HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Lớp Trung cấp LLCT-HC tỉnh Hủa Phăn (lớp thứ 3) đi nghiên cứu thực tế tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa và một số di tích Lịch sử trên địa bàn TP Thanh Hóa

Đăng lúc: 15:09:13 20/12/2019 (GMT+7)638 lượt xem

       Thực hiện Chương trình đào tạo Lớp Trung cấp LLCT-HC dành cho lãnh đạo cấp phòng tỉnh Hủa Phăn (lớp thứ 3), nhằm gắn kiến thức lý luận với thực tiễn, ngày 19/12/2019, Nhà trường tổ chức cho Lớp đi nghiên cứu thực tế tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa và một số di tích Lịch sử trên địa bàn TP Thanh Hóa. Tham gia đoàn nghiên cứu thực tế có TS. Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Nhà trường; ThS. Đỗ Phương Anh, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học; các chủ nhiệm lớp cùng 40 học viên Lớp TCLLCT-HC tỉnh Hủa Phăn khóa 3.
Làm việc với Ban Quản lý Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Đoàn được nghe đồng chí Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng trao đổi về những nội dung hoạt động của đơn vị. Theo đó, Bảo tàng Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; được thành lập theo Quyết định số 1291-TC/UBND, ngày 10/12/1983 của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá. Kiến trúc của Bảo tàng gồm 3 tòa nhà kiên cố được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Đây không chỉ là nơi hội tụ các Di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc của xứ Thanh, mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách tham quan trong nước và quốc tế.
Hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện nay được thể hiện theo tiến trình lịch sử, từ khi xuất hiện những con người tối cổ đầu tiên trên đất Thanh  Hóa đến Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Bên cạnh 4 phòng trưng bày cố định là: “Thanh Hóa thời Tiền sử - Sơ sử”, “Thanh Hoá trong thời kỳ xây dựng  và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập tự chủ (từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX)”, “Truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hoá, giai đoạn 1858-1945”, “Thanh Hoá   trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945-1975”; Bảo tàng còn có 3 phòng trưng bày chuyên đề: “Trống đồng Thanh Hoá”, “Đặc trưng văn hoá dân tộc Mường ở Thanh Hoá” và “Đặc trưng văn hoá dân tộc Thái ở Thanh Hoá”; nhằm giới thiệu những sưu tập cổ vật đặc sắc, quý hiếm, những đặc trưng văn hóa độc đáo của  các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh…Với 7 phòng trưng bày, trên diện tích 1.200 m2 và với hơn 3000 tư liệu, hiện vật; Bảo tàng lấy sự phong phú của sưu tập hiện vật làm ngôn ngữ biểu đạt chính, kết hợp giữa trưng bày phản ánh giai đoạn, sự kiện lịch sử với trưng bày sưu tập theo hướng trưng bày mở, tạo điều kiện để có thể cập nhật những tư liệu, hiện vật mới làm cho “diện mạo” trưng bày luôn mới mẻ, hấp dẫn người xem. Ngoài ra, Bảo tàng thường xuyên tổ chức các trưng bày chuyên đề, cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại như: bảng truy vấn điện tử tra cứu thông tin tài liệu hiện vật trưng bày, viđiô, máy chiếu… khách tham quan không chỉ thỏa mãn nhu cầu học tập, nghiên cứu mà còn có thể chủ động trong tiến trình tham quan Bảo tàng.
Ngoại thất của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, là nơi trưng bày các tác phẩm mỹ thuật điêu khắc đá tiêu biểu thời Lê - Nguyễn, những hiện vật có thể khối lớn như súng thần công thời Nguyễn, máy cày DT24 của Bác Hồ tặng hợp tác xã Yên Trường - Lá cờ đầu trong phong trào Hợp tác hoá nông nghiệp năm 1961, máy bay Míc 17 của Trung đoàn Không quân 921 trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng ngày 3-4/4/1965... Tuy diện tích không lớn, nhưng với bố cục trưng bày theo một logic chặt chẽ, phần trưng bày ngoài trời của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa không chỉ hấp dẫn khách tham quan bởi sự đa dạng, phong phú của những sưu tập cổ vật, hiện vật đặc sắc mà còn tạo cảnh quan khuôn viên Bảo tàng rất hài hòa, sinh động và bề thế.
Hệ thống kho cơ sở của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, hiện lưu giữ, bảo quản gần 30.000 hiện vật trong đó có nhiều sưu tập hiện vật độc đáo, quý hiếm được các chuyên gia trong nước và nước ngoài đánh giá cao như: Sưu tập hiện vật thời Tiền - Sơ sử, sưu tập vũ khí Đông Sơn, sưu tập gốm Tam Thọ, sưu tập tiêu bản các loài thú quý hiếm, đặc sắc và tiêu biểu nhất là sưu tập trống đồng với số lượng lớn nhất trong cả nước… Hệ thống kho được sắp xếp khoa học, trang thiết bị hiện đại và liên tục được bổ sung tư liệu, hiện vật mới có giá trị.
Ngoài tham quan và nghiên cứu thực tế tại Bảo tàng Thanh Hóa, học viên lớp TCLLCT-HC tỉnh Hủa Phăn (khóa 3) còn được tham quan các địa danh nổi tiếng của Thanh Hóa như: Cầu Hàm Rồng, Làng cổ và Đền cổ Đông Sơn.
Qua một ngày trải nghiệm và nghiên cứu thực tế, học viên nước bạn Lào đã hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa, con người xứ Thanh; tình hình phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ; về lịch sử cây cầu huyền thoạiHàm Rồng - cây cầu huyết mạch của đất nước những năm chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ của dân tộc, là hình ảnh biểu trưng cho ý chí kiên cường của con người xứ Thanh; về ngôi làng cổ Đông Sơn với nhiều ý nghĩa văn hóa – lịch sử giá trị... Qua đó, giúp học viên hoàn thành tốt chương trình học tập, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững./
…………………………………………………………
Một số hình ảnh nghiên cứu thực tế của Lớp TCLLCT-HC tỉnh Hủa Phăn
 bao tang 1.png
bao tang 2.png
bao tang 3.png


bao tang 4.png

bao tang 5.png

 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
895
Hôm qua:
1983
Tuần này:
11208
Tháng này:
42854
Tất cả:
4.407.734