HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Nâng cao ý thức trách nhiệm của học viên trong học tập lý luận chính trị

Đăng lúc: 08:04:55 21/03/2023 (GMT+7)498 lượt xem

 Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của tất cả các cán bộ, đảng viên, trong đó có học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, lực lượng nòng cốt của sự nghiệp cách mạng. 
a8.jpg
Lễ chào cờ tháng 3 năm 2023
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện phát triển và hội nhập của Việt Nam giai đoạn hiện nay. Đó là trách nhiệm của tất cả các cán bộ, đảng viên; trong đó có học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, lực lượng nòng cốt của sự nghiệp cách mạng. 
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là học thuyết, tư tưởng cách mạng mà còn phải bảo vệ thành tựu và biểu hiện cụ thể của nền tảng tư tưởng đó trong thực tiễn đổi mới đất nước. Với ý nghĩa đó, Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII ngày 11/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã khẳng định: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Hiện nay, âm mưu thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta với cấp độ ngày càng tinh vi. Các thế lực phản động lợi dụng không gian mạng, mạng xã hội để tuyên truyền xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chúng phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng; bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Lợi dụng tình hình dư luận xã hội đang bức xúc về những tệ tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, rồi quy chụp mọi khuyết điểm, sai lầm, tiêu cực trong chủ trương, đường lối đổi mới cán bộ và công tác cán bộ của Đảng. Chúng đặc biệt coi trọng việc phá hoại tư tưởng, coi đó là mũi nhọn, là con đường ngắn nhất dẫn tới sự xói mòn về niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây cũng chính là những thách thức rất lớn đang đặt ra đối với công tác bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch là nhiệm vụ rất quan trọng của tất cả cán bộ đảng viên nói chung và của học viên học tập lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
 Là đảng viên, học viên lớp Trung cấp Lý luận chính trị A8-K50, tôi rất vinh dự và tự hào được học tập tại ngôi trường giàu tính Đảng. Ở đây, tôi được nâng cao nhận thức về lý luận chính trị qua những bài học mà các thầy cô giáo đã truyền đạt. Các thầy, cô đã bám sát nội dung chương trình, đi sâu nghiên cứu vào bài dạy, thường xuyên tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với yêu cầu mới của xã hội; sự tương tác với học viên ngày càng nhiều hơn, gắn lý luận với thực tiễn trong từng bài giảng, giúp học viên hiểu rõ hơn về vấn đề đang học để có thể vận dụng tốt tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình công tác.
Trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên của nhà Trường luôn chủ động, tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các học viên về những giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo đã tiến hành lồng ghép, tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào nội dung chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị và các hệ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho các đối tượng. Giúp cho học viên hình thành, phát triển thế giới quan, phong cách tư duy biện chứng, khoa học, có ý thức cảnh giác, nhận diện, đánh giá khi tiếp cận các thông tin đa chiều, có đủ sức “đề kháng”, “miễn dịch” với sự xâm nhập của những thông tin sai trái, thù địch.
a81.png
Giờ học lý luận chính trị của lớp TCLLCT A8-K50
 
Trên thực tế, đa số học viên tham gia học tập đều nhận thức rõ tầm quan trọng của LLCT nên có thái độ học tập nghiêm túc, chấp hành nội quy, quy chế lớp học; đồng thời tích cực chủ động lĩnh hội tri thức ngay trên lớp và vận dụng vào thực tiễn công táctrong cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận học viên chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị, thậm chí có biểu hiện lười học chính trị, thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Một số học viên tham gia khóa họcvới ý thức học tập chưa cao, bởi xác định học để “chuẩn hóa”, học vì chỉ tiêu thành tích của đơn vị... Từ đó, những học viên này đến lớp với tâm trạng đối phó, nặng nề, đi học không đúng giờ, nghỉ học hoặc tranh thủ làm việc riêng trong giờ học, thậm chí còn ngủ gật trong giờ học, ít tham gia tương tác, trao đổi với giảng viên...
Quá trình dạy và học là quá trình tương tác hai chiều giữa giảng viên đứng lớp và học viên cùng với các hoạt động khác theo quy chế đào tạo. Quá trình này bị tác động bởi nhiều yếu tố từ cả hai phía học viên và giảng viên, thậm chí là có cả sự tác động từ các yếu tố khác như hành chính, quản trị, quản lý học viên...
Trước những vấn đề trên, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của học viên trong học tập lý luận chính trị, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, toàn diện có tính hệ thống từ cơ quan quản lý học viên, nhà trường, đội ngũ giảng viên đến học viên. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với cơ quan quản lý học viên. Cần nhận thức và quan tâm đúng mức về học tập lý luận chính trị; tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, công việc để cán bộ, đảng viên được cử đi học lý luận chính trị thực hiện đầy đủ chương trình học tập theo quy chế đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường phối hợp với cơ sở đào tạo để nắm và theo dõi quá trình học tập, rèn luyện của cán bộ, đảng viên được cử đi học lý luận chính trị; động viên, khích lệ kịp thời khi đảng viên của cơ quan được cử đi học đạt kết quả học tập, rèn luyện tốt.
Thứ hai, đối với Nhà trường. Cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho học viên phải xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn, tích cực. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, biện pháp quản lý học viên, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin. Nhà trường cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy, chuyển từ dạy kiến thức là chủ yếu sang phát triển phẩm chất, năng lực; chuyển từ dạy-học thụ động sang dạy-học chủ động theo phương châm: hiểu và vận dụng, chuyển từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình, chuyển từ quản trị hành chính sang quản trị thông minh, dân chủ, phục vụ và kiến tạo. Đồng thời, gắn hoạt động giảng dạy với hoạt động ngoại khóa, năng cao chất lượng đào tạo theo hướng tổ chức cho học viên nghiên cứu, học hỏi, tư vấn, tổng kết công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở địa phương, cơ sở theo mô hình “Nghiên cứu trước, bồi dưỡng sau, tư vấn sâu và kịp thời tổng kết”.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đội ngũ giảng viên và học viên về thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII và định hướng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Ngoài ra, Nhà trường cần tăng cường phối hợp với cơ quan, đơn vị cử học viên đi học trong việc quản lý, phản hồi thông tin về kết quả quá trình học tập, rèn luyện của học viên để học viên có thái độ tích cực khi tham gia học tập tại trường.
Thứ ba, đối với giảng viên. Thông qua hoạt động giảng dạy trên lớp, giảng viên cần tăng cường tuyên truyền, lan tỏa những giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc lồng ghép tuyên truyền đến các đối tượng học viên sẽ giúp nhận diện âm mưu và thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch dùng để xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin hiện nay, như: luận điệu sai trái về sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác-Lênin; chủ nghĩa Mác đã lỗi thời trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Từ đó nâng cao nhận thức và cùng nhau hành động để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bằng cách lồng ghép quan điểm của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết 35-NQ/TW trong các nội dung giảng dạy phù hợp. 
Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần giám sát việc chuyên cần của học viên một cách chính xác, đầy đủ; tăng cường yêu cầu học viên đọc giáo trình trước khi đến lớp để trong quá trình học tập cùng tham gia trao đổi, thảo luận, phát biểu ý kiến để hiểu sâu hơn về nội dung đang học, giúp cho giờ học giảm căng thẳng, mệt mỏi. Đặc biệt, giảng viên cần  khuyến khích, khơi gợi, truyền cảm hứng cho người học tích cực tham gia trao đổi hai chiều trong quá trình học tập tạo nên buổi học sinh động, hiệu quả và chất lượng.
Thứ tư, đối với học viên. Muốnhọc tốt lý luận chính trị, trước tiên, học viên phải xác định đúng động cơ, mục đích học tập. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, tác động trực tiếp đến kết quả học tập, rèn luyện của học viên. Khi học viên xác định đúng mục đích của học tập lý luận chính trị là nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn để “làm việc, làm người, làm cán bộ”, khi đó mới đủ quyết tâm để giải quyết các khó khăn, sắp xếp thời gian hợp lý cho việc học.
Mỗi học viên cần xây dựng thái độ chủ động, tích cực tham gia học tập lý luận chính trị để không ngừng phát huy ý thức học tập và rèn luyện, xem quá trình được học tập lý luận chính trị là cơ hội để hoàn thiện bản thân và xác định mục tiêu để cống hiến xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Học viên cần tích cực, chủ động đọc giáo trình và tìm hiểu bài học trước khi đến lớp để trong giờ học tham gia phát biểu ý kiến, trao đổi nội dung bài học, tham gia thảo luận nhóm để nâng cao chất lượng học tập.
Mỗi học viên phải nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị để nâng cao trình độ lý luận và năng lực thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm”. Nâng cao ý thức, thái độ, trách nhiệm của học viên trong học tập lý luận chính trị không chỉ là nhiệm vụ quan trọng đối với nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường, mà còn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc củng cố niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước./.
 Học viên: Hoàng Thị Mai Dung
Lớp: TC LLCT A8 - K50
---------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tập II.
2. Giáo trình: Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam – Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Nxb Lý luận chính trị.
3. Giáo trình: Xây dựng Đảng – Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Nxb Lý luận chính trị.
4. Giáo trình: Tư tưởng Hồ Chí Minh – Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Nxb Lý luận chính trị.
5. Giáo trình: Triết học Mác - Lênin – Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Nxb Lý luận chính trị.
6. Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của bộ chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2173
Hôm qua:
2628
Tuần này:
4801
Tháng này:
51175
Tất cả:
4.416.055