NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

Đăng lúc: 16:32:51 02/02/2023 (GMT+7)2190 lượt xem

 Trước hết, cần phải khẳng định rằng những luận điệu xuyên tạc về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là sự đổi trắng thay đen trắng trợn của các thế lực thù địch với ý đồ chính trị xấu xa là phủ nhận, loại bỏ Chủ nghĩa Mác - Lênin trong đời sống xã hội Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam. Bởi, sự thật lịch sử đã chứng minh rất rõ tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
 1.png
(Ảnh tư liệu sưu tầm)
Thực tiễn cách mạng Việt Nam qua 93 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo đã cho thấy rất rõ vai trò to lớn, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nguyên nhân quyết định đưa tới những thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, các thế lực thù địch đã ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng nước ta, chúng tung ra nhiều luận điệu nhằm tấn công vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, có một số người Việt Nam ở nước ngoài và cả ở trong nước, mạo nhận là “người nghiên cứu tâm huyết với quốc gia, dân tộc”, đã ra sức tuyên truyền hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta là sai lầm, làm hao người, tốn của, làm cho đất nước bị hoang tàn, dân tộc phải phân ly và nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh đó là vì Đảng Cộng sản Việt Nam đã du nhập lý luận tả khuynh là Chủ nghĩa Mác - Lênin, coi chiến tranh là giải pháp duy nhất để giải quyết quan hệ với Pháp và Mỹ, nên đã đẩy dân tộc vào hai cuộc chiến tranh hao người, tốn của đó.
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, đây chính là những luận điệu xuyên tạc sự thật lịch sử, là sự đổi trắng thay đen trắng trợn của các thế lực thù địch với ý đồ chính trị xấu xa là phủ nhận, loại bỏ Chủ nghĩa Mác - Lênin trong đời sống xã hội Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam. Bởi, sự thật lịch sử đã chứng minh rất rõ tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.Chính nhờ vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Chủ nghĩa Mác -Lênin, Đảng ta đã có phương pháp cách mạng đúng đắn trong quá trình động viên, tổ chức nhân dân đứng lên cầm vũ khí chiến đấu để bảo vệ quyền sống thiêng liêng của mình và quyền độc lập của dân tộctrước sự hiếu chiến của kẻ thù.
Về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sau quá trình lâu dài, đất nước nằm trong ách đô hộ của thực dân Pháp, tiếp sau đó là cả phát xít Nhật, nhân dân ta rất khao khát độc lập để thoát khỏi ách áp bức, bóc lột. Với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và tinh thần đoàn kết, đấu tranh kiên cườn, Nhân dân ta đã làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa tới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, lẽ ra nhân dân ta được hưởng thành quả của nền độc lập để xây dựng đất nước theo chế độ mới, nhưng nền độc lập mới giành được lại bị đe dọa khi thù trong, giặc ngoài gây hấn, nhất là thực dân Pháp đã trắng trợn quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Xuất phát từ truyền thống yêu chuộng hòa bình, đồng thời, xuất phát từ yêu cầu hòa bình để xây dựng đất nước và tương quan bất lợi cho Việt Nam nếu chiến tranh với thực dân Pháp trên quy mô cả nước xảy ra, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với nước Pháp, mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Mặc dù Đảng và Chính phủ ta đã hết sức nhân nhượng Chính phủ Pháp thông qua việc ký bản Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại diện của chính phủ Pháp, chấp nhận cho Pháp đưa 15.000 quân ra miền Bắc để thay thế quân Tưởng giải giáp phát xít Nhật. Tiếp đó, ngày 14/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục ký với Chính phủ Pháp bản Tạm ước Việt - Pháp, lại nhượng bộ cho Pháp thêm một số quyền lợi về kinh tế - văn hóa ở Việt Nam. Đồng thời, riêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ trong trong tháng 12-1946, Người cũng đã liên tiếp gửi điện và thư cho Tổng thống L.Blum cùng các nhà hoạt động chính trị ở Pháp đề xuất cứu vãn tình hình nhằm thoát khỏi nguy cơ chiến tranh. Song, thực dân Pháp coi những hiệp định đó như những tờ giấy lộn và phớt lờ những đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực dân Pháp ngang nhiên xé bỏ các điều khoản đã ký trong các văn bản hiệp định, không những không ngừng chiến sự ở Nam Bộ mà ngày càng leo thang ra miền Bắc và gây ra nhiều vụ thảm sát đẫm máu đối với đồng bào ta. Đặc biệt, ngày 18 và 19/12/1946, thực dân Pháp đã liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải phá bỏ công sự trong thành phố, giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng.
Những hành động trắng trợn đó của thực dân Pháp đã đẩy Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam vào thế không còn lựa chọn nào khác là phải cầm vũ khí đứng lên để chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, bởi, nếu tiếp tục nhân nhượng nữa chúng ta sẽ mất đi nền độc lập mà nhân dân đấu tranh gian khổ mới giành lại được. Chính vì vậy, ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại làng Vạn Phúc (Hà Đông, nay thuộc Hà Nội) chủ trương phát động nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đúng 20 giờ 03 phút tối 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chính thức bùng nổ. Trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-12-1946) đã nêu rất rõ: “... Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên![1]
Như vậy, sự thật lịch sử cho thấy, chính thực dân Pháp hiếu chiến đã gây ra cuộc chiến tranh và đẩy Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam vào thế buộc phải cầm vũ khí chiến đấu để bảo vệ quyền bất khả xâm phạm của mình. Điều này chính những nhà sử học, những chính khách chân chính của Pháp của đã thừa nhận điều đó. 
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quan điểm hòa bình, hữu nghị của Đảng tiếp tục được thể hiện rất rõ trong hàng loạt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng như: Hội nghị Trung ương 6 khóa II (tháng 7-1954). Chỉ một tuần lễ trước khi Hiệp định Giơnevơ ký kết, trong Hội nghị Trung ương 6 khoá II, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Trước kia khẩu hiệu của ta là "kháng chiến đến cùng". Nay vì tình hình mới ta cần nêu khẩu hiệu mới là: "Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ"…"[2]. Đây là quan điểm thể hiện rất rõ một cố gắng nhân nhượng nữa để có thể giữ được độc lập, mang lại hoà bình cho dân mà không qua con đường chiến tranh. Tiếp sau đó là Hội nghị Trung ương 7 (tháng 3-1955), Hội nghị Trung ương 8 (tháng 8 -1955), Đảng ta đều chủ trương chuyển cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị, đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, phấn đấu giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Tuy nhiên, chính đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm cũng đã buộc Đảng, Chính phủ và nhân dân ta phải chọn giải pháp đấu tranh vũ trang để chống lại cuộc chiến tranh đơn phương của Mỹ - Diệm nhằm bảo vệ nhân dân.
Nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam thời điểm sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, có thể thấy rất rõ về sự phản động của chính quyền Mỹ - Diệm và việc phải phát động nhân dân đấu tranh vũ trang của Đảng là không còn lựa chọn nào khác. Bởi sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ với mưu đồ chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á, đã dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Bằng chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, với khẩu hiệu “tiêu diệt cộng sản tận gốc”, “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, chính quyền Mỹ - Diệm đã ngang nhiên tiến hành tàn sát đẫm máu những người yêu nước, Cả miền Nam nước ta chìm trong không khí khủng bố, tang tóc. Hàng chục vạn cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng bị giam cầm, đày ải, giết hại. Những hành động đàn áp, khủng bố đó cho thấy rất rõ là chính chính quyền Mỹ - Diệm đã ngang nhiện thực hiện cuộc chiến tranh đơn phương chống lại đồng bào miền Nam tay không có vũ khí. Đồng thời, cùng với thực hiện cuộc chiến tranh đơn phương ở miền Nam, chính quyền ngụy liên tục hô hào “Bắc tiến”, “Lấp sông Bến Hải”...và thường xuyên phá hoại, đe dọa miền Bắc.
Trong tình thế đó, không thể bó tay chờ chết, nhiều nơi người dân miền Nam đã căm phẫn đứng lên đấu tranh và khẩn thiết đề nghị Trung ương Đảng cho phép nhân dân toàn miền Nam đấu tranh vũ trang chống chính quyền Mỹ - Diệm. Chính vì vậy, tháng 6-1956, Bộ Chính trị họp và đưa ra chủ trương: Phải kết hợp đấu tranh chính trị với xây dựng củng cố lực lượng vũ trang và nửa vũ trang, lập các khu căn cứ chuẩn bị khả năng cho cách mạng miền Nam chuyển sang thời kỳ mới với phương thức đấu tranh mới. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 15 khóa II (tháng 1-1959), Đảng đã chủ trương phải kết hợp cả đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để lật đổ chính quyền Mỹ - Diệm.
 Nghị quyết 15 khóa II với quyết định kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đã đáp ứng đúng yêu cầu của lịch sử và nguyện vọng của quần chúng nhân dân nên làm bùng lên cao trào Đồng Khởi trên toàn miền Nam vào năm 1960, làm tan rã từng mảng hệ thống chính quyền Mỹ - Diệm ở miền Nam Việt Nam. Đây chính là minh chứng cho thấy chủ trương của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng chung của đông đảo các tầng lớp nhân dân miền Nam, chứ không phải Đảng, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tả khuynh, hiếu chiến, nên đã đẩy dân tộc vào cuộc chiến tranh hao người, tốn của.
Khi buộc phải chuyển từ đấu tranh chính trị, sang hình thức chiến tranh cách mạng, Đảng và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn luôn tranh thủ mọi nỗ lực để tìm những giải pháp hòa bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chủ động gửi thư cho các Tổng Thống Mỹ, nhắc nhở họ hãy tỉnh ngộ, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, để hòa bình được lập lại trên bán đảo Đông Dương. Theo tài liệu của Liên Hợp quốc do tuần báo Người bảo vệ Manchextơ đăng lại ngày 12/8/1965 thì, sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Mỹ tiến hành đàm phán để tìm giải pháp cho vấn đề miền Nam. Tuy nhiên, phía Mỹ đã không trả lời đề nghị của Người. Những nhà cầm quyền Mỹ lúc bấy giờ vẫn ngang ngược ỷ vào sức mạnh kinh tế, quân sự, nên đã ngày càng đẩy cuộc chiến tranh lên mức độ ác liệt mới.
Ngay từ cuối năm 1964 đầu năm 1965, trước nguy cơ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản hoàn toàn, nhằm cứu nguy cho chế độ ngụy Sài Gòn và chặn đứng sự phát triển của cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ đã ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân các nước chư hầu vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam, gây rất nhiều tội ác đối với đồng bào ta ở miền Nam, đồng thời thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc với phương châm đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Những hành động hiếu chiến đó của nhà cầm quyền Mỹ lại tiếp tục đẩy Đảng, Chính phủ và dân tộc Việt Nam vào thế không còn cách nào khác là lại buộc phải đoàn kết cả dân tộc cùng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược để bảo vệ nền độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Như vậy, thực tiễn lịch sử dân tộc Việt Nam trong giai đoạn từ 1945 đến 1975 là minh chứng cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất cố gắng, nỗ lực để tìm kiếm giải pháp hòa bình, hòa hợp, thống nhất đất nước, nhưng chính kẻ thù đã hiếu chiến gây ra hai cuộc chiến tranh, gây tổn hại cho cả hai bên. Đây là điều mà chính những nhà sử học, những chính khách của Pháp và Mỹ cũng đã thừa nhận, như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara, người được coi là “kiến trúc sư” của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, sau này trong cuốn hồi ký về cuộc chiến tranh Việt Nam đã phải thừa nhận: “Chúng tôi đã mắc sai lầm, sai lầm khủng khiếp vì đã gây ra cuộc chiến tranh”.Thế nhưng, gần đây và ngay cả hiện nay vẫn có những luận điệu rêu rao là do Đảng Cộng sản Việt Nam đã dựa trên lý luận đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tả khuynh, hiếu chiến gây ra cuộc chiến này. Đây là một sự xuyên tạc lịch sử trắng trợn, nhằm đổi trắng thay đen với ý đồ chính trị xấu xa của các thế lực thù địch nhằm tấn công Đảng Cộng sản Việt Nam và nền tảng tư tưởng của Đảng.
 ThS. Lê Ái Bình
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, t4, tr.534
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, t8, tr.551
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1434
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11612
Tháng này:
57986
Tất cả:
4.422.866