THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Quy định Về thanh tra đào tạo trong Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá

Đăng lúc: 06:24:13 23/09/2015 (GMT+7)2365 lượt xem


UBND TỈNH THANH HÓA      CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
   TRƯỜNG CHINH TRỊ                          Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
                                                                 
                                                             
 
QUY ĐỊNH
Về thanh tra đào tạo trong Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá
( Ban hành kèm theo Quyết số 294/ QĐ-TrCT ngày 16 tháng 9 năm  2015 của Hiệu trưởng)
          Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
          1. Văn bản này quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra đào tạo.
          2. Quy định này được áp dụng đối với các lớp, các hệ đào tạo và bồi dưỡng trong nhà trường.
          Điều 2. Phạm vi thanh tra
1. Thanh tra tình hình thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng; các quy chế, quy định, nội quy về chuyên môn; tình hình thực hiện giảng dạy của các khoa, tổ bộ môn, giảng viên và học tập của học viên; công tác quản lý điều hành tiến độ chương trình; về cấp phát văn bằng, chứng chỉ.
2. Thanh tra theo yêu cầu của Ban Giám hiệu, thanh tra khi có đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
          Điều 3. Mục đích, yêu cầu của hoạt động thanh tra đào tạo
          1. Mục đích
          Thanh tra đào tạo nhằm phát hiện sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý để kiến nghị biện pháp khắc phục. phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm chính sách, pháp luật, quy chế, quy định trong đào tạo và bồi dưỡng góp phần duy trì kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và đảm bảo sự phát triển toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
          2. Yêu cầu
          - Hoạt động thanh tra phải chỉ ra được những ưu điểm, thành tích, những việc làm đúng để phát huy; phòng ngừa, phát hiện xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý kịp thời những khuyết điểm, vi phạm trong đào tạo, bồi dưỡng.
          - Qua hoạt động thanh tra đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những chính sách, quy định về đào tạo, bồi dưỡng không phù hợp với thực tế.
          Điều 4. Nguyên tắc hoạt động thanh tra đào tạo
          1. Hoạt động thanh tra đào tạo phải tuân theo quy định của pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai dân chủ, kịp thời.
          2. Thực hiện thanh tra phải đúng trình tự, sát hợp với các quy định về chuyên môn, nội quy, quy chế; không làm cản trở hoạt động bình thường của các khoa, phòng, tổ bộ môn, giảng viên và học tập của học viên.
          3. Khi tiến hành thanh tra, người ra Quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra phải tuân theo quy định của pháp luật; quy chế chuyên môn và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.
          Điều 5. Hình thức thanh tra
          Hoạt động thanh tra đào tạo được tiến hành theo 2 hình thức:
          1. Thanh tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch hàng năm do Hiệu trưởng phê duyệt và được thông báo trước cho đối tượng thanh tra và các đơi vị, cá nhân có liên quan.
          2. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi có đơn, thư khiếu nại, tố cáo; khi có yêu cầu của Giám hiệu; khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy chế, vi phạm pháp luật.
          Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra đào tạo
          1. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm trình Hiệu trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó.
          2. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định về đào tạo, bồi dưỡng.
          a. Thanh tra việc chấp hành các quy chế, quy định về đào tạo, bồi dưỡng .
          b. Thanh tra tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy, học tập và phục vụ giảng dạy và học tập.
          c. Thanh tra việc thực hiện quy định về học bổ sung, học lại.
          d. Thanh tra việc thực hiện quy chế thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
          e. Thanh tra các kỳ thi hết môn, thi tốt nghiệp.
          g. Thanh tra khi có đơn, thư khiếu nại, tố cáo hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy chế, vi phạm pháp luật.
          h. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng giao.
          i. Kiến nghị với Hiệu trưởng tổ chức các cuộc thanh tra khi thấy cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
          k. Trình Hiệu trưởng ký kế hoạch, quyết định thanh tra; báo cáo kết quả thanh tra và đề xuất, kiến nghị các biện pháp xử lý kết quả thanh tra; tham mưu cho Hiệu trưởng kết luận thanh tra.
          l. Giúp Hiệu trưởng đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra.
         Điều 7: Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra
          a. Đối tượng thanh tra có quyền sau:
          - Giải trình vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra.
          - Khiếu nại về quyết định của Hiệu trưởng, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra; khiếu nại về Kết luận thanh tra, Quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
          - Yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
          - Cá nhân là đối tượng thanh tra có quyền tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của Trưởng đoàn thanh ta, thành viên đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật tố cáo.
          b. Đối tượng thanh tra có nghĩa vụ sau đây:
          - Chấp hành Quyết định thanh tra.
          - Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu cung cấp.
          - Thực hiện yêu cầu kiến nghị Kết luận thanh tra, Quyết định xử lý của Hiệu trưởng, Trưởng đoàn thanh tra.
          Điều 8. Cơ cấu tổ chức Đoàn thanh tra đào tạo
          1. Đoàn thanh tra đào tạo được thành lập từ 3-5 thành viên do một Phó Hiệu trưởng hoặc Tổ trưởng thanh tra đào tạo làm Trưởng đoàn, tổ viên tổ thanh tra đào tạo làm thư ký, các thành viên khác là cán bộ, giảng viên các khoa, phòng, tổ bộ môn có liên quan.
          2. Các cuộc thanh tra đột xuất do tổ thanh tra đảm nhiệm hoặc Hiệu trưởng ra quyết định thành lập đoàn thanh tra
          3. Cơ cấu tổ chức Đoàn thanh tra do Hiệu trưởng quyết định
          Điều 9: Quy trình tiến hành Hoạt động thanh tra đào tạo
          1.Công tác chuẩn bị thanh tra.
          a. Xây dựng kế hoạch của cuộc thanh tra trình Hiệu trưởng phê duyệt.
          b. Soạn thảo quyết định thanh tra trình Hiệu trưởng phê duyệt.
          Quyết định thanh tra gồm các nội dung sau:
          - Căn cứ pháp lý để thanh tra;
          - Đối tượng, nội dung, phạm vi, nhiệm vụ thanh tra;
          - Thời hạn tiến hành thanh tra;
          - Thành viên của đoàn thanh tra.
          c. Gửi Kế hoạch, Quyết định thanh tra cho đối tượng thanh tra trước khi tiến hành thanh tra chậm nhất là 05 ngày, trừ trường hợp thanh tra đột xuất.
          2. Tiến hành thanh tra.
          a. Trưởng đoàn thanh tra công bố Quyết định thanh tra, nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung và phương thức làm việc của Đoàn thanh tra, chương trình làm việc cụ thể và những công việc khác có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra.
          b. Đoàn thanh tra yêu cầu đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức và các cá nhân là đối tượng thanh tra báo cáo trực tiếp về những nội dung thanh tra theo Kế hoạch thanh tra đã gửi.
          Qua nghe báo cáo của đối tượng thanh tra chuẩn bị; nếu thấy cần thiết phải bổ sung, Trưởng đoàn thanh tra có thể yêu cầu đối tượng thanh tra tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo.
          c. Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra.
          - Trưởng đoàn thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra; nếu xét thấy cần lưu giữ hồ sơ, tài liệu thì lập thành biên bản giao nhận giữa Đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra.
          - Trên cơ sở văn bản báo cáo của đối tượng thanh tra và các thông tin, tài liệu đã thu thập được, Đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu, phân tích, đối chiếu so sánh đánh giá; yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; tiến hành xác minh thực tế (nếu thấy cần thiết) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan của những thông tin, tài liệu đã kiểm tra, xác minh.
          - Khi tiến hành thanh tra nếu phát hiện có sai phạm thì phải tiến hành lập biên bản với đối tượng thanh tra để xác định rõ nội dung, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, nguyên nhân dẫn đến vi phạm, áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Hiệu trưởng áp dụng biện pháp xử lý.
          d. Báo cáo tiến độ thực hiện thanh tra.
          - Thành viên đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra cho Trưởng đoàn thanh tra theo Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt hoặc yêu cầu đột xuất của Trưởng đoàn thanh tra phù hợp với nội dung của cuộc thanh tra.
          - Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo với Hiệu trưởng về tiến độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra của Đoàn thanh tra theo Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt hoặc theo yêu cầu đột xuất của Hiệu trưởng.
          3. Xây dựng Báo cáo kết quả thanh tra.
          a. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chủ trì xây dựng Báo cáo kết quả thanh tra; Báo cáo kết quả thanh tra phải bám sát nội dung, kế hoạch thanh tra, nêu rõ những nhận xét, đánh giá về từng nội dung đã tiến hành thanh tra; chỉ ra những vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm đối với những vi phạm; đưa ra những kiến nghị, biện pháp xử lý vi phạm.
          b. Trong quá trình xây dựng Báo cáo kết quả thanh tra, trường hợp cần thiết Trưởng đoàn thanh tra tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm cho việc kết luận, kiến nghị xử lý được chính xác, khách quan.
          c. Trưởng đoàn thanh tra lấy ý kiến tham gia của các thành viên Đoàn thanh tra đối với dự thảo Báo cáo kết quả thanh tra và hoàn chỉnh báo cáo kết quả thanh tra; trong trường hợp các thành viên trong Đoàn thanh tra có ý kiến khác nhau về nội dung của dự thảo thì Trưởng đoàn thanh tra xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Hiệu trưởng.
          d. Chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có Báo cáo kết quả thanh tra trình Hiệu trưởng.
          4. Xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra.
          a. Trưởng đoàn thanh tra chủ trì xây dựng dự thảo kết luận thanh tra trình Hiệu trưởng.
          b. Nội dung dự thảo Kết luận thanh tra.
          - Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, những quy định, quy chế về đào tạo, bồi dưỡng.
          - Kết luận về nội dung thanh tra đã được ghi trong quyết định và kế hoạch thanh tra.
          - Xác định tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có) để xem xét, xử lý theo thẩm quyền của Hiệu trưởng. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định hoặc văn bản không còn phù hợp.
          5. Ký ban hành và công bố kết luận thanh tra.
          a. Trưởng đoàn thanh tra hoàn chỉnh Kết luận thanh tra trình Hiệu trưởng ký ban hành; Kết luận thanh tra được gửi cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
          b. Trường hợp trong kết luận có những biện pháp xử lý thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng thì Trưởng đoàn thanh tra xây dựng dự thảo quyết định xử lý theo quy định của pháp luật trình Hiệu trưởng ký ban hành.
          c. Trường hợp trong kết luận có kiến nghị xử lý không thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng thì Kết luận thanh tra được gửi cho thủ trưởng cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để làm cơ sở xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
          d. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được Báo cáo kết quả thanh tra, Hiệu trưởng phải ra văn bản kết luận thanh tra.
          e. Việc công bố kết luận thanh tra có thể thông báo bằng văn bản hoặc tổ chức buổi công bố kết luận thanh tra do Hiệu trưởng quyết định.
           g. Giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra.
          6. Tổng kết hoạt động thanh tra.
          a. Sau khi có Kết luận thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức họp Đoàn thanh tra để tổng kết, rút kinh nghiệm về hoạt động của Đoàn thanh tra; nội dung tổng kết như sau:
          - Đánh giá kết quả thanh tra dựa trên mục đích, yêu cầu của cuộc thanh tra.
          - Đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra và các quy định khác có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra.
          b. Những bài học kinh nghiệm rút ra, những kiến nghị, đề xuất (nếu có) qua cuộc thanh tra.
          c. Khen thưởng, kỷ luật đối với thành viên đoàn thanh tra.
          Điều 10: Hiệu lực thi hành
          1. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký
          2. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc hoặc không phù hợp sẽ được sửa đổi, bổ sung.
 
                                                                                                     HIỆU TRƯỞNG
 
                                                                                                                      (Đã ký)
 
                                                                                                 Lương Trong Thành
 
                          
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1337
Hôm qua:
1656
Tuần này:
6829
Tháng này:
58885
Tất cả:
4.992.486