HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Tìm hiểu về ngày Pháp luật Việt Nam

Đăng lúc: 09:05:17 07/11/2020 (GMT+7)862 lượt xem

 Đào Thị Kim Thanh - Phó Trưởng khoa 
Nguyễn Thị Quy - Giảng viên

 Khoa Nhà nước và Pháp luật
            Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Quốc hội Khóa I, kỳ họp thứ hai thông qua trong phiên họp ngày 09/11/1946. Đến nay, trải qua quá trình lịch sử cách mạng, nước ta đã có 5 bản Hiến pháp (Hiến pháp 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013) nhưng những tư tưởng lập hiến, những giá trịcốt lõi về dân chủ, quyền con người, quyền công dân và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 vẫn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật nước ta. Có thể khẳng định sự ra đời của Hiến pháp 1946 là mốc son chói lọi trong lịch sử lập Hiến, lập pháp, đặt nền móng cho Hệ thống pháp luật Việt Nam. Chính vì vậy, theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội thống nhất lấy ngày mùng 9 tháng 11 hằng năm - Ngày ra đời bản Hiến pháp đầu tiên là “Ngày Pháp luật Việt Nam”. Cụ thể, điều 8 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật 2012 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2013) quy định: “Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Mục đích của Ngày Pháp luật Việt Nam cũng được xác định một cách tổng quát ngay trong điều 8: “Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
          Ngày 4 tháng 4 năm 2013Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ 28) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có quy định cụ thể về nội dung, hình thức, trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam. Về nội dung tổ chức ngày Pháp luật Việt Nam, khoản 1, điều 6, NĐ 28 quy định: Ngày Pháp luật được tổ chức với các nội dung cơ bản sau:
Một là, khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội;
Hai là, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật;
Ba là, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;
Bốn là, vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật;
Năm là, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật;
Ngoài ra còn có các nội dung khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
          Để đảm bảo thực hiện được các nội dung của Ngày Pháp luật, khoản 2, điều 6, NĐ 28 quy định Ngày Pháp luật có thể được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể có các hình thức: mít tinh; hội thảo; tọa đàm; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm và các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Việc quy định đa dạng các hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật nhằm đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương hướng tới hiệu quả cao nhất.
Ngày Pháp luật có ý nghĩa sâu sắc trong việc đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay; đồng thời giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật cho mọi chủ thể, qua đó định hướng cho các tổ chức, cá nhân (Bao gồm cả nhà nước và người có thẩm quyền) có hành vi xử sự đúng theo đúng quy định của pháp luật.
Tổ chức tốt Ngày Pháp luật hằng năm sẽ tạo được chuyển biến nhận thức, ý thức trách nhiệm cho mỗi cá nhân, công dân nói chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trong việc học tập, tìm hiểu pháp luật từ đó hiểu, nắm vững và thực hiện đúng, đầy đủ quyền, nghĩa vụ, chức trách nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; từng bước xây dựng nền văn hóa pháp lý trong nhân dân.
          Ngày Pháp luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật. Thông qua tổ chức Ngày Pháp luậtcác cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền những văn bản pháp luật mới được ban hành đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức từ giúp người dân hiểu được các quy định luật pháp và tuân thủ thực hiện. Bên cạnh đó, nếu tổ chức tốt Ngày Pháp luật” còn là cơ hội để người dân tham gia ý kiến, đóng góp trí tuệ của mình vào công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
          Trách nhiệm tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật là của cả Hệ thống chính trị. Chỉ khi nào tất cả các ngành, các cấp, các địa phương và mỗi cơ quan, đơn vị nhận thức sâu sắc, đúng đắn ý nghĩa, vai trò tầm quan trọng của Ngày Pháp luật và việc tổ chức Ngày Pháp luật thì Pháp luật mới đi vào đời sống xã hội, đơm hoa kết trái trong đời. Mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã được xác định trong Hiến pháp 2013 mới từng bước trở thành hiện thực./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2217
Hôm qua:
2628
Tuần này:
4845
Tháng này:
51219
Tất cả:
4.416.099