NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945-19/8/2024) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CÔNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945- 2/9/2024)!

Một số giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho đối tượng tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Thanh Hoá

Đăng lúc: 14:49:40 07/06/2024 (GMT+7)274 lượt xem

 Trong những năm qua, chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho đối tượng tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Thanh Hoángày càng được nâng cao và đang dần trở nên chuyên nghiệp, từng bước đáp ứng tốt các nhu cầu cơ bản của đối tượng, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, góp phần thực hiện tốt chính sách An sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
z5515286660260_92ff85cfd2781b620c314f37fb9beb1a.jpg
Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ tại Đảng bộ bộ phận Trung tâm Bảo trợ xã hội Thanh Hoá
 
Chính sách an sinh xã hội đã khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội. Vì vậy, thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo đất nước để bảo đảm đời sống của nhân dân được duy trì ổn định, thực hiện sự công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giúp các thành viên trong xã hội phòng ngừa, hạn chế, ứng phó, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo không để một ai bị bỏ lại phía sau. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và toàn dân ta đang xây dựng so với các chế độ xã hội khác.
Việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng tâm thần là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta bởi đây là đối tượng dễ bị tổn thương, vừa thiếu thốn về vật chất lại khuyết tật về tâm thần, không có khả năng lao động và không thể tự đảm bảo cuộc sống, ngay cả khả năng tự phục vụ; nếu không được sự trợ giúp của Nhà nước, đối tượng này sẽ không thể duy trì cuộc sống, thậm chí còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Do đó, việc Nhà nước có chính sách đưa các đối tượng tâm thần có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội là một nhiệm vụ vô cùng cần thiết và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất “vì dân” của nhà nước ta. Đó là một nhà nước vì con người, một nhà nước luôn chăm lo, xây dựng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.
Trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trực tiếp là Sở Lao động, thương binh và xã hội Thanh Hoá, tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm Bảo trợ xã hội đã giữ vững tinh thần đoàn kết, nỗ lực thi đua, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho đối tượng tâm thần tại Trung tâm ngày càng được nâng cao và đang dần trở nên chuyên nghiệp, từng bước đáp ứng tốt các nhu cầu cơ bản của đối tượng, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho đối tượng tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Thanh Hoá vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như:Số đối tượng tâm thần có nhu cầu được tiếp nhận vào trung tâm luôn vượt quá khả năng tiếp nhận của đơn vị; Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế trong việc trông chờ, ỷ lại các chính sách của Nhà nước; Định kiến của xã hội đối với người tâm thần còn nặng nề, chưa sẵn sàng đón nhận đối tượng trở về tái hoà nhập cộng đồng; Cơ sở vật chất chưa đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng; Số cán bộ làm việc còn thiếu so với định mức chăm sóc đối tượng; Tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ còn chưa thoả đáng, tiền ăn, thuốc điều trị chưa phù hợp với nhu cầu, giá cả thị trường hiện nay.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, từng bước nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho đối tượng tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Thanh Hoá, góp phần thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xã hội về đối tượng tâm thần. Thông qua các chương trình giao lưu, phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần; về các dịch vụ hỗ trợ xã hội. Từ đó tạo bước chuyển biến trong nhận thức và hành vi ứng xử của xã hội đối với người tâm thần, huy động sự chung tay góp sức của toàn xã hội cùng với Nhà nước trợ giúp, tạo cơ hội cho người tâm thần vượt lên số phận, được sống, được điều trị, được lao động, học tập, được bình đẳng, được tôn trọng như những người bình thường khác, tạo môi trường hòa nhập thuận lợi cho người tâm thần. Đồng thời, nêu cao vai trò của chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở cung cấp dịch vụ; tiếp nhận, quản lý người bệnh tâm thần từ các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc người tâm thần về hòa nhập cộng đồng.
Thứ hai,nâng cao năng lực củađội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội. Để thực hiện tốt các hoạt động cung cấp dịch vụ cho đối tượng là bệnh nhân tâm thần, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ này phải có kiến thức, kỹ năng cần thiết, nâng cao khả năng giải quyết và đối phó với vấn đề trong cuộc sống; tạo cơ hội để đối tượng tiếp cận được nguồn lực cần thiết; thúc đẩy sự tương tác giữa các cá nhân, giữa cá nhân với môi trường tạo ảnh hưởng tới chính sách xã hội, các cơ quan, tổ chức vì lợi ích của người tâm thần. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, hằng năm đơn vị phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với từng chức danh, vị trí công việc để đề xuất với cấp trên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đủ khả năng làm việc trong môi trường ngày càng hiện đại.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp đối với đối tượng tâm thần. Tích cực góp ý vào các dự thảo nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho người tâm thần. Đồng thời, cần hoàn thiện các chính sách về bảo hiểm y tế, điều trị trị liệu phục hồi chức năng cũng như nghiên cứu, đánh giá, đề xuất, sửa đổi, ban hành các chính sách pháp luật như Luật người khuyết tật, Luật trợ giúp xã hội, Nghị định về công tác xã hội và nhiều chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội có liên quan cho phù hợp với tình hình thực tiễn từng giai đoạn của đất nước.
Thứ tư, quan tâm đầu tư kinh phí cho các hoạt động tại cơ sở trợ giúp xã hội đối với đối tượng tâm thần. Hiện nay, kinh phí hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước, định mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng đối với người tâm thần đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội hiện nay còn thấp. Vì vậy, để có đủ kinh phí chi trả tương xứng với công việc của cán bộ tại các cơ sở trợ giúp xã hội cũng như kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng cho đối tượng tâm thần, từ thực tiễn nhiệm vụ, đơn vị cần kiến nghị nhà nước phải nghiên cứu, sửa đổi quy định, tăng định mức tiền lương, trợ cấp cho đối tượng cho phù hợp với giá cả thị trường. Ngoài kinh phí ngân sách được giao, đơn vị cần phải chủ động, tăng cường sự kết nối, vận động các nguồn từ thiện xã hội.
Thứ năm, bổ sung nhân lực cho các cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định. Căn cứ quy định tại Điểm d, Khoản 6, Điều 5 Thông tư số 33/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội, hiện nay số lượng nhân viên chăm sóc đối tượng còn thiếu, chưa được bố trí đủ theo qui định do bị ràng buộc bởi chính sách tinh giản biên chế. Mặt khác, người tâm thần là đối tượng đặc thù trong nhóm người yếu thế, do vậy cần có một cơ chế riêng về biên chế, đảm bảo số lượng người làm việc theo qui định. Để công tác chăm sóc người tâm thần đạt hiệu quả, trong việc xây dựng đề án vị trí việc làm, ngoài việc xây dựng điều kiện, tiêu chuẩn của các chức danh vị trí việc làm, lãnh đạo đơn vị cần quan tâm đến số lượng người làm việc hiện nay để đề xuất với đơn vị có liên quan bổ sung biên chế cho đơn vị đảm bảo đủ theo quy định.
Thứ sáu, phát triển mạng lưới trợ giúp xã hội ngoài công lập, triển khai mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng nhằm giảm áp lực cho các Trung tâm Bảo trợ xã hội. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ phát hiện sớm người mắc bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí ngoài công lập nhằm ngăn chặn, hạn chế người mắc bệnh tâm thần, giảm áp lực cho các cơ sở trợ giúp xã hội. Phát triển đồng bộ mạng lưới các cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần tương xứng với sự phát triển của xã hội.
Bảo đảm an sinh xã hội đã trở thành vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước. Việc không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là mục tiêu cao nhất của sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, với việc thực hiện tốt những giải pháp nêu trên, Trung tâm Bảo trợ xã hội Thanh Hoá sẽ khắc phục được những tồn tại, khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ trợ giúp xã hội đối với đối tượng tâm thần, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu an sinh xã hội như tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế”. Đây là yếu tố quan trọng góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Học viên: Vũ Thị Lan
Lớp: TCLLCT A6.K51
                  Đơn vị công tác: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hóa
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
145
Hôm qua:
1439
Tuần này:
13258
Tháng này:
14246
Tất cả:
4.734.013