NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Cảm tưởng về chuyến đi nghiên cứu thực tế Bắc Ninh – Hà Nội

Đăng lúc: 20:41:27 25/02/2016 (GMT+7)1762 lượt xem

 
Đào Thị Kim Thanh
Phó trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật
 
Ngày 19 tháng 2 năm 2016 dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường mà trực tiếp là đồng chí Hiệu trưởng, đoàn đi nghiên cứu thực tế gồm 61 thành viên, gồm trưởng, phó các khoa, phòng; giảng viên chính, chuyên viên chính và một số giảng viên, viên chức có thành tích xuất sắc trong năm 2015 đã lên đường đi nghiên cứu thực tế. Với thời gian 2,5 ngày Đoàn đã đến làm việc tại Trường chính trị Nguyễn Văn Cừ (tỉnh Bắc Ninh); Khu công nghệ cao Hòa lạc; Khu di tích K9 - nơi bảo vệ thi hài của chủ tịc Hồ Chí Minh từ năm 1969 đến năm 1975.
Chuyến đi nghiên cứu thực tế lần này mang đầy ý nghĩa sâu sắc, đem lại cho các thành viên những cảm nhận, ấn tượng khác nhau, với bản thân tôi đó là những kỷ niệm khó quên sau chuyến đi.
Đến với Bắc Ninh - mảnh đất quê hương Quan Họ, chúng tôi được giao lưu, học hỏi nhiều điều từ chính những người đồng nghiệp của mình. Ấn tượng đầu tiên đối với tôi đó là tình cảm dạt dào mà các bạn đồng nghiệp Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ dành cho Đoàn ngay giây phút đầu tiên đặt chân đến. Cách đón tiếp của các bạn làm cho chúng tôi thấy ấm lòng. Ở đây, chúng tôi đã được cùng nhau chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác đào, tạo bồi dưỡng cán bộ, công tác nghiên cứu khoa học để từ đó với mong muốn làm tròn bổn phận, chức trách mà Đảng, Chính quyền và nhân dân giao phó.Trường bạn đã đưa Đoàn chúng tôi đến huyện Tiên Du - nơi có Di sản văn hóa thế giới phi vật thể. Đến với Đồi Lim, được làm quen với các “liền anh, liền chị” chúng tôi càng hiểu rõ hơn giá trị văn hóa Việt là như thế nào.  Trên đường đi, tôi rất khâm phục các bạn đồng ngiệp của mình. Các bạn không chỉ đơn thuần là giảng viên Trường chính trị mà còn là những hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Các bạn đã hiểu hơn ai hết về quê hương mình, các bạn lại biết quảng bá cái đẹp của quê mình, biết truyền cảm tình yêu quê hương đến với bạn bè, du khách. Điều ấy làm chúng tôi trăn trở, suy nghĩ. Thanh Hóa cũng có di sản văn hóa thế giới, Thanh Hóa cũng có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, nhưng có lẽ nhiều giảng viên Trường chính trị còn chưa hiểu hết, chưa góp phần tích cực vào việc quảng bá, xây dựng hình ảnh quê hương mình trong mắt bạn bè xa gần. Nên chăng đây cũng là một nhiệm vụ của tất cả các giảng viên Trường chính trị để góp phần giữ gìn, bảo tồn Di sản văn hóa Việt. Ở các bạn, tôi cũng học thêm được một sáng tạo văn hóa mới. Trong bữa cơm giao lưu thay cho việc bắt tay từng người trong mâm, các bạn đã sáng tạo ra cách bắt tay chung cho cả mâm. Việc này vừa thể hiện được sự đoàn kết, thống nhất, vừa đơn giản thủ tục giao lưu. Như các bạn nói đấy là cách bắt tay “cải cách hành chính”. Tôi thật sự ấn tượng với cách làm này của Bắc Ninh. Có lẽ, xuất phát từ thực tiễn đặt ra mà các bạn đã có sáng tạo mới này. Nhưng quan trọng hơn, việc làm của các bạn gợi cho tôi một suy nghĩ là cải cách hành chính không chỉ đơn thuần cải cách trong hoạt động hành chính mà có lẽ cần phải được thực hiện trong tất cả các hoạt động, diễn ra ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ngay cả đối với những hoạt động không nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật.
          Tạm biệt quê hương Quan họ, đoàn theo dọc đường cao tốc Thăng Long để đến khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Chúng tôi đã được Ban quản lý đón tiếp nhiệt tình, chu đáo. Ở đây chúng tôi được tìm hiểu, được nghiên cứu, được tận mắt chứng kiến quy mô, cách thức phát triển, hình thành các khu kinh tế trọng điểm của cả nước;  hiểu thực chất thế nào là công nghệ cao.Với quy hoạch tổng thể trên tổng diện tích 1586 ha được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 23/5/2008, Khu Công nghệ cao Hoà Lạc được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các dịch vụ tiện ích và những khu chức năng chính (bao gồm 9 khu). Bằng các chính sách ưu đãi đặc biệt về đất đai, thuế và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cộng với chính sách thu hút Hòa Lạc đang, sẽ là một điểm hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến đầu tư, sản xuất theo công nghệ cao, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra. Ở lại Hòa Lạc một đêm, Đoàn đã được Ban quản lý bố trí sắp xếp nghỉ tại khu nhà nghỉ Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Nói như đồng chí phó trưởng ban quản lý là “để các thầy cô được trải nghiệm”. Và quả đúng là như vậy. Sáng ra, có những câu chuyện cười đến chảy nước mắt từ sự khờ khạo, đáng yêu của người này, người kia trong đoàn. Ngẫm ra mới càng hiểu thấu đáo điều Bác đã từng dạy: “Lý luận mà không có thực tiễn chỉ là lý luận suông”. Thiết nghĩ để đáp ứng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhất là trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày một phát triển như hiện nay, nhà nước cần có cơ chế, chính sách, các Trường chính trị cần có sự vận dụng linh hoạt  để đội ngũ giảng viên được xâm nhập, cọ sát thực tiễn cuộc sống nhiều hơn.
          Chia tay Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc lên đường đi K9 trong niềm vui hân hoan, lưu luyến thắm đượm tình đồng chí, tình anh em, tình đồng hương. Chúng tôi tin tưởng rằng thời gian không xa khi trở lại sẽ không phải là con số hơn 80 nhà đầu tư đang có mặt tại Hòa Lạc như hôm nay mà phải là hơn 800 và nhiều hơn nữa để Hòa Lạc thực sự trở thành một thành phố khoa học và công nghệ thông minh, hiện đại của Thủ đô Hà Nội.
          Đến K9 rồi tôi mới hiểu hơn tại sao trong bữa cơm giao lưu tại Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, GS,TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I đã hoan nghênh Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa lựa chọn điểm đến là Khu công nghệ cao và K9 làm điểm học tập và dâng hương đầu năm. Được tận hưởng không khí trong lành, được ngắm nhìn địa hình sơn, thủy hữu tình, đầy tính chiến lược quân sự, được nghe các đồng chí thuyết minh giới thiệu về lịch sử K9, về các sự vật đang trưng bày, hiện diện ở K9 tâm trạng tôi vô cùng xúc động, bâng khuâng. Đã kính yêu Bác, bây giờ càng kính yêu hơn; đã kính phục Bác, bây giờ càng kính phục hơn. Bác không chỉ là người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất mà còn là nhà chiến lược quân sự vĩ đại, nhà kiến trúc sư tài ba…Ở đây chúng tôi cũng cảm nhận được sâu sắc thêm những tình cảm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cũng như bạn bè Quốc tế giành cho Bác Hồ kính yêu sau ngày Bác đi xa. Những tình cảm ấy mãi mãi không bao giờ phai.
          Chuyến đi kết thúc tốt đẹp. Mở đầu cho một năm mới với nhiều nhiệm vụ mới, hứa hẹn nhiều thành công mới. Tuy nhiên, để đạt được điều đó mỗi người giảng viên, tập thể nhà trường cần phải có sự nỗ lực cố gắng không ngừng. Phải biết giữ gìn, phát huy những thành quả, kinh nghiệm quý báu trong thời gian qua như giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc. Đồng thời phải biết sáng tạo, dám nghĩ, dám làm như khoa học, công nghệ mới. Có như vậy mới đưa sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày một phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của quê hương đất nước./. 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1316
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11494
Tháng này:
57868
Tất cả:
4.422.748