NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Cảm nhận sau một chuyến đi!

Đăng lúc: 09:50:07 07/04/2023 (GMT+7)1111 lượt xem

 Thực hiện Kế hoạch số 81-KH/TrCT ngày 8/3/2023 của Trường Chính trị Thanh Hóa, trong 2 ngày (01,02/4/2023), Lớp B35 Trung cấp Lý luận chính trị, khóa học 2022-2023 đã tổ chức đi nghiên cứu thực tế (NCTT) tại các tỉnh: Phú Thọ và Vĩnh Phúc.
351.jpg
Đoàn nghiên cứu thực tế chụp ảnh lưu niệm tại cổng chính Đền Hùng
 
Tham gia Đoàn NCTT có các đồng chí: Thịnh Văn Khoa - Phó Hiệu trưởng; Lê Văn Phong - Trưởng Khoa Xây dựng Đảng; Dương Bảo Anh - Trưởng Phòng QLĐT&NCKH; Lê Đình Tư - Chủ nhiệm lớp; các giảng viên đại diện các khoa, phòng và tập thể Lớp B35.
Theo lịch trình chuyến đi, sáng ngày 01/4/2023, Đoàn NCTT có mặt, dâng hương tri ân Tiên Tổ tại Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Đền Hùng (Phú Thọ). Tại đây, Đoàn được nghe hướng dẫn viên giới thiệu sơ lược về những giá trị lịch sử - văn hóa và kiến trúc của Đền Hùng. Theo đó, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây, vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Quần thể di tích Đền Hùng gồm có cổng chính, cột đá thề, 4 đền, 1 chùa và lăng Vua Hùng.
Về thăm đất Tổ, bước lên từng bậc thang lát đá dưới những tán rừng nguyên sinh, ngắm nhìn các công trình kiến trúc, trong tâm khảm mỗi chúng tôi đều cảm nhận sự thiêng liêng, tự hào và trân trọng. Thăm quan Đền Hạ, mái lợp ngói mũi, kiến trúc kiểu chữ Nhị mà lòng bồi hồi xúc động, bởi dòng giống của cộng đồng người Việt và huyền tích “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Tương truyền rằng nơi đây, mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành trăm người con để lên rừng, xuống biển... Dù đã trải qua hàng nghìn năm, mảnh đất này vẫn có sức cuốn hút kỳ lạ, vẫy gọi muôn triệu trái tim con dân đất Việt hướng về quê hương với hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng và sâu lắng.
352.jpg
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại sân chính điện Đền Hùng
 
Từ Đền Hạ, khoan thai nhẹ gót trên từng phiến đá để cảm nhận sự linh thiêng miền đất Tổ, chúng tôi đến Đền Trung, thuở xưa là nơi dựng quán nghỉ ngơi của các Vua Hùng và cũng là nơi vua họp bàn việc nước với các Lạc hầu, Lạc tướng. Tương truyền đây còn là nơi hoàng tử Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày lên Vua Hùng thứ sáu.
Lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh là đến Đền Thượng, với kiến trúc kiểu chữ Vương, có ba cấp: phía trước là nghi môn, rồi đến đại bái, tiền tế và hậu cung. Tương truyền thời Hùng Vương, đây là nơi Vua Hùng tế lễ trời đất, tiến hành các nghi lễ nông nghiệp, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Thành kính thắp nén tâm nhang tại Đền Thượng, lòng chúng tôi trào dâng niềm xúc động, tự hào, tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, để các thế hệ cháu con được sống trong thái bình, an hòa, hạnh phúc.
Về thăm Đền Hùng một sáng tháng ba, đứng trên đỉnh cao Nghĩa Lĩnh, thu vào tầm mắt một vùng rộng lớn cảnh thế ngoạn mục hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thủy tụ hội, chúng ta càng khắc sâu hơn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”1 để đoàn kết, nỗ lực, vượt mọi khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, chung tay xây dựng nước nhà ngày thêm tươi đẹp, sánh vai cùng các cường quốc, năm châu.
 Chia tay miền đất Tổ, theo lịch trình chuyến đi, chiều ngày 01/4/2023, Đoàn chúng tôi đặt chân đến Vĩnh Phúc. Tại đây chúng tôi có buổi làm việc với lãnh đạo và y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Đón tiếp Đoàn, về phía Bệnh viện có Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa II Tô Quang Hưng - Phó Giám đốc; các đồng chí đại diện lãnh đạo các khoa, phòng của Bệnh viện.
Tại buổi làm việc, chúng tôi được nghe đồng chí Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ về kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý trong xây dựng và phát triển Bệnh viện; ứng dụng khoa học công nghệ trong khám, điều trị bệnh và xây dựng tác phong, hình ảnh của đội ngũ y, bác sỹ hướng tới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vì sự hài lòng của người bệnh. Theo đó, Bệnh viện có quy mô lớn với 42 khoa, phòng và gần 700 cán bộ, thầy thuốc. Đặc biệt, Bệnh viện là đơn vị điển hình trong tự chủ tài chính (tự chủ 100% chi thường xuyên).Cùng với tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật cao, cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện luôn chú trọng nâng cao y đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ. Bằng phong cách ứng xử văn minh, chuyên nghiệp, hiện đại, luôn lấy người bệnh làm trung tâm đã giúp đơn vị ngày càng khẳng định thương hiệu, uy tín và niềm tin với Nhân dân trong tỉnh. Có được kết quả đó là nhờ Bệnh viện luôn đẩy mạnh triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng công tác chuyên môn đi đôi với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng các dịch vụ khám, chữa bệnh, chú trọng cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo sự hài lòng cho người bệnh khi đến khám và điều trị.
353.jpg
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa II Tô Quang Hưng - Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ với Đoàn NCTT về những kinh nghiệm và cách làm sáng tạo
trong xây dựng và phát triển Bệnh viện.
 
Thay mặt Đoàn nghiên cứu, TS. Thịnh Văn Khoa, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến Ban Giám đốc và các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã trọng thị đón tiếp và chia sẻ những kinh nghiệm quý, cách làm hay trong xây dựng và phát triển Bệnh viện. Đồng chí yêu cầu học viên nghiêm túc tiếp thu, học hỏi, coi đây là buổi học tập có ý nghĩa quan trọng để trang bị, trau dồi kiến thức, làm giàu thêm hành trang nghề nghiệp và phẩm chất cách mạng, trở thành người cán bộ, viên chức “vừa hồng, vừa chuyên” như lời Bác dạy.
354.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc
 
Qua buổi làm việc, trao đổi, Đoàn chúng tôi được học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu về xây dựng, phát triển cơ quan, đơn vị; vấn đề tự chủ ngân sách; áp dụng khoa học công nghệ trong khám, điều trị bệnh... ; nhất là kinh nghiệm trong xây dựng tác phong, hình ảnh đội ngũ y bác sĩ nói riêng và cán bộ, viên chức hiện nay nói chung. Từ đó, mỗi học viên Lớp B35 nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân, tận tâm, tận lực, cống hiến hy sinh phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, trong sáng, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của tập thể, của Nhân dân trên lợi ích riêng tư.
355.jpg
 Đoàn NCTT tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo và y, bác sĩ
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc
Sau buổi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc, chiều cùng ngày, Đoàn chúng tôi về thăm Tam Đảo, miền địa linh có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho khí hậu cảnh quan, có tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch. Là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, năm 2022, Khu du lịch Thị trấn Tam Đảo được nhận giải điểm đến hàng đầu thế giới (do World Travel Awards -Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh).
356.jpg
Đoàn tổ chức lửa trại và giao lưu tại Tam Đảo
 
Đến với Tam Đảo không chỉ được tham quan, trải nghiệm, tận hưởng những giá trị tuyệt vời do thiên nhiên ban tặng mà còn được học hỏi kinh nghiệm xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch như:chất lượng dịch vụ, điểm đến du lịch an toàn, văn minh, thân thiện, ấn tượng, thu hút đầu tư xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn, chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá thương hiệu du lịch… Từ đó, vận dụng vào khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, xây dựng du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong kinh tế dịch vụ, thuộc nhóm các tỉnh có ngành du lịch phát triển của cả nước2.
Tạm biệt Tam Đảo, xe lăn bánh đưa Đoàn chúng tôi về Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam - điểm thăm quan, nghiên cứu cuối cùng của lịch trình chuyến đi.Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam thuộc Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, diện tích 1.544 ha. Là trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước.
357.jpg
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam
Đến với Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một trải nghiệm thú vị, bởi nơi đây như một Việt Nam thu nhỏ với sự hội tụ, giao thoa đa sắc màu của văn hóa các dân tộc Việt Nam. Theo đó, bồi đắp thêm trong chúng tôi lòng tự hào dân tộc, thôi thúc trách nhiệm phải giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
358.jpg
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại mô hình Nhà Rông - Tây Nguyên
(trong khuôn viên Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam).
 
Chuyến đi nghiên cứu thực tế đã khép lại, nhưng dư âm còn mãi, mở ra cho mỗi học viên những bài học quý về công tác lãnh đạo, quản lý; kinh nghiệm xây dựng tác phong, hình ảnh người cán bộ, viên chức hiện nay đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; kinh nghiệm xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch; kinh nghiệm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc…Từ đó vận dụng vào thực tiễn công tác, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, hướng tới xây dựng Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước3./.
ThS. Lê Đình Tư
                                                               Khoa Xây dựng Đảng
 
-------------
Chú thích:
1 Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội (tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng, sáng 19 tháng 9 năm 1954).
2,3 Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
746
Hôm qua:
2004
Tuần này:
12928
Tháng này:
59302
Tất cả:
4.424.182