THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Giải pháp nâng cao hiệu quả học tập lý luận chính trị cho học viên lớp TCLLCT A3.K52

Đăng lúc: 07:33:35 05/12/2024 (GMT+7)88 lượt xem

 Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị và nhận thức được ý nghĩa, vai trò của học tập lý luận chính trị đối với bản thân, đa số học viên lớp TCLLCT A3.K52 đều tự giác trong học tập, dành thời gian nghiên cứu tài liệu, xây dựng kế hoạch học tập cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả học tập lý luận chính trị của cá nhân và tập thể lớp.
a31.png

Học viên lớp TCLLCT A3.K52 tham gia học tập tại lớp

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Lý luận như cái kim chỉ nam, có lý luận thì hướng hành động của chúng ta sẽ đúng, bằng không thì sẽ sai lầm"[1],"Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại"[2]. Lý luận giúp mỗi người xác định đúng hướng, biết rõ con đường mình đi, tránh những sai lầm và lạc hướng.
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, học lý luận chính trị góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, từ đó đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lý luận chính trị không chỉ là nền tảng tri thức giúp cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc về tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, mà còn là công cụ để rèn luyện bản lĩnh, đạo đức và khả năng lãnh đạo.
Đối với học viên lớp TCLLCT A3.K52 Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá, phương pháp luận từ việc học lý luận chính trị giúp người học không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng tư duy, phân tích, đưa ra các hành động đúng đắn trong công việc và cuộc sống. Đây là nền tảng quan trọng cho việc phát triển cá nhân và đóng góp cho sự nghiệp chung của đất nước. Theo đó, học tập lý luận chính trị có những ý nghĩa, vai trò cụ thể sau đây:
Một là, phát triển tư duy phản biện và logic. Lý luận chính trị giúp người học nắm bắt các quan điểm, học thuyết về xã hội, từ đó rèn luyện tư duy phản biện và logic. Hiểu biết về lịch sử phát triển của các tư tưởng chính trị giúp người học có cái nhìn sâu sắc hơn, từ đó đưa ra những đánh giá, phân tích có cơ sở lý luận vững chắc.
Hai là, xác định đúng mục tiêu và phương hướng hành động. Việc nắm vững kiến thức lý luận chính trị giúp học viên định hình tư tưởng, xác định mục tiêu và phương hướng hành động đúng đắn. Đặc biệt, trong công tác quản lý nhà nước, lý luận chính trị giúp cán bộ, công chức có nền tảng lý luận để đưa ra các quyết định phù hợp với lợi ích của nhân dân, đất nước.
Ba là, phục vụ công tác nghiên cứu và phân tích xã hội. Lý luận chính trị không chỉ là môn học mà còn là công cụ giúp người học phân tích các vấn đề thực tiễn trong xã hội. Hiểu biết sâu sắc về lý luận giúp người học dễ dàng hơn trong việc nhìn nhận các vấn đề xã hội, chính trị, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp.
Bốn là, tăng cường khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Lý luận chính trị không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn giúp người học rút ra những bài học thực tiễn từ lý luận. Khi hiểu rõ nguyên lý cơ bản, người học sẽ có khả năng áp dụng vào công tác chuyên môn, quản lý, giải quyết các vấn đề thực tiễn một cách khoa học và hiệu quả hơn.
Năm là, góp phần xây dựng hệ thống giá trị và đạo đức cá nhân. Khi học lý luận chính trị, người học sẽ củng cố hệ thống giá trị và đạo đức cá nhân. Những giá trị này không chỉ hỗ trợ người học trong công tác chuyên môn mà còn góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, dựa trên các nguyên tắc công bằng, minh bạch, và trách nhiệm xã hội.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị và nhận thức được ý nghĩa, vai trò của học tập lý luận chính trị đối với bản thân, đa số học viên lớp TCLLCT A3.K52 đều tự giác trong học tập, dành thời gian nghiên cứu tài liệu, xây dựng kế hoạch học tập cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả học tập lý luận chính trị của cá nhân và tập thể lớp.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số học viên chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng việc học lý luận chính trị, dẫn đến thái độ học tập thiếu tích cực, không cần thiết phải đầu tư thời gian và công sức. Trong quá trình học tập, một bộ phận học viên còn gặp khó khăn khi tiếp cận lý thuyết trừu tượng và khó hiểu, như các nội dung lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nên khó nắm bắt và hiểu sâu vấn đề, dẫn đến thiếu kiến thức nền tảng. Bên cạnh đó, hiện nay, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị vẫn còn nặng tính truyền thống, chưa đa dạng và sáng tạo, nội dung truyền đạt một chiều hoặc đọc tài liệu. Một số học viên thiếu kỹ năng tự học, phương pháp học tập chưa phù hợp, việc học chủ yếu dựa trên ghi nhớ và học thuộc. Hơn nữa, chương trình học tập thiếu các hoạt động thực tiễn để học viên áp dụng kiến thức vào cuộc sống. Ngoài ra, việc cân đối giữa học lý luận chính trị và các nhiệm vụ, công việc hàng ngày của học viên cũng là những trở ngaị lớn để học viên tập trung hoàn toàn vào việc học lý luận chính trị.
Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân nêu trên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập lý luận chính trị của học viên trong quá trình phấn đấu xây dựng tập thể lớp vững mạnh, kiểu mẫu trong học tập, rèn luyện. Học lý luận chính trị là một hành trình dài đòi hỏi học viên cần phải có sự đầu tư về cả tư duy lẫn thời gian. Do đó, để việc học tập lý luận chính trị của học viên nói chung, lớp TCLLCT A3.K52 nói riêng đạt hiệu quả cao nhất, cần thực hiện một số gải pháp sau đây:
Thứ nhất, nâng cao ý thức chủ động, tích cực trong học tập. Để nâng cao hiệu quả học tập, mỗi học viên trong lớp A3 cần nâng cao tính tích cực, chủ động trong việc nghiên cứu tài liệu và tham gia vào các hoạt động học tập. Ban cán sự lớp có thể tổ chức các buổi thảo luận nhóm, tạo điều kiện cho học viên chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm, từ đó giúp nhau cùng học tập và tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả hơn. Việc khuyến khích các học viên tự nghiên cứu và chuẩn bị trước nội dung bài học cũng sẽ giúp tăng cường sự chủ động trong học tập.  Ngoài việc học lý luận chính trị trên lớp, học viên cần chủ động, tích cực  tham gia các hoạt động ngoại khóa để rèn luyện kỹ năng mềm, nâng cao năng lực lãnh đạo và khả năng làm việc nhóm.
Hai là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập. Trong thời đại công nghệ số, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập là rất cần thiết. Lớp A3K52 có thể tận dụng các nền tảng học trực tuyến, các ứng dụng học tập để xây dựng một kho tài liệu điện tử phong phú. Việc tạo lập nhóm học tập trên các ứng dụng như Zalo, Facebook hay Google Classroom sẽ giúp học viên dễ dàng chia sẻ tài liệu, thảo luận và trao đổi thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Ba là, thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm. Lớp A3 cần tổ chức các buổi hội thảo và tọa đàm chuyên đề về các vấn đề lý luận chính trị; trong đó, mời các giảng viên, chuyên gia hoặc những người có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực chính trị đến chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Qua đó, học viên sẽ có thêm góc nhìn đa dạng, cũng như có cơ hội đặt câu hỏi và thảo luận về những vấn đề đang quan tâm để hiểu rõ hơn về giá trị của kiến thức lý luận, từ đó thúc đẩy động lực học tập.
Bốn là, khuyến khích thảo luận và phản biện. Một môi trường học tập tích cực và thân thiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập. Vì vậy, tập thể lớp A3 cần tạo không gian để học viên thoải mái trao đổi, thảo luận và hỗ trợ lẫn nhau; tạo môi trường học tập mở, khuyến khích học viên thảo luận và đặt câu hỏi để họ có thể phản biện các quan điểm khác nhau, nâng cao khả năng tư duy phản biện; tổ chức các buổi tranh luận theo nhóm về các vấn đề lý luận, giúp học viên tự tin hơn. Bên cạnh đó, cần khuyến khích sự hợp tác giữa các học viên trong lớp, từ đó tạo dựng tình đoàn kết và hỗ trợ nhau trong quá trình học tập. Ngoài ra, Ban cán sự lớp nên thường xuyên tổ chức các buổi đánh giá định kỳ công khai để học viên chia sẻ về mức độ tiến bộ của bản thân cũng như những điểm cần cải thiện, góp phần tạo nên môi trường học tập cởi mở.
Năm là,đổi mới phương pháp giảng dạy. Giảng viên cần tăng cường phương pháp tình huống, phương pháp thảo luận nhóm và phương pháp nghiên cứu trường hợp. Những phương pháp này giúp học viên hiểu rõ cách vận dụng lý luận vào thực tiễn. Giảng viên cũng nên khéo léo sử dụng các công cụ đa phương tiện, như: video, bản đồ tư duy và hình ảnh minh họa để giảm bớt tính khô khan của lý luận, tăng tính sinh động và hấp dẫn cho bài giảng.
Hy vọng rằng, những giải pháp nêu trên sẽ góp phần hiệu quả nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị của học viên lớp TCLLCT A3.K52; từ đó, học viên sẽ nâng cao trách nhiệm phải khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, chủ động trang bị đủ kiến thức chính trị, tự tin đấu tranh phản bác những luận điểm sai trái của các thế lực thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng./.
Học viên: Trần Thị Hà Trang
Lớp: TCLLCT A3.K52
Đơn vị công tác: Trường Mầm non Nga An, huyện Nga Sơn
-----------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 10-1947)
[2] Tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 3-2-1969)
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1354
Hôm qua:
1656
Tuần này:
6846
Tháng này:
58902
Tất cả:
4.992.503