THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Phát huy vai trò, trách nhiệm của học viên lớp TCLLCT A3.K52 về phòng chống lãng phí

Đăng lúc: 13:25:16 05/12/2024 (GMT+7)96 lượt xem

 Là học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, trong quá trình học tập và tham gia các phong trào thi đua, mỗi thành viên lớp TCLLCT A3.K52 đều nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với việc phòng, chống lãng phí; đồng thời, có thêm những bài học kinh nghiệm để tổ chức các hoạt động ở trường cũng như ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
b1.png

Tập thể lớp TCLLCT A3. K52 biểu diễn văn nghệ tại Đại hội Đoàn trường
 
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”; “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu không tiêu”. Như vậy, tiết kiệm mang ý nghĩa tích cực, chứ không phải là tiêu cực. Do đó, tất cả mọi người đều phải tiết kiệm, đó là chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ các yếu tố, giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức, nhưng vẫn đạt được mục tiêu xác định.
Đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống lãng phí. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”. Người nhiều lần nhấn mạnh: “Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của Nhân dân, mà nguy hiểm hơn là tham ô, lãng phí và quan liêu là thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm, làm tha hóa, suy thoái đạo đức cách mạng, phá hoại tinh thần trong sạch, ý chí vượt khó của cán bộ, đảng viên, là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an nguy quốc gia và sự tồn vong của chế độ”.
Là học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, trong quá trình học tập và tham gia các phong trào thi đua, mỗi thành viên lớp TCLLCT A3.K52 đều nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với việc phòng, chống lãng phí; đồng thời, có thêm những bài học kinh nghiệm để tổ chức các hoạt động ở trường cũng như ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thời gian qua, đa số học viên lớp A3 đều tham gia các phong trào Nhà trường phát động, như: biểu diễn văn hóa, văn nghệ tại các lễ kỷ niệm, hội thảo, diễn đàn; lao động vệ sinh khuôn viên Nhà trường; hoạt động ngoại khóa, ngày thứ 7 kết nối. Với tinh thần cầu tiến, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, ham học hỏi và với sự đoàn kết, quyết tâm, chăm chỉ luyện tập, thực hiện mọi công đoạn trong các hoạt động nên tập thể lớp A3 đã thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về vật chất và thời gian mà vẫn đạt được hiệu quả.
Tuy nhiên, một bộ phận học viên tham gia các hoạt động phong trào còn miễn cưỡng,  chưa nhiệt tình, có biểu hiện thờ ơ; điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng của các hoạt động tập thể của lớp, của trường. Bên cạnh đó, tinh thần cổ vũ, ủng hộ các hoạt động của một số học viên chưa cao nên các phong trào chưa thực sự lan tỏa mạnh mẽ, như: một số ý kiến muốn nạp tiền để thuê lao công dọn vệ sinh lớp, trường; thuê đạo diễn chương trình; chưa tận dụng triệt để khả năng tự làm, tự sáng tạo trong việc làm đẹp môi trường học tập và sinh hoạt ở ký túc xá...
Nguyên nhân của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của lớp A3 chưa được đông đủ học viên nhiệt tình thực hiện là do các hình thức động viên, khích lệ việc tham gia phòng, chống lãng phí còn chưa phù hợp, chưa phong phú. Ban cán sự lớp dù rất năng động và có trách nhiệm, nhưng do đảm nhiệm nhiều công việc với những áp lực từ cơ quan và công việc cá nhân, nên thời gian dành cho hoạt động chưa được đầu tư một cách tối ưu.
a
Tập thể lớp TCLLCT A3.K52 lao động vệ sinh khu vực ký túc xá, góp phần thực hành tiết kiệm
 
Để đẩy mạnh việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong tham gia, tổ chức các hoạt động phong trào của Nhà trường và của lớp TCLLCT A3.K52, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường công tác chỉ đạo về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí tại lớp học gắn với mục tiêu thực hiện các phong trào Nhà trường quy định. Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà Chi bộ lớp cần chú trọng quán triệt trong các cuộc họp; trong đó, cần thống nhất không thuê nhân công mà cá nhân hoặc chia tổ dọn vệ sinh lớp học. Như vậy không những sẽ tiết kiệm kinh phí cho lớp mà còn tăng cường ý thức bảo vệ môi trường xung quanh, quý trọng sức lao động chân tay khi cá nhân phải trực tiếp dọn vệ sinh. Theo đó, việc lao động vệ sinh trong trường thường xuyên phải phân công rõ ràng trách nhiệm của từng học viên, của từng tổ; đưa kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí là tiêu chí để đánh giá công tác thi đua của lớp.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo vệ tài sản công, bảo vệ môi trường. Để làm tốt công tác tuyên truyền, hàng ngày, mỗi học viên cần hành động cụ thể, như: tắt thiết bị điện tại phòng học ngay sau khi kết thúc buổi học; hạn chế bật điều hoà nhiệt độ khi thời tiết không quá nóng; sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm. Nhà trường cần thường xuyên kiểm tra hệ thống dẫn nước, tránh để rò rỉ ở các nhà vệ sinh.
Ba là, thường xuyên thực hiện công khai việc sử dụng tài chính của tập thể lớp với phương châm sử dụng hợp lý, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của học viên và nội dung hoạt động. Bên cạnh đó, sau khi kết thúc mỗi hoạt động, phong trào, cần công khai minh bạch để rút kinh nghiệm kịp thời.
Bốn là, thay đổi nhận thức về cách thức tổ chức các hoạt động tập thể với mục tiêu tiết kiệm kinh phí tối đa nhất. Theo đó, mỗi cá nhân cần chủ động, sáng tạo hơn nữa trong đóng góp các ý tưởng cho các phong trào, góp phần nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị. Nội dung các hoạt động cần đi sâu về chất, tăng cường tri thức. Việc biểu diễn văn hoá, văn nghệ cần thực hiện phương châm phát huy năng khiếu, sở trường của học viên nòng cốt và huy động sự tham gia của cả tập thể. Hoạt động nghiên cứu thực tế cần chú trọng nội dung nghiên cứu, cân nhắc và sử dụng hợp lý cho kinh phí cho việc kết nối, giao lưu.
Năm là, khen thưởng những học viên tích cực, sáng tạo trong tham gia hoạt động, giúp tiết kiệm kinh phí cho lớp. Việc làm này đòi hỏi Ban cán sự lớp phải đánh giá khách quan, kịp thời và sáng tạo trong cách thức khen thưởng, tạo được sự đồng thuận của tập thể, truyền được năng lượng tích cực, sự hào hứng tham gia đóng góp trí tuệ của các thành viên cho hoạt động phong trào của lớp.
Hy vọng rằng, những giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của học viên lớp TCLLCT A3.K52 trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tham gia, tổ chức các hoạt động ở trường, lớp, góp phần nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị./.
Học viên: Nguyễn Thị Bé
Lớp: TCLLCT A3 K52
Đơn vị công tác: Trường THCS Quảng Châu, TP Sầm Sơn
------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
       Hồ Chí Minh: Toàn tập, t7, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.407.
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1531
Hôm qua:
1283
Tuần này:
1531
Tháng này:
49215
Tất cả:
5.054.088