đây là giải pháp quan trọng nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn của các chi bộ trong quá trình thực hiện phát huy dân chủ của các chi bộ. Thông qua kiểm tra, giám sát nhằm phát huy những ưu điểm, kịp thời nhận diện những hạn chế, khuyết điểm, từ đó có những giải pháp phù hợp để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân lãnh đạo thực hiện tốt việc phát huy dân chủ, phê bình, kỷ luật những tập thể, cá nhân lãnh đạo vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Năm là, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc noi gương phong cách lãnh đạo dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên quyết đấu trình với những biểu hiện mất dân chủ, độc đoán, chuyên quyền, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”, đặc quyền, đặc lợi… Mọi quyết định lãnh đạo của Đảng uỷ, của chi bộ phải được đem ra thảo luận, trao đổi một cách thẳng thắn, tạo được sự thống nhất về mặt nhận thức, tư tưởng, trên cơ sở đó thống nhất về mặt hành động, góp phần tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong các chi bộ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã đề ra.
Tóm lại, phát huy dân chủ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong xây dựng Đảng. Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục kiên trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược, bảo đảm dân chủ thực chất, hiệu quả, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phấn đấu trở thành trường kiểu mẫu trước năm 2030./.
ThS. Nguyễn Xuân Anh
 Phó Trưởng khoa, Khoa Xây dựng Đảng
 
Chú thích:
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.7, tr.434.
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.7, tr.499, tr.572.
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đải biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.84-85.
[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đải biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.96.
[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đải biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.II, tr.248.
[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.5, tr.284.
[7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, t.5, tr.298.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1388
Hôm qua:
2047
Tuần này:
9176
Tháng này:
27502
Tất cả:
5.484.016