Học tập nghiên cứu thực tế tại huyện Thạch Thành
Đăng lúc: 07:36:52 17/12/2014 (GMT+7)1895 lượt xem
Cùng đi có đồng chí Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Nhà trường, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng; lãnh đạo các khoa, phòng, tổ bộ môn, các thầy cô tham gia giảng dạy và ban quản lý lớp học.
Đoàn nghiên cứu thực tế được chia thành 4 tổ, cùng với các đồng chí lãnh đạo huyện Thạch Thành đi học tập, nghiên cứu mô hình xây dựng nông thôn mới (NTM) và các mô hình phát triển kinh tế: trang trại nuôi gà tại xã Thành Tiến; trang trại tổng hợp tại xã Thành Vân; mô hình trồng chuối tiêu hồng, gấc tại xã Thạch Tân; trang trại tổng hợp tại xã Thành Minh. Đoàn đã cùng lãnh đạo các xã trao đổi về các nội dung trong quá trình xây dựng NTM, công tác vận động quần chúng phát triển kinh tế và công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng.
Trong chuyến học tập, nghiên cứu thực tế, đoàn đã được đồng chí Đỗ Minh Quý, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện trao đổi về kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý và quá trình xây dựng NTM. Đồng chí chia sẻ phương pháp xây dựng NTM ở Thạch Thành như: chọn xã Thành Long là xã ở mức trung bình của huyện làm điểm xây dựng NTM để rút kinh nghiệm triển khai ra diện rộng; tập trung thực hiện tốt quy chế dân chủ trong xây dựng NTM với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân hưởng thụ”. Đồng chí nhấn mạnh, huyện tập trung chỉ đạo cho nhân dân phát triển kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường công tác tuyên truyền trong xây dựng NTM nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân và huy động cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM, tạo ra các phong trào thi đua xây dựng NTM giữa xã với xã, thôn với thôn. Đồng thời, huyện còn phân loại các xã xây dựng NTM để tập trung chỉ đạo. Các xã thuộc vùng khó khăn, huyện tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế. Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển kinh tế, xã hội 6 xã đặc biệt khó khăn, Nghị quyết số 08 về phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, xây dựng đề tài khoa học về hỗ trợ giống trong phát triển chăn nuôi cho các xã khó khăn. Ngoài ra, huyện còn thực hiện đánh giá, phân loại, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ để tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành xây dựng NTM. Vì vậy, đến nay, toàn huyện đạt bình quân 13,07 tiêu chí, đặc biệt, xã Thạch Tân đã về đích NTM trong năm 2014. Kinh tế phát triển, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đời sống nhân dân được cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Từ thực tiễn ở địa phương, đồng chí đã rút ra 4 bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng NTM, đó là: phải biết phát huy cơ chế dân chủ gắn việc xây dựng, từ đó, huy động nội lực từ nhân dân đạt sự đồng thuận cao. Kế hoạch xây dựng NTM từng năm của từng thôn, bản được đưa ra cấp ủy các cấp để cán bộ, đảng viên trong cấp ủy bàn bạc, thảo luận, phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên trước khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Đồng thời, cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện trong công tác xây dựng NTM từ quy hoạch đến kế hoạch hàng năm cho từng đơn vị. Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách các đơn vị. Theo đó, các thành viên thường xuyên tham gia thảo luận cùng các chi bộ, chi ủy địa phương để bàn bạc giải pháp thực hiện các tiêu chí theo kế hoạch. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch trong công tác tuyên truyền vận động các hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân, gắn việc sinh hoạt thường kỳ của các đoàn thể với nhiệm vụ xây dựng NTM của địa phương. Qua công tác kiểm tra đánh giá đã tạo phong trào thi đua sâu rộng trong toàn huyện, tạo ra sức mạnh tổng thể trong xây dựng NTM. Điểm đặc biệt là huyện Thạch Thành rất chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ từ huyện đến cơ sở, coi đây là nhiệm vụ then chốt trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của huyện nói chung và xây dựng NTM nói riêng. Đến nay, 80% đội ngũ cán bộ đã và đang hoàn thành chương trình đại học, trên đại học.
Để hiểu rõ và nắm chắc hơn vấn đề thực tiễn, các học viên đã nêu nhiều câu hỏi, băn khoăn để lãnh đạo địa phương giải đáp, đặc biệt nhấn mạnh phương hướng giải quyết những khó khăn của huyện trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ; công tác vận động quần chúng phát triển kinh tế… Nhờ đó, các học viên đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức bổ ích trong công tác xây dựng NTM nói riêng và công tác lãnh đạo, quản lý nói chung, từ đó, vận dụng vào điều kiện thực tế ở địa phương mình.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Nhà trường cảm ơn lãnh đạo huyện Thạch Thành đã tạo điều kiện cho trường tổ chức chuyến nghiên cứu thực tế, học tập kinh nghiệm; đồng chí cũng chúc mừng những kết quả mà huyện Thạch Thành đã đạt được. Đồng chí rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng NTM và thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về giảm nghèo nhanh và bền vững, đó là huyện đã biết bám sát 3 nhiệm vụ trụ cột gồm: phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đặc biệt, huyện đã phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ, quy chế dân chủ ở cơ sở, nguồn lực xã hội và tinh thần cách mạng của quê hương Ngọc Trạo anh hùng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH hiện nay. Vì thế, huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Qua đó, đồng chí đề nghị các học viên học tập và phát huy những kinh nghiệm làm được ở Thạch Thành vào thực tế địa phương mình; đồng chí nhấn mạnh các học viên cần thấm nhuần 5 vấn đề chính sau đây:
Một là, đội ngũ cán bộ phải thống nhất nhận thức về chủ trương xây dựng NTM là để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân;
Hai là, cán bộ phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết;
Ba là, phải tập trung giải quyết những vướng mắc và bức xúc của người dân;
Bốn là, phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục người dân chung tay tham gia xây dựng NTM;
Năm là, tích cực kiểm tra, đánh giá và nhân rộng các mô hình kinh tế và các phong trào thi đua.
Có thể nói, chuyến đi thực tế là cơ hội tốt để các cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm quý báu, những cách làm hay, những bài học bổ ích trong công tác dân vận, bồi dưỡng và huy động sức dân tại Thạch Thành. Tin tưởng rằng, sau chuyến đi và sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng tại Trường Chính trị, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở sẽ nhận thức sâu sắc hơn về chương trình XDNTM và thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy; đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với nhiệm vụ XDNTM, góp phần quan trọng thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Các tin khác
- Lớp Nguồn huyện Ngọc Lặc đi nghiên cứu thực tế
- Bế giảng lớp Nguồn huyện Yên Định nhiệm kỳ 2025-2030
- Lớp Chuyên viên cao cấp khóa 17 tỉnh Thanh hoá đi nghiên cứu thực tế
- Khai giảng lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ngọc Lặc, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng cán bộ nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hậu Lộc, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn BCH Đảng bộ huyện Yên Định, nhiệm kỳ 2025-2030
- Khai mạc lớp Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng dành cho Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã năm 2024
- Khai mạc lớp Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng dành cho Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cấp xã năm 2024
- Khai giảng lớp Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách trị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định
- Khai giảng lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn BCH Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt huyện Quan Hoá, nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
542
Hôm qua:
1850
Tuần này:
7884
Tháng này:
59940
Tất cả:
4.993.541