NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)!

Ngọc Lặc - Vùng đất của những di tích lịch sử!

Đăng lúc: 16:33:12 27/10/2023 (GMT+7)4260 lượt xem

 Những ngôi đền lịch sử cũng như các di tích khác trên quê hương Ngọc Lặc là tinh hoa và bản sắc văn hóa của địa phương. Việc lưu giữ, bảo tồn, trao truyền là nhiệm vụ hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm, sự tri ân của hậu thế đối với tiền nhân của cả hệ thống chính trị và người dân để níu chân du khách khi đến Thanh Hóa nói chung và đến Ngọc Lặc nói riêng.
Picture1 (10).jpg
Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai
 
Ngọc Lặc là một huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, được thiên nhiên ban tặng cho một vùng núi non, sông suối, cảnh sắc tươi đẹp và kỳ vĩ. Cùng với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, Ngọc Lặc đang là địa phương lưu giữ một kho tàng tài sản vô giá là các di tích lịch sử văn hóa đa dạng không phải nơi nào có; trong đó, có hệ thống các đền thờ các vị anh dùng dân tộc. Sau đây là những ngôi đền thờ các vị anh hùng dân tộc trên miền đất Ngọc Lặc:
Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai. Ngôi đền này nằm tại làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc,cách Khu di tích Lam Kinh khoảng 6km về phía Tây. Theo sách Đại Việt thông sử, vào năm 1419, lực lượng Nghĩa quân Lam Sơn bị giặc Minh bao vây trên núi Chí Linh, không có lối thoát nên tình hình trở nên khẩn cấp. Trong hoàn cảnh đó, Lê Lai đã đổi áo bào với Lê Lợi, liều mình cứu Chúa và bảo vệ nghĩa quân. Sự hy sinh cao cả của Lê Lai đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Để tưởng nhớ công ơn Ông, Lê Lợi đã cho xây dựng Đền thờ Lê Lai tại làng Tép, quê hương của Lê Lai và dặn con cháu phải tổ chức giỗ Lê Lai trước ngày giỗ của Lê Lợi một ngày. Vì vậy, dân gian có câu: “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.
2.jpg
 Chùa Nán
Linh Sơn Bàn Bù Thiền Tự (Chùa Nán). Di tích này nằm ngay trên Quốc lộ 15A nối với các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Toàn bộ di tích bao gồm khu vực núi, hang động, suối nước, các di tích chùa Nán, Đền thờ Mẫu Thoải, Đền thờ Lê Lai, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng sỹ nghĩa quân Lam Sơn. Đây là một quần thể di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh có giá trị văn hóa, lịch sử đậm nét.
3.jpg
Đền Lai - Đền thờ Lê Thái Tổ Hoàng Đế
 
Đền thờ Lê Thái Tổ Hoàng Đế hay còn gọi là Đền Lai. Ngôi đền này thuộc địa phận làng Minh Lai, xã Minh Sơn. Đền Lai được xây dựng làm nơi thờ cúng, tri ân công đức của vị tướng anh hùng tài giỏi là Lê Thái Tổ (Lê Lợi). Đền Lai là một di tích có giá trị đặc biệt, ý nghĩa lịch sử văn hóa to lớn, gắn với chuỗi Lễ hội Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh và Trung Túc Vương Lê Lai. Vào năm 2018, đền Lai đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
4.jpg
Lễ dâng hương tại đền Mỹ Lâm
 
Đền Mỹ Lâm. Ngôi đền tọa lạc tại thôn Phúc Long, xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc. Đây là nơi thờ tự ba anh em họ Đinh, gồm Đinh Lễ, Đinh Liệt và Đinh Bồ. Đây là những tướng lĩnh tài giỏi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo, họ đã góp công sức cùng với nhân dân giúp vua Lê Lợi đánh thắng giặc Minh giành lại độc lập cho nước nhà. Hàng năm, vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức Lễ dâng hương để bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn các vị anh hùng dân tộc và cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu an lạc, cầu phúc cho nhân dân, đồng thời giáo dục truyền thống anh dũng của các vị công thần cho con cháu. 
5.png
Đền thờ Bà Chúa Chầm
 
Đền thờ Bà Chúa Chầm. Bà Chúa Chầm là người phụ nữ gắn liền với Lê Lợi và Nghĩa quân Lam Sơn ở làng Chầm, xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc. Là người giúp đỡ Lê Lợi, và nghĩa quân Lam Sơn về lương thảo, nơi ăn, chốn ở. Sau khi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh giành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, định đô tại Đông Kinh (Kinh thành Thăng Long), phong bà làm Hoàng phi và đưa bà ra ở kinh thành, cùng các cung phi khác. Một lần về thăm quê và làm giỗ cho mẹ, bà đã dùng thuyền rồng lớn, ngược sông Âm về quê. Thuyền chở bà cùng cả đoàn dọc sông Âm, đến đoạn Hón Vắng không may bị bão đánh chìm và bà đã mất tại đây. Để tưởng nhớ đến công lao của bà đối với dân, với nước, Vua Lê Thái tổ đã cho nhân dân dựng đền thờ tại nơi bà mất, gọi là đền thờ Bà chúa Chầm, tôn bà là vị thần bảo vệ che chở cho dân làng. Lễ dâng hương tại Đền thờ Bà chúa Chầm được tổ chức vào ngày mùng 1 tháng 6 âm lịch hàng năm như lời nhắc nhớ thế hệ trẻ không quên những công lao dựng làng, dựng nước của các bậc tiền nhân.
6.jpg
 Các hoạt động văn hóa Mường thường xuyên được tổ chức tại đền Cọn
 
Đền Cọn: Đền thuộc địa phận thôn Vìn Cọn (trước đây là làng Cọn nên được gọi là Đền Cọn), thuộc xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc. Lễ hội Đền Cọn được tổ chức chính thức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm. Bên cạnh ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch, nhân dân Làng Cọn còn tổ chức "Lễ Ra Đền" vào ngày 10 tháng 3 và mồng 10 tháng 8 âm lịch. Đây là dịp để nhân dân nhớ đến công đức của tướng Lê Hoành, người đã có công lớn đối với cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn và Nhân dân vùng Mường Cao Ngọc và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
7.jpg
Đền thờ Lê Lâm
 
Đền thờ Lê Lâm. Là nơi thờ tự vị anh hùng dân tộc trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo. Đền thờ Lê Lâm có các kiến trúc truyền thống độc đáo và có các bức tượng, bia đá sinh động cùng các tác phẩm nghệ thuật trưng bày liên quan đến Lê Lâm và gia đình. Hằng năm vào ngày 20 tháng 10 âm lịch, nhân dân làng Chuối, xã Phùng Giáo tổ chức Lễ dâng hương để tưởng nhớ Lê Lâm. Đây là hoạt động thể thiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, trân trọng nhớ ơn công lao của người anh hùng đã vì dân, vì nước đứng lên chiến đấu và hy sinh.
8.jpg
 Lễ hội Mường Lập cổ
 
Đền Mường Lập gắn với Lễ hội Mường Lập cổ - là lễ hội văn hóa truyền thống gắn với nghi thức tâm linh thờ Thành Hoàng làng và Khai hạ của đồng bào dân tộc Mường xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc. Lễ hội Mường Lập được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường với những nội dung và nghi thức lấy nước tắm kiệu, đoàn rước kiệu đi phát lộc đầu năm, dâng các mâm lễ lên Thành Hoàng làng, tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian như: Pồn Pông, Cồng Chiêng, hát Xường, Đang, Bọ Mẹng, bắn nỏ, chơi cù, đánh mảng, chơi khẳng, chơi thẻ, ném còn, đi cà kheo...
Bên cạnh hệ thống đền thờ phong phú, Ngọc Lặc còn có nhiều ngôi chùa, nhà thờ họ, miếu, nghè, nhà sàn với niên đại hàng trăm năm vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc là điểm đến lý tưởng để tìm hiểu về cội nguồn dân tộc và lịch sử văn hoá của vùng đất Ngọc Lặc.
Trong những năm qua, chính quyền và Nhân dân Ngọc Lặc đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hệ thống di tích lịch sử trên vùng đất này vẫn chưa phát huy những giá trị như nó vốn có. Để phát huy một cách có hiệu quả giá trị của các di tích lịch sử, các danh thắng trên quê hương Ngọc Lặc, thiết nghĩ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân địa phương cần tiếp tục duy trì thực hiện việc bảo tồn, trùng tu và khai thác những giá trị lịch sử văn hoá ẩn chứa bên trong các di tích; đồng thời, quan tâm hơn nữa đến công tác đầu tư, phục dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích bị mai một và xuống cấp. Theo đó, rất cần sự phối hợp liên ngành trong quá trình đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử; đặc biệt, cần phát huy vai trò tự quản, tự giác và chủ động của cộng đồng trong giữ gìn, phát huy di sản, quản lý di tích, danh thắng, tổ chức lễ hội, thực hành di sản.
Những ngôi đền lịch sử cũng như các di tích khác trên quê hương Ngọc Lặc là tinh hoa và bản sắc văn hóa của địa phương. Việc lưu giữ, bảo tồn, trao truyền là nhiệm vụ hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm, sự tri ân của hậu thế đối với tiền nhân của cả hệ thống chính trị và người dân để níu chân du khách khi đến Thanh Hóa nói chung và đến Ngọc Lặc nói riêng./.
Học viên: Lê Thị Lan
Lớp: TCLLCT huyện Ngọc Lặc
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
906
Hôm qua:
2040
Tuần này:
2946
Tháng này:
71947
Tất cả:
5.296.178