THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Giải pháp phát huy vai trò làm chủ của học viên lớp TCLLCT A3.K52

Đăng lúc: 07:38:19 15/10/2024 (GMT+7)248 lượt xem

 Với phương châm “Học viên là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực”, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá không ngừng nỗ lực thi đua nghiên cứu, giảng dạy, tất cả “vì sự tiến bộ của học viên”. Vinh dự và tự hào được là học viên trường Đảng, mỗi học viên TCLLCT khoá 52 nói chung, học viên lớp A3.K52 nói riêng cần chủ động, tích cực học tập, xây dựng nhà trường ngày một phát triển. Sự thành công của Nhà trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà có sự phát huy tối đa vai trò làm chủ của mỗi học viên trong suốt khoá học.
be1.png

Học viên lớp TCLLCT A1.K52 chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, giảng viên Nhà trường
tại
 Lễ Khai giảng khoá học
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt tin tưởng vào thế hệ trẻ, lực lượng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, Người căn dặn: “Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội  “vừa hồng, vừa chuyên”. “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” (1).
Thấm nhuần quan điểm của Người, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ trong nguồn quy hoạch lãnh đạo, quản lý để đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Đảng khẳng định: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên” (2). Tuy nhiên, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đánh giá: “…Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu” (3). Vì thế, trước những yêu cầu, thách thức đang đặt ra, nâng cao chất lượng công tác đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Đảng, trong đó có vai trò, trách nhiệm của giảng viên các trường chính trị tỉnh.
Nằm trong hệ thống các trường chính trị tỉnh, một trong các chức năng, nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá là đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị (TCLLCT) cho học viên trong nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị cho học viên, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá nghiên cứu, triển khai thực hiện nhiều mô hình dạy-học; trong đó, Nhà trường chú trọng phát huy vai trò làm chủ của học viên. Do đó, mỗi học viên tham gia học tập lý luận chính trị tại Trường cần xác định vai trò, trách nhiệm làm chủ lĩnh hội và tiếp thu tri thức trong suốt khoá học để có kiến thức, kỹ năng phục vụ cho công tác ở cơ quan, đơn vị.
Đối với các lớp TCLLCT khoá 52, ngay từ ngày đầu của khoá học, Nhà trường đã phổ biến cho học viên về mô hình 3 tăng, 3 giảm (3 tăng: tăng chủ động, tăng trao đổi, tăng xử lý tình huống; 3 giảm: giảm thụ động, giảng độc thoại, giảm lý thuyết). Nhờ đó, trong quá trình học tập, học viên được tăng cường chủ động về mặt kiến thức trao đổi trực tiếp trên lớp; điều này tạo sự hứng khởi cho học viên khi tham gia bài học.
Ngoài ra, để phát huy vai trò làm chủ của học viên trong học tập lý luận chính trị, Nhà trường đã xây dựng mô hình 3 trước, 3 sau, 3 sâu, 3 sáng tạo (3 trước: định hướng trước, tìm hiểu trước, đặt câu hỏi trước; 3 sau: Hệ thống sau, gợi mở ôn tập sau; gắn kết với bài học sau; 3 sâu: Nghiên cứu sâu, liên hệ sâu, thảo luận sâu; 3 sáng tạo: dạy - học sáng tạo, vận dụng sáng tạo, sản phẩm sáng tạo). Thông qua mô hình này, học viên được chủ động, sáng tạo trong lĩnh hội kiến thức và vận dụng vào thực tiễn công tác. Bên cạnh đó, thông qua mô hình “Ngày thứ 7 kết nối”, học viên cũng được phát huy vai trò làm chủ trong tổ chức các hoạt động kết nối, giao lưu; từ đó tăng cường kiến thức thực tiễn từ các hoạt động gắn kết với địa phương, đơn vị.
Đối với lớp TCLLCT A3 khoá 52, phát huy vai trò làm chủ của học viên trong suốt khoá học trước hết phải xây dựng ý thức tự giác trong học tập, xác định đúng mục đích học tập nhằm đạt mục tiêu đạt kết quả học tập cao, từ đó vận dụng vào thực tiễn  công tác, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng phát triển.        “Làm chủ” là phải chủ động, tích cực, tự chủ, kiên trì trong học tập, biến quá trình học của bản thân từ phương pháp học tập thụ động sang phương pháp chủ động, trong đó, chủ yếu thông qua việc xác định đúng đắn mục đích, động cơ trong học tập. Việc phát huy tính chủ động, tích cực của học viên trong học tập lý luận chính trị có vai trò quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy của Nhà trường. Do đó, để phát huy vai trò làm chủ của học viên lớp TCLLCT A3.K52 trong học tập lý luận chính trị, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:      
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vai trò “làm chủ” đối với học viên trong học tập lý luận chính trị. “Làm chủ” chính là tham gia các hoạt động của khoá học một cách tích cực, chủ động. “Làm chủ” giúp học viên tìm được niềm vui, hứng thú khi đón nhận các bài giảng từ thầy cô bằng việc chủ động đọc trước giáo trình, tài liệu; chuẩn bị trước nội dung các vấn đề cần trao đổi với thầy cô và thảo luận với bạn học. “Làm chủ” khi lĩnh hội kiến thức lý luận chính trị sẽ giúp học viên lớp TCLLCT A3.K52 sáng tạo trong tổ chức các hoạt động học tập một cách hiệu quả. Theo đó, trong các giờ sinh hoạt lớp đầu tuần, Chủ nhiệm lớp và Ban cán sự lớp A3 cần tăng cường quán triệt, nhắc nhở học viên chủ động nghiên cứu, thực hiện hiệu quả các mô hình của Nhà trường; đồng thời, cần đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời khi mỗi cá nhân trong tập thể lớp chưa phát huy vai trò làm chủ trong quá trình học tập.                      
Thứ hai, xây dựng kế hoạch học tập trong toàn khoá học. Thời gian học tập lý luận chính trị ở trường không nhiều nhưng học viên phải hoàn thành 13 môn học với rất nhiều kiến thức, do đó, trong kế hoạch học tập của cá nhân, mỗi học viên lớp A3 cần xác định mục tiêu với kết quả nắm bắt cụ thể cho từng bài học, từ đó tự đánh giá mức độ hài lòng với kết quả học tập của mình để có những chấn chỉnh kịp thời. Đồng thời, mỗi học viên cần có phương pháp học tập một cách khoa học, phù hợp trong toàn khóa học.
Thứ ba, rèn luyện ý thức tập trung, nghiêm túc trong giờ học. Nếu mỗi học viên chủ động xây dựng ý thức học tập tốt thì tập thể lớp A3 sẽ có không khí học tập tốt. Ý thức học tập tốt của mỗi cá nhân và tập thể lớp được thể hiện bằng việc chuẩn bị đầy đủ tài liệu, phục vụ học tập, chú ý nghe giảng, ghi chép đầy đủ; đồng thời, trong giờ thảo luận, học viên chủ động nghiên cứu tài liệu để trả lời câu hỏi và nêu những vấn đề còn băn khoăn để trao đổi, thảo luận với giảng viên. Khi lên lớp nghe giảng, học viên phải tập trung tư tưởng, tránh bị phân tán, phải nghiêm túc khi học tập trên lớp và biết kết hợp tốt nghe, nhìn, hiểu và ghi chép. Việc nghe giảng rất quan trọng, giúp người học hiểu vấn đề, luyện được kỹ năng ghi nhớ trên lớp, tích lũy kiến thức. Việc ghi chép bài giúp cho người học thêm một lần nữa rèn luyện khả năng ghi nhớ, nên ghi theo cách hiểu. Trong giờ thảo luận, người học mạnh dạn phát biểu tranh luận và phản biện, nên bày tỏ ý kiến của mình trước lớp với giảng viên; từ đó giảng viên sẽ tiếp nhận ý kiến, giải thích những vấn đề vướng mắc.
Thứ tư, phát triển văn hoá đọc trong mỗi cá nhân và tập thể lớp A3. Ngoài kiến thức đã được giảng viên truyền đạt tại lớp, học viên có thể mượn, đọc và nghiên cứu tài liệu trong các giờ giải lao hoặc dành thời gian nghiên cứu về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để nắm bắt, tiếp thu nhiều hơn, trang bị khối kiến thức lý luận cần thiết phục vụ tốt cho môn học và phần học đó.
Thứ năm, xây dựng các phong trào thi đua học tập trong lớp TCLLCT A3.K52. Để đạt danh hiệu Tập thể lớp kiểu mẫu, lớp A3 cần tổ chức các hoạt động thi đua học tập trong từng tổ, trong đó mỗi tổ học tập chủ động đăng ký các nội dung thi đua, như: tổ có số học viên tham gia phát biểu, trao đổi, thảo luận nhiều nhất trong từng giờ học; tổ có nhiều học viên chia sẻ kinh nghiệm học tập nhiều nhất trong nhóm Zalo của lớp; tổ có số lượt đi học muộn và vắng học ít nhất; tổ có nhiều học viên đăng ký tham gia giới thiệu sách nhất… Từ đó, Ban cán sự lớp cần tổ chức đánh giá, khen thưởng thường xuyên, kịp thời đối với tổ học tập và cá nhân tích cực, chủ động tham gia học tập nhất.
Với phương châm “Học viên là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực”, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá không ngừng nỗ lực thi đua nghiên cứu, giảng dạy, tất cả “vì sự tiến bộ của học viên”. Vinh dự và tự hào được là học viên trường Đảng, mỗi học viên TCLLCT khoá 52 nói chung, học viên lớp A3.K52 nói riêng cần chủ động, tích cực học tập, xây dựng nhà trường ngày một phát triển. Sự thành công của Nhà trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà có sự phát huy tối đa vai trò làm chủ của mỗi học viên trong suốt khoá học./.
Học viên Nguyễn Thị Bé
Lớp: TCLLCT A3. K52
Đơn vị công tác: Trường THCS Quảng Châu, TP Sầm Sơn
 --------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.622.
(2) Bộ Chính trị, Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, II,  Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
                                                 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1727
Hôm qua:
1669
Tuần này:
13019
Tháng này:
50209
Tất cả:
4.983.810