NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Giải pháp phát triển văn hóa đọc ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá

Đăng lúc: 09:38:15 16/04/2024 (GMT+7)104 lượt xem

 Xây dựng mô hình “Mỗi tuần 1 cuốn sách” cho học viên. Hàng năm, nhà trường cần xây dựng kế hoạch đọc sách, danh mục sách cần đọc; phân công mỗi lớp trong thời gian một tuần sẽ đọc và viết cảm nhận về một cuốn sách. Trong nội bộ lớp lại chia nhiều nhóm, viết về một nội dung khác nhau. Lớp phó học tập sẽ tổng hợp toàn bộ nội dung thành một bài thu hoạch và đăng lên Website nhà trường.
1.jpg

Buổi giới thiệu sách của lớp TCLLCT
A1-K51
 
C.Mác đã từng nói: "Sách là ngọn đuốc soi sáng tâm hồn con người." Hay theo Ralph Waldo Emerson, thông qua đọc sách, chúng ta có thể “sống nhiều cuộc đời trong một cuộc đời." Còn đối với Lê-nin, "Đọc sách là cách tốt nhất để học tập và phát triển bản thân."
Sách là kho tàng tri thức vô tận, chứa đựng nhiều thông tin, kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và có thể được trình bày dưới dạng văn bản, hình ảnh, âm thanh, hoặc kết hợp cả ba yếu tố trên. Trong cuộc sống, sách có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Chính vì vậy, từ xưa tới nay, đọc sách đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của mỗi người. Đây là một hoạt động vô cùng quan trọng và mang lại nhiều lợi ích, giúp chúng ta mở rộng hiểu biết, bồi dưỡng tâm hồn và nâng cao trình độ.
Do đó, xây dựng thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của mỗi người chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại.
2.jpg
Một buổi giới thiệu sách của lớp TCLLCT A1-K51
 
Xác định rõ vai trò của sách, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá thường xuyên tổ chức các hoạt động phát triển văn hoá đọc và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có thể kể đến như:
Thứ nhất, nhận thức của học viên về tầm quan trọng của văn hóa đọc ngày càng được nâng cao. Nhờ các hoạt động tuyên truyền, giáo dục mà học viên các lớp đã nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc đọc sách.
Thứ hai, Nhà trường có thư viện phục vụ nhu cầu đọc của học viên.
Thứ ba, phong trào đọc sách được đẩy mạnh. Các hoạt động khuyến đọc, giới thiệu sách được tổ chức thường xuyên, được học viên tham gia trách nhiệm, tích cực.
Thứ tư, số lượng sách Nhà trường xuất bản hàng năm tăng lên, được cập nhật nhanh nhất đến học viên, làm tài liệu hữu ích trong quá trình học tập.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc phát triển văn hoá đọc trong Nhà trường còn những mặt hạn chế nhất định như: Tỷ lệ học viên đến thư viện mượn sách còn thấp; các đầu sách trong thư viện số lượng còn hạn chế, chưa phong phú; quản lý thư viện chưa cập nhật theo phương pháp mới; chưa có nhiều hoạt động thu hút được đông đảo người tham gia, chưa tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng; chất lượng giới thiệu sách chưa cao, chỉ tập trung vào một số học viên…
 
Những hạn chế nêu trên một phần đến từ việc nền kinh tế đang phát triển với tốc độ khá cao, nhịp sống công nghiệp bận rộn, sự ảnh hưởng không nhỏ của các phương tiện giải trí, như Internet, mạng xã hội... cũng như việc thiếu sự khuyến khích đọc từ gia đình hoặc không có thói quen đọc sách, dẫn đến làm cho thời gian dành cho hoạt động đọc sách bị lấn lướt, co hẹp, làm suy thoái thói quen đọc. Mặt khác, công tác tuyên truyền của Nhà trường chưa được thực hiện thường xuyên liên tục, chưa có định hướng, chưa hấp dẫn và thiếu đa dạng...
3.jpg
Lớp TCLLCTA1-K51 tổ chức giới thiệu sách
 
Để phát triển văn hóa đọc trong học viên Nhà trường, góp phần xây dựng một xã hội học tập, cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa đọc cho học viên qua Website, mạng xã hội và các chương trình, phong trào thi đua.
Hai là, tổ chức các hoạt động lan tỏa văn hóa đọc trong toàn trường, từ cán bộ, giảng viên đến học viên, như: cuộc thi đọc sách, viết cảm nhận về sách, thành lập câu lạc bộ đọc sách, hoạt động thảo luận, chia sẻ sách...
Ba là, thường xuyên nghiên cứu để đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của thư viện, đa dạng hóa các hoạt động phục vụ học viên đến mượn sách, đọc sách. Xây dựng không gian đọc sách thuận lợi, giúp mang lại cảm hứng cho người đọc. Liên tục cập nhật, lựa chọn, bổ sung các đầu sách phù hợp tạo nên kho sách đa dạng, phong phú, tiến hành số hóa sách - tài liệu để cung cấp cho người đọc trên các thiết bị điện tử.
Bốn là, Nhà trường tiếp tục xuất bản sách hay, chất lượng cao. Đây là hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu ngày càng cao của cán bộ, giảng viên, học viên.
Năm là, xây dựng kỹ năng đọc lành mạnh cho học viên. Mục đích của kỹ năng đọc là đọc có hiệu quả cao nhất, nắm chắc nội dung cốt lõi và biết vận dụng những điều đã đọc được vào cuộc sống của chính người đọc. Có thể sử dụng các bước như sau: Lựa chọn đề tài cần đọc; Định hướng nguồn tài liệu; Lựa chọn tài liệu có tính hệ thống, liên tục; Đọc tài liệu một cách tập trung, nghiêm túc; Sử dụng các kỹ thuật để củng cố và đào sâu như ghi chép, tóm tắt, viết chú giải, trao đổi..; Vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc.
Sáu là, xây dựng mô hình “Mỗi tuần 1 cuốn sách” cho học viên. Hàng năm, nhà trường xây dựng kế hoạch đọc sách và xây dựng danh mục sách cần đọc, phân công mỗi lớp trong thời gian 1 tuần sẽ đọc và viết cảm nhận về 1 cuốn sách. Trong nội bộ lớp lại chia nhiều nhóm, viết về 1 nội dung khác nhau. Lớp phó học tập sẽ tổng hợp toàn bộ nội dung thành 1 bài thu hoạch và đăng lên Website nhà trường. Kết thúc khóa học, nếu có thể thực hiện liên tục, nghiêm túc, lượng kiến thức học viên thu thập được sẽ là một nguồn tư liệu quý giá phục vụ trong công tác cũng như trong cuộc sống.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, văn hóa đọc sẽ được phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong Nhà trường, góp phần lan toả tới các địa phương, cơ quan, đơn vị, từ đó sẽ nâng cao trình độ dân trí và xây dựng xã hội học tập để xây dựng nền kinh tế tri thức và phát triển bền vững, ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới./.
Tổ 3 Lớp TCLLCTA1-K51
Số lượt truy cập
Hôm nay:
226
Hôm qua:
2730
Tuần này:
2956
Tháng này:
64636
Tất cả:
4.429.516