NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Lớp TCLLCT A1-K51 thực hiện mô hình “1 nâng cao, 2 đổi mới sáng tạo, 3 đồng hành, 4 phát huy, 5 mẫu mực”

Đăng lúc: 14:11:10 16/04/2024 (GMT+7)73 lượt xem

 Bên cạnh các mô hình đã được Lớp triển khai, để bổ sung thêm, tập thể lớp A1-K51 đề xuất một ý tưởng mới: “Mỗi học viên - Một sáng kiến”. Theo đó, mỗi học viên sẽ được khuyến khích đề xuất ít nhất một sáng kiến trong quá trình học tập tại Trường Chính trị. Sáng kiến này có thể là một ý tưởng mới về cách thức tổ chức các hoạt động học tập, một phương pháp mới trong việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn, hoặc một giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề cụ thể mà cộng đồng, xã hội đang đối mặt. Sáng kiến này không những giúp nâng cao chất lượng đào tạo, rèn luyện mà còn góp phần khơi dậy tinh thần sáng tạo, khát vọng đóng góp của mỗi học viên.
a1.jpg
Lớp A1K51 tổ chức diễn đàn “Xây dựng tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu”
 
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, vạch ra biểu hiện “lười học, ngại học” là một thách thức cần đối mặt. Điều này lại càng khẳng định yêu cầu cấp thiết phải đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị
Với sứ mệnh là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã tiên phong trong việc xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình đổi mới sáng tạo, tiêu biểu là mô hình “1 nâng cao, 2 đổi mới sáng tạo, 3 đồng hành, 4 phát huy, 5 mẫu mực”. Mô hình như một lời cam kết, một hướng đi mới trong việc khuyến khích sự đổi mới sáng tạo, đồng hành cùng học viên trong quá trình học tập và nghiên cứu, cũng như phát huy và xây dựng tác phong mẫu mực của một người cán bộ, đảng viên.  
Mô hình được Nhà trường triển khai thực hiện với mục tiêu đồng hành, tư vấn, hỗ trợ với phương châm “lấy người học làm trung tâm” và phát huy vị thế là chủ và vai trò làm chủ của học viên trong học tập, rèn luyện; tạo sự gắn kết giữa giảng viên và học viên; gắn kết giữa học với hành, lý thuyết với thực tiễn; giữa đào tạo, bồi dưỡng lý luận với rèn luyện phát triển phẩm chất, năng lực cho học viên; giữa nhà trường, học viên với cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa “5 chương trình vì học viên” và cụ thể định hướng chuyển từ quản lý hành chính sang quản trị phục vụ và kiến tạo; khơi dậy và phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, phong trào thi đua xây dựng tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu, góp phần xây dựng Nhà trường đạt chuẩn kiểu mẫu.  
Trên cơ sở các nội dung của mô hình “1 nâng cao, 2 đổi mới sáng tạo, 3 đồng hành, 4 phát huy, 5 mẫu mực”, tập thể lớp A1 đã tập trung đẩy mạnh thực hiện tốt nội dung “3 chủ động”. Đây là mô hình lớp học của A1; trong đó, gồm các nội dung: chủ động trong học tập; chủ động trong các phong trào thi đua; chủ động trong vận dụng lý luận gắn với thực tiễn.
Mô hình lớp học “3 chủ động” của lớp A1 hướng tới mục tiêu xây dựng thái độ học tập chủ động, tích cực; hình thành tác phong đẹp của học viên để tạo cảm hứng, động lực cho giảng viên trong quá trình giảng dạy; đưa kiến thức lý luận trở thành kỹ năng thực tiễn để mỗi học viên trở thành học viên kiểu mẫu, góp phần xây dựng Nhà trường kiểu mẫu.
Đối với “chủ động trong học tập”: Lớp A1-K51 luôn chủ động thực hiện nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị, tiêu biểu là: chủ động trong thực hiện nền nếp, kỷ cương của Nhà trường, chủ động trong xây dựng phương pháp học tập, chủ động trong xây dựng kế hoạch học tập trong từng tháng...
Đối với “chủ động trong các phong trào thi đua”: Với tinh thần quyết tâm cao, tập thể lớp luôn chủ động tham gia đầy đủ, trách nhiệm các phong trào thi đua của Nhà trường; đồng thời, tổ chức các phong trào thi đua trong lớp, giữa các tổ với nhau. Qua đó, thúc đẩy phong trào học tập và rèn luyện của lớp, tăng thêm sự gắn bó, đoàn kết giữa các học viên trong lớp, góp phần xây dựng môi trường học tập lý tưởng, cụ thể như: tổ chức hoạt động ngoại khóa, thăm phòng Truyền thống Nhà trường, tổ chức đi thăm hỏi các cựu giáo chức, giới thiệu sách, tổ chức Diễn đàn xây dựng tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu, tham gia viết đăng trên Website Nhà trường, giao lưu thể thao với các học viên, giảng viên...
Đối với “chủ động trong vận dụng lý thuyết gắn với thực tiễn”: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Lý luận mà không có liên hệ thực tiễn là lý luận suông”; ngược lại, “Thực tiễn không có lý luận dẫn đường thì thành thực tiễn mù quáng”. Để vận dụng, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, mỗi học viên lớp A1K51 chủ động tham gia viết bài, tăng cường thảo luận về việc vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn hoạt động của cơ quan, đơn vị; nghiên cứu các mô hình của Nhà trường; tổ chức các chương trình vì cộng đồng, giao lưu, kết nối…
a2.jpg
Lớp TCLLCT A1-K51 nghiên cứu thực tế tại Phường Quảng Thắng
Thông qua sự vận dụng sáng tạo, hiệu quả các mô hình học tập, rèn luyện, cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt huyết của thầy, cô giáo nhà trường, lớp A1K51 đã vinh dự được nhận danh hiệu Tập thể lớp kiểu mẫu. Kết quả này vừa là minh chứng cho sự hiệu quả của mô hình “1 nâng cao, 2 đổi mới sáng tạo, 3 đồng hành, 4 phát huy, 5 mẫu mực”, vừa thể hiện được sự nỗ lực, cố gắng của mỗi cá nhân trong tập thể lớp, qua đó, tạo tiền đề để học viên không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng Nhà trường đạt chuẩn kiểu mẫu trong thời gian tới.
Việc áp dụng mô hình “1 nâng cao, 2 đổi mới sáng tạo, 3 đồng hành, 4 phát huy, 5 mẫu mực” đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần đào tạo nên những cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao, sẵn sàng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng mô hình vào thực tiễn, đã xuất hiện một số hạn chế và thách thức cần được nhìn nhận một cách khách quan và toàn diện để từ đó tìm ra giải pháp khắc phục, đồng thời làm cho mô hình phát huy hiệu quả cao nhất.
“Nâng cao” chất lượng đào tạo, bồi dưỡng là quá trình phức tạp, đòi hỏi nguồn lực tài chính, nhân sự và thời gian lớn để đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, việc này càng trở nên khó khăn. Thách thức còn nằm ở việc đảm bảo chất lượng giáo dục một cách công bằng và đồng đều giữa các lớp học và địa bàn khác nhau, đặc biệt tại các huyện miền núi.
Mặc dù “Đổi mới sáng tạo” được xem là trụ cột xuyên suốt của mô hình, nhưng nội hàm của khái niệm “Đổi mới sáng tạo” dường như quá rộng lớn, khiến cho cả giảng viên, học viên phần nào cảm thấy lúng túng về cách thức triển khai khi áp dụng mô hình vào giảng dạy và học tập. Khái niệm này không chỉ đơn giản là việc thay đổi phương pháp giảng dạy mà còn phải bao gồm việc tạo ra những tình huống học tập phong phú, đa dạng, gắn kết chặt chẽ với thực tiễn và cuộc sống hàng ngày của học viên.
“Đồng hành” là một phương pháp hiệu quả để hỗ trợ học tập, phát triển kỹ năng và xây dựng phong cách, tuy nhiên, việc lựa chọn người thực hiện đồng hành và sử dụng phương pháp rất cần đáp ứng tiêu chí “phù hợp” để giúp học viên đạt được kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, một số vấn đề đặt ra trong quá trình đồng hành đó là sự khác biệt về tính cách, quan điểm, khả năng, mức độ nỗ lực giữa giảng viên và học viên và giữa các học viên.
Làm thế nào để phát huy trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách sâu sắc đến học viên trong bối cảnh thông tin đa chiều và phức tạp như hiện nay cũng là một câu hỏi khó. Điều này đòi hỏi phải có sự đầu tư nhiều hơn nữa vào nghiên cứu và phát triển nội dung giáo trình, cũng như cách thức giảng dạy, nhằm xóa bỏ khoảng cách trong tiếp cận kiến thức giữa hệ thống giáo dục chính trị truyền thống và thói quen học tập qua mạng của thế hệ trẻ ngày nay.
Để mô hình “1 nâng cao, 2 đổi mới sáng tạo, 3 đồng hành, 4 phát huy, 5 mẫu mực” tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa thực sự kiến tạo môi trường học tập, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy những học viên bình thường, những lớp học bình thường trở thành học viên gương mẫu, lớp học kiểu mẫu, cần phải có sự cải thiện không ngừng và điều chỉnh một cách bài bản, thực chất trong từng phần của mô hình.
Thư nhất, tăng cường các hoạt động kết nối giáo dục với thực tiễn xã hội, tạo điều kiện cho học viên tiếp xúc và giải quyết các vấn đề cụ thể trong cộng đồng, doanh nghiệp hay các tổ chức chính trị - xã hội sẽ giúp họ hiểu rõ giá trị áp dụng của kiến thức vào cuộc sống, qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm và sự tự tin của học viên trong việc áp dụng lý luận vào thực tiễn.
Thứ hai, duy trì một môi trường học tập thực sự cởi mở, khuyến khích sự chia sẻ và hợp tác giữa học viên và giảng viên là yếu tố quan trọng khác để thực hiện “đổi mới sáng tạo”. Giảng viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người hướng dẫn, người bạn đồng hành cùng học viên trong quá trình học tập, khuyến khích học viên tự tìm tòi, khám phá và đưa ra những ý tưởng mới.
Thứ ba, liên tục cập nhật và hoàn thiện các tiêu chí đánh giá trong công nhận sự đổi mới, sáng tạo, nhằm khích lệ và tôn vinh những nỗ lực và thành tựu của học viên và giảng viên. Việc công nhận và khen thưởng một cách minh bạch, công bằng không chỉ là nguồn động viên quan trọng mà còn thể hiện sự đánh giá cao của nhà trường đối với sự sáng tạo và đổi mới.
Bên cạnh các mô hình đã được Lớp triển khai, để bổ sung thêm, tập thể lớp A1-K51 đề xuất một ý tưởng mới: “Mỗi học viên - Một sáng kiến”. Theo đó, mỗi học viên sẽ được khuyến khích đề xuất ít nhất một sáng kiến trong quá trình học tập tại Trường Chính trị. Sáng kiến này có thể là một ý tưởng mới về cách thức tổ chức các hoạt động học tập, một phương pháp mới trong việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn, hoặc một giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề cụ thể mà cộng đồng, xã hội đang đối mặt. Sáng kiến này không những giúp nâng cao chất lượng đào tạo, rèn luyện mà còn góp phần khơi dậy tinh thần sáng tạo, khát vọng đóng góp của mỗi học viên.
Mô hình “1 nâng cao, 2 đổi mới sáng tạo, 3 đồng hành, 4 phát huy, 5 mẫu mực” nói riêng và các mô hình “đổi mới sáng tạo vì học viên” nói chung sẽ là cầu nối vững chắc giữa lý luận và thực tiễn, giữa người học và người làm, giữa giáo dục và phát triển, giúp mỗi học viên trở thành người lãnh đạo, quản lý có tâm, có tầm, có sức sáng tạo và khả năng đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước. Đây cũng là cơ hội để mỗi chúng ta tự hoàn thiện mình, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ kế cận noi theo, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, mô hình cũng là hoạt động tiêu biểu, khẳng định được tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của Nhà trường, nỗ lực vượt bậc thi đua “chủ động, đồng bộ, đột phá, kỷ cương, chất lượng, hiệu quả” xây dựng Nhà trường đạt chuẩn mức 2 trong nhóm các trường dẫn đầu cả nước vào năm 2025./.
Học viên: Nguyễn Viết Hoàng
Lớp: TCLLCT A1-K51
Đơn vị: Bệnh viện Nhi Thanh Hoá
Số lượt truy cập
Hôm nay:
230
Hôm qua:
2730
Tuần này:
2960
Tháng này:
64640
Tất cả:
4.429.520