THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Giải pháp nâng cao văn hóa công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 07:54:34 08/11/2024 (GMT+7)115 lượt xem

 Việc xây dựng và phát triển văn hóa công vụ đối với cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn huyện Quảng Xương là vô cùng quan trọng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải không ngừng phấn đấu vươn lên tự hoàn thiện mình, nâng cao năng lực công tác, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, xứng đáng là “người đầy tớ” trung thànhcủa nhân dân, góp phầnxây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, liêm chính và phục vụ nhân dân để thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
t1.jpg

Hội nghị tập huấn cho cán bộ, công chức cấp xã
 
Văn hóa công vụ là hệ thống các giá trị, niềm tin, triết lý hành động được phản ánh qua phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội.
Đặc biệt đề cao các giá trị đạo đức và liêm chính, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây là những phẩm chất đạo đức cơ bản của người cán bộ cách mạng. Sắc lệnh số 76/SL ban hành ngày 20/5/1950 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký về “Quy chế công chức Việt Nam” quy định rõ: “Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy Nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Đây là lần đầu tiên, các giá trị đạo đức được thể chế hóa thành chuẩn mực pháp lý của công chức Việt Nam.
Kế thừa những bài học đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành”. Đó là mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải có văn hoá công vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.
Quán triệt quan điểm của Đảng, ngày 27/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg phê duyệt Đề án văn hóa công vụ với mục tiêu nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội.
Đề án văn hóa công vụ có 04 nội dung, trong đó quy định về: tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử và đạo đức, lối sống; trang phục của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, Đề án cũng đề ra các giải pháp thực hiện văn hóa công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Cùng với việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm và chú trọng xây dựng văn hoá công vụ cho cán bộ, công chức cấp xã. Đây là đội ngũ gần dân nhất, trực tiếp đem nghị quyết của Đảng, chủ trương của Nhà nước vào cuộc sống của Nhân dân. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa công vụ có ý nghĩa, vai trò quan trọng giúp gắn kết mối liên hệ mật thiết giữa cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn huyện Quảng Xương với người dân; đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu quả hoạt động của cấp xã, phường, thị trấn.
Hiện nay, huyện Quảng Xương có 26 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn (25 xã và 01 thị trấn). Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn huyện có 552 người; trong đó, 100% cán bộ, công chức đều có bằng cấp chuyên môn. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức trong thực thi công vụ đã được UBND huyện quan tâm và được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tổ chức hội nghị, tọa đàm, tổ chức ngày pháp luật, đối thoại... Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao năng lực công tác, thay đổi phong cách làm việc theo hướng tích cực, thực thi nhiệm vụ hiệu quả hơn. Kết quả đó được thể hiện qua việc CBCC cấp xã có các kỹ năng xử lý linh hoạt đối với công việc được giao, có thái độ đúng đắn trong quá trình thực thi công vụ. Phần lớn đội ngũ CBCC cấp xã vận dụng thành thạo kiến thức chuyên môn được đào tạo vào việc triển khai các văn bản, quy định của Nhà nước trong xử lý công việc và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.
t2.png

Công chức bộ phận “Một cửa” hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính
 
Thời gian qua, về cơ bản, hầu hết cán bộ, công chức cấp xã ở huyện Quảng Xương có ý thức tổ chức kỷ luật; hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; sử dụng thời gian làm việc hiệu quả; chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; chấp hành quyết định phân công công tác của cấp trên. Tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức cấp xã trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. 
Hiện nay, tác phong làm việc, giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức cấp xã huỵện Quảng Xương có nhiều thay đổi tích cực. Trong giao tiếp với người dân cũng như quan hệ với đồng nghiệp, đa số cán bộ, công chức luôn giữ tinh thần, thái độ thân thiện, lịch sự. Việc các xã và Thị trấn đều bố trí hòm thư góp ý tại Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, mang lại sự hài lòng cho người dân. Bên cạnh đó, đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, luôn tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc.
Trong thi hành công vụ, cán bộ, công chức cấp xã huyện Quảng Xương đều mặc trang phục lịch sự, gọn gàng; đi giày hoặc dép có quai hậu, phù hợp tính chất công việc. Một số UBND cấp xã đã quy định và thực hiện nghiêm túc việc mặc đồng phục trong giờ làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, tạo nên sự lịch sự, trang trọng, góp phần xây dựng tinh thần làm việc nghiêm túc chuyên nghiệp đối với đội ngũ cán bộ, công chức tiếp dân, thực hiện thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã còn chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng văn hóa công vụ. Công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hóa công vụ tại một số xã trên địa bàn huyện chưa được thực hiện thường xuyên nên tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức còn thiếu chuyên nghiệp, bộc lộ yếu kém trong giao tiếp, ứng xử; điều này ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của cán bộ, công chức trước người dân địa phương và xã hội. Bên cạnh đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính tuy bước đầu được tăng cường nhưng thực tế có lúc, có nơi còn lỏng lẻo, tuỳ tiện, chưa chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trênTrách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương từng nơi, từng lúc còn hạn chế.
 Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về văn hóa công vụ chưa thành nề nếp. Hiện nay chưa có hình thức xử lý, biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với những cán bộ, công chức vi phạm văn hóa công vụ; nhiều hành vi vi phạm quy định văn hóa công vụ chưa được xử lý nghiêm, kịp thời; chưa có các hình thức khuyến khích, chế độ khen thưởng thỏa đáng đối với những cán bộ, công chức có thành tích trong việc xây dựng và triển khai thực hiện văn hóa công vụ. Do đó, để nâng cao hiệu quả thực thi văn hoá công vụ của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn huyện Quảng Xương, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết phải xây dựng văn hóa công sở. Mỗi cán bộ, công chức cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa công sở. Thực hiện văn hóa công sở là để nâng cao năng lực công tác, phục vụ nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đem lại sự ổn định, đoàn kết trong và ngoài cơ quan, đơn vị. Sự nhận thức đó cần được cán bộ, công chức xã chuyển hóa thành những việc làm cụ thể thực hiện các nội dung của Đề án.
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc quản lý, sử dụng đội ngũ thực thi công vụ thông qua việc hoàn thiện vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức cấp xã. Hiện nay, 26 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức cấp xã. Đây là cơ sở cho việc thực hiện công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ một cách minh bạch, rõ ràng.
Ba là, phát huy tinh thần tự bồi dưỡng, tự học tập về văn hóa công sở để từng bước hoàn thiện bản thân và nâng cao năng lực công tác.Mỗi cán bộ, công chức cấp xã cần xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, tự học tập thực hiện văn hóa công sở phù hợp với bản thân, với công việc đảm nhiệm; dự kiến những tình huống, sự việc xảy ra trong quá trình thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đối chiếu với nội dung, chương trình đã xác định, xem mức độ thực hiện đến đâu, để bổ sung, điều chỉnh.
Bốn là, thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm đối với việc thực hiện văn hóa công sở của cán bộ, công chức cấp xã. Đây là nội dung rất quan trọng để xây dựng văn hóa công sở cho cán bộ, công chức nhằm đánh giá những nội dung đã được thực hiện ở mức độ nào để có những điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các chương trình, kế hoạch bồi dưỡng cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, công chức.
Năm là, tăng cường cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng và thực hiện văn hóa công sở tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện. Theo đó, cần tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp trụ sở làm việc của UBND cấp xã trên địa bàn huyện bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy của nhà nước, đồng thời tạo dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi của công sở với nhân dân.
Văn hóa công vụ là biểu hiện của nền hành chính hiện đại, văn minh, mang tính phục vụ cao. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển văn hóa công vụ đối với cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn huyện Quảng Xương là vô cùng quan trọng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải không ngừng phấn đấu vươn lên tự hoàn thiện mình, nâng cao năng lực công tác, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, xứng đáng là “người đầy tớ” trung thành của nhân dân, góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, liêm chính và phục vụ nhân dân để thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới./.
Học viên: Lê Thị Thương
Lớp: TCLLCT A2.K52
Đơn vị: UBND xã Quảng Long, huyện Quảng Xương
----------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 3/9/2022 v/v đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức trên địa bàn huyện Quảng Xương giai đoạn 2022-2025
- Báo cáo sô 346/BC-UBND ngày 30/8/2024 v/v báo cáo số lượng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn huyện Quảng Xương
Số lượt truy cập
Hôm nay:
183
Hôm qua:
2718
Tuần này:
14760
Tháng này:
34137
Tất cả:
4.967.738