NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Báo cáo đề dẫn Hội thảo chuyên đề “Giải pháp nâng cao năng lực quản lý và điều hành của chính quyền xã trong xây dựng ...

Đăng lúc: 09:19:26 12/11/2014 (GMT+7)6560 lượt xem

 Báo cáo đề dẫn Hội thảo chuyên đề "Giải pháp nâng cao năng lực quản lý và điều hành của chính quyền xã trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Nga Sơn hiện nay"

(Do đồng chí Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh đọc tại hội thảo)

 

         Kính thưa các quý vị đại biểu!

       Thưa các đồng chí!

     Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn là vấn đề chiến lược trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết "Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh". Xác định được tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của người nông dân. Trực tiếp và toàn diện nhất là Nghị quyết số 26 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về"Nông nghiệp, nông thôn, nông dân" với mục tiêu "Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường". Để thực hiện thành công mục tiêu trên, ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ - TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 làm cơ sở pháp lý để các ngành, địa phương tổ chức thực hiện.

    Quán triệt chủ trương Nghị quyết của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã quyết nghị Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là một trong năm chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010-2015. Trên cơ sở đó, ngày 7/6/2010 UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 định hướng đến năm 2030. Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Thanh Hóa đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng.

      Kính thưa các đồng chí!

    Nga Sơn là một trong những huyện ven biển của tỉnh Thanh Hoá, có 26 xã và 01 thị trấn; Thấm nhuần chủ trương phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, huyện Nga Sơn đã ban hành Đề án số 1080/QĐ-UBND về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030. Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 03-CT/HU, ngày 9/5/2012 và tổ chức lễ phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới từ huyện đến xã (Năm 2013 đổi tên thành Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới). Sau hơn 3 năm thực hiện, Nga Sơn đã chủ động trong triển khai, quyết liệt trong chỉ đạo và sáng tạo trong tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, đã đạt được những bước đầu quan trọng. Hệ thống kết cấu hạ tầng của địa phương từng bước được hiện đại hoá; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; môi trường sinh thái từng bước được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Tính đến tháng 12 năm 2013, bình quân toàn huyện đạt 12,31 tiêu chí. Trong đó, 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; 5 xã đạt 15 tiêu chí; 5 xã đạt 14 tiêu chí; 3 xã đạt 13 tiêu chí; 5 xã đạt từ 10 - 12 tiêu chí; 7 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí. Với kết quả trên, Nga Sơn đựơc xếp mức trung bình khá trong cả tỉnh, mức khá đối với các huyện miền biển. Có được kết quả như vậy là do tổng hợp của nhiều nhân tố tạo thành, trong đó nhân tố quản lý, điều hành của chính quyền xã giữ vai trò quan trọng và mang tính quyết định. Song cũng như tình hình chung của các cơ sở trong tỉnh, quá trình thực hiện Chương trình ở một số xã còn gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ, hợp lý cả về đời sống kinh tế, quản lý xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện dân chủ. Hay nói cách khác, xây dựng nông thôn mới chính là thực hiện chương trình phát triển toàn diện và vững chắc nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vì vậy, cùng với các giải pháp về kinh tế - sản xuất, kỹ thuật - công nghệ, kinh tế - xã hội,... cần chú trọng tới việc nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành của chính quyền xã, vì đây là lực lượng trực tiếp trong tổ chức, triển khai thực hiện đóng vai trò quyết định đối với sự thành công của chương trình này.

     Thực tế cho thấy, trong những năm qua, năng lực quản lý và điều hành của một số chính quyền xã còn bất cập dẫn đến ở các xã này sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém; tỷ lệ lao động thiếu việc làm còn cao, nhiều tiêu chí về nông thôn mới chưa đạt (tính đến 31/12/2013, có xã mới đạt 06 tiêu chí).

        Kính thưa các quý vị đại biểu!                                             

       Thưa các đồng chí!

     Trường Chính trị là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh nhà, năm học 2013 - 2014, thực hiện nhiệm vụ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao, Nhà trường phối hợp với Huyện ủy Nga Sơn mở lớp Trung cấp lý luận chính trị - Hành chính cho đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị cơ sở trên địa bàn huyện. Trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020. Thực hiện phương châm học đi đôi với hành, gắn lý luận với thực tiễn, nhà trường đã phối hợp với huyện nhà giao cho giáo viên chủ nhiệm cùng với lớp lựa chọn nội dung nghiên cứu khoa học với chủ đề:"Giải pháp nâng cao năng lực quản lý và điều hành của chính quyền xã trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Nga Sơn hiện nay". Đây là cách làm hết sức mới mẻ và sáng tạo của nhà trường trong công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo và sự lựa chọn vấn đề nghiên cứu mang tính thiết thực nên đã thu hút được sự quan tâm từ Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện, cán bộ giảng viên nhà trường, đặc biệt là sự tham gia đông đảo của học viên và cán bộ chủ chốt của chính quyền 26 xã trong huyện. Sau thời gian tích cực chuẩn bị, đến nay Ban tổ chức hội thảo rất vui mừng, phấn khởi nhận được 25 bài tham luận đề cập và làm sáng rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về vai trò của chính quyền xã trong xây dựng nông thôn mới, chia sẻ các kinh nghiệm và đề xuất giải pháp tiếp tục nâng cao năng lực quản lý và điều hành của chính quyền xã để thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đây là những công trình nghiên cứu hết sức công phu, thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, mang tính khoa học và thực tiễn, đáng được biểu dương và trân trọng.

     Để đạt được mục tiêu đề ra, Hội thảo cần tập trung làm rõ những nội dung sau:

1. Nhận thức chung về năng lực quản lý và điều hành của chính quyền xã trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; những kết quả và kinh nghiệm sau 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Nga Sơn.

2. Thực trạng năng lực quản lý và điều hành của chính quyền cấp xã đối với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

3. Đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý và điều hành của chính quyền xã trong xây dựng nông thôn mới ở huyện trong thời gian tới.

       Kính thưa các quý vị đại biểu !

     Thưa các đồng chí!

     Hội thảo là hoạt động thiết thực góp phần quán triệt sâu sắc hơn nữa Nghị quyết số 26 Ban Chấp hành Trung ương 7 (khóa X) và Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để Hội thảo thành công tốt đẹp, đề nghị các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo và mạnh dạn nêu lên những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý và điều hành của chính quyền xã trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện nhà. Qua đó, giúp học viên lớp Trung cấp lý luận chính trị - Hành chính huyện Nga Sơn khoá học 2013 - 2014 và đội ngũ cán bộ cơ sở có nhận thức sâu sắc hơn về chủ trương và phương thức thực hiện chương trình, nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành của chính quyền xã đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

    Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo chuyên đề:"Giải pháp nâng cao năng lực quản lý và điều hành của chính quyền xã trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Nga Sơn hiện nay".

Xin trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí./.

Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1798
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11976
Tháng này:
58350
Tất cả:
4.423.230